CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH

ĐỨC GIÊSU, NGƯỜI CHĂN CHIÊN TỐT LÀNH


Ga 10, 1-10

Hình ảnh người chăn chiên đang dẫn đàn chiên đi ăn cỏ trên các cánh đồng cỏ xanh tươi, hay đưa đàn chiên tới các dòng suối nước trong lành làm cho ta gợi nhớ tới xã hội Do Thái khi xưa, nhớ tới khung cảnh Chúa Giêsu sống trong đất nước Do Thái cách đây 2002 năm. Chúa Giêsu đã sinh ra và lớn lên ở đất nước Do Thái, nên Ngài đã được thừa hưởng nền văn hoá và quan niệm tôn giáo Do Thái vì thế Ngài đã dùng những dụ ngôn, những ví dụ rút ra từ những hoàn cảnh cụ thể của người Do Thái để dậy dỗ, giáo huấn các môn đệ và nhân loại. Chúa Giêsu đã dùng chính ngôn ngữ của người Do Thái, đã dùng những hình ảnh quen thuộc nhưng rất ấn tượng để nói lên một sứ điệp, một lệnh truyền hay để giới thiệu về chính Ngài. Hình ảnh người chăn chiên tốt lành là hiện thân của Ngài. Qua hình ảnh sống động, gợi cảm và hết sức ấn tượng của người chăn chiên can đảm, nhiệt thành, nhân từ, chạnh lòng thương xót, Chúa Giêsu muốn nói lên sứ mạng cứu thế của Ngài.

I. CHÚA GIÊSU LÀ MỤC TỬ VÀ LÀ CỬA CHUỒNG CHIÊN :

Xuyên suốt lịch sử dân Do Thái, Thiên Chúa luôn tự giới thiệu mình như là vị mục tử của dân Người Hình ảnh Đavít mà sách 1 samuen đoạn 17, câu 34 tới 36 diễn tả là hình ảnh tiên trưng của Chúa Giêsu trong Tân ước.Đavít chăn dắt đàn chiên, yêu thương từng con chiên một, Người sẵn sàng chống lại thú dữ khi chúng tấn công bầy chiên. Sau này, Đavít đã chiến thắng Golíat bằng một chiếc ná cao su, nhắm bắn ngay vào trán Golíat hung hăng, kiêu ngạo. Hình ảnh của một Đavít nhỏ bé, với tóc hoe vàng đã trở nên dũng mãnh, cao trọng khi Thiên Chúa cất nhắc Đavít lên làm vua,xức dầu phong vương để Đavít làm vua lãnh đạo dân Thiên Chúa. Hình ảnh mục tử còn được diễn tả cách tỉ mỉ, gẫy gọn khi tiên tri Ezékiel nhân danh Chúa nói lên: "…Ta,vị Chủ tể tối cao,Ta tuyên bố rằng…Ta sẽ tách bầy chiên ra khỏi các ngươi…Ta sẽ giao chúng cho một vì vua giống như Đavít tôi tớ ta để làm mục tử của chúng và Người ấy sẽ lo lắng chăm sóc chúng " ( Ez 34, 23 ). Vâng, chính Thiên chúa sẽ chọn cho mình những tôi tớ, những môn đệ cũng gọi là “mục tử “ để Ngài trao cho họ trách nhiệm chăn dắt dân theo ý của Người. Tuy nhiên, vì các mục tử đã bị băng hoại, họ chỉ lo cho lợi ích riêng, tìm lợi nhuận cho mình và cho thân nhân, gia đình của mình, họ trở nên bất xứng với sứ vụ đã lãnh nhận, nên Thiên chúa đã sai các ngôn sứ loan truyền sẽ tới thời chính Đấng Thiên sai là Chúa Giêsu sẽ đến để lãnh đạo dân Người.

Chúa Giêsu đã tuyên bố với dân Do Thái: "Ta là mục tử tốt lành” ( Ga 10, 11 ).Ngài là hiện thân của Thiên Chúa,Người được Chúa Cha sai đến để yêu thương, chăm sóc, qui tụ mọi con chiên. Người biết tên từng con chiên như Cha Ngài biết Ngài ( Ga 10, 14-15 ). Ngài gọi tên từng con chiên và dẫn đi ( Ga 10, 3 ). Điều hết sức quan trọng là Ngài sẵn sàng hy sinh mạng sống vì chiên :"Không có tình yêu nào cao vời cho bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu " ( Ga 15, 13 ) hoặc “ Khi nào Ta bị treo lên, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta ". Chúa Giêsu đã chứng tỏ Ngài là vị mục tử tốt lành, vị chủ chăn không bao giờ hèn nhát thấy sói tấn công chiên mà bỏ trốn, nhưng Ngài luôn cứu vớt, tập họp, chăn dắt ( Ga 10, 9 và 16 ).

Khi minh định Ngài là cửa chuồng chiên, Chúa Giêsu muốn khẳng định rằng bất cứ con chiên nào không qua Ngài không thể tới Chúa cha được. Dân Thiên Chúa phải đi qua cửa duy nhất là Đức Giêsu. Đi qua Ngài, dân Chúa mới có tự do và đạt được cuộc sống viên mãn. Bước qua ngưỡng cửa là Đức Giêsu, dân Chúa hay con người mới

nhận được ơn cứu độ, sự sống mới, sự sống sung mãn Chúa ban cho. Ngoài Chúa Giêsu, nghĩa là không bước qua cửa chuồng chiên, con người không có sự sống dồi dào. Như vậy, người chăn chiên đích thực nào cũng phải ngang qua Chúa Giêsu, vì Ngài là hàng rào bảo đảm sự an bình, an toàn cho chiên của Ngài. Kẻ nào không ngang qua Ngài, chiên sẽ không biết, không nghe và không theo kẻ đó vì họ là kẻ lường gạt, trộm cắp.

II. CÁC MỤC TỬ PHẢI NOI THEO GƯƠNG VỊ MỤC TỬ DUY NHẤT LÀ ĐỨC KITÔ.

Chúa Giêsu phục sinh vẫn hiện diện với nhân loại, Người không còn có mặt bằng xương bằng thịt như trước nữa, nghĩa là không còn như lúc Người sống với các tông đồ, cùng ăn, cùng làm cùng chia sẻ những ưu tư, suy nghĩ. Nay, Chúa đã chịu chết, đã phục sinh, Người là Đấng vô hình dù rằng Chúa Giêsu vẫn còn mang dấu tích của cuộc thương khó. Đời sống cụ thể của nhân loại cần phải có sự dìu dắt, chăm sóc cách hữu hình. Sứ mạng ấy, chúa phục sinh đã trao cho Hội Thánh. Phêrô là vị tông đồ, Chúa trao làm nền tảng của Giáo Hội sau lời tuyên tín đầy sáng suốt của Phêrô mà Chúa nói là do Chúa Cha mạc khải ( Mt 16, 18 ). Thánh Gioan nhấn mạnh thêm khi Phêrô thưa ba lần với Chúa rằng Ong yêu mến Chúa, Chúa trao trách nhiệm chăm sóc đàn chiên, chăm sóc Giáo Hội của Chúa ở trần gian ( Ga 21, 15-17 ).Tuy nhiên khi trao sứ mạng nặng nề, cao quí cho Phêrô và các tông đồ, Chúa muốn các Ngài trở nên những kẻ hầu hạ,những người phục vụ ( Mc 10, 41-45 ). Chúa nhấn mạnh : "Hãy học cùng ta vì Ta hiền lành và khiêm nhượng ". Hiền lành và khiêm nhượng là đức tính căn bản, tối cần của các mục tử Chúa Kitô. " Người chăn chiên tốt chính là Ta "( Ga 10, 14 ).Các vị mục tử phải là những người gắn bó mật thiết với Chúa Kitô, nghe tiếng Người, giảng dậy, cắt nghĩa giáo lý, chân lý của Người. Hình ảnh người chăn chiên cầm tù và, thổi tụ họp đàn chiên, mệt lả vác chiên lạc trên vai khi tìm thấy, luôn phải là hình ảnh sống động của các mục tử Chúa, đang nối tiếp sứ vụ của Chúa phục sinh giữa trần gian này. Đức tính căn bản của người mục tử tốt lành là tình yêu tự hiến của Chúa Giêsu,một tình yêu luôn ước ao và chờ đợi con người đáp trả.

III. MỖI NGƯỜI CHÚNG TA ĐỀU CÓ MỘT ƠN GỌI PHẢI ĐÁP TRẢ VÀ ĐƯỢC KÊU MỜI TRỞ NÊN NGƯỜI CHĂN CHIÊN TỐT LÀNH :

Là người Kitô hữu,chúng ta có Đức Kitô là Vị Mục Tử duy nhất luôn muốn qui tụ tất cả về đoàn chiên duy nhất của Người, nghĩa là không phân biệt dân được tuyển chọn hay dân ở ngoài lề. Ngài muốn tụ họp tất cả vào Giáo Hội của Ngài, Ngài muốn ban ơn cứu rỗi cho mọi người dù họ là dân ngoại hay dân của chúa. Chúa Giêsu là hiện thân của Thiên chúa Cha luôn kéo mọi người về với Ngài, dẫn mọi người thành tâm thiện chí về đồng cỏ xanh để mọi người có thể nhận ra tiếng của Ngài.

Trong thánh lễ sáng nay, thánh lễ dành riêng cầu nguyện cho ơn gọi linh mục, tu sĩ chúng ta ý thức rằng mỗi người chúng ta phải nhiệt thành cầu nguyện cho các mục tử Chúa luôn noi gương bắt chước Chúa là mục tử mẫu mực, lý tưởng. Vị mục tử can đảm,nhân hậu, đầy lòng trắc ẩn hay rộng tình thương xót, vị mục tử thánh thiện, hoàn hảo, chân thành, luôn kết hợp mật thiết với Thiên chúa cha và mọi người, vị mục tử đầy tình yêu, tình yêu bền bỉ, vững chắc, yêu cho đến cùng ( Ga 15, 13 ).Và như thế,chính chúng ta cũng được mời gọi đáp trả lại tình yêu vô biên của vị mục tử tốt lành, đồng thời ta cũng được kêu mời học hỏi và tập những đức tính cao đẹp, quí báu nhất của Đức Kitô nhân hậu và trở nên muôn người như một thành những vị mục tử tốt Như Chúa Giêsu.

Chúng ta có thể cùng với tác giả thánh vịnh 23 ca ngợi và hướng về trời cùng cất tiếng ca : "Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi. Trên đồng cỏ xanh rì,Ngài cho tôi nằm nghỉ …Chúa là mục tử tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi". Đồng thời, chúng ta cảm nghiệm rằng sứ điệp cao cả, sứ điệp cứu độ Chúa Giêsu muốn loan báo cho nhân loại, cho mọi người : "Thiên Chúa yêu thế gian, đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy,Thiên Chúa sai con của Người đến thế gian,không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ". ( Ga 3, 16-17 ).

Vâng, sứ mạng chúa trao phó cho Giáo Hội là qui tụ, cứu vớt mọi người như chúa Giêsu Kitô đã làm. Sứ mạng ấy sẽ mang lại kết quả tốt đẹp nếu mỗi người chúng ta biết qui tụ, phục vụ như Chúa Giêsu là Đấng chăn chiên nhân hậu.
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT