-
Moderator
Lịch sử tóm tắt Giáo Hoàng Học Viện Piô X Đà Lạt (1957-1975)
LỊCH SỬ TÓM TẮT GIÁO HOÀNG HỌC VIỆN PIO X ĐÀ LẠT (1957-1975)
(VietCatholicNews 14/07/2007)
Giáo hoàng Học viện Pio X Đà Lạt có lịch sử không dài nhưng phong phú. Sau khi đất nước bị chia cắt năm 1954, miền Nam Việt Nam, khi đó được gọi là Việt Nam Cộng Hoà đang phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn. Chính phủ kêu gọi các Giêsu hữu, những người mới bị trục xuất khỏi Trung Hoa, góp một tay phụ giúp Đại Học Sài Gòn. Vì thế, Giám mục cũng kêu gọi Dòng Tên trợ giúp trong việc đào tạo hàng giáo sĩ. Bởi vì có nhiều người bị trục xuất khỏi Trung Hoa nên lời kêu gọi trên được nhiều giáo sư hưởng ứng.
Giáo hoàng Học viện Đà Lạt nhìn từ trên máy bay
Năm 1957, cha Ferdinand Lacretelle đến Sài Gòn và khởi sự một cộng đoàn anh em Dòng Tên, sau này phát triển thành Trung tâm Đắc Lộ. Theo yêu cầu của các Giám mục, ngài lên Đà Lạt, nơi đây, một đại học công giáo cũng mới được hình thành. Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin chuẩn nhận việc thành lập Chủng Viện Giáo Hoàng ở Đà Lạt cho khoảng 100 chủng sinh và được trao cho Dòng Tên đảm trách.
Ngày 13 tháng 9 năm 1958, những lớp chủng sinh đầu tiên bắt đầu chương trình học trong một ngôi nhà do Đại Học Công Giáo nhường cho. Năm tiếp theo, số chủng sinh tăng lên, có những cái tên tiêu biểu như Nguyễn Văn Nhơn, Nguyễn Tích Đức, Nguyễn Văn Nho,... Cơ sở đầu tiên của chủng viện là một khu nhà được gọi là "Viện Đại Học Khu C" gần ngay trong khu vực Chủng viện Simon Hoà cũ bằng gỗ. Ban huấn luyện đầu tiên gồm cha Lacretelle, các cha Bobbio và Deslierres, Palacios và Ruiz, với sự trợ giúp của tu huynh Herhold. Cha Franz Burkhardt là viện trưởng đầu tiên, đó là năm 1960, khi Đà Lạt trở thành một giáo phận, giám mục tiên khởi của giáo phận là Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền. Năm 1962, cha Burkhardt trở thành Giám tỉnh của Tỉnh dòng Viễn đông và cha Karl Steinmetz giữ vai trò viện trưởng trong vài tháng, cho đến khi cha Paul O’Brien đến và làm viện trưởng từ 1962 đến 1965.
Việc xây dựng Giáo Hoàng Học Viện cũng được tiến hành, người ta có thể đọc thấy những dòng chữ sau ở ngay cổng vào của toà nhà:
Một lớp chịu chức ở Giáo hoàng Học Viện
A.D. MCMLXI.
KALENDIS. AUGUSTI.
MAIRUS. BRINI. DELEG. APOST.
EPISC. VIETNAMIENSIBUS. ADSTANTIBUS.
COL. PONTIF. SANCTI. PII. X.
FUNDAMENTA.
JECIT.
Nghĩa là: “Vào năm 1961, ngày đầu tiên của tháng 8, vị Đại diện của Toà Thánh, Mario Brini, trước sự hiện diện của các Giám mục Việt Nam, đã đặt viên đá đầu tiên xây dựng Giáo Hoàng Học Viện thánh Pio X.” Công trình xây dựng được chính thức khánh thành ngày 22 tháng 4 năm 1964, cho dù đã có các lớp học ở đó từ năm 1963. Phân khoa thần học được thành lập ngày 31 tháng 7 năm 1965 bởi một sắc lệnh của Thánh Bộ về Chủng viện và Đại học. Phân khoa được liên kết với Đại học Công giáo. Các khoá học lấy bằng cử nhân được tiếp tục cho đến năm 1975; khoá học đầu tiên lấy bằng tiến sĩ được tổ chức năm 1972.
Một số Giêsu hữu và giáo sư đã làm việc ở đây. Năm 1965, cha Giuseppe Raviolo được chỉ định làm Viện trưởng. Phân khoa đã hoàn chỉnh với sự góp mặt của các giáo sư triết học như các cha Joseph, Mathias Ch’en và Alberto Palacios, ngoài ra còn được sự hỗ trợ bởi các giáo sư ngắn hạn như cha Joseph De Finance từ Đại học Gregorian ở Roma.
Cha Enrique San Pedro, một người Cuba, phụ trách môn Kinh thánh. Ngài qua đời khi là Giám mục của giáo phận Brownsville, Texas năm 1994. Đồng nghiệp với ngài là cha José Ramón de Diego. Cha Anton Drexel dạy môn Thần học hệ thống, ngài là người có thể trả lời mọi câu hỏi. Cùng dạy với ngài là cha Hervé Coathalem, một nhà khoa học vĩ đại nhưng có một giọng nói thật khó nghe. Cha Francisco Javier Urrutia, tiến sĩ về Giáo luật, dạy môn Thần học luân lý, cùng với cha Lacretelle, cha József Kráhl, một người Hungary, đến Việt Nam năm 1967, dạy môn lịch sử (ngài qua đời ở Cebu, Philippine năm 1999) và những người khác nữa.
Ban Giáo Sư Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt
Năm 1972, J-R. De Diego làm Viện trưởng. Trong suốt nhiệm kỳ của ngài, xuất hiện nhiều giáo sư hơn nữa, điển hình như các cha Felipe Gómez, Gildo Dominici, Roger Champoux, Nil Guillemette. Ngoài những hoạt động khoa bảng, Giáo hoàng Học viện còn đảm trách vai trò như là phân khoa thần học duy nhất ở Việt Nam, và vì thế tiến hành một số công trình nghiên cứu hầu có thể đóng góp cho đất nước một nền thần học sâu rộng hơn, điều mà ngày nay gọi là “hội nhập văn hoá.” Dưới sự hướng dẫn của cha F. Gómez, việc chuyển ngữ các tài liệu của công đồng Vatican II đã hoàn tất và đưa vào xuất bản với phần chú giải. Bên cạnh đó, tạp chí Tuyển Tập Thần Học cũng được hình thành. Tạp chí bao gồm những bài báo đã được chuyển ngữ, phỏng theo hình thức của tạp chí Theology Digest ở Mỹ. Một số sách của cha Drexel cũng được chuyển ngữ, nhưng chất lượng lại không được như ý. Sau thành công của bản dịch công đồng Vatican II, một cuốn sách quan trọng nữa được chọn để chuyển ngữ. Đó là cuốn Từ Vựng Thần Học Thánh Kinh của Xavier Léon-Dufour. Sự xuất hiện của cộng sản đã làm gián đoạn công việc, tuy nhiên, cuốn sách vẫn được hoàn tất và xuất bản thành bốn cuốn nhỏ.
Năm 1975, tất cả mọi mơ ước cho tương lai gặp phải một ngõ cụt. Niên khoá 1974-1975 khai giảng như thường lệ vào ngày 1 tháng 9. Phân khoa dường như được thay máu bởi sự hiện diện của André Lamothe, Pierre Gervais và Paul Lachance từ Canada; Phạm Hữu Lai, người đã tốt nghiệp Đại học Sorbonne ở Paris. Cha De Finance cũng đến vào năm đó. Cha Đỗ Quang Chính dạy môn Lịch sử và cha Aram Berard dạy Anh Văn. Khi đó, số chủng sinh là 252 người. Ngày 19 tháng 03 năm1975, Đà Lạt được đề nghị Giám mục mới, cha Nguyễn Sơn Lâm, người vừa mới được phong chức giám mục tại Sài Gòn ngày 17, cha De Diego cũng tham dự. Ngay ngày 19, khi giám mục và viện trưởng về lại Đà Lạt bằng máy bay do tình cảnh chiến sự, liền tổ chức cuộc họp để quyết định chuyển Giáo Hoàng Học Viện về Sài Gòn để thúc khoá học ở đó, nhưng dự định bất thành.
Ngày 28 tháng 8 năm 1975, tất cả các thừa sai nước ngòai nhận lệnh phải rời khỏi Việt Nam trong vòng 48 tiếng đồng hồ. 14 Giêsu hữu buộc phải chia tay rời xa các học trò để ra đi.
Theo tài liệu, tổng số chủng sinh đã học tại Giáo hòang Học viện Đà Lạt có ít nhất là 358 người mà trong đó đã có 178 linh mục và 10 giám mục.
LM Felipe Gómez, SJ
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules