Nhận Biết Qua Những Dấu Chỉ (cn 3 PS năm A)



Chúa Nhật tuần qua, 01/5/2011, ĐGH Bênêđictô XVI đã chính thức tôn phong Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II lên bậc Chân Phước. Ngài là vị Á Thánh tốt lành, giàu lòng nhân ái.

Nhớ lại 6 năm trước đây khi Ngài mới qua đời, cả Giáo Hội sống trong buồn sầu, thương nhớ. Giới Trẻ như mất đi một thần tượng lý tưởng, các Hồng Y làm tuần cửu nhật dâng lễ đêm ngày, vị Giám Mục thư ký và các Soeurs người Ba Lan phục vụ Đức Cố Giáo Hoàng ra vào phòng Ngài vấn vương, lưu luyến…Tất cả còn hoài niệm nhiều hình ảnh đẹp về con người Gioan Phaolô II dễ nhớ, dễ thương.

Trong cùng một tâm trạng ấy, hai môn đệ đi trở lại làng Emmaus hôm nay cũng thế. Thầy Chí Thánh Giêsu, một bậc tôn sư kính yêu trong mắt họ, cũng vừa từ trần. Bao sướng khổ buồn vui ngày xưa với người chết, lúc này vẫn đong đầy nhiều dấu ấn khó phai. Đã thế, tin tức Ngài mới sống lại càng làm cho các ông phân vân thêm. Biết tìm Ngài nơi đâu bây giờ?

Bất thình lình, người khách lạ vô tình xuất hiện, đồng hành với các ông. Họ đàm đạo với nhau về cái chết của người bị lên án tử Giêsu, Họ cùng nhau nhớ lại lời các ngôn sứ đã tiên báo trong Kinh Thánh. Họ mời nhau dừng chân tại quán trọ bên đường lúc xế chiều. Đôi mắt tâm hồn hai môn đệ mới thực sự mở to khi nhận ra dấu chỉ bẻ bánh quen thuộc của vị khách qúy: chính Thầy đó! Tâm tư họ bừng cháy. Và con tim đã vui trở lại.

Maria Madalêna nhận biết Đức Kitô Phục Sinh khi nghe người làm vườn gọi đích danh tên mình bằng giọng nói quen thuộc. Tôma Đidymô tin thật Đức Kitô đã sống lại, khi ông thấy dấu đinh ở tay Chúa, đụng chạm ngón tay vào lỗ đinh và thọc bàn tay ông vào cạnh sườn Thầy. Các Tông Đồ nhạy bén nhận ra Thầy Giêsu đã sống lại từ trong cõi chết khi Ngài hiện ra và ăn uống thoải mái trước mặt các ông. Nhận biết Chúa qua những dấu chỉ đời thường, thật hữu ích lắm thay!!!

A. Nhận thức sự kiện qua những biểu tượng khác nhau.

Đi vào lòng cuộc đời, ta luôn thấy thế giới quanh ta có nhiều dấu chỉ, có lắm tín hiệu đa dạng. Mỗi biểu tượng ấy, thường gợi lên trong trí ta một ý nghĩ quen thuộc.

Nhìn một chai thủy tinh màu xanh lá cây, có chữ H in đậm trên đó: nhận ra bia Heineken.

Đi shopping, thấy áo pull có thêu hình con ngựa trên túi áo: biết rõ sản phẩm đồ hiệu Polo.
Ra phố, từ xa thấy chữ M cong, màu vàng to lớn bên đường: nhớ ngay tiệm Mc Donald.

Vào nhà thờ, thấy một vị mặc áo sơ mi đeo cổ trắng: chắc chắn đó là Linh Mục, Tu Sĩ.

Gặp một panô vẽ hình 5 chiếc bánh với 2 con cá: gợi nhớ hình ảnh Bí Tích Thánh Thể.

Đến nơi cộng cộng, bước ngang qua cửa tiệm trên khung kính có hình con rắn bò quanh một ống nghiệm: nhạy bén hiểu ngay đó là Pharmacy, phòng bán thuốc.

Chạy xe hơi, đến ngã tư thấy đèn đỏ bật sáng: hiểu rõ tức khắc mật lệnh “phải dừng lại”.

Dự Thánh Lễ, nhìn lên cung thánh LM mặc áo lễ tím: nhớ ra lễ cầu hồn, mùa Vọng, mùa Chay.

Chung chung, không thiếu những dấu chỉ quen thuộc giúp ta dễ nhận biết các sự kiện liên quan. Vậy, đâu là biểu tượng thông dụng, giúp người khác nhận ra tôi là một Kitô hữu, là một người Công Giáo?

Làm Dấu Thánh Giá: lời tuyên xưng cụ thể nhất, biểu lộ niềm tin Một Chúa Ba Ngôi.

Thực thi bác ái, yêu thương, tha thứ, giúp đỡ nhau: thể hiện Kính Chúa, yêu người.

Ngày nay, các tài tử điện ảnh, nhạc trẻ, nghệ sĩ…thích mang Thánh Giá trên người như một hình thức thời trang, khiến người khác dễ lầm tưởng họ là người Công Giáo. Thực tế, phải sống đạo tuyên xưng nơi Chúa bằng Đức Tin, Đức Ái (kính Chúa, ái nhân) mới xứng đáng là Kitô hữu đích thực.

B. Nhận biết Chúa qua những dấu chỉ trong đời.

Lật lại từng trang Kinh Thánh, đọc qua sách Hạnh Các Thánh…ta thấy rất nhiều trường hợp các đấng bậc tiền bối đi trước chúng ta: họ nhận biết Chúa ngay trong các sự kiện bình dị, dễ nhớ.

Nhận biết Đấng Mêssia qua sự giới thiệu trung gian: Philipphê nói với Nathanael về Đấng mà Sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới (Ga 1:45).

Nhận biết Đức Giêsu qua ánh sáng quyền uy phủ xuống từ trời: Phaolô ngã ngựa tại Đamas và hiểu ý Chúa trao ban cho ông một sứ vụ (Cv 9:1-6).

Nhận biết Chúa qua lời mời gọi thân tình (Mt 4:18-22): Bốn tông đồ đầu tiên (Phêrô, Anrê, Giacôbê và Gioan) bỏ nghề chài lưới, từ giã nghiệp ngư phủ để đi theo Chúa.

Tin nhận Đức Kitô Phục Sinh qua dấu chỉ trực tiếp: Chúa sống lại hiện đến và giơ tay Ngài ra cho các Tông Đồ chạm vào, họ đã thấy và đã tin (Lc 24:40).

Nhận ra Thầy Chí Thánh nhờ những cử chỉ quen thuộc: bẻ bánh (Lc 24:31), thấy lỗ đinh trên tay Thầy (Ga 20:27-28), thấy mẻ cá bội thu khác thường (Ga 21:6-7).

Nhận biết Ơn Gọi làm sáng danh Chúa trong thời gian dừng bước giang hồ: Chàng binh sĩ Inhaxiô de Loyola (31/7) nằm dưỡng thương bệnh viện, buồn bã đọc sách Hạnh Các Thánh, tự dưng quyết tâm từ bỏ danh vọng thế tục, dâng hiến cuộc đời còn lại làm tông đồ cho Chúa.

Nhận ra tiếng Chúa qua lời vàng trong Kinh Thánh:

Phanxicô Xaviê nghe lời Chúa (Mt 16:26) lay động, đi rao giảng Tin Mừng nước Trời.

Augustinô nhận sứ điệp lời Chúa (Rm 13:14) thức tỉnh, hồi tâm trở lại cùng Ngài.
Nhận biết Chúa hiện diện trong tha nhân bất hạnh: Thánh Martinô (11/11), Thánh Martine de Porres ( 03/11), Á Thánh Têrêsa Calcutta…

Nhận ra Chúa trong ý hướng muốn nên trọn lành: Nữ tu Têrêsa Hài Đồng Giêsu tìm trong Phúc Âm con đường thơ ấu thiêng liêng, sống đời hoàn thiện nên giống Chúa.

Nhận rõ Thánh ý Chúa khi cầu nguyện riêng tư: Nữ tu Magarita Maria Alacoque (16/10); Chị Thánh Faustina Kowalska, vị tông đồ của Lòng Chúa Thương Xót.

Nhận biết Chúa qua môi trường giáo dục tốt của Đức Tin: Thánh trẻ Đaminh Saviô.

Nhận biết Chúa qua những công việc từ thiện bác ái xã hội: Bác sĩ Nguyễn viết Chung, VN mộ mến và khâm phục tinh thần hy sinh vô vị lợi của các Nữ Tu Làng Cùi Bến Sắn (Bình Dương).
Ông đã theo Đạo, sẵn sàng dành trọn cuộc đời làm Linh Mục để hết mình phục vụ tha nhân.

“Con đường nào cũng dẫn đến Rôma.” Mỗi cá nhân trên đây đều lãnh được Ơn Chúa khác nhau. Điều quan trọng là họ nhạy bén ý thức được tiếng Chúa và mau mắn nhận ra Ngài.

C. Làm thế nào để nhận thức được Chúa xuất hiện bên cuộc đời mình?

Đức Kitô Phục Sinh đã đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmaus suốt một quãng đường dài. Thế nhưng, họ vẫn chưa nhận ra Chúa. Tại sao?

Vì Tâm trí họ còn hoang mang nhiều chuyện (thất vọng, vỡ mộng đi theo Chúa / lo sợ vì Thầy Chí Thánh đã chết / tin tức Ngài sống lại có thật chăng / trở lại với gia đình lấy gì mưu sinh…).
Vì Cõi lòng họ mất bình an thực sự (trốn tránh sợ người Do Thái lùng bắt, lo đào vi thượng sách ).

Đức Kitô Phục Sinh cố gắng dùng lời Kinh Thánh để nâng đỡ, giúp họ tái lập thế quân bình trong cuộc sống. Ngài làm lại cử chỉ bẻ bánh quen thuộc, hai môn đệ mới “chợt tỉnh cơn mê” và nhận ra Thầy mình.

Cuộc sống ta hôm nay, trăm phương ngàn hướng, lo đầu này chạy đầu kia. Gặp đau khổ, đến nhà thờ kêu cầu Chúa luôn miệng, “có bệnh thì vái tứ phương”. Đến khi bình an sung sướng rồi, để Chúa nghỉ break-time, quên lời tạ ơn cảm mến Ngài. Kinh nguyện càng ít đọc, lễ lạy không có thời giờ để tham dự.

Chúa vẫn có đó, Ngài vẫn ở bên ta, nhưng ta thờ ơ không nhận ra Đấng Cứu Chuộc mình.

Để nhận thức được bóng Chúa hiện diện trong cuộc lữ hành đức tin này, thiết tưởng mỗi kitô hữu cần:

  1. Có một trái tim linh cảm và nhạy bén: như Gioan Tông Đồ bên bờ biển Tibêria (Ga 21:7).
  2. Có một lý trí đơn thành, chân thật, khiêm tốn: như Augustinô trong “Confession: Tự Thú”.
    “Tôi đã đặt toàn thân tôi vào lòng Chúa và tin cậy mình Ngài, tín thác hoàn toàn nơi Ngài. Chỉ lúc đó và vâng, chỉ lúc đó Chúa tiếp nhận và chữa lành tôi”.
  3. Có một con mắt đức tin sâu xa: như Têrêsa Calcutta nhận rõ khuôn mặt Chúa Kitô bị bỏ rơi trong người cùng đinh Ấn Độ.
  4. Có một tâm hồn quảng đại với tình yêu cho đi không tính toán: như Bác Sĩ Albert Schweitzer đã gom hết tài sản, sang Phi Châu lập bệnh viện cho cư dân cùng khổ, xem các bệnh nhân là người nghèo của Thiên Chúa.
  5. Có một ý chí kiên trì với lập trường chân chính: như Mahatma Gandhi, đọc Thánh Kinh lâu ngày, khám phá ra đường lối bất bạo động của Chúa Giêsu, áp dụng và sống theo.


D. Lời Nguyện kết thúc:

Lạy Chúa! Xin cho con biết Chúa, xin giúp con biết con.

Biết Chúa là nguồn sống, là ánh sáng soi chiếu đường con đi.

Biết con là thọ tạo yếu đuối, hàng ngày dò dẫm bước lê trong đêm tối đam mê.

Xin tặng ban cho con Thần Khí Chúa, để con nhận ra Ngài rõ hơn hầu đi trên chính lộ ngàn đời. AMEN.


Fr. Dominic Dieu Tran, SDD.