-
Senior Member
Kỷ niệm cũ: phim “Lệ Ðá” đoạt giải Ðiện Ảnh 1971
Kỷ niệm cũ: phim “Lệ Ðá” đoạt giải Ðiện Ảnh 1971
Ngành Mai
Một trong những phim Việt Nam nổi tiếng thời kỳ trước 1975 là phim “Lệ Ðá” do hãng Cinévina Film thực hiện, đoạt giải nhứt trong ngày Ðại Hội Ðiện Ảnh 1971. Ðây là cuốn phim đầu tiên của nhà sản xuất kiêm đạo diễn Võ Doãn Châu, đã một thời gây chấn động làng điện ảnh, đồng thời giới hâm mộ nghệ thuật thứ bảy lúc ấy cũng cho rằng đây là một tiến bộ đáng kể của kỹ nghệ của phim ảnh Việt Nam.
Ngày Ðại Hội Ðiện Ảnh tổ chức tại rạp Rex vào Tháng Chín năm 1971 dưới sự chủ tọa của ông tổng trưởng thông tin thời bấy giờ, và trong bài diễn văn ông đã chúc tụng ngành điện ảnh vượt tiến, cũng như hứa sẽ giúp đỡ người làm phim bằng tất cả sự tận tụy và khả năng sẵn có.
Phim “Lệ Ðá” được trình chiếu sau đó, và là cuốn phim đen trắng thuộc loại kinh dị với những cảnh khiến người xem phải hồi hộp. Chuyện phim phóng tác theo truyện ngắn “Ðại Úy Trường Kỳ” của nhà văn Nguyễn Mạnh Côn. Thành phần tài tử gồm: Thanh Lan, La Thoại Tân, Ðoàn Châu Mậu, Ngọc Phu, Phượng Trang, Bà Năm Sa Ðéc, Thái Chi Lan...
Sau buổi đại hội, ban tổ chức còn mở tiệc tiếp tân tại nhà hàng Caravel, rất nhiều quan khách, báo chí, tài tử tham dự và thành phần ban tổ chức như sau:
- Trưởng ban tổ chức: ông Thái Thúc Nha, giám đốc hãng Alpha Film, chủ tịch Hội Sản Xuất Phim Ảnh Việt Nam.
- Phó trưởng ban nội vu: ông Lưu Trạch Hưng, giám đốc hãng Mỹ Vân Film.
- Phó trưởng ban ngoại vụ: ông Nguyễn Tăng Hồng giám đốc hãng Thiên Nga Film.
- Tổng thư ký: ông Ðỗ Văn Bồng, chủ sự Phòng Kỹ Nghệ Ðiện Ảnh.
- Ủy viên tài chánh: cô Kim Cương, giám đốc hãng Kim Cương Film.
- Ủy viên giao tế: cô Kiều Chinh, giám đốc Giao Chỉ Film.
- Ủy viên báo chí: ông Lưu Bạch Ðàn, giám đốc Trùng Dương Film.
- Cố vấn tổ chức: ông Võ Văn Ðại, giám đốc Cinévina Film.
- Cố vấn tổ chức: ông Tôn Thất Cảnh, quản đốc Trung Tâm Ðiện Ảnh.
Sau đây chúng tôi xin trích một số đoạn trong bài diễn văn quan trọng của ông Thái Thúc Nha đọc trong ngày Ðại Hội Ðiện Ảnh Kỳ Ba.
“...Hôm nay ngày 22 Tháng Chín, Ngày Ðiện Ảnh Việt Nam được tổ chức Kỳ Ba với tất cả lòng hân hoan của giới điện ảnh, để đánh dấu sự hiện diện của bộ môn điện ảnh trong các bộ môn văn hóa khác, chứng tỏ điện ảnh Việt Nam đã thành hình và đang trên đà tiến mạnh...
Người ta không thể ngờ rằng, trong những năm qua chỉ vài phim của Trung Tâm Ðiện Ảnh được thực hiện trong sự chìm đắm tê liệt của điện ảnh Việt Nam. Tư nhân đã giải nghệ hoặc ngồi chờ thời cơ thuận tiện. Nhưng kể từ đầu năm 1970 một loạt phim Việt Nam được tung ra thị trường, liệt kê cho đến đầu Tháng Bảy, 1971, có tất cả 14 phim và hiện còn 14 phim xong xuôi đang chờ rạp, cộng với 8 phim đang, hoặc đã bắt đầu quay. Nguyên nhân sự thay đổi ấy, một phần là nhờ ở sự thúc đẩy của Bộ Thông Tin, thức tỉnh những người làm phim ngái ngủ chờ thời...
Chúng tôi xin ghi ơn Bộ Thông Tin đã cho chúng tôi liều thuốc hồi sinh để hoạt động trở lại trong nghề mà chúng tôi ưa thích, bộ đã đơn phương giúp đỡ các nhà sản xuất bằng cách hợp tác sản xuất và yểm trợ kỹ thuật. Cũng nhờ Bộ Thông Tin mà số phim thực hiện xong đã đạt con số bất ngờ nói trên.
Theo sự nhận xét của những nhà khai thác điện ảnh, mỗi phim Việt Nam có thể thay thế cho 3 phim nhập cảng. Như vậy số phim đã có (36 phim), Bộ Kinh Tế có thể bớt đi 108 phim trong số phim nhập cảng, tiết kiệm khoảng 500.000 Mỹ kim và giúp cho điện ảnh Việt Nam có rạp để chiếu phim Việt Nam, một hình thức giúp đỡ thiết thực và ủng hộ cho sản phẩm xứ sở.
Ngày nay mọi người đều công nhận phim ảnh không phải là để giải trí, mà còn là một trong những bộ môn văn hóa, phản ảnh cả nền văn hóa quốc gia. Không cần phải nhắc lại rằng chúng ta đã trao đổi phim Việt Nam với phim ngoại quốc, và đã tham dự những Ðại Hội Ðiện Ảnh Quốc Tế. Những phim Việt Nam đã được chiếu nhiều nơi ở hải ngoại, chứng tỏ rằng ta có một nền văn hóa không thua kém ai. Tuy con số đang còn ít ỏi chưa đáng kể, nhưng một ngày gần đây phim ảnh Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để rạng mặt rạng mày ở các nước khác, và toàn thể chúng ta cũng hãnh diện chung.
Ðiện ảnh cũng là một kỹ nghệ có tầm vóc vĩ đại, ở các nước Âu Mỹ kỹ nghệ điện ảnh được xếp hàng thứ 3 sau kỹ nghệ kim khí, hầm mỏ và trên bao nhiêu kỹ nghệ khác. Ðiện ảnh đã nuôi một số lớn công nhân và chuyên viên, điện ảnh là một nguồn lợi tức vô tận, không những trong thị trường quốc nội mà quốc ngoại cũng vậy. Lợi tức khai thác điện ảnh Việt Nam ở trong nước sẽ còn lại trong nước; lợi tức thâu hoạch ở những phim xuất cảng đem ngoại tệ về cho ta, và nếu tầm mức phim sản xuất lớn lần lên mãi thì việc nhập cảng phim ngoại quốc sẽ giảm đi nhiều, tiết kiệm biết bao nhiêu là ngoại tệ. Tuy vậy cái hào quang rực rỡ kia vẫn đang còn ở chân trời xa xăm, nếu người làm điện ảnh không ý thức được trách nhiệm của mình và mọi giới không tiếp tay với những người chuyên nghiệp thì tất cả sẽ sụp đổ, tàn lụn như đám lửa trời.
Một số người trong giới trí thức Việt Nam, học cao tài rộng, thường đem so sánh phim nhà với phim ngoại quốc và kết luận là phim Việt Nam chỉ cho giới bình dân. Chúng tôi công nhận sự thua kém về kỹ thuật cũng như mỹ thuật, nhưng nếu phim Việt Nam được sự ủng hộ của giới trí thức thì giới làm phim buộc lòng phải cố gắng để thực hiện cho được những phim có thể làm thỏa mãn mọi tầng lớp trong xã hội chúng ta.
Các tư nhân ngày nay là những người đã đầu tư những số vốn to lớn rong các kỹ nghệ. Nếu những vị ấy chịu khó đầu tư vào kỹ nghệ điện ảnh thì chắc chắn không mấy hồi phim Việt sẽ tiến mạnh hơn và thoát khỏi sự nghèo nàn hiện tại. Hiện nay các ngân hàng chỉ chuyên giúp đỡ những nhà xuất nhập cảng, hoặc thương gia làm việc trong hoạch định hẹp hòi để tránh bất ngờ. Nếu những ngân hàng đầu tư vào điện ảnh, giúp cho những nhà sản xuất có khả năng, kinh nghiệm, thì phim Việt Nam cũng sẽ đem lợi cho họ không khác gì những thương vụ thường ngày.
Phim Việt Nam ngày nay khác hẳn phim trước đây từ nội dung đến hình thức, kỹ thuật đã vững vàng, việc nhờ vả ngoại bang đã được hạn chế đến mức tối đa. Rồi đây tại Sài Gòn sẽ có nhiều hãng tự rửa lấy phim màu, những xảo thuật cụ thể đã được thực hiện trên các phim in rửa trong nước (Spécial effects và Animation). Tiếng nói đã ăn khớp, gần như thâu thanh trực tiếp trong lúc quay, nhạc đấm đá có nghĩa, và nhất là các diễn viên đã được tăng cường bằng những lớp đào tạo những người mới phần đông đã dành cho khán giả nhiều bất ngờ về khả năng diễn xuất của họ.
Trong khó khăn hiện tại, một ít phim đã được quay bằng phim màu, đem lại màu sắc trên màn ảnh, mà khán giả đã quá quen với màu sắc những phim nhập cảng. Tuy thế, chúng tôi không lấy đó làm hãnh diện, và chắc chắn chúng tôi còn phải cố gắng hơn nhiều, tiếp tục hy sinh để thực hiện cho bằng được chương trình kỹ nghệ hóa điện ảnh. Nhưng sức chúng tôi có hạn, tiền chúng tôi eo hẹp và cần sự đóng góp, sự chung vốn để thoát khỏi sự nghèo nàn, mà quí vị cũng đã nhận thấy qua nhưng phim gần đây.
Sự tiếp tay và đóng góp của giới tư nhân cũng vẫn chưa đủ, nếu chính quyền chỉ giữ cương vị khách quan trong công việc kỹ nghệ hóa điện ảnh Việt Nam (95% những khó khăn hiện tại mà những nhà sản xuất phim Việt Nam đều gặp phải chỉ có chính quyền mới giải quyết được).
Những khó khăn đó có thể xếp thành 10 mục kê khai sau đây... (Kỳ tới chúng tôi sẽ đăng 10 điều mà ông Thái Thúc Nha nêu lên yêu cầu chính quyền).
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules