Suy Niệm Lời Chúa, Chúa nhật IV Mùa Chay (Lc 15,1-3.11-32) .
.
Kính thưa quí ông bà anh chị em, mùa chay ngoài những lời mà Giáo Hội kêu gọi như: cầu nguyện- chay tịnh và chia sẻ, thì mùa chay là dịp thuận tiện để con người trở về làm hoà với Thiên Chúa và với mọi người, cụ thể của việc làm hòa qua việc xưng tội, như trong bài đọc 2, thơ của Thánh Phaolô gởi giáo đoàn Cô-rin-tô, ngài cũng đề cập đến việc hoà giải, ngài nói: “Đức Ki-tô trao phó cho chúng tôi chức vụ hoà giải, nên chúng tôi là sứ giả thay mặt Đức ki-tô; Vì Đức Ki-tô, chúng tôi van nài anh em hãy giao hoà với Thiên Chúa, để trong Ngài, chúng ta trở nên sự công chính của Thiên Chúa. Nhờ sự hoà giải mà chúng ta được nối kết với Đức Ki-tô, và những ai được Đức Ki-tô ở với, thì người ấy sẽ trở nên tạo vật mới, và một khi đã trở nên tạo vật mới, trở nên sự công chính của Thiên Chúa thì người ấy luôn sống mối tình hiệp nhất, yêu thương của Thiên Chúa. Như vậy hạnh phúc cho những ai được nối kết với Đức Ki-tô, được ở trong nhà của Ngài, được nuôi dưỡng bằng các bí tích.”

Vậy thì, những ai ở trong nhà Chúa, những ai ở trong nhà Giáo Hội thì phải có tâm tình tha thiết gắn bó, mến yêu, lúc đó ta mới thấy được sự hạnh phúc bình an, nếu không ta dễ đi ra khỏi ngôi nhà ấy để tìm niềm vui, hạnh phúc mong manh nào đó. Biết đâu, đây là lối suy nghĩ và hành động của bao người, như đứa con thứ, qua bài Tin Mừng của Thánh Lu-ca, chúng ta vừa nghe; đứa con thứ đang sống trong gia đình, bỗng dưng xin cha chia gia tài cho nó, để trẩy đi phương xa. Nó muốn chia gia tài không phải để đi làm ăn mà là buông theo những dục vọng thôi thúc nó. Như vậy một khi con người bị dục vọng xấu lôi cuốn thì bất chấp những luật lệ, truyền thống, tình nghĩa; cụ thể qua sự đòi chia gia tài của người con thứ. Theo luật Do- thái thì không bao giờ cha mẹ còn sống mà con cái đòi chia gia tài, trừ khi cha mẹ sắp chết thì mới gọi các con lại chia gia tài cho mỗi đứa. Vậy thì, người con thứ đòi bố chia gia tài khi bố còn khỏe mạnh, thì chẳng khác chi nó cầu mong cho bố chết.

Phần gia tài người con thứ thu gom tất cả, ra đi và chẳng bao lâu đã sạch túi do đàng điếm, ăn chơi, và vì nạn đói, nó phải đi chăn heo cho một người trong vùng. Chăn heo là một công việc dơ bẩn đối với người Do-thái, rồi nó lại muốn ăn những thức ăn của heo mà cũng không được. Như vậy đang làm người con của một ông bố tốt lành, thì anh ta tự ý cắt đứt tình nghĩa gia đình, cha con, kể từ đó đời anh bắt đầu đi xuống, và đi xuống tận cùng, bằng chứng là anh ta muốn ăn thức ăn của heo mà không được. Với hoàn cảnh khốn cùng như vậy nên anh ta đã hối hận vì hành động sai trái của mình, rồi anh quyết định chỗi dậy, trở về với người cha, với gia đình. Và sự trở về này anh tự cho anh là không xứng đáng làm người con của ông bố tốt lành như trước đây nữa, mà chỉ mong được làm như là người đầy tớ mà thôi. Anh trở về để nói với cha anh rằng: “Cha ơi con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không xứng đáng được gọi là con cha nữa.” Nhưng với tình thương của người cha, ông chạy ra đón người con từ đàng xa, và ra lệnh cho những gia nhân mang y phục, trang sức mặc vào cho cậu, nghĩa là trả lại địa vị của người con, chứ không phải là người đầy tớ, cho dẫu cậu chưa kịp nói lời thống hối mà cậu đã chuẩn bị sẵn khi gặp cha của mình. Ôi! Tình yêu thì đi bước trước, tình yêu thì thứ tha tất cả. Phải chăng đó là tình yêu của Thiên Chúa đã, đang và sẽ dành cho bạn và tôi, mỗi khi ta trở lại cùng Ngài.

Hình ảnh người con thứ, bài học rất thiết thực cho mỗi người chúng ta đó là: biết đâu cách nào đó, ta cũng đã bỏ nhà ra đi như vậy, trong khi chúng ta đang ở trong vòng yêu thương của cha, mẹ, vợ, chồng, hay của Thiên Chúa, mà ta vẫn cảm thấy không có gì là hạnh phúc, vẫn cảm thấy thiếu vắng tình thương, nên ta vội vã bước ra khỏi căn nhà ấy để tìm đến những cuộc vui chơi giải trí thiếu lành mạnh, hay một sự an ủi nào đó, tưởng rằng ngon ngọt, dạt dào tình thương hơn ở trong ngôi nhà của mình, và không khéo ta tự hủy cuộc sống của chúng ta, hoặc làm cho gia đình chúng ta tan nát.

Hay là, biết bao lần ta suy nghĩ, ở trong nhà Giáo Hội, ta cảm thấy nặng nề, gò bó, ngột ngạt bởi các luật lệ; thôi ta từ giã căn nhà đó để tìm đến chân trời tự do riêng của ta, chẳng phải giữ luật này, luật kia. Thế nhưng họ đâu có biết, mỗi một khi rời xa tình yêu của Chúa, xa các bí tích là lúc đó họ đang đi xuống về cuộc sống thiêng liêng, và đó cũng là miếng mồi ngon cho thần dữ. Nếu đời sống về thiêng liêng ta đánh mất Thiên Chúa thì cho dẫu cuộc sống phần xác của chúng ta cho dẫu có khỏe mạnh, cường tráng đến đâu đi chăng nữa thì phần thiêng liêng như đã bị chết rồi, vì nó cắt đứt mối tương quan với Thiên Chúa. Như lời người cha nói với các đầy tớ: “Con ta đã chết, nay sống lại, đã mất nay tìm thấy.” Bởi vì nó đã tìm được đường về với tình yêu.

Còn đối với người con cả thì sao, xét bên ngoài, tuy anh ta luôn ở trong gia đình, nhưng anh cũng có vấn đề về mối tương quan tình yêu với người cha: tình yêu bị đổ vỡ, vì mặc dù anh ở trong nhà, nhưng anh lại sống mối tương quan với người cha bằng luật lệ, bằng mối tình của người tôi tớ, chứ không bằng tình yêu của một người con; vì chỉ có tình yêu, con người mới có niềm vui và hạnh phúc, còn sống với nhau mà không có tình yêu thì cuộc sống khô khan, cằn cỗi, cứng ngắc, và cũng chẳng hạnh phúc gì. Như trường hợp người con cả cũng ở trong nhà đó, cũng làm mọi công việc đó, nhưng trong lòng anh đã bị đổ vỡ, rạn nứt từ lâu rồi, có điều là chưa đến lúc bộc lộ ra ngoài thôi. Chúng ta thấy qua sự đối thoại của anh với người cha thể hiện ra một sự đổ vỡ; đổ vỡ giữa cha-con, đổ vỡ giữa anh-em, chúng ta nghe anh nói: “Cha coi, đã bao năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào. Còn thằng con của cha kia.” Tội nghiệp cho người con cả, anh tự cho anh với người cha là mối quan hệ chủ- tớ (hầu hạ) chứ không phải mối quan hệ cha-con. Rồi mối tương quan với người em ruột cũng vậy, không phải là mối quan hệ anh em; mà là người dưng nước lã, ta thấy anh ta nói: “Thằng con của cha…” Con của cha chứ không có liên hệ gì đến (tôi).

Với hình ảnh người con cả trên, không chừng cũng là hình ảnh của những ai mà sống trong gia đình, cộng đoàn, giáo xứ, Giáo Hội nhưng chỉ giữ luật một cách máy móc, cứng ngắc thì tuy họ gần nhưng lại xa. Một người chồng, người vợ, người con, hay người tu sĩ, nếu ở trong nhà mà chỉ nghĩ, làm việc này việc kia cho xong, vì nhiệm vụ, mà không có lòng yêu mến thì gia đình, cộng đoàn, thì đời sống của họ vẫn lạnh lùng, vẫn xa cách, và họ không lớn lên được trong mối tương quan tình yêu. Cũng vậy, biết đâu không chừng ta đang ở trong gia đình của Giáo Hội, và làm tất cả mọi việc vì luật, tuy rằng bên ngoài tốt, nhưng đường thiêng liêng của họ không triển nở được, và không chừng có nguy cơ dẫn họ đến đầu óc Biệt Phái, Pha-ri-sêu, vì họ cho họ là người kiểu mẫu của luật lệ, cho họ là công chính, từ đó dẫn đến kiêu căng, khinh miệt người khác.

Ước gì, qua hình ảnh người con thứ và người con cả, qua dụ ngôn Chúa Giêsu đưa ra, giúp ta rút ra được bài học về mối tương quan trong gia đình giữa cha mẹ, con cái, anh em với nhau, và ngay cả trong cộng đoàn tu trì nữa, làm sao tất cả phải có mối tương quan bởi tình yêu, do tình yêu, và vì tình yêu, có như thế mới xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đoàn hạnh phúc, và khi có được những ngôi nhà mái ấm tình thương như thế thì không ai muốn từ giã gia đình của mình, cộng đoàn của mình, để đi tìm những lời an ủi, tình yêu giả tạo bên ngoài. Tắt một lời, hạnh phúc biết bao khi tình yêu của mỗi người được tháp nhập vào tình yêu của Thiên Chúa, và tình yêu đó chắc chắn sẽ được chắp cánh bay cao, và cao mãi tới quê trời. Amen.




Lm Phaolô Cao Thế Bình, SDD