-
Moderator
DĐ - Dù tôi là tôi tá Đức Chúa Trời, tôi không thể vâng như lời Thánh Thiên Thần truyền
CHÚA NHẬT IV MV (Năm B)
Lc 1, 26 - 38
DÙ TÔI LÀ TÔI TÁ ĐỨC CHÚA TRỜI,
TÔI KHÔNG THỂ VÂNG NHƯ LỜI THÁNH THIÊN THẦN TRUYỀN
Ngươi dân Pháp hay nhớ về « một thời vắng bóng » và vì thế thường sử dụng « điều kiện cách hoàn thành » (conditionnel parfait) giúp họ xây dựng những giấc mơ hảo huyền nhất với chữ « nếu ». Rồi người ta đặt tên cho kiểu mộng mơ nầy là « lâu đài ở Tây Ban Nha » (chateaux en Espagne) vừa để chế nhạo người, vừa để tự cười mình và hài hước với nhau : « Với một chữ ‘nếu’ thôi, thì người ta đã bỏ được cả Paris vào một cái chai » (avec un ‘si’ et l’on aurait mis Paris dans une bouteille). Tinh thần đó thể hiện cả nơi những người nghiêm túc nhất như nhà văn, nhà khoa học và nhà tư tưởng ở thế kỷ 17, Blaise Pascal, khi ông viết trong cuốn Tư Tưởng (Pensées): «Nếu cái mũi của [nữ hoàng Ai Cập] Cléopâtre ngắn hơn, thì bộ mặt thế giới đã bị đổi thay » (si le nez de Cléopâtre a été plus court, la face du monde aurait été changée). Bộ mặt địa cầu và lịch sử cứu độ nhân loại sẽ đã như thế nào, có bị đổi thay đảo lộn chăng và Thiên Chúa có ‘phương án dự phòng ‘ khác chăng, nếu như thay vì lời thưa mà ta quen đọc thấy trong Tin Mừng, ngày truyền tin, Đức Maria đã nhã nhặn từ chối: « Dù tôi là tôi tá Đức Chúa Trời, tôi không thể vâng như lời thánh thiên thần truyền ». Điều gì sẽ xảy ra tiếp sau đó, không ai đoán ra được, nhưng cảnh tượng đọc thấy trong bài thơ ‘Ave Maria’ bất hủ của thi sĩ người Việt Hàn Mặc Tử có lẽ cũng xảy ra như thế: «Hỡi sứ thần Thiên Chúa Gabirel: khi Người xuống truyền tin cho Trinh Nữ, Người có nghe xôn xao muôn tinh tú?». Nếu quả có lời khước từ nầy, thì quả bom nó tạo ra cũng không thua kém - nếu không muốn nói là mãnh liệt hơn - lời « Fiat » của Mẹ.
Trong văn học cũng như trong nghệ thuật thứ bảy, vô số những câu truyện khoa học giả tưởng và viễn tưởng cùng với các chi tiết ly kỳ, hấp dẫn, được các tiểu thuyết và phim ảnh đưa ra. Những sự kiện và chi tiết ấy, ở vào thời điểm chúng được trình bày trên tiểu thuyết hoặc trên màn ảnh, nếu không bị coi là phản khoa học, thì cũng bị liệt vào những giấc mơ hảo huyền của con người. Các nhà phân tâm học sẵn sàng giải thích nguồn gốc ‘vô thức’, ‘tiềm thức’ của ‘ý chí bá chủ’ (volonté de puissance) bị ‘dồn nén’ (frustration) nơi con người, ví dụ những ‘đồ án’ và phát minh của Leonardo Da Vinci, chuyện “Hai mươi ngàn dặm dưới đáy biển” của Jules Verne, chuyện hoạt hình “Thám hiểm mặt trăng’ của Hergé với nhân vật Tintin. Khoa học đã làm nhiều hơn và xa hơn thế nữa. “Phong - Lao - Cổ - Lại “, không lâu trước đây là “tứ chứng nan y”, nhưng nay khoa học đã và sẽ chế ngự được chúng. Ngoài ra hằng ngày, hàng giờ trên khắp thế giới, có những sự kiện mà khoa học không thể nào giải thích được, đã xảy ra nhờ lời chuyển câu của Đức Maria hoặc của các vị thánh. Người ta gọi đó là ‘phép lạ’. Tất cả những điều nầy ít nhiều đều ở ‘điều kiện cách’ và tất cả đều đã thành hiện thực.
Tại sao lại cho rằng không thể xảy ra việc Cô Maria từ chối? Cô trinh nữ Maria hoàn toàn có thể khước từ lời mời gọi của Thiên Chúa vì nhiều lý do chính đáng, trong đó việc Cô đã quyết định từ thuở ấu thơ, là tận hiến thân xác linh hốn để tôn thờ Thiên Chúa, với sự tán thành của người hôn phu thánh thiện đáng kính Giuse. “Tu hội tại gia” đầu tiên nầy chắc chắn cũng rất đẹp lòng Thiên Chúa. Những “điều kiện cách hoàn thành” không thiếu trong Tin Mừng, tốt cũng như xấu, như khi Chúa Giêsu xót xa nói về Giu-dà: “thà nó đừng sinh ra thì hơn” (Mc 14,21); hay như khi Mac-ta thưa với Chúa Giêsu: ”Nếu có Thầy ở đây, thì em con đã không chết’ (Ga 11, 21). Giu-đa đã sinh ra và đã làm công việc bị muôn đời phỉ nhổ. Nhưng cậu em Lazarô của Mác-ta đã sống lại để muôn đời ngời khen tôn vinh Chúa. Sự khước từ của Cô Maria có thể không ai biết đến, vì không được ghi lại, nhưng cũng chắc chắn được Thiên Chúa tôn trọng, vì Thiên Chúa luôn tôn trọng tự do của con người. ‘Nếu’ - lại thêm một ‘điều kiện cách hoàn thành’ - Cô Trinh Nữ Maria đã thưa “Fiat” trong đe doạ, bức bách (ví dụ như sứ thần có thể hé cho Cô Maria biết chuyện ông Zacharia bị câm do không tin lời sứ thần Chúa), thì dù Chúa Ngôi Hai đã ra đời, cũng đã không có giá trị cứu chuộc: không có tự do, không có sự cộng tác của con người, thì mọi ý định của Thiên Chúa cho con người không thể thực hiện được. Đơn giản là vì Thiên Chúa thực hiện mọi điều vì tình yêu vô biên, mà điều kiện sine qua non của tình yêu là luôn phải hai chiều và hoàn toàn tự do. Tất nhiên tự do có giá rất đắt khi con người sử dụng sai lệch tự do hoặc khi dùng tự do để làm điều sai trái, xấu xa. Khi ấy, con người phản bội chính Thiên Chúa. Đức Maria, vì vậy, chẳng những đã sử dụng tự do để luôn tìm Thánh Ý Chúa, mà luôn sẵn sàng thưa “xin vâng” với bất kỳ khi nào và trong bất cứ điều gì Chúa muốn Mẹ làm. Đơn giản vì với Mẹ Maria, đó là cách biểu lộ tình yêu và đáp lại tình yêu của Thiên Chúa.
“Tự do” là chọn lựa sống nghĩa tình mật thiết với Đấng Tạo Hoá ( x. St 2, 4b – 8; 3,8), tuân giữ những gì là “cội phúc” nhưng cũng có thể là “dây oan’ cho loài người và cho bản thân (x. St 3, 2 - 7). ‘Tự do”, vì thế, là cái làm nên phẩm giá con người, phân biệt con người với những loài khác Chúa dựng nên. Hành động theo bản năng, nghiêng chiều về sự dữ, tức là con người tự hạ thấp mình ngang với thú vật, đồ vật, ngược với địa vị, số phận và mục đích mà Thiên Chúa đã muốn cho con người, khi dựng nên con người “theo hình ảnh Người” ( St 1, 26 - 31). Cũng có nghĩa là phản bội Thiên Chúa. Hình ảnh chiếc xe lửa với các toa vận hành trên hai thanh ‘rầy’: Tự do không có nghĩa là bỏ đường ‘rầy’ để vận hành trên con đường hoặc theo loại hình khác. Người ta cũng gọi những người có suy nghĩ và hành động sai lệch như thế, là “trật đường ray”! Đức Maria đã không thể từ chối, đã không thể nói khác với “Fiat”, bởi vì Mẹ đã tự do chọn đi theo Chúa, chọn dâng hiến trọn đời phục vụ Nhà Chúa, luôn tâm niệm thi hành Thánh Ý Chúa, bất kể lạ lùng, khó khăn đến đâu, bất kể nghịch lại tâm ý riêng của Mẹ thế nào. Mẹ đi trên ‘đường ray” thánh ý Chúa, phó thác cả đời sống của Mẹ cho Người Lái Tàu Toàn Năng, vì thế “Nhà Ga - Truyền Tin” chỉ là một chặng dừng như bao chặng dừng trước đó và sau nầy của Mẹ, trên con đường thực thi thánh ý Chúa, không phải để ngừng lại, mà là để tiếp tục cuộc hành trình xa hơn, về Bến Thiên Đàng. Tiếng thưa ”Fiat – Xin Vâng” là chuyện không thể khác được và hoàn toàn được thực hiện trong tự do.
Trong cuộc sống, với cách làm việc quan liêu nhũng nhiễu, người ta chẳng xa lạ với câu nói “dân cần, quan chẳng vội”. Nhưng trong cuộc sống đạo đức, thì biết bao lần thực tế ngược lại hoàn toàn: “quan cần, nhưng dân chẳng vội”; “Cần” ở đây là Thiên Chúa muốn con người cộng tác để được cứu độ; “Cần” ở đây còn là Thiên Chúa muốn mỗi Kitô-hữu sống đức tin và làm chứng cho Chúa Kitô: nhưng con người - kể cả và nhất là Kitô-hữu - vẫn ơ hờ với lời mời gọi của Chúa, vẫn sống theo ý riêng mình, vẫn thấy mình “đủ” lý do và lý lẽ để lầm lủi tiếp bước đường mình đi.
Chúa là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống: khi con sống theo Chân Lý, đi theo Con Đường Chúa đã đi và chỉ dẫn cho con, thì trước mỗi sự kiện lớn nhỏ, trong mọi hoàn cảnh và biến cố xảy ra trong đời, con sẽ luôn có câu trả lời đúng đắn và hợp với Thánh Ý Chúa và mau mắn nhận ra để chối từ những gì không phải là Ý Chúa. Con sẽ có được Sự Sống đời đời. Đừng bao giờ để con mê muội, tiếc nuối và trì hoãn trong những ước muốn và hành động tội lỗi, ích kỷ, kiêu căng,. Con sẽ như bầy dê bên tay trái ngày Phát Xét Chung: ‘Quân bị nguyền rủa kia, đi cho khuất mắt Ta..” (Mt 25,41). Đây chính là cuộc sống ở “điều kiện cách hoàn thành”!
Không phải đương không mà “Mẹ đã từng đáp ‘Xin Vâng’”: Được như thế, là vì – và chỉ vì - ”Mẹ đã từng sống ‘Xin Vâng’”. “Mẹ hãy cầu Chúa cho con sống cuộc đời ‘xin vâng’”.
CVK Nguyễn-Thế-Bài
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules