-
Moderator
Không có dấu chấm hết
Không có dấu chấm hết
CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN – NĂM C
KHÔNG CÓ DẤU CHẤM HẾT
Bài đọc 1: Xh 32, 7-11. 13-14
Bài đọc 2: 1 Tm 1, 12-17
Tin mừng: Lc 15, 1-32
Trong Chúa Nhật vừa qua, Chúa Giêsu đã có một đòi hỏi thật quyết liệt đối với những ai muốn đi theo làm môn đệ của Ngài. Tuy nhiên, Ngài cũng biết rõ sự yếu đuối của mỗi người chúng ta, nên Ngài vẫn luôn sẵn sàng chờ đợi chúng ta trở về sau mỗi lần lầm lỡ. Thiên Chúa không đặt dấu chấm hết cho ai bao giờ. Để thấy rõ hơn lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta cùng đọc lại phần phụng vụ Lời Chúa hôm nay.
SỰ BẤT TRUNG CỦA CON NGƯỜI
Trong bài đọc một thuật lại câu chuyện bất trung của dân Do Thái đối với Giavê Thiên Chúa. Lúc đó, khi đoàn dân đến chân núi Sinai, Môisen đang lên núi để nhận bản Giao Ước, thì dân ở dưới chân núi đã vội đúc một con bò vàng để thờ lạy. Giavê Thiên Chúa nói với Môisen: “Ngươi hãy đi xuống; dân mà ngươi dẫn ra khỏi đất Ai Cập đã phạm tội. Chúng sớm bỏ đường lối Ta đã chỉ dạy cho chúng, chúng đã đúc tượng bò con và sấp mình thờ lạy nó”. Nghe lại bản văn này, có lẽ chúng ta cũng có một tâm trạng thật buồn cho dân Do Thái. Họ vừa được Thiên Chúa giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập. Và giờ đây, họ lại được Thiên Chúa hạ mình để ký kết với họ một Giao Ước. Vậy mà họ đã quay lưng lại, chiều theo dục vọng, để sấp mình thờ lạy bò vàng trước mắt. Họ chưa đủ đức tin để đi theo một Thiên Chúa vô hình.
Tôi thấy hình như cũng có phảng phất đâu đây hình bóng của chúng ta. Thiên Chúa đã yêu thương, nâng đỡ và ban cho mỗi người chúng ta “hết ơn này đến ơn khác”. Vậy mà chúng ta cứ năm lần bảy lượt bất trung với Thiên Chúa, mãi chạy theo những cái trước mắt chẳng khác gì dân Chúa khi xưa. Thật đúng như lời Chúa nói với Môisen: “Ta thấy rõ dân này là một dân cứng cổ”.
Sự bất trung của con người còn được thể hiện qua hình ảnh người con thứ, khi anh ta đòi chia gia tài ngay khi người cha còn sống. Và khi đã nhận được ½ gia tài mà người cha đã “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” để làm ra. Anh ta đã ra đi, không phải để tự lực làm ăn, buôn bán đỡ đần gánh nặng cho người cha già, nhưng là “ăn chơi xa xỉ, phung phí hết tiền của” mà người cha đã giao cho anh. Giống như người con thứ, chúng ta cũng đã phung phí biết bao nhiêu hồng ân mà Thiên Chúa đã gởi đến cho chúng ta, kể cả giá Máu của chính Con Thiên Chúa đổ ra trên thập giá vì chúng ta.
Không chỉ là những lỗi phạm cố ý, chúng ta còn có những lỗi phạm do vô tình, như tâm sự của thánh Phaolô với môn đệ Timôthê trong bài đọc hai: “Trước kia cha là kẻ nói phạm thượng, bắt đạo và kiêu căng… vì cha vô tình làm những sự ấy trong lúc cha chưa tin”
Thế nhưng, mặc cho sự cứng cổ của dân Chúa, sự phạm thượng của Thánh Phaolô, hay cả sự phung phí, ương ngạnh của người con thứ, sự bất trung do vô tình hay hữu ý của chúng ta. Cuối cùng, Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương con người trong đó có quý OBACE và cả tôi nữa.
TÌNH YÊU CỦA THIÊN CHÚA
Tình yêu của Thiên Chúa thể hiện qua việc Ngài “đã nguôi cơn giận, không thực hiện điều dữ mà Người đe dọa phạt dân Người” như chúng ta vừa nghe trong bài đọc một.
Còn đối với Phaolô, thì chẳng những Thiên Chúa không báo oán, không trừng phạt dù trước đây ngài là “kẻ nói phạm thượng, bắt đạo và kiêu căng”, nhưng Thiên Chúa đã thương xót chọn ngài làm tông đồ của Chúa, như lời tâm sự của thánh nhân với môn đệ Timôthê mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc hai: “Đức Giêsu Kitô đã đến trong thế gian này để cứu độ những người tội lỗi, trong số ấy, cha là người thứ nhất. Vì thế, cha được hưởng nhờ ơn thương xót, là Đức Giêsu Kitô tỏ ra tất cả lòng khoan dung trong cha trước hết”. Và thánh nhân xác tín rằng tình yêu của Thiên Chúa đối với con người thật là bao la, khi Chúa Cha ban cho chúng ta Người Con Một yêu dấu của Ngài là Đức Giêsu Kitô “đến trong thế gian này” không phải để cứu độ người công chính, nhưng “để cứu độ những người tội lỗi”.
Đặc biệt tình yêu của Thiên Chúa hôm nay còn được thánh sử Luca diễn tả thật rõ nét và tuyệt vời hơn trong đoạn Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe với ba dụ ngôn: Con chiên lạc, đồng bạc mất và nhất là câu chuyện về người Cha nhân hậu.
Người Cha này là biểu tượng hết sức cụ thể của lòng thương xót Chúa. Cho dù đứa con thứ của ông bỏ nhà ra đi, tiêu tán hết tài sản của ông. Và giờ đây, với “thân tàn ma dại” nó trở về, thì ông cũng không một lời kết án. Nếu để ý chúng ta sẽ thấy trước khi trở về, người con thứ đã soạn một bài diễn văn để tạ lỗi trước Trời và trước người cha. Khi gặp cha anh đã nói lên lời sám hối. Thế nhưng, người cha hình như chẳng nghe thấy gì cả.
Con ông đã trở về. Thế là quá đủ cho ông.
Niềm vui đó đối với ông lớn quá. Lớn hơn cả tội lỗi của đứa con, lớn hơn cả những tài sản mà nó đã hoang phí. Vừa thấy nó khi “nó còn ở đàng xa, … ông đã chạy lại, ôm choàng lấy cổ nó hồi lâu”. Rồi cũng chẳng nghe, chẳng chờ nó xin lỗi, người cha này đã vội vã gọi đầy tớ gia nhân đem áo mới, giày mới, nhẫn mới ra để mặc cho con mình. Đồng thời, ông cũng thúc giục gia nhân làm một bữa tiệc thật lớn để ăn mừng ngày con ông trở về. Tôi cũng có thể hình dung khuôn mặt người cha này lúc đó chắc đang ràn rụa nước mắt. Ông vừa nói vừa khóc. Những giọt nước mắt của vui mừng.
Lòng thương xót của Chúa thật bao la. Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta thật tuyệt vời, không thể nào nói hết được. Đứng trước tình yêu của Thiên Chúa, có lẽ chúng ta chỉ có thể làm một việc là cất tiếng ngợi khen Ngài như lời tác giả Thánh vịnh trong bài đáp ca: “Lạy Chúa, xin mở môi tôi, miệng tôi sẽ loan truyền lời ca khen”. Không chỉ là một lời ca khen, tình yêu Chúa còn đòi chúng ta đáp trả bằng những hành động cụ thể.
MỜI GỌI ĐÁP TRẢ
- Lời đáp trả trước hết, và đẹp nhất, thiết tưởng, đó là chúng ta luôn cố gắng sống trong tình yêu của Thiên Chúa, và chứng tỏ điều đó bằng việc tuân giữ trọn vẹn giáo huấn của Chúa Giêsu như lời Ngài phán: “Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy”.
- Kế đó, Thiên Chúa đã không đặt dấu chấm hết cho bất kỳ một ai. Ngài luôn mở rộng cửa để chờ đón từng đứa con đi hoang trở về. Chúng ta đã nhận được lòng thương xót đó, thì giờ đây đến lượt mình, chúng ta cũng đừng đặt dấu chấm hết cho bất cứ một người anh chị em nào. Cho dù người anh chị em của chúng ta có yếu đuối, có giới hạn, có lỡ lầm … đến đâu đi chăng nữa, chúng ta cũng hãy tỏ lòng khoan dung đối với họ. Hãy trao cho anh chị em chúng ta một nụ cười, một lời hỏi thăm, nâng đỡ … Hãy tạo cho người chồng, người vợ, hãy để cho cha mẹ, anh chị em, con cái chúng ta một cơ hội để họ giao hòa với Thiên Chúa và đến với chúng ta.
- Cuối cùng, chúng ta hãy luôn ghi nhớ rằng: Thiên Chúa của chúng ta là một người cha nhân hậu, đầy lòng xót thương. Ngài luôn giang rộng đôi tay chờ đón chúng ta trở về. Vì thế, cho dù tôi và quý OBACE có nhiều yếu đuối, lỡ lầm, chúng ta cũng đừng nản lòng, tuyệt vọng. Chúa đã không đặt dấu chấm hết cho chúng ta. Chúng ta cũng đừng tự đặt dấu chấm hết cho bản thân mình. Chúng ta hãy tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa, noi gương người con thứ trong Tin mừng hôm nay, để mau mắn chỗi dậy trở về làm hòa với Thiên Chúa, với anh chị em. Hãy trở về với Thiên Chúa để được sống trong vòng tay yêu thương chăm sóc của Ngài. Amen.
Lm Phêrô Trần Thanh Sơn
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules