Chủ Tịch Một Phường Bị Bắt Quả Tang Nhận Hối Lộ


Friday, March 28, 2008

SÀI GÒN, (NV) - Chiều 27 tháng 3, ông Lê Văn Bình, 35 tuổi, chủ tịch phường 12 quận Gò Vấp đã bị bắt ngay tại phòng làm việc khi đang nhận 1.5 triệu đồng là tiền hối lộ. Sáng 28 tháng 3, ông Trương Văn Non, phó bí thư kiêm chủ tịch quận Gò Vấp đã chính thức xác nhận tin này với báo giới

Trước đó, một người dân ngụ tại phường 12, quận Gò Vấp đã đến UBND phường này xin xác nhận hồ sơ nhà đất nhưng UBND phường 12 quận Gò Vấp hẹn đến ngày 5 tháng 4 mới giải quyết. Khi người dân này trình bày rằng do có nhu cầu nên cần được xác nhận sớm hơn, ông Lê Văn Bình đã ra giá, muốn xác nhận ngay, phải chi 1.5 triệu đồng. Người dân vừa kể đã tố cáo với công an và công an đã tổ chức mật phục để bắt quả tang việc ông Bình đòi hối lộ.

Ông Lê Văn Bình bị bắt ngay sau khi cầm tiền cho vào ngăn kéo bàn làm việc của mình. Sau khi xác nhận thông tin về việc ông Lê Văn Bình bị bắt do đòi và nhận hối lộ, ông Trương Văn Non xác nhận thêm, thanh tra quận Gò Vấp vừa tiến hành thanh tra công vụ và phát giác tại UBND phường 12, quận Gò Vấp có tới 318/337 hồ sợ bị “ngâm” không trả đúng hẹn như quy định. Ông Non cũng thừa nhận dân chúng phường 12 quận Gò Vấp từng nhiều lần phàn nàn rằng hồ sơ của họ thường bị UBND phường 12, quận Gò Vấp nại ra nhiều lý do khác nhau để “ngâm” như vậy.

Thông Tấn Xã Việt Nam cho biết, sau khi ông Bình bị bắt quả tang vì nhận hối lộ, UBND quận Gò Vấp đã ký quyết định đình chỉ chức vụ của ông Bình. Hiện ông Bình đã bị tạm giam và công an đang mở rộng điều tra.

Trên thực tế, tệ nạn đòi công dân phải chung chi, đóng góp mới đáp ứng nhu cầu xác nhận giấy tờ của họ là điều rất phổ biến trong các cơ quan hành chính của Việt Nam. Tình trạng này trầm trọng tới mức năm ngoái, thủ tướng CSVN phải ban hành một chỉ thị vừa yêu cầu chính quyền các địa phương phải bỏ ngay những khoản thu không có trong qui định vừa khẳng định: “Các khoản huy động có tính tự nguyện để xây dựng cơ sở hạ tầng, huy động mang tính chất xã hội, từ thiện phải thực hiện theo đúng nguyên tắc tự nguyện. Không được ra văn bản bắt buộc đóng góp, không được giao chỉ tiêu huy động cho cấp dưới, không gắn việc huy động đóng góp với việc cung cấp các dịch vụ công mà người dân được hưởng...”. Tuy nhiên tình trạng kể trên vẫn chưa chấm dứt. Trong số ra ngày 25 tháng 3, tờ Tuổi Trẻ lại vừa cho biết, ngay tại Sài Gòn, vẫn còn rất nhiều UBND phường, xã ép dân chúng phải đóng tiền cho các loại quỹ như “An ninh quốc phòng”, “Phòng chống lụt bão”, “Bảo trợ trẻ em”, “Xóa đói giảm nghèo”... dù đây chỉ là các loại quĩ chỉ có thể thu theo hình thức tự nguyện. Thậm chí, quyết định thu quỹ “An ninh quốc phòng” đã hết hiệu lực. Cũng theo tờ Tuổi Trẻ, dù thủ tướng CSVN đã từng yêu cầu bãi bỏ các loại lệ phí hành chính (khai sinh, khai tử, hộ khẩu, chứng minh nhân dân) nhưng đến nay, các cơ quan hành chính ở Sài Gòn vẫn thu các loại phí này.

Vẫn theo tờ Tuổi Trẻ, ngoài Sài Gòn, tại Tiền Giang, nhiều xã, phường vẫn tổ chức thu các loại phí, lệ phí sai qui định. Dân chúng ở các huyện: Chợ Gạo, Cái Bè, Cai Lậy... vừa trực tiếp đến văn phòng UBND tỉnh khiếu nại về việc chính quyền địa phương tổ chức thu nhiều loại phí, lệ phí. Trong đó, xã Hậu Thành, huyện Cái Bè gửi giấy mời dân đến “làm việc” để nghe phổ biến yêu cầu đóng “tiền đầu công”, nếu không đóng thì xã không thu thuế nhà đất. Xã Nhị Quý, huyện Cai Lậy, ngoài thông báo bắt dân đóng “tiền đầu công” với mức 500,000 đồng/héc ta, còn bắt đóng thêm “tiền đầu xe” với mức 50,000 đồng/xe gắn máy. Một số xã ở huyện Chợ Gạo thông báo ai không nộp “tiền đầu công” thì sẽ “vận động” đến khi nào nộp mới... thôi! (G.Ð)