CHÚA N HẬT XXXIII Mùa TN A –13-11-2011

Châm ngôn 31:10-13, 19-20, 30-31; I Thêxalonica 5: 1-6;

Matthêu 25: 14-30


NHỮNG ẤN TƯỢNG BAN ĐẦU



Chúng ta đang dần tiến đến ngày Chúa nhật cuối cùng của năm phụng vụ. Tuần tới là lễ Đức Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ. Để chuẩn bị, tuần trước và hôm nay các bài đọc Tin Mừng của chúng đã đề cập đến ngày giờ tận thế và trách nhiệm của chúng ta với việc chàng rể đến trễ (tuần trước) và ông chủ vắng nhà lâu ngày (hôm nay). Chúng ta cũng đang nghe thư thứ nhất của thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Thêxalônica.

Thánh Phaolô viết cho tín hữu Thêxalônica về ngày tận thế và việc Đức Giêsu trở lại. Hôm nay, có vẻ như ngài đang giải đáp cho vấn đề “ngày giờ và thời kỳ”. Có lẽ có người đã hỏi về ngày Quang Lâm. Giáo Hội sơ khai mong Đức Giêsu mau đến và điều này có thể là thánh Phaolô đã rao giảng trước đó. Những ngày này, thỉnh thoảng chúng ta vẫn nghe có người giảng về một ngày gần kề và một số đám đông lên núi để chào đón Đức Giêsu trở lại. Có lẽ họ nên đọc thư gửi tín hữu Thêxalônica (1 Tx 5,1-6) trước khi bỏ dở công việc của mình để leo lên các ngọn đồi.

Thánh Phaolô không biết đích xác ngày nào Đức Giêsu trở lại, nhưng ngài chắc chắn rằng ngày đó sẽ đến – và sẽ đến bất thình lình. Thánh Phaolô dùng một hình ảnh gây bất ngờ để diễn tả Đức Giêsu sẽ trở lại cách nào: “như kẻ trộm ban đêm”. Đó cũng là một hình ảnh xuất hiện trong các sách Tin Mừng (Mc 13,35; Lc 12,39). Thánh Phaolô nhắc các tín hữu Thêxalônica rằng điều họ bận tâm không phải là việc suy đoán về “ngày giờ và thời kỳ”, nhưng là cần sống sẵn sàng, vì Đức Giêsu sẽ đến bất cứ lúc nào.

Mặt khác, thánh Phaolô nói với tín hữu Thêxalônica, họ phải sống sao cho xứng hợp, như thể ngày tận thế đã đến. Đức Kitô đã ở với chúng ta và chúng ta là “con cái ánh sáng, con cái của ban ngày”. Vì chúng ta đã được Đức Kitô giáng phúc, ánh sáng của Người chiếu rọi trong chúng ta, chúng ta phải chiếu tỏa ánh sáng đó cho thế giới bằng lối sống của mình. Chúng ta không quan tâm khi nào Đức Giêsu sẽ trở lại cho bằng việc chúng ta đang sống ở đây và được làm cho nên mạnh mẽ bằng tương lai mà chúng ta đã cảm nghiệm qua Bí tích rửa tội.

Qua dụ ngôn, Tin Mừng cũng nói đến thời gian chúng ta sẽ chờ đợi Đức Kitô là “rất lâu”. Người ta mong rằng cả ba đầy tớ được ông chủ trao cho các yến bạc sẽ đều ý thức về vai trò quan trọng của họ. Quý vị có nghĩ thế không? Sau hết, họ được ông chủ “giao phó” của cải. Đó chẳng phải là ân huệ khi ai đó trao những gì có giá trị cho chúng ta sao?

Các bậc thầy tôn giáo thời Đức Giêsu được ví như các đầy tớ trong dụ ngôn. Họ được trao cho luật lệ và truyền thống tôn giáo và phải giúp cộng đoàn sống sẵn sàng để Thiên Chúa đến trong cuộc đời của họ. Tuy nhiên, các kinh sư lại cứng nhắc trong những giáo lý của họ nên Đức Giêsu kết án họ không được thấy vương quốc trong Ngài, đang ở giữa họ. Giống như đầy tớ thứ ba trong dụ ngôn, họ hiểu sai những gì đức Giêsu mong chờ nơi họ.

Cả ba đầy tớ dường như có năng lực và tài phán đoán khác nhau về việc ông chủ của họ phân phát tiền bạc. Một “yến” tương đương với số tiền một người nghèo có thể sống khoảng từ 15 đến 25 năm. Vì thế, mỗi đầy tớ, ngay cả người đã nhận một yến, cũng đã được ông chủ trao cho một số tiền đáng kể. Chúng ta tìm thấy nguồn gốc khái niệm mà chúng ta dịch là “yến” (ân ban tự nhiên) trong dụ ngôn này. Nhưng trong dụ ngôn này, “ân ban tự nhiên” là số tiền được ông chủ đầu tư, rồi mong thu lại cả vốn lẫn lãi. Đây là cơ hội cho mỗi đầy tớ để chứng tỏ rằng điều ông chủ trao phó cho mình là chính đáng.

Người đầy tớ thứ ba đã không thất bại vì tư sai chỗ, mà vì anh đã không đầu tư gì cả - đã không cố gắng. Dụ ngôn không nói về những ân ban riêng của người đầy tớ, nhưng nói về sự lười biếng và nhát đảm của anh. Có lẽ anh sợ dù chỉ là một chút mạo hiểm gửi tiền vào ngân hàng cũng sẽ liên lụy đến mình. Giải pháp của anh là không nên mạo hiểm và chôn tiền dưới đất.

Dụ ngôn không đề cập đến những tài khéo cụ thể chúng ta sẽ được ban cho và chúng ta sử dụng chúng như thế nào. Đó là tất cả những gì chúng ta có. Ông chủ mong số tiền cần được đầu tư, tích trữ chỉ là lãng phí. Với chúng ta cũng thế. Đức Giêsu khích lệ chúng ta đặt tất cả cuộc đời của mình một cách dứt khoát trong việc phục vụ Ngài – không chỉ là những tài năng cụ thể. Chúng ta phải đầu tư cả bản thân mình vì danh Thiên Chúa, phục vụ Thiên Chúa bằng việc phục vụ tha nhân. Vấn đề không phải là chúng ta nghĩ mình đã được ban cho bao nhiêu. Mỗi chúng ta đã được rửa tội trong Đức Kitô thì cần dấn thân vào thế gian, ý thức rằng Đấng đã giao phó cho chúng ta thì cũng sẽ ở với chúng ta khi chúng ta đương đầu với cuộc sống và những thử thách của nó như là những Kitô hữu đích thực.

Trong dụ ngôn, Thiên Chúa không phải là ông chủ bủn xỉn và khắt khe. Đây cũng không phải là chuyện ngụ ngôn. Nhưng rõ ràng, cuộc sống chúng ta với Thiên Chúa khởi đi từ đây và ngay lúc này. Lúc này, sống mà không phục vụ Thiên Chúa nghĩa là chọn “bóng tối bên ngoài”. Sống phục vụ Thiên Chúa, bất cứ nơi đâu chúng ta được mời gọi, là một sự liều lĩnh, nhưng chúng ta được khuyến khích đón nhận sự liều lĩnh đó và không chọn lấy một sự an toàn ảo tưởng và hình thức dễ chịu nào trong mối tương quan môn đệ. Đức Giêsu nói với rằng chúng ta tìm thấy sự sống của mình bằng việc mất nó vì danh Ngài.

Những dịp để nói hay hành động dựa vào niềm tin của chúng ta có xảy ra thường xuyên không? Là những Kitô hữu, chúng ta có dám tiến bước để đầu tư chính mình vì danh Đức Kitô không? Hay chúng ta có nghĩ mình sẽ chỉ cố gắng để “giữ đức tin” giản dị và trong sạch cho tới khi Đức Kitô đến gọi chúng ta thanh toán? Tôn giáo tàn lụi khi nó bám chặt vào quá khứ và sẽ không thấy Thiên Chúa hiện diện và hoạt động theo những cách thức mới trong mỗi thế hệ. Một lời nói tử tế, một cử chỉ yêu thương, một lập trường ủng hộ lẽ phải – bất cứ gì được đòi hỏi nơi chúng ta đều được Đức Kitô đáp ứng, Người đã thắt chặt cuộc sống của mình với cuộc sống chúng ta trong thế gian này. Ông chủ phê bình người đầy tớ được trao một nén vì anh là một đầy tớ nhát đảm và đã không làm gì cả. Tốt hơn là hãy cứ liều, như có vẻ thế, rồi hãy cẩn thận sau! Chúng ta dám mạo hiểm biết bao trong Chúa, Đấng mong đợi mỗi chúng ta đầu tư chính mình trong những thách đố chúng ta phải đối diện!

Chẳng thú vị sao khi những người đầy tớ đã nắm bắt thời cơ và đã gây lời để cho ông chủ nhưng ông đã không nói với họ là “hãy thoải mái và vui hưởng sự thanh thản”? Thay vì vậy, họ được trao nhiều trách nhiệm hơn! Trong các giáo xứ, tôi luôn gặp gỡ những người kiên quyết “nhúng chân vào” một số việc tông đồ cần thiết như: dạy các lớp giáo lý cho trẻ em; huấn luyện những người đọc sách; quyên góp cho việc từ thiện; đan mền cho những bà mẹ mới sinh con và đơn thân; gia nhập nhóm Kinh Thánh; thành lập ủy ban công lý xã hội cấp giáo xứ.v.v. Sẽ chẳng bao giờ thất bại. Tất cả họ đều nói rằng họ bị cuốn hút nhiều hơn điều họ mong đợi – và họ yêu thích công việc đó! Đây là những đầy tớ đã nghe Chúa nói với họ “Khá lắm, hỡi tôi tớ tài giỏi và trung thành” – và họ cũng nghe rằng “Tôi sẽ giao nhiều cho anh”.

Điều ngạc nhiên là những đầy tớ này có vẻ thích được làm giao nhiều việc hơn. Họ tin vào tình yêu bao bọc và nâng đỡ của Thiên Chúa khi họ dám dấn mình vào sự rủi ro nguy hiểm trong tương quan môn đệ. Họ sẵn lòng chia sẻ với niềm vui của chủ. Các đầy tớ “tài giỏi và trung tín” này không xem Thiên Chúa như Đấng đưa ra các nguyên tắc chung chung rồi mong con người tuân theo một cách chính xác. Nhiều người có vẻ tưởng tượng Thiên Chúa là như thế. Thay vào đó, họ cất bước đến những phần khác của vườn nho mà trước kia họ chưa từng đặt chân đến để bắt đầu làm việc. Họ tin tưởng vào những trách nhiệm họ được trao và tin vào Đấng Ban Ơn nâng đỡ họ.




Lm. Jude Siciliano, OP

Chuyển ngữ:: Anh em HV Đaminh Gò-Vấp