ĐTC nói tại Brno Séc: ''Con ngưòi cần được giải thoát khỏi những áp bức vật chất..''

Thánh lễ chúa nhựt 27-9 tại Brno, Cộng hòa Séc:


Chúa nhựt hôm qua, ngày thứ hai trong chuyến tông du Cộng hoà Tchèque, vào ban sáng ĐTC đã cử hành Thánh lễ cho cộng đoàn Dân Chúa tại giáo phận Brno, thành phố lớn thứ hai của quốc gia, cách thủ đô 200 cây số. Sau đó, ngài trở lại Praha và vào ban chiều, đã có cuộc gặp gỡ đại kết tại toà Tổng giám mục và cuộc gặp gỡ giới văn hoá đại học.

Rời phi trường Praha lúc 8 giờ 35 phút, máy bay chở Đức Thánh Cha và đoàn tuỳ tùng đã đáp xuống phi trường Brno 35 phút sau đó. Brno là một thành phố với dân số là 366.680 người, nhưng giáo phận này (được thành lập từ năm 1777) thì rộng lớn hơn, với diện tích 10.597 cây số vuông, gồm 533 ngàn tín hữu công giáo trên tổng số dân là 1.354.000 người.



Thánh lễ được cử hành tại một bãi đất gần phi trường. Trong số 150 ngàn tín hữu tham dự, nhiều người đã đến từ các nước láng giềng: Slovak, Balan, Đức, Hungari và Áo. Khoảng 50 hồng y và giám mục đồng tế. Ngay từ đầu buổi lễ, một linh mục đã trình bày ước muốn của đức thánh cha là cử hành thánh lễ trang nghiêm, không vỗ tay hoan hô, không phất cờ, khác với những cuộc biểu tình vẫn quen diễn ra trước đây. Cộng đoàn đã hưởng ứng, đặc biệt là giữ những phút thinh lặng sau bài giảng và sau khi hiệp lễ.

Các lời nguyện được xướng bằng tiếng latinh, các bài đọc và bài ca bằng tiếng Tchèque. Nên biết là các bài đọc Sách Thánh được chọn lọc dựa theo đề tài của bài giảng là sự hy vọng. ĐTC đã đọc bài giảng bằng tiếng Ý, và sau mỗi đoạn thì một linh mục đã dịch ra tiếng địa phương.

Các bạn thân mến, do tính cách đặc biệt của buổi cử hành phụng vụ hôm nay, tôi đã hoan toàn nhất trí với đức giám mục của các bạn để chọn các bài đọc Thánh lễ theo đề tài: hy vọng. Tôi chia sẻ đề nghị với đức giám mục khi nghĩ đến nhân dân của quốc gia này, cũng như nghĩ đến châu Âu và toàn thể nhân loại, đang khao khát tìm kiếm một nền tảng vững chắc để xây dựng tương lai. Trong thông điệp Spe salvi, tôi đã nhấn mạnh rằng niềm hy vọng chắc chắn và đáng tin tưởng hơn cả dựa vào Thiên Chúa. Kinh nghiệm của lịch sử cho thấy rằng khi loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi những kế hoạch và hoạt động thì con người sẽ đi tới chỗ phi lý đến độ nào, và không dễ gì xây dựng một xã hội dựa trên các giá trị của thiện hảo, công lý và huynh đệ, bởi vì bản tính của con người là có tự do, và sự tự do thì dòn mỏng. Vì thế sự tự do cần phải được chinh phục liên lỉ để nhắm tới điều thiện hảo, và hết mọi thế hệ đều có bổn phẩn phải đi tìm cách để xây dựng trật tự hài hoà, và điều này không đơn giản. Chính vì thế mà chúng ta họp nhau nơi đây để lắng nghe lời chỉ dẫn con đường dẫn tới hy vọng, lời duy nhất có khả năng mang lại hy vọng vững bền, bởi vì là lời của Thiên Chúa.

Chú giải bài đọc một (trích từ Is 61,1-3), đức thánh cha nhắc lại rằng chính Chúa Giêsu đã áp dụng những lời ấy cho sứ mạng của mình, đó là loan báo sự giải phóng, niềm vui, sự an ủi cho hết mọi kẻ sầu muộn và nghèo khổ. Người đã hoàn tất sứ mạng đó khi chết trên thập giá và sống lại từ cõi chết: Đức Kitô đã giải phóng chúng ta khỏi cảnh nô lệ của tính ích kỷ và sự dữ, của tội lỗi và cái chết. Đây là sứ điệp cứu độ mà Giáo hội loan truyền qua muôn thế hệ: Đức Kitô tử nạn và phục sinh là niềm hy vọng của nhân loại.



Sứ điệp này vẫn còn vang lên ngày hôm nay cho các bạn. Quê hương các bạn (cũng như nhiều quốc gia khác) đang sống trong một khung cảnh văn hóa thường trở nên một thách đố cho niềm tin và niềm hy vọng. Thực vậy, vào thời nay, niềm tin và hy vọng tôn giáo đã bị đẩy lui vào lãnh vực cá nhân hoặc bên kia thế giới, trong khi mà trong cuộc sống thường nhật, người ta đặt niềm tin tưởng vào tiến bộ khoa học và kinh tế. Chúng ta biết rằng sự tiến bộ này khá hàm hồ: nó mở ra nhiều chiều hướng tích cực cũng như tiêu cực. Các sự phát triển kỹ nghệ và sự tiến bộ xã hội là điều quan trọng và cần thiết, nhưng chưa đủ để bảo đảm hạnh phúc cho xã hội. Con ngưòi cần được giải thoát khỏi những áp bức vật chất, nhưng cũng cần được cứu thoát sâu đậm khỏi những sự dữ đè nặng trên tinh thần. Ai có khả năng cứu thoát nêu không phải là Thiên Chúa, Đấng là Tình thương, và đã bày tỏ khuôn mặt của người cha hiền nơi đức Giêsu Kitô? Vì thế niềm hy vọng vững bền của chúng ta là đức Kitô: nơi Người, Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta tới cực độ và đã ban cho ta sức sống sung mãn, sức sống mà mỗi người đang tìm kiếm, cho dù họ không ngờ.



Trích dẫn lời Tin mừng được khắc trên cánh cửa nhà thờ chánh toà “Hỡi những ai mệt mỏi và bị đè nén, hãy đến với Tôi, Tôi sẽ bổ sức cho”, đức thánh cha bổ túc với những lời “hãy học cùng Tôi là kẻ hiền lành và khiêm nhường trong lòng, và các bạn sẽ được tìm được sự bồi dưỡng cho cuộc sống” (Mt 11,29-30) và đặt câu hỏi: không lẽ chúng ta lại thờ ơ trước tình thương của Chúa ư? Trong những thế kỷ trước đây, biết bao người đã chịu cực khổ để giữ lòng trung thành với Tin mừng và không mất niềm hy vọng; biết bao nhiêu người đã hy sinh bản thân để đem lại phẩm giá cho con người, tự do cho dân tộc, nhờ tìm được sức mạnh nơi việc gắn bó với Chúa Kitô. Trong xã hội ngày nay, đứng trước những hình thức nghèo khó phát sinh bởi sự cô lập, bị ruồng bỏ, bởi sự khước từ Thiên Chúa, bởi sự khép kín trong tự mãn, thì duy chỉ Chúa Kitô mới có thể là niềm hy vọng duy nhất. Đây là sứ điệp mà các Kitô hữu mang trọng trách phải loan bào và làm chứng.

Trong phần kết luận, ĐTC đã ngỏ kêu gọi đến hết mọi thành phần của dân Chúa: linh mục, tu sĩ, giáo dân trưởng thành hay thiếu niên, các gia đình; họ hãy loan bao sứ điệp hy vọng của Chúa Kitô, nhờ lời chuyển cầu của các thánh tiền nhân và của Đức Mẹ Maria.


Bình Hòa