Tin Đức Kitô Để Được Sống Đời Đời


Con người luôn khao khát được sống và sống trường tồn. Nhưng trong thực tế thì con người không bao giờ đạt được điều đó. Từ sự bất lực trong ước vọng đó, và như từ sự đòi hỏi của lý trí, con người hy vọng có một cuộc sống mai hậu tồn tại mãi mãi. Nhưng làm thế nào con người có thể đạt được cuộc sống vĩnh tồn? Tin Mừng hôm nay cho chúng ta câu giải đáp cho vấn đề này.

Qua những việc làm của Chúa Giêsu mà Tin Mừng thuật lại trong những ngày này, cách riêng trong các Chúa nhật Mùa Chay vừa qua như: biến hình trên núi (x. Mt 17, 1-9 – Chúa nhật II), chữa lành người mừ thừ thưở mới sinh (x. Ga 9,1-41)...Chúa Giêsu đang biểu lộ dần bản chất Thiên Chúa của mình. Chúa như muốn qua những gì Ngài làm, mời gọi con người tin vào Ngài để được sống và sống dồi dào ở đời này lẫu đời sau.
Thế nhưng, giữa ranh giới nhận ra Đức Giêsu như là một ngôn sứ và Đức Giêsu là một ngôi vị Thiên Chúa dường như là một khoảng cách người ta khó vượt qua. Và hẳn là, nếu người ta tin Đức Giêsu là một ngôi vị Thiên Chúa, là chính Thiên Chúa, Đấng mà từ không làm ra có còn có thể làm được, thì không một việc gì mà Đức Giêsu không làm được! Chính vì thế, dường như khi chưa tin Đức Giêsu là Đấng Kitô của Thiên Chúa, thì có lẽ niềm tin của Martha cũng chỉ nằm trong lý luận như anh mù trong giai đoạn đầu của niềm tin mà Chúa nhật vừa rồi chúng ta được nghe, là “Chúng ta biết: Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi; còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của Người, thì Người nhậm lời kẻ ấy. Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh. Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì", nên chị cũng chỉ nói: “Nhưng bây giờ con biết: bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy”. Và nếu vững tin hơn vào giáo huấn của Thầy Giêsu về sự sống, thì chị cũng chỉ tin được như sự mạc khải của giai đoạn cuối của Cựu ước là “Con biết, em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết”. Nhưng sau khi nghe những lời vừa mạc khải, vừa như thách thức niềm tin của Đức Giêsu đối với Martha: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống”, thì chị đã thưa: “...Con vẫn tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến trong thế gian”. Sau lời tuyên xưng đó, Đức Giêsu đã chứng minh quyền năng kỳ diệu của mình cho Martha – một thứ quyền năng chỉ Thiên Chúa mới có được mà thôi, cho Lazarô chết chôn trong mồ được bốn ngày sống lại. Qua phép lạ đó, Chúa Giêsu muốn nói với Martha và với tất cả chúng ta rằng, nếu chúng ta tin Ngài là Con Thiên Chúa, thì chúng ta sẽ được Ngài ban cho sự sống, ngay cả được sống đời đời trên mặt đất này, vì như Chúa nói với Phêrô khi Ngài nói về người môn đệ Chúa yêu rằng: “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho đến khi Thầy đến, thì việc gì đến anh” (Ga 21,22). Tuy nhiên, một điều thông thường và là quy luật mà Thiên Chúa đặt định là, đã là con người thì phần thể lý sẽ có ngày phải chết. Bởi vì ngay cả như Lazarô, sau khi được Chúa cho sống lại thì chẳng bao lâu sau đó anh cũng bị chết [Dĩ nhiên cái chết của Lazarô ở đây là do các nhà lãnh đạo Do Thái gây ra, là tại vì anh mà nhiều người tin vào Đức Giêsu, khiến những người lãnh đạo Do Thái như bị mất ảnh hưởng, nên họ đã tính toán giết cả Đức Giêsu lẫn Lazarô (x. Ga 12,10). Và dù, người Do Thái không giết Lazarô, thì chắc một điều là sớm muộn gì, trong thân phận con người, anh cũng phải chết]. Nhưng điều mà Chúa muốn nói với chúng ta qua sự kiện Ngài cho Lazarô sống lại là Ngài có đủ quyền năng để cho chúng ta “Ai tin vào Thầy, dù đã chết cũng sẽ được sống. Ai sống mà tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết”.

Nhưng chúng ta phải tin như thế nào thì mới được sống?

Có phải chăng, chúng ta chỉ cần nói: tôi tin, thì rồi chúng ta sẽ được sống? Thưa, không phải thế. Một niềm tin chỉ dừng lại trên lý thuyết thì không có khả năng mang lại cho chúng ta sự sống, mà niềm tin đó phải được biểu lộ trong cuộc sống. Chính thánh Phaolô, trong thư gửi tín hữu Ga-lát, nói với chúng ta điều đó, là: chẳng phải cắt bì hay không cắt bì mà chúng ta được công chính hóa, nhưng là “đức tin hoạt động qua Đức Ái” (x.Gal 5,6). Tức là niềm tin vào Đức Kitô phải biểu lộ qua việc làm yêu thương thì mới được công chính hóa, mới mang lại sự sống đời đời cho mình!

Ước mong sao chúng ta có một đức tin mạnh mẽ vào Đức Kitô, và đức tin đó được biểu lộ trong cuộc sống như qua lời nguyện dưới đây:

Lạy Chúa,
xin ban cho con đức tin lớn hơn hạt cải,
để con làm bật rễ khỏi lòng con
những ích kỷ và khép kín.

Xin cho con đức tin can đảm
để con chẳng thiệt thòi khi trao hiến,
chẳng sợ từ bỏ những gì con cậy dựa xưa nay.
Xin cho con Đức tin sáng suốt
để con thấy được thế giới
mà mắt phàm không thấy,
thấy được Đấng vô hình,
nhưng rất gần gũi yêu thương
thấy được Đức Kitô nơi những người nghèo khổ.

Xin cho con Đức tin liều lĩnh,
dám mất tất cả chỉ vì yêu Chúa và tha nhân,
dám tiến bước trong bóng đêm
chỉ vì mang trong tim một đốm lửa của Chúa
dám lội ngược dòng với thế gian
và khước từ những lời mời mọc của nó.

Xin cho con Đức tin vui tươi
hạnh phúc vì những gì
đang chờ mình ở cuối đường
sung sướng vì biết mình được yêu
ngay từ những sa mù của cuộc sống.

Cuối cùng, xin cho Đức tin cứng cáp
qua những cọ xát đau thương của phận người,
để dù bao thăng trầm dâu bể
con cũng không thể tàn lụi niềm tin
vào Thiên Chúa và vào con người.


(Trích từ Rabbouni)
Anthony Hoàng