-
[Tin tức] Các kiểu chiều con gây sốc của nhà giàu
Gia đình Thắng bỏ ra 1,7 triệu đồng mỗi tháng để thuê cô ôsin đặc biệt, chỉ lãnh một nhiệm vụ duy nhất: nghe cậu ấm chửi mắng mỗi khi cậu kém vui.
Chiều con không phải là “thói thường” của riêng nhà giàu. Nhưng người không có điều kiện kinh tế thì dù muốn cũng không thể nào có những kiểu chiều ý con đến mức “khủng” như các trường hợp dưới đây.
Thuê ôsin chỉ để cho con… chửi
Thắng, 19 tuổi, là con trai một của một gia đình phất lên nhờ buôn bất động sản ở Hà Nội. Cậu ấm này là nỗi kinh hoàng của những người giúp việc, vì hễ có chuyện gì không hài lòng là cậu lại trút lên họ. Mà những chuyện không hài lòng của Thắng thì ngày nào cũng có. Sau ít ngày cố nuốt nhục chịu đựng những lần “lên cơn điên” của cậu chủ, ôsin nào cũng bỏ của chạy lấy người.
Nhiều đứa trẻ nhà giàu được đối xử như một ông vua con. Minh họa: Inmagine.
-----
Vừa mất người làm vừa phải thay ôsin chịu đựng những cơn cáu giận của con trai, mẹ Thắng nghĩ ra một cách: ngoài ôsin làm việc nhà, bà thuê thêm một cô nữa chỉ làm nhiệm vụ duy nhất là nghe chửi mắng, dành riêng cho Thắng. Suốt ngày, cô gái lỡ thì hơn Thắng 8 tuổi chỉ ngồi xem TV và để cho Thắng trút giận. Nhiều khi nghe những câu lăng mạ, cô trào nước mắt, nhưng đành tự an ủi rằng đây chính là công việc để cố chịu. Từ dạo “chuyên môn hóa” đội ngũ giúp việc, nhà Thắng bình an hẳn. Ấy thế nhưng sau hai năm, họ đã phải thuê đến người thứ tư cho vị trí “ăn mắng” này.
Ăn cháo bằng… xích lô du lịch
17h30 là giờ ăn cháo của bé Thảo, 18 tháng tuổi, nhà ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Cứ đến giờ này, bé là một, bà nội (hoặc bà giúp việc) là hai, bát cháo là ba, được lên chiếc xích lô du lịch để thanh toán bữa ăn chiều. Chiếc xích lô đi lòng vòng gần hai tiếng, khi thì dạo quanh Bờ Hồ, khi thì qua các con phố gần đó, cho đến khi hết bát cháo. Nếu không, đừng mơ đút được thìa nào cho cô bé biếng ăn này.
Nhưng chỉ được ít lâu, Thảo lại chỉ chịu ăn nếu được cõng trên lưng và đi “lượn” ngoài phố suốt bữa. Cả bà nội lẫn bà giúp việc dù thay nhau cũng không đủ sức đáp ứng yêu sách oái oăm này nên mẹ Thảo lại chạy long tóc gáy tìm ôsin mới khỏe mạnh, mãi mới có một phụ nữ 35 tuổi chịu ở, giá 2 triệu đồng mỗi tháng.
Chị này rất khỏe, cõng bé Thảo đi bộ vài giờ liền không vấn đề gì, phải cái nói nhiều và “nói thẳng”. Không hôm nào chị không “phê bình” bố mẹ Thảo, thậm chí cả bà nội, từ chuyện ăn chậm khiến chị phải rửa bát muộn đến thay quần áo quá nhiều, hay chuyện nhà đông khách khứa đến chơi phải mất công phục vụ… Thậm chí bà ngoại ra thăm cháu, chị ta còn hỏi thẳng khi nào về, khiến bà giận tím mặt, mắng cho con gái một trận. Biết chuyện, chị ôsin cũng sa sả quát tháo mẹ Thảo vì “cảm thấy bị xúc phạm”, nằng nặc đòi nghỉ. Sợ đứa con gái vốn đã còi lại còi thêm vì không chịu ăn, mẹ Thảo đành nhẫn nhục xoa dịu ôsin, trong khi bà mẹ bỏ về mấy tháng không thèm nghe điện thoại.
“Cháu cho nó cướp, ông sẽ trả tiền”
Ông nội cu Bờm (3 tuổi, nhà ở Tây Hồ, Hà Nội) từng là một “đại gia”, nay đã giao hết cơ ngơi cho con để ở nhà chơi với cháu và chăm sóc cây cảnh. Suốt thời trẻ khỏe mải lo làm ăn không gần gũi con, nay ông muốn bù lại bằng việc coi ý cu Bờm là ý trời. Ông biến vườn nhà thành một khu vui chơi có cầu trượt, đu quay… và gọi trẻ hàng xóm đến chơi cùng cháu mình. Bọn trẻ mê tít, còn Bờm thì rất ý thức được việc các bạn đang “chơi nhờ” nên rất lên mặt, hay quát mắng. Không hài lòng với bạn nào, cậu “cấm chỉ” bạn ấy tham gia, chỉ được đứng nhìn. Biết chuyện, bố mẹ những đứa trẻ này không cho con đến nữa, Bờm lại buồn, khóc đòi, khiến ông nội phải qua hàng xóm trổ hết tài ngoại giao mời bọn trẻ đến, để rồi lại bị Bờm bắt nạt.
Có nhiều đồ chơi nhưng hễ các bạn mang gì đến là Bờm lại cướp, thậm chí đánh bạn để giành bằng được. Sợ bố mẹ đứa trẻ biết mà tẩy chay cháu mình, ông nội Bờm dỗ dành, hứa cho một thứ đồ chơi thật đắt tiền mà đứa trẻ nào cũng thèm ước, dĩ nhiên là không để Bờm biết. Có lần Bờm cầm cái điều khiển ô tô đánh vào mặt một cậu bé 8 tuổi đưa em sang chơi để cướp cái “đĩa bay”, làm cậu nổi giận. Ông lại dàn xếp: “Cháu cứ cho nó cướp, ông sẽ đền tiền gấp bốn lần, cháu thích mua gì thì mua”.
Giống như Bờm, cậu bé Hưng, 10 tuổi, ở quận Hai bà Trưng, Hà Nội cũng ý thức được mình là con nhà giàu có nên luôn lên mặt “thượng đế” đi mỗi khi đi ăn, đi chơi ở ngoài. Cậu quát mắng, thậm chí xúc phạm những người phục vụ, đều lớn tuổi hơn mình, nhiều lần còn ném cốc, ném bát để thể hiện sự không hài lòng với “kiểu phục vụ hỗn láo”. Mỗi lần như thế, mẹ Hưng đều nhét vào tay “nạn nhân” một số tiền khá hậu để “đền bù danh dự”. Nhưng đã có lần, chị phải chịu nhục khi anh chàng nhân viên nhà hàng vứt trả lại tiền và nói thẳng: “Chị nên về dạy con đi thì hơn, giàu có mà hư hỏng thì đời nó sẽ khổ thôi”.
Tự thấy giàu là một lợi thế nhưng hầu hết những ông bố bà mẹ dùng tiền để chiều mọi yêu sách của con đều tự thấy, đồng tiền chỉ giúp họ “yên thân” giây lát trong khi con họ ngày một trái tính trái nết. Thế nên sau khi cô ôsin chuyên nghe mắng thứ tư bỏ đi vì không chịu được sự hành hạ tinh thần của Thắng, bố cậu cấm tiệt không cho thuê thêm ai nữa và tuyên bố nếu cứ trút giận lên người khác thì đuổi ra khỏi nhà.
Còn mẹ cậu bé Hưng, tuy tức giận vì bị anh phục vụ nhà hàng làm mất mặt, nhưng sau đó về đã phải suy nghĩ rồi tìm đến một chuyên gia tư vấn nhờ giúp đỡ. Hiện chị cố gắng “cải tạo” con trai theo hướng dẫn của vị chuyên gia này. “Đúng là bỏ tiền ra cũng không thay được việc giáo dục con cái”, chị nói.
Theo Đất Việt
(trích từ: Diễn đàn đồ họa)
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules