Hàng trăm gia đình được Đức Thánh Gia gửi đi truyền giáo
VATICAN - Sáng 20-1-2011, ĐTC Biển Đức 16 đã tiếp kiến 7 ngàn thành viên Con đường Tân Dự Tòng. Ngài cám ơn sự dấn thân truyền giáo và cổ võ các thành viên luôn duy trì tình hiệp thông và hiệp nhất trong Giáo Hội, đồng thời gửi hàng trăm gia đình đi truyền giáo.
Buổi tiếp kiến diễn ra nhân dịp công bố sắc lệnh của Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân nhìn nhận cách thức cử hành các buổi lễ trong Chỉ Nam Huấn Giáo của các cộng đoàn của Con đường Tân Dự Tòng, sau 15 năm cứu xét với sự cộng tác của các Bộ liên hệ. Ngoài ra có nghi thức sai các gia đình đi truyền giáo cho dân ngoại. Hiện diện tại Đại thính đường Phaolô 6 sáng hôm qua, có 6 HY, 50 GM, hơn 1 ngàn Linh Mục và 1 ngàn chủng sinh.
Lên tiếng trong dịp này, ĐTC đề cao ”quyết tâm của các thành viên Con đường tân dự tòng loan báo Chúa Kitô Phục Sinh, quảng đại đáp lại Lời Chúa, từ bỏ an ninh bản thân và vật chất, cũng như cả quê hương của mình, đương đầu với những hoàn cảnh mới nhiều khi không dễ dàng”, để dấn thân truyền giáo nơi xứ xa lạ.
ĐTC cũng nhận xét rằng ”Theo Chúa Kitô đòi hỏi một cuộc phiêu lưu bản thân tìm kiếm Chúa, đồng hành với Chúa, và luôn bao hàm việc ra khỏi sự khép kín của cái tôi, phá vỡ cá nhân chủ nghĩa thường là đặc tính của xã hội thời nay, thay thế sự ích kỷ bằng cộng đoàn con người mới trong Chúa Giêsu Kitô”.
ĐTC cũng ghi nhận rằng nhiều khi các thành viên Con đường tân dự tòng hiện diện tại những vùng tuy đã nhận biết Chúa Kitô, nhưng rồi tại đó người ta trở nên dửng dưng với đức tin: trào lưu tục hóa làm lu mờ ý thức về Thiên Chúa và các giá trị Kitô. Tại đây, sự dấn thân và chứng tá của anh chị em giống như men làm dậy lên cả đấu bột, trong sự kiên nhẫn, tôn trọng thời gian, và với cảm thức về Giáo Hội. Giáo Hội nhìn nhận trong Con đường này một hồng ân đặc biệt mà Chúa Thánh Linh ban cho thời đại chúng ta, và việc phê chuẩn qui chế cũng như chỉ nam huấn giáo là một dấu hiệu”.
ĐTC nhắn nhủ các thành viên Con đường Tận dự tòng, khi hoạt động, luôn tìm kiếm sự hiệp thông sâu xa với Tòa Thánh và các vị Chủ chăn của các Giáo Hội địa phương nơi họ được tháp nhập vào: sự hiệp nhất và hòa hợp của Thân Mình Giáo Hội là một chứng qá quan trọng về Chúa Kitô và Tin Mừng của Chúa trong thế giới chúng ta đang sống”.
Sau cùng, ĐTC nhắn nhủ các LM thuộc Con đường Tân Dự Tòng, khi cử hành thánh lễ trong các cộng đoàn nhỏ, luôn trung thành tuân giữ các qui luật phụng vụ và các đặc tính được phê chuẩn trong trong qui chế của Con đường này. Ngoài ra, điều quan trọng là không tách rời khỏi cộng đoàn Giáo Xứ, nhất là trong việc cử hành Thánh Lễ vốn là nơi đích thực nói lên sự hiệp nhất của mọi người.
Sau huấn từ, ĐTC đã làm phép các thánh giá và trao cho khoảng LM truyền giáo lưu động. Ngoài ra, có khoảng một trăm gia đình được gửi đi cứ điểm truyền giáo tại 17 nước, trong đó có 12 nước Âu châu, 4 tại Mỹ châu và 1 tại Libreville bên Gabon, Phi châu. Thêm vào đó có các gia đình được gửi tới các cứ điểm truyền giáo cho thổ dân tại Úc. Mỗi cứ điểm có từ 3 tới 4 gia đình.
Con đường Tân dự tòng là một hành trình huấn luyện giáo dân do Ông Kiko Arguello và bà Carmen Hernandez thành lập ở Tây Ban Nha hồi đầu thập niên 1960 ở ngoại ô Madrid của Tây Ban Nha. Sau đó có thêm LM Mario Pezzi, người Italia, cùng thuộc ban lãnh đạo quốc tế của Con đường.
Đây không phải là một phong trào hoặc hội đoàn, nhưng là một phương thế trong các xứ đạo, phục vụ các GM để đưa những người xa rời đức tin trở lại đời sống đạo. Qui chế của con đường ngày được Tòa Thánh phê chuẩn lần đầu tiên để thử nghiệm trong 5 năm, rồi được phê chuẩn chung kết năm 2008. Sau đó vào năm 2010, Bộ Giáo lý đức tin phê chuẩn chỉ nam huấn giáo của con đường này, và việc phê chuẩn cách thức cử hành phụng vụ kết thúc tiến trình dài 15 năm do Tòa Thánh thực hiện để phê chuẩn Con đường Tân Dự Tòng như một hành trình giúp tái khám phá bí tích rửa tội và đức tin.
Ngày nay, Con đường Tân Dự Tòng hiện diện tại hơn 900 giáo phận trên thế giới với khoảng hơn 40 ngàn cộng đoàn, ngoài ra trên hoàn cầu có hơn 70 đại chủng viện thuộc Con đường này, với danh hiệu ”Redemptoris Mater”, Mẹ Đấng Cứu Chuộc. (SD 20-1-2012)
LM Trần Đức Anh OP1/20/2012