SỐNG SẴN SÀNG, TỈNH THỨC LÀ ĐIỀU TẤT YẾU

Niên lịch Phụng Vụ lại mở sang một trang mới. Một năm cũ kết thúc và năm mới lại bắt đầu. Cái bầu khí kết thúc năm cũ và khời đầu năm mới của niên lịch Phụng vụ duờng như không mấy rộn ràng và đầy vẻ hoàng nhoáng như biến cố chuyển tiếp giữa năm cũ và năm mới theo Dương Lịch hay Âm lịch. Duới góc nhìn “thánh thiêng” của tình cảm thuần tuý, thì Kitô hữu nói chung, ít có người có được cảm xúc “thiêng liêng” trong dịp khởi đầu một năm mới theo niên lịch Phụng vụ, dĩ nhiên không kể các tập thể Chủng Viện, Tu Viện…là những nơi được các nhà đào tạo quan tâm tổ chức đêm canh thức, buổi cầu nguyện, giờ chầu sám hối, hay giờ thánh… Phải chân thành thú nhận rằng cái bầu khí khởi đầu niên lịch Phụng vụ vẫn còn thiếu chút gì đó thâm sâu, thiêng thánh nếu không muốn so sánh với phút giao thừa hay đón năm mới Dương Lịch hay Âm Lịch mà nếu so với thời điểm đầu Mùa Chay ( Thứ Tư Lễ Tro ) thì cũng còn kém và thiếu nhiều điều bên ngoài lẫn cả bên trong.

Một Thánh Lễ Chúa Nhật, phẩm phục màu tím, không có “bài ca Vinh Danh” cùng với sự đơn sơ trong việc trang trí bàn thờ…chắc hẳn chưa đủ gây được cảm xúc hay tâm tình thiêng sâu cho người tham dự nếu nhìn và xét từ bên ngoài. Nhưng dẫu sao đi nữa thì Mùa Vọng vẫn đã lại về. Với tiết trời tự nhiên, ở nhiều nước, đặc biệt các nước vùng ôn đới, quảng thời gian một năm được phân thành bốn mùa: Xuân - Hạ - Thu - Đông. Những từ xuân, hạ, thu, đông là những từ quy ước. Còn các từ của những mùa theo niên lịch Phụng vụ lại mang một ý nghĩa nào đó. Chẳng hạn Mùa Chay là mùa nhấn mạnh đến việc chay tịnh, sám hối để chuẩn bị lòng tín hữu đón nhận các mầu nhiệm trong cuộc khổ nạn thương khó của Đức Kitô. Mùa Vọng là mùa mong chờ Chúa đến. Chúa Kitô, Đấng Thiên Sai đã đến thế gian cách đây hơn hai ngàn năm. Kitô hữu đã tin nhận chân lý này. Thế sao còn phải chờ mong Chúa đến ?

“Trời cao hãy đổ sương xuống…” Trong mùa Vọng, Hội Thánh dạy đoàn con sống hai tâm tình. Tâm tình đầu tiên là hiệp với dân Chúa xưa sống niềm mong đợi Đấng Thiên Sai và tâm tình thứ hai là sống niềm đợi trông Chúa Kitô lại đến trong vinh quang.

Hiệp với dân Chúa xưa sống niềm mong đợi:

Dân Chúa xưa vốn ý thức và xác tín rằng họ là dân được Chúa tuyển chọn. Ý thức mình là dân được Chúa tuyển chọn, thế mà thực tế lịch sử của dân tộc rất hiếm trang sử màu hồng mà quá nhiều trang sử màu xám xịt. Vừa hết làm tôi Ai Cập thì long đong thời lập quốc với bao cuộc chiến. Lập quốc ổn định chưa bao lâu thì lại bi phân chia, rồi làm nô lệ các đế quốc Assyri, Babilon, Ba tư, Hy Lạp, La mã. Dân Chúa xác tín rằng không phải do sức mạnh của quân ngoại bang, nhưng do chính tội lỗi của họ, nhất là tội bất trung với Thiên Chúa nên họ phải hứng chịu những tai ương khốn khó, những cảnh lầm than của kiếp đời nô lệ. Và thế là họ luôn khát khao mong chờ, đúng hơn là luôn kêu cầu Chúa đến cứu độ giải thoát khi họ biết sám hối ăn năn. Họ tin rằng Chúa hằng luôn tín thành với lời đã hứa cùng các tổ phụ cha ông, Chúa sẽ gửi Đấng Thiên Sai đến giải thoát họ. Các Ngôn sứ là những người gieo rắc niềm tin này, đồng thời thanh luyện niềm tin ấy. Đấng Thiên Sai sẽ đến không chỉ giải thoát dân khỏi ách nô lệ theo chiều kích chính trị mà còn giải thoát dân khỏi ách nô lệ thần dữ.

Lạy Chúa, xin hãy xé trời mà ngự xuống. Lạy Chúa, xin phục hồi chúng con… Lạy Chúa, xin tỏ cho chúng con thấy tình thương của Chúa và ban ơn cứu độ cho chúng con. Chúng con là loài sành sứ, Chúa là người thợ gốm. Chúa đã làm ra chúng con thì Chúa sẽ không bỏ rơi chúng con. Ngôn sứ Isaia thân thưa với Chúa lời cầu xin và cũng là lời tuyên tín rằng Chúa sẽ sai Đấng cứu độ đến giải thoát dân Người.

Cùng hiệp thông với niềm mong đợi của dân Chúa xưa, Kitô hữu chúng ta hôm nay và mọi thời muốn khẳng định rằng Đức Giêsu Kitô chính là Đấng Thiên Sai, đã đến thế gian cách đây hơn hai ngàn năm. Và chúng ta sẽ long trọng cử hành đại lễ mừng Người Giáng sinh vào ngày 25 tháng 12. Khi tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai, là Đấng Cứu Độ, thì chúng ta cũng tuyên xưng rằng chỉ có Người mới ban sự sống đời đời cho nhân loại chúng ta, chỉ có Lời của Người mới dẫn đưa chúng ta đến chân lý, đến hạnh phúc đích thực. Và dĩ nhiên, để có hạnh phúc thật, để được sống đời đời thì chúng ta phải tin vào Người, dõi theo chân Ngưòi và sống theo lời Người chỉ dạy.

Đợi trông Chúa Kitô lại đến trong vinh quang:

“Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến…”( Mc 13,33 tt ). Phải tỉnh thức, phải canh thức để đón chờ sự gì ? Câu trả lời thật hiển nhiên là để đón chờ Chúa lại đến trong vinh quang. Chúa Giêsu đã nói trước đó: “Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. Lúc đó, sẽ sai các Thiên sứ đi, và Người sẽ tập họp những kẻ được chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời” ( Mc 13, 26-27 ).

Quả thật, Kitô hữu chúng ta cũng như anh em lương dân hay bà con khác đạo, thường dễ có tâm tình lo sợ khi nghe nói đến cái ngày tận cùng của thế giới. Phận người nhuốm đầy tội nhơ, vì thế chúng ta thường e sợ khi nghĩ đến sự xét xử và lo lắng khi nghe nói đến ngày tận thế. Con người chúng ta vốn dính bén với những thực tại thế trần, từ của tiền đến danh vọng và cả mạng sống, vì thế, số người bình tỉnh đối diện với sự chết quả là xưa nay hiếm.

Lạy Chúa, xin hãy đến ! Cầu thì cầu, xin thì cứ xin, nhưng niềm tin vẫn còn yếu kém. Trong nhiều lý do thì có lý do này: chúng ta chưa thật xác tín rằng Chúa đến để giải thoát chúng ta, để ban hạnh phúc vĩnh cửu cho chúng ta. Và vì thế chúng ta vẫn mãi chưa thật sự sẵn sàng và tỉnh thức. Quả thật vẫn còn đó nhiều nghịch lý. Giả như có ai đó hẹn sẽ đến bất chợt trong một đêm không biết giờ nào nhưng là để trao tặng cho ta món tiền kếch sù là dăm bảy tỉ đồng thì dù không nhắc đi nhắc lại, chúng ta vẫn tỉnh thức và sẵn sàng với bằng mọi giá để khỏi bỏ lỡ dịp may ngàn năm có một. Thế mà thật trớ trêu, ai trong chúng ta cũng muốn lên thiên đàng nhưng nếu Chúa cho lên ngay lúc này thì lại xin Chúa hãy khoan thực hiện.

Dù muốn hay không thì cái ngày tận cùng của thế giới cũng sẽ tới, cái ngày tận cùng của đời ta cũng sẽ tới. Vũ trụ này, thế giới này đã có thời điểm bắt đầu thì sẽ có thời điểm kết thúc. Con người chúng ta có lúc chào đời thì phải có lúc lìa đời. Một chân lý đương nhiên, như nhiên, dù không thích ta vẫn phải đối diện. Chẳng ai có thể biết được ngày giờ tận cùng của lịch sử vũ trụ, kể cả các thiên thần và kể cả người Con, ngoại trừ Chúa Cha ( x. Mc 13,32 ). Chẳng ai có thể biết đích xác ngày mình giả từ trần gian. Chính vì thế Chúa Kitô nhấn mạnh: “Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: Phải tỉnh thức !” ( Mc 13,37 ).

Thế nào là tỉnh thức, sẵn sàng ? Căn cứ vào lời Chúa Kitô, chúng ta có thể biết một vài cách thế sống sẵn sàng tỉnh thức như sau:

Xét về mặt tiêu cực: Tỉnh thức sẵn sàng là thái độ dứt khoát với tội lỗi. “ Anh em phải tỉnh thức, kẽo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ” ( Mc 13,36 ). Tình trạng ngủ mê là tình trạng mãi đắm chìm trong tội, là tình trạng mãi quyến luyến với các dục vọng bất chính, là tình trạng bị trói buộc bởi những thực tại trần gian chóng qua. Với một sợi chỉ mỏng manh cũng đủ làm con chim sẻ không thể cất cánh bay cao. Mùa vọng lại về, một lần nữa thử xét mình xem những gì đang làm chúng ta không thể sống tốt hơn, thanh cao hơn, hướng thượng hơn ? Cần nhận diện cách trung thực và chính xác để rồi can đảm từ bỏ hoặc biết sống tự do với chúng.

Xét về mặt tích cực: Tỉnh thức sẵn sàng là thái độ sống biết quan tâm đến tha nhân, sống có tình, có lòng với người lân cận. Chúa Kitô đã minh hoạ thái độ sống tỉnh thức sẵn sàng này qua câu chuyện dụ ngôn năm cô trinh nữ khôn ngoan và năm cô trinh nữ khờ dại. Các cô khôn ngoan được xem là tỉnh thức vì có tấm lòng với cô dâu, chú rể, với hai họ, khi mang đèn thì biết chuẩn bị dầu đầy bình để đón chàng rể vì không biết chàng rể đến lúc nào. Ngược lại các cô khờ dại chẳng biết nghĩ đến ai, ngoài bản thân đến nỗi mang đèn mà không để ý gì đến dầu. Sống mà biết nghĩ đến tha nhân, sống có tấm lòng với người bên cạnh chính là một trong những cung cách sống sẵn sàng, tỉnh thức ( x.Mt 25,1-13 ).

Chúa Kitô còn minh hoạ sự sẵn sàng tỉnh thức bằng việc chu toàn bổn phận với người dưới quyền, với người trong trách nhiệm của ta. Sau khi dạy các tông đồ phải tỉnh thức sẵn sàng vì chính giờ phút không ngờ thì Con Người sẽ đến, Chúa Kitô đã kể dụ ngôn về người đầy tớ trung tín được đặt lên coi sóc gia nhân để cấp phát cho họ đúng giờ, đúng lúc ( x. Mt 24,45-51; Lc 12,41-48 ). Sự thường, người ta rất dễ sẵn sàng chu toàn trách nhiệm với người trên, nhưng với người dưới quyền thì xem ra hay xao nhãng. Bề trên gọi thì thưa vâng ngay, còn bề dưới hỏi thì phán rằng hãy chờ đấy. Không phải với người trên nhưng chính khi chu toàn bổn phận với người dưới quyền mới là lúc ta thực sự đang sống tỉnh thức sẵn sàng.

Mùa Vọng đã về. Chúng ta được mời gọi sẵn sàng tỉnh thức để đón chờ Chúa đến. Chúa đến để ban ân phúc cho chúng ta và cũng là để xét xử chúng ta. Gặp hoạ hay hưởng phúc đều do chính tấm lòng của chúng ta, do chính thái độ sống của chúng ta. Là loài có lý trí và ý chí tự do, xin đừng đổ thừa cho khách quan hay ngoại cảnh. Sống sẵn sàng, tỉnh thức là điều tất yếu, nếu không muốn phải bị diệt vong.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa