LẠI GÓP MỘT SUY TƯ

Ngày Chúa nhật 27 tháng 01 năm 2008 trôi qua nặng nề, qua các phương tiện thông tin, người ta biết được Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội ra công văn hạn định cho Tòa Tổng Giám Mục phải giải tán cầu nguyện và rút hết các tượng ảnh về, trong công văn này Ủy Ban cũng đã lên tiếng sẽ dùng biện pháp mạnh.

Hầu như tất cả mọi người đều lấy làm tiếc cho UBND TP Hà Nội, tiếc vì một bộ phận chính quyền địa phương quan trọng nhất trong cả nước ( Thành phố thủ đô ) mà thiếu điều nghiên kỹ các vấn đề trước khi ra công văn có tính cách như vậy.

Trước hết là vấn đề tôn giáo

Những người có trách nhiệm chính trị phải biết rằng tôn giáo là một lãnh vực nhạy cảm và sinh tử, hãy nhìn ra thế giới bên ngoài, những cuộc nổi loạn, những cuộc chiến tranh kéo dài và khốc liệt, những cuồng nộ sẽ bộc phát nếu những người có trách nhiệm hoặc một nhóm, một bộ phận nào đó có va chạm tôn giáo, đành rằng nhìn vào quá trình tranh đấu, người công giáo Việt Nam khá ôn hòa và bình tĩnh, các vị chức sắc trong đạo cũng luôn lên tiếng nhắn nhủ tín hữu ôn hòa bình tĩnh, nhưng bên cạnh thái độ ôn hòa và bình tĩnh, UBND TPHN. phải thấy được quyết tâm của họ.

Thứ hai là đã có sự thay đổi trong xã hội và trong nhận thức của người dân UBND TP HN không thể đơn giản dựa trên những kinh nghiệm quá khứ về tôn giáo để hành xử như cũ, xã hội Việt Nam ngày nay đã thay đổi rất nhiều, nhận thức của người dân cũng đã thay đổi rất nhiều. Cứ nhìn xem các hoạt động mang tính chính trị thì thấy, còn mấy ai hăng hái tham gia những cuộc diều hành hay các hoạt động mừng các loại lễ lớn nhỏ của nhà nước nữa đâu. Thế giới thông tin bùng nổ, mọi kiểu thông tin một chiều hoặc bưng bít thông tin đều bị phản tác dụng, đơn giản chỉ cần một cái máy điện thoại di động của một người qua đường, thông tin ngày lập tức đã được minh bạch truyền đi.

Ngày Chúa nhật

Công văn “Tối hậu thư” đã tính sai “điểm rơi”, ra thời hạn vào chiều ngày Chúa nhật thì hoàn toàn bất lợi cho nhà cầm quyền, dùng biện pháp mạnh trong ngày Chúa nhật càng làm cho lòng tin của tín hữu thêm manh mẽ, bởi ngày Chúa nhật là ngày của Chúa, người công giáo tin như vậy.

Tác động của Thánh Kinh

Các bài đọc Thánh Kinh ngày Chúa nhật 27/1/2008 hoàn toàn có thể triển khai giảng dạy và mang tính thiết thực cho cuộc đấu tranh, các bài Thánh Kinh không thể triển khai theo hướng nào khác. Một thế gian đen tối và nhân loại phải gánh chịu bất công làm người tín hữu rất dễ hình dung ra xã hội họ đang sống, những vụ việc tiêu cực, những sa đọa đồi trụy, những áp bức khiếu kiện nhiều nơi, các giá trị đạo đức bị phá hỏng, … Ánh sáng chiếu soi vào thế gian tăm tối, những ánh nến đua nhau thắp lên làm tăng thêm tính xác thực của họ. Vụ án Gioan bị bắt vì trình bày sự thật, bảo vệ sự thật làm cho họ thêm “dòng máu anh hùng” sẵn sàng tử vì đạo, chẳng vậy mà họ đã hát đi hát lại câu “chết bên Mẹ con sợ chi, con ngại chi” !

Nói tóm lại, tôi nhận thấy, việc đưa ra công văn “tối hậu thư” của UBNDTPHN là một sai lầm lớn trong tính toán. Trong một lần trao đổi giữa các lãnh đạo cấp cao của cả bên công giáo và chính quyền, một vị lãnh đạo bên tôn giáo đã nhắc lại “chuyện xưa”, chuyện nhà nước bắt và phá tan 5 tu viện tại Thủ Đức năm 1978, “bao nhiêu năm qua chúng ta sống với nhau, quí vị đã thấy chúng tôi chưa, chúng tôi có nguy hiểm như quí vị nghĩ cho đến nỗi phải tạo ra vụ án 5 tu viện như vậy không ?”, vị bên chính quyền trả lời “thuở ấy mới vào, chúng tôi cũng đâu có rõ gì, cũng tại một phần lớn do người bên quí vị”. Thế mới biết “cố vấn” quan trọng là dường nào, cố vấn sai hoặc không có cố vấn giỏi hậu quả sẽ khó lường.
Mai Hạnh