CHÚA CHĂM SÓC MỌI LOÀI



Người công chính không bao giờ sợ sự dữ hay tỗi lỗi, cũng không bao giờ lo ngại sự rủi ro đang theo đuổi bên cạnh, bởi vì có Chúa giàu lòng từ bi nương tay bảo trợ và cầu thay nguyện giúp.

Hôm nay trong bài "Cỏ Lùng", mà chỉ do Thánh Matthêu viết lại, Chúa Giê-su bảo: "hãy để cỏ lùng mọc với lúa cho tới ngày gặt!" Các nhà nông nghe lời dạy này chắc là tái mặt. Có lẽ họ thầm nghĩ rằng: "ông Giê-su ơi, bào gỗ thì im im mà bào, đừng có dạy bậy bạ, chúng tôi biết phải làm gì rồi." Và có lẽ Chúa Giê-su sẽ trả lời họ rằng: "khổ quá các tiền bối nhà nông ơi, tôi không dám chỉ giáo các ông các bà, vì lúc trẻ tôi cũng từng nhổ mạ, cấy lúa, và nhổ cỏ lùng đến khòm cả lưng đây, chưa nói chi bị đỉa cặp nữa. Xin quý ông bà hiểu cho bài "Cỏ Lùng" chỉ là một bài dụ ngôn.

Chúa Giê-su đã dùng dụ ngôn "Cỏ Lùng" để nói với chúng ta hôm nay, nên chúng ta phải tìm hiểu ý nghĩa của bài dụ ngôn này theo nghĩa bóng chứ không theo nghĩa đen. Vậy Chúa Giê-su có ý gì khi Ngài dạy: "hãy để cỏ lùng mọc với lúa cho tới ngày gặt!" Hiểu theo nghĩa đen thì chúng ta không theo, bởi vì nếu để cỏ lùng mọc cho tới mùa gặt thì khi gặt chỉ có gặt cỏ! Còn theo nghĩa bóng chúng ta phải hiểu thế nào để giúp chúng ta sống đời Kitô Giáo hôm nay? Rõ ràng lời Chúa Giê-su dạy lúa tốt làm gì phải sợ cỏ lùng và sự làm hại của nó có nghĩa là chúng ta được sinh ra giống hình ảnh Chúa và còn được tái sinh trong ân sủng của Chúa, chúng ta đương nhiên là những người tốt cho nên chúng ta không nên sợ sự dữ hay tội lỗi.

Không sợ sự dữ hay tội lỗi nghĩa là không nên sợ ganh ghét, không nên sợ chửi bới, không nên sợ gian lận trộm cắp, không nên sợ đa nghi, không nên sợ tình dục hay ngoại tình, và càng không nên sợ khủng bố. Chúng ta cùng suy nghĩ xem: thông thường khi có chửi bới, hành hung, đánh lộn, nghi kỵ, lận lộn trong tình cảm, hay khủng bố là chúng ta tự nhiên bị chia rẽ, không nói chuyện với nhau nữa, cắt đứt quan hệ tình hữu, và tệ hơn nữa chúng ta nuôi cơn hận thù. Những khi như vậy là sự dữ đã chiến thắng chúng ta. Nghĩ lại điều này chúng ta cảm thấy nó quá vô lý, chỉ có một vụ hiểu lầm, cãi lộn, đánh nhau, tình cảm chia phối, hay làm một điều gì bất chính trong gia đình hay xã hội, mà tình cảm đậm đà của chúng ta bao nhiêu năm qua (mười, hai chục năm qua) bị phá huỷ sao. Sở dĩ có những trường hợp như vậy là vì chúng ta chưa ý thức được nhược điểm của sự dữ hay tội lỗi. Bởi vì chúng có nhược điểm, và nhược điểm của chúng mà chúng ta không để ý đó là chúng không có khả năng để làm hại con người. Sau đây tôi xin đưa ra hai lý do chính làm cho sự dữ hay tội lỗi bị bất lực.

Lý do thứ nhất mà khiến cho sự dữ hay tội lỗi bị bất lực hoàn toàn và không có khả năng làm hại con người đó là chúng bị tiêu diệt hoàn toàn. Theo Thánh Phaolô sự dữ hay tội lỗi đã bị Chúa của chúng ta, Giê-su, hủy diệt hoàn toàn tận gốc, ngay cả sự chết là kẻ thù cuối cùng, cũng đã bị tiêu diệt. Sự dữ hay tội lỗi bây giờ chỉ là ảo tưởng. Những ảo tưởng sự dữ này sẽ càng bị bất lực, không có chỗ đứng và bị mất dạng dần dần khi mỗi người chúng ta biết làm người như ta phải làm, tức là khi mỗi người chúng ta làm người tốt như hạt giống tốt, khi mỗi người Kitô hữu có khả năng bành trướng những bản tính tốt của chúng ta như men trong bột, như sự sinh trưởng của hạt cải. Giống Chúa Giê-su đã nói: "ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm". Nhưng để làm người tốt mãi mãi chúng ta cần có Chúa hiện diện bên cạnh và trợ giúp chúng ta. Điều này dẫn đến nhược điểm thứ hai của sự dữ hay tội lỗi.

Lý do thứ nhì khiến cho sự dữ và tội lỗi bị bất lực mà chúng ta không nên sợ là khi chúng ta những người Kitô hữu có Chúa; khi Chúa là trung tâm và là yếu tố cần thiết trong cuộc sống thiêng liêng chúng ta. Thánh Phê-rô đã từng thú nhận: "không có Chúa con biết theo ai". Chúng ta tin rằng Chúa hằng ở với chúng ta mọi nơi mọi lúc, trong các giờ kinh nguyện, và đặc biệt trong phụng vụ và thánh lễ. Trong thánh lễ chúng ta rước Chúa Kitô thì chúng ta trở nên thân thể của Chúa Kitô, lúc đó chúng ta chắc chắn 100% là Chúa ở cùng chúng ta. Có nghĩa là chúng ta có Chúa.

Thêm vào đó trong bài đọc hôm nay Thánh Phao-lô còn cho chúng ta biết là Chúa Thánh Thần hằng ở với chúng ta trong lúc cầu nguyện. Chúa Thánh Thần giúp ta cầu nguyện ngay trong lúc ta không biết nói gì. Nhân tôi xin chia sẻ rằng: chúng ta không nên mắc cỡ cũng không nên cảm nghiệm khô khan không có Chúa khi chúng ta không biết phải cầu nguyện thế nào. Theo thư Thánh Phao-lô hôm nay người Công Giáo Rôma ở thế kỷ thứ Nhất cũng đâu có biết phải cầu nguyện thế nào cho xứng hợp, cho toả nguyện ý của họ. Nhưng để biết chắc Chúa Thánh Thần cầu giúp ta trong cầu nguyện chúng ta cầu nguyện theo Lời Chúa. Cách cầu nguyện theo trong Kinh Thánh là cầu nguyện theo ý Chúa Thánh Thần bởi vì Kinh Thánh đã được viết dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần, và Thánh Kinh thì nói về Chúa Kitô, cho nên cầu nguyện theo Kinh Thánh chúng ta tin chắc lời nguyện của chúng ta sẽ hợp ý của Chúa.

Cầu nguyện nói lên một sự liên hệ cần thiết giữa ta với Chúa, và chúng ta sẽ cảm nghiệm được Chúa hiện diện bên ta cách mật thiết như người bạn. Sự hiện diện của Chúa với ta theo như Đức Hồng Y Thuận đã viết trong cuốn Chứng Nhân Hy Vọng là "không phải một sự hiện diện tĩnh, hay chỉ có mặt ở đó thôi, nhưng là một sự hiện diện tương giao, một sự hiện diện gõ cửa tâm hồn". Nếu chúng ta thật sự mở tâm hồn ra cho Chúa trong cầu nguyện, thì làm sao mà chúng ta cảm thấy không có Chúa bên cạnh được. Và khi có Chúa nhân hậu, khoan dung và giàu lượng từ bi bên mình, chúng ta không còn phải sợ sự dữ hay tội lỗi nữa. "Có Chúa ở cùng tôi, tôi chẳng sợ gì, hỏi người đời làm chi tôi được? Có Chúa ở cùng tôi mà bênh đỡ, tôi dám nghênh lũ địch thù tôi"(Tv 117).

Mặc dầu chúng ta sống giữa ảo tưởng của sự dữ hay tội lỗi nhưng chúng ta không hề bối rối, không hề nao núng vì chúng đã bị đánh bại, và chúng ta đã có Chúa bên mình phù trì và nâng đỡ. Ngay cả lúc chúng ta lỡ lầm lỗi, có ơn Chúa, chúng ta sẽ chạy đến với Ngài, thống hối và thú nhận thì được tha thứ. Thiên Chúa từ bi và nhân hậu của chúng ta không bao giờ muốn một ai trong chúng ta bị xa lìa tình thương của Ngài hay bị hư mất, như sách Khôn Ngoan hôm nay dạy "Chúa chăm sóc mọi loài".


Lm. Trần Thanh Hải