Người trẻ hãy là hy vọng của Giáo hội như Gioan Phaolô II đã giảng dạy


Vatican City (AsiaNews) - Người trẻ phải là “hy vọng” của Giáo hội và cố tránh đi những mối nguy hiểm, hiện diện quá nhiều trong xã hội chúng ta, đến độ làm cho “niềm hy vọng Kitô giáo” có thể “giảm thiểu thành ý thức hệ, khẩu hiệu phe nhóm, hay cái vỏ che dấu bên ngoài.” Đặt Đức Giêsu làm nền tảng chân thật của niềm hy vọng cho lớp trẻ, đã là mối quan tâm sâu xa nhất của cố giáo hoàng Gioan Phaolô II, và đó cũng là điều tiếp tục thúc đẩy Bênêđictô XVI kiếm tìm để đương đầu với “sự thúc bách về giáo dục” hiện nay. Trong thánh lễ cử hành đêm hôm qua tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô để tưởng niệm cố giáo hoàng Gioan Phaolô, qua đời ngày 2 tháng 4 bốn năm trước, người kế nhiệm của ngài nhấn mạnh đến nhu cầu vẫn còn phải quan tâm đến giới trẻ.

Những người trẻ đến từ Sydney và Madrid, một đô thị vừa mới và một đô thị sắp sửa, đứng ra tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới, đã cùng với giới trẻ Roma đến nghe Đức giáo hoàng giảng thuyết. Cùng với nhau, họ đại diện cho hàng triệu người đã tham gia cuộc hội ngộ quốc tế do cố giáo hoàng đề xướng. Cả những người trẻ từ Balan cũng đến đây, tháp tùng vị hồng y đương kim của giáo phận Krakow là Stanislaw Dziwisz, người đã làm thư ký riêng cho Gioan Phaolô II từ khi vị giáo hoàng này còn là tổng giám mục cho đến khi trút hơi thở sau cùng.

Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI phát biểu khi hướng tới những người trẻ tham dự thánh lễ: “Sự hiện diện của các con nhắc nhở cha nhớ đến nhiệt tình mà cố giáo hoàng Gioan Phaolô đã từng gây hứng khởi nơi các thế hệ trẻ. […] Từ khi còn niên thiếu, ngài đã là người can trường và nhiệt tâm bảo vệ Đức Kitô. Vì Đức Kitô mà ngài không nề quản dành bao nhiêu sinh lực để mà gieo rắc ánh sáng của Người ở khắp mọi nơi. Ngài đã không thỏa hiệp khi phải rao truyền và bảo vệ Chân lý của Đức Kitô. Ngài đã không mỏi mệt khi gieo rắc tình yêu thương. Từ lúc khởi đầu triều đại giáo hoàng cho đến ngày 2 tháng 4 năm 2005, ngài đã không lúc nào sợ hãi khi tuyên xưng cho mọi người rằng chỉ có Đức Giêsu là Đấng Cứu độ, là Đấng Giải phóng đích thực của nhân loại, của toàn thể loài người.”

“Nhìn vào cuộc sống của ngài chúng ta thấy lời Thiên Chúa cam kết cho tổ phụ Abraham được phong phú đã thể hiện ra sao. Đặc biệt là, chúng ta thấy được, trong triều đại giáo hoàng lâu dài, ngài đã làm thấm nhuần đức tin nơi rất nhiều người trẻ, trong Ngày Giới trẻ Thế giới, nay đã bước tới lần thứ 23. Có biết bao nhiêu người đã nhờ ngài mà có được ơn gọi vào đời sống linh mục hoặc tu trì! Có biết bao nhiêu gia đình trẻ đã chọn lựa sống theo lý tưởng Tin mừng để kiếm tìm sự thánh thiện, nhờ linh hứng bởi cách thức vị tiền nhiệm đáng kính của cha giảng dậy và làm chứng nhân! Có biết bao nhiêu thanh niên nam nữ đã trở lại hay đã tiếp tục con đường Kitô hữu nhờ ngài cầu nguyện, khuyến khích, hỗ trợ và nêu gương!”

“Quả đúng như thế! Gioan Phaolô II đã có khả năng đem lại sự thúc đẩy mạnh mẽ cho niềm hy vọng, đặt nền tảng trên Đức Giêsu Kitô. Là một người cha nhân ái và một nhà giáo dục nhiệt tâm, ngài đã chỉ ra con đường đi tới những điểm tham chiếu tốt đẹp cần yếu cho mọi người, nhưng đặc biệt là cho giới trẻ. Khi người nằm một chỗ sắp lìa đời, thế hệ mới đã chứng tỏ họ hiểu biết tấm gương của ngài, qui tụ tại quảng trường Thánh Phêrô và nhiều nơi khác trên khắp thế giới để lặng lẽ cầu nguyện, cảm nhận rằng họ sắp mất đi vị Giáo hoàng của họ, rằng “người cha” trong đức tin của họ đang sắp lìa đời. Thế nhưng họ cũng còn cảm nhận rằng ngài đang để lại cho họ kế thừa tấm lòng can trường và sự cố kết trong chứng ngôn của ngài.

“Chẳng phải là quả thực ngài đã nhiều lần nhấn mạnh rằng cần phải có niềm xác tín nơi Tin Mừng đó sao? Chẳng phải là ngài đã cổ võ người trưởng thành cũng như giới trẻ phải cùng nhau coi trọng trách nhiệm giáo dục đó sao? Cả cha nữa, cũng đã tập chú vào sự quan tâm này của ngài, đã nhiều dịp nhấn mạnh khi cha nói về nhu cầu giáo dục khẩn yếu nay đang ảnh hưởng đến các gia đình, đến Giáo hội, đến xã hội, và trên hết cả là đến mọi người trẻ. Khi lớn lên, những người trẻ cần có lớp người trưởng thành cung ứng cho họ các nguyên tắc và các giá trị đạo đức. Vào tuổi của họ, họ cảm thấy nhu cầu được người khác dạy bảo họ cách sống các lý tưởng cao cả bằng gương sáng hơn là lời nói suông. Nhưng chúng ta tìm đâu ra ánh sáng và sự khôn ngoan để hoàn thành sứ mạng như thế, sứ mạng liên hệ đến tất cả chúng ta trong Giáo hội và trong xã hội? Chắc chắn là không đủ khi chỉ cậy nhờ ở các nguồn tài nguyên của con người mà thôi; mà là trước hết chúng ta phải trông cậy vào sự trợ giúp của thiên Chúa.”

Các bạn trẻ thân mến, không có hy vọng thì cuộc sống không tồn tại. Kinh nghiệm cho biết rằng mọi sự, kể cả đời sống chúng ta, sẽ gặp nguy hiểm và có thể sụp đổ bất cứ lúc nào nếu không có lý trí nội tại hoặc ngoại tại. Đó là chuyện bình thường bởi vì tất cả những gì thuộc về con người, kể cả niềm hy vọng, đều không có nền tảng trong hoặc của chính nó, mà cần phải có một “khối đá” để đứng vững. Đó là lý do tại sao Thánh Phaolô viết rằng những Kitô hữu được kêu gọi xây dựng niềm hy vọng của con người trên “Thiên Chúa sống động” bởi vì “chỉ nơi Người niềm hy vọng đó mới chắc chắn và đáng tin.”

“Tuy nhiên, hãy cẩn thận, vào thời gian như thời gian của chúng ta đây, và trong bối cảnh văn hóa và xã hội như chúng ta đang sống đây, chúng ta có thể thấy niềm hy vọng Kitô giáo giảm thiểu xuống thành ý thức hệ, khẩu hiệu phe nhóm, một cái vỏ che đậy bên ngoài. Không có gì đối chọi với sứ điệp của Đức Giêsu hơn thế. Đức Giêsu không muốn các môn đệ của Ngài “diễn” một vai trò, ngay cả vai trò hy vọng. Ngài muốn họ “là” niềm hy vọng, và họ chỉ có thể được như thế nếu họ vẫn còn kết hiệp với Ngài. Ngài muốn mỗi người trong các con, hỡi các bạn trẻ thân mến của cha, trở thành một nguồn hy vọng nhỏ bé cho người bạn của mình. Để rồi cùng nhau tất cả các con có thể là ốc đảo hy vọng cho xã hội chúng con sống.”

Nếu lời Đức Kitô cư ngụ trong chúng ta, chúng ta có thể gieo rắc ngọn lửa yêu thương Người đã thắp lên trên mặt đất, và giương cao ngọn đuốc đức tin và hy vọng tiến bước về phía Người, trong khi chờ đợi ngày Người lại đến trong vinh quang lúc thời gian tận cùng chấm dứt.”

“Đó là ngọn đuốc Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã để lại cho chúng ta thừa kế. Ngài đã trao ngọn đuốc đó cho cha là người kế nhiệm ngài, và như một lý tưởng, cha trao lại cho các con, một lần nữa, đặc biệt cho các con, những người trẻ của Roma, để các con tiếp tục coi giữ từ buổi sáng hôm nay, trong tỉnh thức và vui mừng, trong buổi bình minh của thiên niên kỷ thứ ba này. Xin các con hãy vui lòng đáp lời kêu gọi của Đức Kitô với tấm lòng quảng đại.”

Để chấm dứt, ĐGH Bênêđictô XVI đã cầu khẩn Đức Mẹ Maria bằng những từ ngữ “Totus tuus (Con hoàn toàn là của Mẹ)” là khẩu hiệu của Gioan Phaolô II, và phó thác “linh hồn cao cả” của cố giáo hoàng cho Đức Trinh Nữ.


Phụng Nghi