MỞ HUYỆT CHO HỖN ĐỘN



Vua của Nam Hải gọi là Trữ, vua của Bắc Hải gọi là Hốt, vua của trung ương gọi là Hỗn Độn. Trữ và Hốt thường đến trung ương để du ngoạn, Hỗn Độn vẫn luôn tận tâm tiếp đãi họ.

Trữ và Hốt rất cảm ơn Hỗn Độn, nên quyết định sẽ làm một việc gì đó cho ông ta để đền đáp. Ngày hôm ấy, hai người cùng bàn luận nên làm thế nào cho tốt: “Người có thất khiếu, dùng để nghe, ăn uống, hít thở, nhưng Hỗn Độn lại không có gì cả, thật đáng tiếc, chúng ta nên giúp ông ta đục khiếu.”

Thế là hai người giúp Hỗn Độn đục mở một khiếu (lỗ), đến ngày thứ bảy thì bảy khiếu đã đục xong, Hỗn Độn cũng chết luôn.

(Trang tử: Ứng đế vương)

Suy tư:

Vạn vật trên thế gian, mọi thứ đều có bộ mặt và đặc tính của chúng nó, không cần phải hết lòng thay đổi, đẹp nhất chính là sự đơn giản tự nhiên.

- Có những con sư tử được nuôi trong sở thú, nó không còn vẽ oai hùng nhanh nhẹn tự nhiên nữa, vì đã được con người chăm sóc cung phụng.

- Có những người khi cuộc sống còn khó khăn cơm ngày ba bữa không đủ, mà đời sống của họ rất đơn sơn tự nhiên ai cũng mến, nhưng khi giàu có lên thì không còn như thế nữa, bởi vì từ giọng nói cung cách của họ đều thay đổi cho phù hợp với vẻ trưởng giả của mình.

- Có một vài vị khi chưa làm linh mục thì tính tình đơn sơ dễ thương, vâng lời, chịu khó học tập, nhưng khi làm linh mục rồi, được giáo dân gọi bằng cha thì không còn đơn sơ tự nhiên nữa, ăn nói “đao to búa lớn”, xa cách mọi người, không còn chịu khó học tập, và dành cho mình quyền hưởng thụ.

Ông vua Hỗn Độn không cần có thất khiếu nhưng vẫn đối xử tận tình tốt lành với bạn bè, đừng đem cái hiểu biết nông cạn của mình mà thay đổi cái vĩ đại của Thiên Chúa nơi vạn vật theo ý của mình.

Mà ý của bản thân mình thì chỉ có kiêu căng, khoe khoang và khoác lác mà thôi.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.