Chúa nhật XXVIII Thường niên B

ƯỚC MƠ VÀ HÀNH ĐỘNG

Trong cuộc sống thường ngày, ai trong chúng ta cũng có một ước mơ. Có người mơ được giàu có, có người ước được danh vọng, quyền quý, có người thì mong học hành đỗ đạt, sức khỏe dồi dào, gia đình hoà thuận… Thế nhưng, chẳng mấy ai trong chúng ta đạt được trọn vẹn ước mơ của mình. Chúng ta không đạt được có thể do bởi nhiều lý do bên ngoài, nhưng quan trọng hơn, có lẽ do chúng ta không quyết tâm, không kiên trì đủ để theo đuổi quyết tâm của mình. Đó cũng là tình trạng của chàng thanh niên mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin mừng hôm nay. Anh đã đến xin Đức Giêsu chỉ cho anh con đường đưa tới sự sống đời đời. Thế nhưng, khi nghe xong anh lại không đủ can đảm để thực hiện.

Điều đó, cho thấy giữa ước mơ và hiện thực vẫn còn một khoảng cách, một khoảng cách mà chúng ta chỉ có thể vượt qua nếu biết cậy dựa vào Lời Chúa. Để thấy rõ hơn điều này, chúng ta cùng đọc lại phần Lời Chúa hôm nay.

1. Từ một ước mơ

Trước hết bài Tin Mừng kể lại một thao thức, một ước mơ được sống mãi của một chàng thanh niên. Được sống mãi chính là nỗi trăn trở lớn nhất của anh. Nó đã thúc đẩy anh cố gắng tuân giữ thật nghiêm túc các giới răn ngay từ tấm bé, như lời anh khẳng định với Đức Giêsu: “Lạy Thầy, những điều đó tôi đã giữ từ thuở nhỏ”.

Lòng khao khát được sống mãi cũng đã khiến anh “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” làm việc vất vả để kiếm cho được nhiều tiền, và thật sự anh đã trở nên giàu có. Chúng ta có thể khẳng định anh ta giàu có, bởi vì, khi nghe Chúa nói: “Ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó”, thì anh đã “sụ nét mặt và buồn rầu bỏ đi”, và thánh Marcô còn nói rõ: “Vì anh ta có nhiều của cải”. Khi miệt mài kiếm tiền như thế, có lẽ cũng như bao người khác, chắc hẳn anh đã nghĩ rằng đồng tiền có một sức mạnh vạn năng, có khả năng “cải lão hoàn đồng”, hay nói theo cách nói của các bạn trẻ ngày nay: “đồng tiền là Tiên là Phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khoẻ của tuổi già, là cái đà danh vọng, là cái lọng che thân, là cán cân công lý… Đồng tiền là hết ý”.

Thế nhưng, cho dù anh đã tuân giữ tất cả những nghi thức luật lệ bên ngoài của tôn giáo, và có trong tay tiền của thật nhiều tâm hồn của anh vẫn không được bình an, thanh thản. Anh vẫn còn cảm thấy thiếu một cái gì đó rất quan trọng và cần thiết cho cuộc sống của mình. Anh nhận ra rằng tất cả những cái đó vẫn chưa đủ bảo đảm cho anh một cuộc sống đời đời.

Cái thiếu đó, anh đã cố sức tìm kiếm trong một thời gian dài, nhưng không thể tìm được. Chính trong nỗi niềm khao khát đó, khi nghe lời Đức Giêsu giảng và thấy việc Ngài làm, anh nhận ra Ngài chính là Đấng có thể giúp anh đạt được điều mà anh vẫn hằng mơ ước. Do đó, mặc dù đang giữa đường phố, anh đã chạy đến và quỳ gối cầu xin Đức Giêsu: “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời?”

2. … đến cái giá phải trả:

Thế nhưng, khi nghe câu trả lời của Đức Giêsu: “Ngươi chỉ còn thiếu một điều là ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó… rồi đến theo Ta”. Anh ta đã không thực hiện được mà lại “buồn rầu bỏ đi”. Anh muốn có sự sống đời đời, nhưng lại không dám thực hiện điều mà Đức Giêsu dạy, để có được sự sống đó. Chính của cải mà anh tưởng chừng như chúng sẽ giúp anh đạt đến sự sống vĩnh cửu lại cản trở anh thực hiện ước mơ của mình. Thấy rõ điều đó, Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Hỡi các con, những kẻ cậy dựa vào tiền bạc, thật khó mà vào Nước Thiên Chúa biết bao. Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Thiên Chúa”.

Khi tuyên bố như thế, Đức Giêsu không có ý muốn nói: Nước Trời chỉ dành cho người nghèo và người giàu có thì không thể vào, nhưng Ngài chỉ muốn nói rằng: những ai “cậy dựa vào tiền bạc” thì “thật khó mà vào Nước Thiên Chúa”. Có thể chúng ta không có nhiều của cải như chàng thanh niên này, nhưng chúng ta vẫn còn có rất nhiều cái để sở hữu, để “cậy dựa”: đó là cái tôi, ý riêng, tính tự ái, lòng ganh tỵ và kiêu ngạo, và cả sự khôn ngoan của chúng ta nữa … bởi vì, một người nghèo nhất cũng vẫn còn cái tôi của mình để sở hữu, để cậy dựa. Nếu chúng ta không dám bỏ đi tất cả những cái đó để hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa như những trẻ nhỏ thì thật khó vào Nước Trời. Nó chính là những cái bướu cản trở con lạc đà chui qua lỗ kim. Sống mà không cần dựa vào tiền bạc, không cậy dựa vào của cải, quả thật là điều vượt quá sức mỗi người chúng ta. Đó cũng chính là ưu tư của các môn đệ: “Vậy thì ai có thể được cứu độ?”.

Thấy được nỗi băn khoăn đó, Đức Giêsu đã chỉ cho chúng ta một con đường: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng không phải đối với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa làm được mọi sự”. Vâng, đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể. Do đó, để có thể vào được Nước Thiên Chúa chúng ta chỉ có một con đường duy nhất đó là phải cậy dựa vào chính tình yêu của Thiên Chúa, cậy dựa vào lời của Ngài. Chúng ta cần lắng nghe và sẵn sàng thực thi lời Ngài mới có thể vào được Nước của Ngài.

Tuy nhiên, đây không phải là điều dễ, vì nói như tác giả thư Do thái: “Lời Thiên Chúa là lời hằng sống, linh nghiệm, sắc bén hơn mọi thứ gươm hai lưỡi, thấu suốt đến nỗi phân rẽ linh hồn với thần trí, gân cốt với tuỷ não, phân tách tình cảm với ý nghĩ của tâm hồn”. Đón nhận lời Chúa, nghĩa là chấp nhận để lời Chúa mổ xẻ toàn bộ con người của mình: từ thần trí đến tình cảm và ý nghĩ. Chúng ta phải dám để lời Chúa tách bỏ những suy nghĩ, những hành động, những tình cảm sai trái ra khỏi con người của chúng ta.

Điều này chắc hẳn sẽ làm cho chúng ta đau đớn, thua thiệt nhưng lại là điều cần thiết và là một sự khôn ngoan để chúng ta có một thân thể khoẻ mạnh và một sự sống đời đời. Đây là sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Nó có một giá trị tuyệt đối mà vàng bạc, kim cương cũng không thể so sánh được. Đó chính là sự khôn ngoan mà vua Salomon vẫn hằng khao khát: “Tôi cầu khẩn được thần trí khôn ngoan đến cùng tôi. Tôi lấy sự khôn ngoan làm hơn vương quốc và ngai vàng: Đem so sánh sự giàu sang với sự khôn ngoan, tôi kể sự giàu sang như không… Mọi thứ vàng đem so sánh với nó thì kể như hạt cát nhỏ bé, và bạc đem để trước nó, thì kể như đất bùn”. Có được lời của Chúa, có được sự khôn ngoan của Chúa thì coi như là có được tất cả, đó chính là cảm nghiệm của Salomon, vị vua được coi như là khôn ngoan, giàu sang, vinh quang nhất qua mọi thời đại, ông nói: “Tất cả mọi sự tốt lành đều đến cùng tôi làm một với nó (tức sự khôn ngoan), và nhờ tay của nó, tôi được đoan chính không kể xiết”.

Lắng nghe lời Chúa hôm nay cũng là một cơ hội để mỗi người nhìn lại mình. Chúng ta đã nhiều lần đến với Chúa, cầu xin Ngài, nghe Ngài nói, nhưng chúng ta đã có một lần nào thật sự để lời Chúa đi vào mổ xẻ tâm hồn chúng ta chưa? Ước gì, bắt đầu từ hôm nay, mỗi người chúng ta không chỉ nghe, nhưng còn mau mắn sống những lời Chúa dạy, sẵn sàng chia sẻ những gì chúng ta có với những anh chị em bất hạnh đang sống quanh ta. Chúng ta cần có một thái độ siêu thoát hơn đối với tiền bạc, của cải. Chúng chỉ là phuơng tiện chứ không phải là cùng đích của cuộc sống chúng ta. Sống được như thế, chúng ta mới thật sự là khôn ngoan, và tôi chắc chắn rằng cửa Trời cũng đang rộng mở để chờ đón mỗi người chúng ta. Amen.


Lm Trần Thanh Sơn