BÊN HỒ TIBERIA
Tin Mừng Gioan ghi lại Chúa Giêsu hiện ra ở Biển Hồ Tibêria như sau:
“Sau đó, Đức Giêsu lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Tibêria. Người tỏ mình ra như thế này. Ông Simôn Phêrô, ông Tôma gọi là Điđymô, ông Nathanaen người Cana miền Galilê, các người con ông Dêbêđê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. Ông Simôn Phêrô nói với các ông: “Tôi đi đánh cá đây.” Các ông đáp: “Chúng tôi cùng đi với anh.” Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả.
Biển hồ Tiberia: nơi Chúa nướng cá cho các môn đệ
Khi trời đã sáng, Đức Giêsu đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giêsu. Người nói với các ông: “Này các chú, không có gì ăn ư?” Các ông trả lời: “Thưa không.” Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.” Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá” (Jn. 21:1-6).
Phêrô đã một thời tự ý ngang dọc. Ông xách gươm. Ông kéo Chúa ra riêng một chỗ rồi lên tiếng trách Người. Bên Biển Hồ Tibêria, hồ hôm nay chỉ dật dờ một rừng lau sậy. Tôi đến đây sau trưa, bóng ngả dần về chiều. Biển xanh mơ êm đềm. Ấy thế mà một thời nổi sóng với ngôn từ của Chúa. Tôi biết, bây giờ ngó ở đâu cũng chỉ là bờ đá và rừng xanh. Nhưng tôi vẫn nhìn quanh như tìm xem bóng Chúa đâu. Phêrô từng ngồi chỗ nào. Bây giờ khách hành hương có thể xin tĩnh tâm nơi những trung tâm này. Tôi có thể dâng lễ ngay tảng đá mà chỉ vài bước chân là xuống biển hồ.
Chúa hiện ra tảng sáng và bảo Phêrô thả lưới. Người đánh cá chuyên nghiệp thì biết, không ai thả lưới lúc tảng sáng. Họ đánh lưới về đêm. Ấy thế mà Phêrô không cãi lại, ông im lặng thả lưới. Một thái độ ngược bản tính của ông. Cái ngang dọc của Phêrô hôm nay biến mất. Và quả thật, cá nhiều quá kéo lên không nổi.
Trên bờ biển hồ tôi đang đi đây, Chúa hiện ra nhiều lần với các môn đệ. Tôi xin dâng lễ ngoài trời, nơi bàn thờ đá cuối nhà thờ. Bàn thờ quay ra biển. Nơi này câu chuyện xảy ra hai nghìn năm trước như sau:
Đó là lần thứ ba Đức Giêsu tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết.
“Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giêsu hỏi ông Simôn Phêrô: “Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Đức Giêsu nói với ông: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy.” Người lại hỏi: “Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Người nói: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy.” Người hỏi lần thứ ba: “Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không?” Ông Phêrô buồn vì Người hỏi tới ba lần: “Anh có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy.” Đức Giêsu bảo: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy” (Jn. 21:15-17).
HAI BIẾN CỐ MỘT MẶT HỒ
Ta phải đặt không gian nơi Chúa hiện ra với mẻ cá kéo lên không nổi và câu chuyện bánh hóa ra nhiều vào một liên hệ chung. Xét về địa lý thì cả hai biến cố xảy ra ở mạn Bắc Biển Hồ Galilê, vùng Tibêria. Chỗ Chúa làm phép bánh hóa ra nhiều nuôi mấy ngàn người ăn ở sát bên cạnh nơi Chúa hỏi Phêrô con có mến Thầy không. Cả hai xảy ra bên biển hồ. Ta chỉ cần đi bộ một quãng đường. Đặt vào chung một vùng đất, ta thấy những điểm trùng hợp như sau:
BIỂN HỒ GALILÊ
TRƯỚC PHỤC SINH
SAU PHỤC SINH
Bên đồi cỏ
Bên biển hồ
Bánh hóa ra nhiều trên đất
Cá hóa nhiều trên nước
- Một ngày đói không đủ bánh ăn
- Một đêm hoài công không có cá
- Một bên Chúa hỏi có mấy chiếc bánh
- Một bên Chúa hỏi có gì ăn không.
Cả hai bên đều trả lời không có.Cả hai bên đều thiếu.
Cả hai bên đều trả lời không có. Cả hai bên đều thiếu.
- Một bên Chúa bảo đem bánh lại đây
- Một bên Chúa bảo thả lưới.
Cả hai bên Chúa không tự ý làm phép lạ.
Cả hai bên Chúa không tự ý làm phép lạ.
Cả hai biến cố đều có phần góp sức của con người.
Cả hai biến cố đều có phần góp sức của con người.
Một bên đem bánh ố
Một bên thả lưới
Chúa bảo các môn đệ lo cho dân ăn
Chúa bảo Phêrô săn Giáo Hội.
- Chúa còn sống, thấy dân chúng thì Chúa thương.
- Chúa chết rồi, Chúa bảo Phêrô tiếp tục yêu thương ấy.
Cả hai biến cố đều dùng hình ảnh chiên.
Cả hai biến cố đều dùng hình ảnh chiên.
Một bên là: “Vì họ như bầy chiên không người chăn dắt.”
Một bên là: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy.”
Căn bản của những trùng hợp này là kết luận ta có thể di tới:
Như thế, biến cố bánh hóa ra nhiều là tiền thân của mẻ lưới, của cuộc hiện ra sau Phục Sinh với Phêrô. Cả hai biến cố nói lên một ý nghĩa chung là lòng thương xót của Chúa đối với dân chúng và Phêrô, kẻ theo Chúa là nối tiếp lòng thương xót ấy mà săn sóc Giáo Hội. Khi Chúa bảo các môn đệ lo cho dân chúng ăn trong biến cố bánh hóa ra nhiều, là tập cho các ông cách lo mà Chúa trối cho Phêrô sẽ lo cho Giáo Hội tương lai ở biến cố hiện ra sau Phục Sinh này.
Phêrô phải lo cho Giáo Hội như Chúa săn sóc:
- Vì lòng mến. (Con có mến Thày không?)
- Không dựa vào công lao sức mình. (Hãy thả lưới bên phải)
- Không thất vọng khi thấy không có lối thoát. (Không có gì ăn ư? ố Thưa: Không)
- Phải đóng góp sức của mình, không ỷ nại vào Chúa. (Vâng lời Thày con thả lưới)
- Chúa hành động khác cách con người. (Thả lưới lúc ban sáng!)
Ba lần Chúa hỏi Phêrô để Phêrô được ba lần rửa tội. Ba lần ông chối Chúa. Trong ba lần này Chúa chỉ hỏi về lòng mến. Điều kiện Chúa trao Giáo Hội cho Phêrô là lòng mến. Chúa không hỏi về khả năng lãnh đạo, không hỏi về khả năng kiến thức, không hỏi về khả năng tài chính, không hỏi về khả năng thu phục lòng người. Lòng mến ở đây là mến Chúa, không phải mến công việc của Chúa. Chúa nói rõ: “Con có mến Ta không”. Chúa không hỏi có mến công trình của Chúa không.
Điều khác biệt
Điều khác biệt giữa hai biến cố bánh hóa ra nhiều và mẻ lưới là lời loan báo căn tính tông đồ: “Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: Lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.” Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: “Hãy theo Thầy” (Jn. 21:18-19). Trong biến cố bánh hóa ra nhiều, Chúa không nói với Phêrô về ơn gọi ông sẽ phải sống như thế nào. Nhưng sau khi Chúa sống lại thì Phêrô phải hiểu rất rõ về căn tính của mình là sẽ phải chết cách nào.
Điều khác biệt hơn nữa
Ông Phêrô quay lại, thì thấy người môn đệ Đức Giêsu thương mến đi theo sau; ông này là người đã nghiêng mình vào ngực Đức Giêsu trong bữa ăn tối và hỏi: “Thưa Thầy, ai là kẻ nộp Thầy?” Vậy khi thấy người đó, ông Phêrô nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, còn anh này thì sao?” Đức Giêsu đáp: “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? Phần anh, hãy theo Thầy” (Jn. 21:20-22).
Nét độc đáo trên Biển Hồ Tibêria sau khi Chúa Phục Sinh tăng theo chiều cao của một con diều no gió, phải bay vút lên. Phêrô có người bạn thân là Gioan. Chúa nói cho Phêrô biết có thể phải chết cách nào đó, rồi hỏi ông nghĩ sao. Chúa không đề cập đến Gioan.
Phêrô quyết định theo. Nhưng còn con người trần thế, một chút yếu lòng. Ông nói với Chúa: “Thưa Thầy, còn người này thì sao?”
Phêrô hỏi Chúa một lời trần tình thật tuyệt vời. Nó nói lên tất cả chiều sâu nhân tính của một thân phận làm người. Ông không là thánh. Ý ông muốn nói, xin Thầy gọi anh ta nữa, cho đi cùng với con cho có bạn. Con thấy lẻ loi khi theo Thày một mình. “Còn người này thì sao?” Phêrô “nhắc khéo” với Chúa. Không ngờ, Chúa lắc đầu. Chúa không gọi Gioan! Chúa trả lời Phêrô bằng tiếng lệnh lên đường dứt khoát: “Việc gì đến anh.”
- Phần con, con hãy theo Thầy.
Phêrô im lặng. Như thế ta có thể vẽ lên màu xanh êm ả của vùng biển hồ hôm nay một bóng hình nổi sóng vô cùng siêu bạo. Một Thầy, một trò, hai bóng người nhỏ dần khuất bóng. Cái khuất bóng chỉ có hai bóng hình trộn vào nhau làm thành vùng màu sắc táo bạo chấm dứt Phúc Âm Gioan.
Tôi muốn trở lại vùng Biển Hồ Tibêria này, ở lại lâu hơn để nghe sóng vỗ vào chân bờ đá. Những bờ đá đã có dấu chân người một thủa đi qua. Rất hào hùng.
(Jerusalem Mùa Phục Sinh 2006, Trích tập suy niệm KẺ ĐI TÌM, sẽ xuất bản 2010)
Nguyễn Tầm Thường