“... Lúc ra đi trong lòng mang một hoài bão lớn là quyết định làm thay đổi cuộc sống nhưng nào ngờ hoàn cảnh lại xô đẩy theo chiều hướng ngược lại. Nếu như lúc ở nhà tôi là một người vui tính mà sang đây hoàn cảnh đã xô đẩy tôi trở thành một con người rất cực đoạn, tâm trạng lúc nào cũng u buồn, chán nản. Mảnh đất Malai đã làm cho tôi mất đi tất cả mọi hoài bão của cuộc đời. Nung nấu ý định trả thù, trả thù những kẻ đã làm cho tôi ra nông nỗi này. Nhưng biết đến lúc nào tôi mới được trở về đây...”.
(Trích những dòng Nhật ký của Thọ viết ở Malaysia,
ngày 25/10/2006)
Thi trượt đại học, Nguyễn Hữu Thọ (SN 1985, ở Thanh Mỹ, Thanh Chương, Nghệ An) vay ngân hàng 20 triệu đồng sang Malaysia lao động. 11 tháng ở nước bạn là khoảng thời gian vô cùng tủi nhục đối với Thọ, bị ông chủ phá hợp đồng, đánh đập, giam cầm như một tù binh...
Ngày đi tưng bừng, ngày về thê thảm
Ngày 17/1/2006, Thọ cùng một số người trong xóm lên máy bay sang Malaysia làm việc theo hợp đồng đã ký với Công ty cung ứng lao động quốc tế công đoàn Việt Nam (LaTuCo), có Chi nhánh tại 156 Đinh Công Tráng, TP Vinh (Nghệ An).
Theo hợp đồng, Thọ sẽ làm nghề dệt may trong 3 năm ở nước bạn, ngày 8 tiếng, nếu làm thêm giờ sẽ tính thêm vào tiền lương. Để chi phí cho chuyến đi, gia đình Thọ phải bỏ ra hơn 23 triệu đồng.
Sang đất khách, hầu hết Thọ và các anh em đều làm thêm giờ, 12 tiếng/ngày. Trong quá trình làm việc, rất nhiều lần nhóm lao động Việt bị chủ đánh đập. Nhưng đến cuối tháng, ông chủ không trả lương. Hết 40 ngày làm việc, Thọ được trả gần 2 triệu đồng. Đó là phần lương cứng, phần lương làm thêm chưa được tính đến.
Quá bức xúc, Thọ cùng hàng chục lao động đã đồng loạt đình công, đòi được trả lương theo đúng hợp đồng. Thọ cho biết: “Để uy hiếp, bọn tay sai của ông chủ đã lôi cổ 4 anh em người Việt đến một phòng khác rồi tra tấn... Sợ bọn chúng làm liều nên các anh em phải quay lại làm việc. Riêng 4 người bọn em, ba ngày sau mới được thả”.
Tháng thứ ba, phần lương làm thêm của các lao động vẫn không được tính. Một lần nữa, các lao động lại đình công. “Một hôm, hàng chục tay môi giới lăm lăm gậy cùng với 2 người cảnh sát vào phòng của công nhân đánh đập túi bụi. Anh em chạy toán loạn, nhiều người uất ức đến mức định nhảy tầng tự tử cho ra chuyện. Số khác phải tung trần leo lên nóc nhà ngồi, ôm khư khư bình cứu hoả để chống đỡ. Chỉ đến khi có sự can thiệp của cảnh sát cơ động thì cuộc hành hung mới chấm dứt”, Thọ kể lại.
Sau đợt này, 4 công nhân không chịu đựng nổi đã một mực đòi về nước, trong đó có Thọ. Do còn vướng mắc về giấy tờ nên chủ lao động đưa cả 4 anh em đến một địa điểm khác, chờ ngày hồi hương. Họ bị nhốt trong phòng kín gần 2 tháng, mỗi ngày được ăn một bữa vào lúc 11 giờ đêm.
Sau đó, lại vì lý do thủ tục, 3 người kia được về nước trước, Thọ tiếp tục chuỗi ngày lưu lạc. Không có giấy tờ tùy thân, Thọ sống chui lủi nhờ sự cưu mang của bạn bè suốt mấy tháng liền. Sau đó, Thọ đến nhờ sự trợ giúp của Đại sứ quán Việt Nam ở Malaysia.
Ngày 3/11/2006, sau gần 11 tháng “làm ăn” ở nước ngoài, Thọ trở về với tấm thân tàn tạ, đối mặt với món nợ ngân hàng gần 20 triệu đồng.
Hàng chục lao động bị bỏ rơi
Đi Malaysia cùng đợt với Thọ có 52 người. Anh Nguyễn Thế Quý (SN 1973) giờ vẫn nhớ như in ngày mình bị bắt nhốt trong phòng và bị tra tấn như tù binh chiến tranh: “Bọn chúng đùng đùng lôi chúng tôi đi rồi đánh đập. Xong việc quẳng chúng tôi vào một cái phòng hoang chẳng có chiếu chăn hay vật dụng gì, cứ sáng sớm chúng lại vứt cho một cục bánh mì đắng nghét để ăn cả ngày. Bốn anh em sống như con vật. Được 3 ngày thì chúng thả ra”.
Theo anh Quý thì sau khi Thọ về nước mấy tháng, số công nhân đưa sang cùng đợt cũng về theo vì không có việc làm.
Ngày 16/1/2007, Quý về nước. Anh được Công ty LaTuCo hỗ trợ 10 triệu đồng và ký thanh lý hợp đồng lao động. Riêng Thọ vẫn chưa nhận được đồng bồi thường nào.
Thọ bảo, sợ đi nước ngoài lắm rồi, kỳ này kiếm nghề học thôi.
Đặng Nguyên Nghĩa