LỄ GIÁNG SINH (LỄ NGÀY)
Chủ Ðề: Hôm nay, Đấng cứu độ đã đến với chúng ta
I. Dẫn vào Thánh lễ
Trong ngày lễ Giáng sinh, chúng ta vui mừng vì Thiên Chúa đã thực hiện lời Ngài đã hứa với nhân loại. Từ ngàn xưa Thiên Chúa đã muốn cho mọi người trở thành con của Ngài. Vì thế, khi đến thời thuận tiện, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta Người Con của Ngài, Đấng "từ nguyên thuỷ vẫn ở với Thiên Chúa", là "ánh sáng bởi ánh sáng". Hôm nay ánh sáng đã đến với nhân loại để soi sáng cho nhân loại. Chúng ta hãy hân hoan đón nhận ánh sáng của Ngài.
II. Gợi ý sám hối
* Thánh Gioan đã nói "Ngài đã đến nhà Ngài, nhưng thân nhân của Ngài đã không tiếp đón Ngài". Phải chăng lời này cũng nói về chúng ta?
* Chúa Giêsu là ánh sáng ân sủng. Nhưng lắm khi chúng ta chuộng bóng tối tội lỗi hơn ánh sáng Chúa Giêsu.
* Chúa Giêsu là Lời của Thiên Chúa. Chúng ta có quen lắng nghe Lời Ngài không?
III. Lời Chúa
1. Bài đọc I: Is 52,7-10
Đang khi dân Do Thái bị lưu đày, ngôn sứ Isaia (đệ nhị) đã được soi sáng để thấy trước một vị sứ giả của Thiên Chúa loan báo cho dân một tương lai bình an, hạnh phúc và được cứu độ: "Đẹp thay chân người rao tin trên núi, người rao tin thái bình, người rao tin cứu độ".
Hôm nay lời tiên tri đó được thực hiện hoàn toàn nơi Chúa Giêsu.
2. Đáp ca: Tv 97
Tv này diễn tả cùng những ý tưởng hân hoan như bài đọc I: "Hãy ca tụng Chúa một bài ca mới... Chúa đã công bố ơn cứu độ, đã tỏ sự công chính của Ngài trước mặt chư dân".
3. Tin Mừng: Ga 1,1-18
Đây là bài tiền ngôn nổi tiếng của quyển Tin Mừng thứ tư. Bài tiền ngôn này cô đọng tất cả những chủ đề kitô học:
* Chúa Giêsu Kitô là Con của Thiên Chúa và là chính Thiên Chúa.
* Ngài mặc khải cho chúng ta biết Thiên Chúa: Ngài là Lời của Thiên Chúa, chỉ một mình Ngài biết rõ Thiên Chúa, qua Ngài chúng ta thấy được vinh quang của Chúa Cha.
* Ngài có vai trò quan trọng trong công trình sáng tạo.
* Ngài đã nhập thể, trở thành xác thịt và ơ giữa loài người.
* Nhưng thân nhân của Ngài đã không tiếp nhận Ngài.
4. Bài đọc II: Dt 1,1-6
Tác giả thư Do Thái nhìn lại lịch sử cứu độ: "Thuở xưa, nhiều lần và dưới nhiều hình thức, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các tiên tri. Trong những ngày sau hết đây, Ngài đã phán dạy chúng ta qua Người Con".
Và tác giả cũng trình bày một tổng luận kitô học về Chúa Giêsu: Ngài là Con Thiên Chúa, bởi Ngài mà vũ trụ được tác thành, Ngài quét sạch tội lỗi loài người, rồi Ngài lên ngự bên hữu Thiên Chúa...
IV. Gợi ý giảng
1. Niềm vui lễ Giáng sinh
"Đời là bể khổ". Bởi đó rất nhiều người bi quan, buồn thảm. Ai cũng khao khát niềm vui. Hôm nay, một tin vui rất lớn được loan báo cho chúng ta: Con Thiên Chúa đã làm người và ở giữa chúng ta.
Thế nhưng, như bài Tin Mừng hôm nay nói, "Ngài đã đến nhà Ngài, nhưng thân nhân của Ngài đã không tiếp nhận Ngài". Nghĩa là không phải ai, kể cả những người thân của Chúa Giêsu, cũng đều vui.
Muốn có được niềm vui này, ta phải biết đón nhận Ngài bằng đức tin: đừng dừng lại ở những trang hoàng đẹp mắt, những bài thánh ca du dương, những hang đá máng cỏ thơ mộng. Hãy dừng lại trước Hài nhi Giêsu, và dùng cặp mắt đức tin để chiêm ngưỡng và suy niệm trong lòng. Rồi từ đó ta sẽ nhận ra:
* a/ Tình yêu vô cùng của Thiên Chúa đối với chúng ta, đến nỗi Ngài đã ban Con Một yêu dấu của Ngài cho chúng ta;
* b/ Lời Thiên Chúa mời gọi chúng ta trở thành con Thiên Chúa như Chúa Giêsu và cùng với Chúa Giêsu chia xẻ chính sự sống thần linh của Thiên Chúa.
Và niềm vui ấy cũng phải được mang đi để chia xẻ cho những người khác. Chúng ta hãy làm những sứ giả của Tin Mừng: "Đẹp thay chân người rao tin trên núi, người rao tin thái bình, người rao tin cứu độ".
2. Người thân không đón nhận
Thánh Gioan đã nói lên một sự thật phũ phàng: "Ngài đã đến nhà Ngài, nhưng người thân của Ngài đã không đón nhận Ngài".
Tại sao họ không đón nhận Ngài? Vì họ không nhìn ra Ngài. Tại sao họ không nhìn ra Ngài? Vì họ tưởng Ngài sẽ đến trong dáng vẻ quyền quý cao sang, thế mà Ngài lại đến trong hình dáng quá tầm thường của một đứa bé con nhà nghèo.
Tình huống bi đát này, Chúa Giêsu không chỉ gặp một lần khi mới sinh ra ở Bêlem, mà tái diễn nhiều lần nữa trong suốt đời Ngài...
Và có thể chính hôm nay nữa, bởi chính chúng ta nữa...
* Lúc chúng ta ở trong nhà thờ, Chúa đến với chúng ta qua tấm bánh trắng đã biến thành Mình Thánh Ngài thì dĩ nhiên chúng ta nhận ra Ngài. Nhưng khi rời nhà thờ trở về nhà, nếu Chúa đến với chúng ta trong những người hàng xóm, liệu chúng ta có nhìn ra Ngài và niềm nở tiếp đón không?
* Khi chúng ta cầu nguyện, Chúa đến với chúng ta bằng những ơn soi sáng, an ủi, nâng đỡ thì chúng ta nhìn ra và vui vẻ đón nhận Ngài. Nhưng trở lại cuộc sống, nếu Chúa đến với chúng ta bằng những trách nhiệm, những gánh nặng, những thử thách, những khổ đau
Chúng ta có còn nhìn ra Ngài và đón nhận Ngài nữa không?
3. Quà tặng đêm Noen
Một đôi vợ chồng trẻ. Gim và Đêla, tuy nghèo tiền của nhưng rất giàu tình yêu. Giáng Sinh sắp tới, Đêla tự hỏi phải tặng Gim món quà gì đây. Nàng muốn tặng chàng sợi dây cho chiếc đồng hồ của chàng. Nhưng nàng không có đủ tiến để mua. Vì thế, nàng nảy sinh một sáng kiến: Nàng có bộ tóc dài mượt mà, óng ả, nàng yêu quí và rất hãnh diện vì nó. Nhưng nàng quyết định cắt bộ tóc đi, và đem bán để mua cho Gim sợi dây đồng hồ.
Hôm áp lễ Giáng sinh, từ phố vế, nàng cầm trong tay một chiếc hộp rất đẹp dựng sợi dây đồng hồ mạ vàng mà nàng vừa sắm được bằng mái tóc của mình. Bỗng nhiên Đêla cảm thấy lo lắng. Nàng biết Gim rất quí mái tóc dài của nàng. Nàng tự hỏi không biết Gim có buồn vì nàng cắt và bán nó đi hay không.
Về đến nhà, Đêla mở cửa và thấy Gim đang đợi nàng. Tay chàng cầm một cái hộp thật đẹp, đựng món quà chàng mới mua để tặng nàng. Khi nhìn thấy mái tóc ngắn của vợ, Gim như muốn khóc, nhưng chàng không nói gì cả. Cố trấn tĩnh, chàng trao cho nàng chiếc hộp xinh xắn. Mở hộp ra, Đêla rất đỗi bàng hoàng. Trong hộp là một bộ lược chải tóc bằng xà cừ rất đẹp. Còn chàng, khi mở món quà vừa nhận được từ tay vợ, Gim cũng ngỡ ngàng không kém:
Chính lúc đó Đêla mới nhận ra rằng Gim đã bán chiếc đồng hồ vàng, món đồ quí nhất của anh, để mua lược chải tóc cho nàng. Phút chốc cả hai đều hiểu rằng họ đã tặng nhau tất cả những gì quí giá nhất.
*
Nếu có một bài học mà chúng ta có thể rút ra từ việc "Tặng quà" của đôi vợ chồng trẻ này, thì đó chính là: Khi trao ban cho kẻ khác, người ta lại tìm được chính bản thân và những gì cao quí nhất. Nghĩa là con người chỉ đạt được nhân cách sung mãn bằng sự trao ban vô vị lợi mà thôi.
Đó chính là sứ điệp chạy xuyên suốt Tin Mừng, nhất là trong mầu nhiệm Giáng Sinh: "Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời" (Ga 3,16). Qua Con Một yêu dấu, Thiên Chúa muốn ban tặng chính Người cho chúng ta. Người không chỉ hài lòng với món quà vật chất mà Người đã ban tặng như vũ trụ bao la với muôn vàn phúc lộc trong đó, nhưng Người đã đích thân ở giữa nhân loại để chia sẻ cuộc sống con người: "Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và đã cư ngụ giữa chúng ta" (Ga 1,14).
Hài nhi Giêsu chính là quà tặng quí giá nhất Thiên Chúa trao ban cho con người.
Hài nhi Giêsu chính là hiện thân sống động của một Thiên Chúa tình yêu.
Hài nhi Giêsu chính là sự tỏ bày tấm lòng vô cùng ưu ái của Thiên Chúa dành cho con người.
Giáng sinh là lễ của Tặng quà nhưng cũng còn là lễ của Tình yêu. Không phải những quà tặng đắt tiền mới có giá trị, mà chính là những món quà thắm đượm tình yêu. Một món quà dù nhỏ bé nhưng gói ghém tất cả tình cảm mến thương, sự trân trọng, lòng biết ơn, có khi cả sự ngưỡng mộ của mình dành cho người đón nhận, thì đó lại là món quà vô giá.
Có thể nói, một cách nào đó, khi tặng quà, chúng ta muốn trao ban chính bản thân, trao ban không cần tính toán, không so đo hơn thiệt, trao ban trọn vẹn. Mẹ Têrêsa Calcutta đã nói: "Ki tô hữu là người trao ban chính bản thân mình". Hài nhi Giêsu sau này khi sắp trao ban mạng sống để cứu chuộc nhân loại đã thốt lên: "Không có tình yêu nào cao quí cho bằng tình yêu của người hiến mạng sống mình vì bạn hữu" (Ga 15,13)
Quà tặng cao đẹp nhất chúng ta dâng lên Hài nhi Giêsu trong đêm Giáng sinh chính là những nghĩa cử yêu thương chúng ta trao tặng cho anh em.
Chúng ta chỉ có thể lớn lên trong tình yêu Chúa khi chúng ta thực thi những nghĩa cử yêu thương.
Chúng ta chỉ sống đích thực khi chúng ta sống trọn vẹn cho tha nhân.
Lạy Chúa Hài Nhi, giá trị đích thực của con người chúng con hệ tại ở lòng quảng đại trao ban.
Xin cho chúng con cũng biết trao tặng những gì quí giá nhất cho anh em như Chúa đã trao tặng chính Chúa cho chúng con đêm nay. Amen (TP)
4. "Bình an dưới thế cho người thiện tâm"
Vào dịp Lễ Giáng sinh năm 1914, quân Anh và quân Đức đang đối đầu nhau. Binh sĩ ở dưới những giao thông hào đầy bùn và chuột. Nửa đêm, một người lính Anh cất lên một bản thánh ca. Chẳng bao lâu sau, tất cả các lính Anh cũng cất tiếng hòa ca. Mọi người đang hát say sưa thì một người hô lớn: "Im. Nghe xem có tiếng gì từ bên kia vọng lại". Mọi người im lặng lắng nghe. Thì ra những người lính Đức bên kia chiến tuyến cũng đang hát thánh ca mừng Chúa ra đời. Một cái gì đó linh thiêng nối kết những kẻ thù ở hai bên chiến tuyến. Tất cả binh sĩ bỏ chiến hào chạy ùa tới nhau. Họ nắm tay nhau nhảy múa theo điệu hát. Họ chia cho nhau những điếu thuốc, những mẫu bánh. Chiến tranh biến đâu mất. Chỉ còn lại Hòa bình. Mọi người rất vui.
Nhưng niềm vui không kéo dài lâu. Tiếng hát, tiếng cười ồn ào đến tai các vị chỉ huy. Các vị này lập tức ra lệnh chấm dứt tất cả, mọi người phải trở lại vị trí của mình. Thế là chiến tranh lại tiếp diễn!
***
Mỗi lần đến lễ Giáng sinh là người ta nghĩ đến Hòa Bình, bởi vì trong đêm Chúa Giáng sinh, các thiên thần đã hát "Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm".
Nhưng hòa bình không phải chỉ là không có chiến tranh, không chỉ là ngưng tiếng súng. Hòa bình là hoa trái sinh ra từ những tâm hồn thiện tâm. Nếu tâm không thiện thì không có hòa bình thật. Hòa bình bền vững không phải do thỏa hiệp của những bên đã từng chống đối nhau, mà là ơn ban của Chúa. Trong lễ Giáng sinh, Chúa ban ơn hòa bình cho ta, đề rồi ta cũng mang ơn hòa bình ấy ban cho kẻ khác. (FM)
5. Sứ điệp của lễ Giáng sinh
Nhiều khi trong đời, ta nôn nóng đón chờ một ngày trọng đại. Nhưng khi ngày đó đến thì ta lại thất vọng chán chường.
Ngày lễ Giáng sinh có thể là một ngày như thế đối với một số người. Nhiều ngày trước, họ nôn nao chờ đợi, mong sẽ có được những điều đặc biệt trong ngày lễ. Rồi lễ Giáng sinh đến. Nhìn lên trời chẳng thấy thiên thần nào hiện ra. Nghe ngóng chung quanh cũng chẳng có tiếng hát thiên thần. Thì ra cũng là một ngày như mọi ngày thôi. Họ chua chát kết luận: Giáng sinh chỉ là lễ cho trẻ con thôi!
Thực ra Giáng sinh là một ngày rất khác biệt. Mặc dù không có dấu lạ nào trên trời, nhưng thực sự có rất nhiều dấu lạ, ít ra là đối với những ai biết nhìn. Này nhé, ngày này có nhiều ánh sáng hơn, nhiều ấm áp hơn, nhiều hy vọng hơn. Trong lễ Giáng sinh, người ta cảm thấy thân thiện nhau hơn; lòng người ta vui vẻ và cởi mở hơn nên gặp nhau thì người ta chúc, người ta cười; người ta nghĩ đến những điều tốt đẹp, quên đi những ý nghĩ đen tối, u sầu... Có thể nói trong dịp Lễ Giáng sinh, chúng ta cảm thấy Nước Thiên Chúa là một cái gì cụ thể và gần gũi. Và nếu ai biết mở lòng mình ra thì còn có thể cảm thấy như chạm được chính Thiên Chúa, như tâm sự sau đây của nhà soạn kịch Hugh Leonard: "Tôi không biết Thiên Chúa là ai, nhưng tôi biết Ngài ở đâu. Ngài bao quanh tôi suốt năm, nhưng trong dịp lễ Giáng Sinh Ngài đến và chạm vào sườn tôi".
Trong lễ Giáng sinh, chúng ta cảm nghiệm được sự gần gũi, sự ấm áp và sự tốt lành của Thiên Chúa. Chúng ta thấy mình không cô độc, thấy rằng đời mình có ý nghĩa, nhận ra rằng có một Đấng coi sóc mình và hướng dẫn mình, biết mình được yêu thương, và tâm hồn rất bình an.
Đó chính là sứ điệp của lễ Giáng sinh. Hãy mở rộng lòng ra đón nhận sứ điệp hạnh phúc ấy, và hãy tiếp tục sống sứ điệp ấy mãi... (FM)
6. Ánh Sáng Chúa Giáng sinh
Ở Bắc bán cầu, Lễ Giáng sinh diễn ra vào lúc trời tối nhất. Đây là thời điểm thuận lợi để chúng ta ngưỡng mộ giá trị của ánh sáng. Bởi vậy Phụng vụ lễ này nói nhiều tới ánh sáng. Chẳng hạn như bài đọc I Lễ Đêm: "Đoàn dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng" (Is 9,1)
Mẹ Têrêsa kể rằng lúc ở Melbourne, Australia, một hôm Mẹ đến thăm một ông già sống trong một tầng hầm dơ bẩn lộn xộn. Trong phòng ông không có một chút ánh sáng. Trước đây chẳng ai đến thăm ông. Bắt đầu, Mẹ Têrêsa quét dọn căn phòng cho sạch sẽ ngăn nắp lại. Nhưng ông cự nự: "Không được đụng đến. Cứ để yên cho tôi". Mẹ Têrêsa mặc kệ, cứ tiếp tục. Vừa quét dọn, Mẹ vừa gợi chuyện nói với ông. Rồi Mẹ tìm thấy một chiếc đèn dầu nằm ẩn dưới một đống đồ đạc ngổn ngang. Lau chùi xong, Mẹ thấy cây đèn rất đẹp.
- Ông có một cây đèn rất đẹp. Sao bấy lâu nay ông không thắp lên?
- Thắp lên làm gì? Có ai đến thăm tôi đâu.
- Vậy nếu nữ tu của tôi đến thăm ông thì ông có hứa sẽ thắp đèn lên không?
- Xin hứa. Nếu tôi nghe có tiếng ai đến thăm thì tôi sẽ thắp đèn lên.
Sau đó, hai nữ tu của Mẹ Têrêsa đều đặn tới thăm ông già. Mỗi lần họ đến thì ông già thắp đèn lên. Tình hình ngày càng tốt đẹp hơn. Một hôm, ông nói: "Các Sơ ạ. Từ hôm nay tôi có thể tự dọn dẹp phòng được rồi. Nhưng xin làm ơn nói lại với bà nữ tu đầu tiên là ngọn đèn bà đã thắp lên trong đời tôi đến nay vẫn còn cháy sáng".
Có thể nói rằng ngọn đèn đã cứu ông già ấy. Nhưng thực ra thì không phải ngọn đèn, mà là điều mà ngọn đèn ấy tượng trưng, tức là lòng tốt của Mẹ Têrêsa và các nữ tu của Mẹ.
Chúng ta đang sống trong một thế giới tối tăm vì chiến tranh, bạo lực, đau khổ v.v... Tất cả chúng ta đều cảm nghiệm được sự tối tăm trong đời mình và trong gia đình mình: buồn phiền, thất vọng, bệnh tật, tội lỗi, cô đơn, chán chường v.v...
May thay ánh sáng Chúa Giáng sinh đã thắp lên trong thế giới vẫn còn cháy sáng. Ánh sáng ấy không chỉ loé lên ở Bêlem một lần rồi tắt ngúm. Nó vẫn còn chiếu sáng giữa những tàn phá, thảm họa, biến động... Đó là một thứ ánh sáng bền vững không bóng tối nào lấn át được. Nó vẫn chiếu sáng cho tất cả những ai tin Ngài và theo Ngài. Suốt 2000 năm qua, những lời Ngài dạy đã ảnh hưởng đến nhân loại hơn tất cả mọi bậc tôn sư nào khác. Những việc Ngài làm còn ảnh hưởng mạnh hơn nữa. Biết bao người từ chốn tối tăm đã tìm đến với Ngài và ra đi trong ngập tràn ánh sáng. Lòng nhân ái của Ngài vẫn tiếp tục chiếu sáng thế giới.
Mỗi người chúng ta phải là nguồn sáng cho thế giới tối tăm này. Nhưng nếu đời ta không là đèn sáng thì làm sao ta chiếu sáng cho người khác được. Sống trong ánh sáng thật là hạnh phúc. Nhưng còn hạnh phúc hơn khi ta là nguồn sáng cho người khác. Chúa đã gọi ta ra khỏi tối tăm bước vào ánh sáng, thì ta phải sống như là con cái của ánh sáng. Hiệu quả của ánh sáng được thấy rõ nhất trong một tấm lòng nhân ái, một cuộc sống chính trực, chân thành. (FM)
7. Mảnh suy tư
- Thánh Giuse và Mẹ Maria lên đường đi Bêlem.
Khi các ngài tới đó thì đã đến giờ Đức Maria mãn nguyệt khai hoa.
Và Mẹ đã hạ sinh con trai đầu lòng.
- Tất cả chúng ta cũng lên đường đi Bêlem nơi mà chúng ta hy vọng sẽ được sinh ra.
- Tôi biết rằng chúng ta đã một lần được sinh ra.
Tuy nhiên chúng ta vẫn chưa được sinh ra theo nghĩa là bản ngã thực sự và tròn đầy của chúng ta vẫn chưa nhìn thấy ánh sáng thật.
Khi chúng ta được sinh ra lần thứ hai thì tất cả mọi ơn mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta như những hạt giống sẽ nẩy mầm và sinh hoa trái.
Mục tiêu tối hậu của chúng ta là Bêlem trên trời, nơi mà chúng ta sẽ được thấy Chúa mặt đối mặt. (FM)
8. Bài giảng của Thánh Aerel de Rievaux (+ 1167)
"Hôm nay Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít" (x. Lc 2,11-12). Thành của vua Đavít tức là thành Bêlem. Vậy chúng ta hãy chạy đến đấy, cũng như các mục tử xưa khi nghe tin này. Và chúng ta hãy đem ra thực hành điều mà chúng ta vẫn thường hát trong ngày lễ này: "Họ chạy đến Bêlem, vừa đi vừa hát mừng vinh quang Thiên Chúa" (x. Lc 2,15.20)
Và thiên thần nói: "Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã nằm trong máng cỏ" (x. Lc 2,12-13). Tôi muốn nói với các bạn điều này: các bạn phải yêu thương. Các bạn kính sợ các thiên thần, nhưng các bạn hãy yêu thương trẻ nhỏ; các bạn kính sợ Chúa, nhưng các bạn hãy yêu thương đứa trẻ bọc trong khăn này; các bạn kính sợ Đấng ngự trên trời, nhưng các bạn hãy yêu thương Đấng nằm trong máng cỏ.
Các mục tử đã nhận ra Chúa nhờ dấu nào? "Anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã nằm trong máng cỏ". Trẻ đó chính là Đấng Cứu Độ, trẻ đó chính là Đức Kitô, trẻ đó chính là Đức Chúa. Thế nhưng "bọc tã nằm trong máng cỏ" có gì đặc biệt đâu? Những trẻ sơ sinh khác cũng bọc tã vậy! Thưa có điều đặc biệt chứ, miễn là chúng ta hiểu được. Chúng ta sẽ hiểu không phải chỉ nhờ được báo tin, mà còn nếu trong lòng chúng ta có ánh sáng đã xuất hiện cùng các thiên thần. Thiên thần báo tin Chúa giáng sinh đã xuất hiện với ánh sáng bao phủ chung quanh, đó là nhằm dạy chúng ta rằng chỉ những ai có ánh sáng siêu nhiên trong lòng thì mới nghe được lời báo tin ấy.
Người ta có thể nói rất nhiều về dấu chỉ này, nhưng vì thời giờ qua nhanh nên tôi chỉ muốn nói ngắn gọn. Tên Bêlem có nghĩa là "nhà bánh". Đó chính là Giáo Hội, nơi phân phát bánh thật là Mình Thánh Đức Kitô. Còn máng cỏ trong hang đá Bêlem chính là Bàn thờ trong Giáo Hội. Nơi đây nuôi dưỡng những người thân thuộc gia đình Đức Kitô. Về chiếc bàn này, có lời viết: "Ngài dọn bàn cho tôi" (Tv 22,5). Trong máng cỏ này có Chúa Giêsu bọc tã. Tã này là dáng vẻ bề ngoài của các bí tích. Trong máng cỏ này, dưới hình dáng của bánh và rượu là chính mình thật và máu thật của Đức Kitô. Ở đó, chúng ta nhận ra chính bản thân Đức Kitô, nhưng được bọc trong tã, nghĩa là hiện diện một cách vô hình dưới các bí tích. Chúng ta không có dấu chỉ nào lớn lao và hiển nhiên về sự sinh ra của Đức Kitô ngoài việc mỗi ngày rước lấy mình máu Ngài trên bàn thờ. Ngài đã được sinh ra một lần bởi Đức Mẹ Đồng trinh, nhưng Ngài tự hiến mỗi ngày cho chúng ta.
Vậy anh chị em thân mến, chúng ta hãy mau đến máng cỏ Chúa. Nhưng đừng quên làm hết sức có thể để chuẩn bị tâm hồn trước khi đến với Ngài. Chuẩn bị bằng cách kết hợp với các thiên thần mà làm cho mình có "một con tim thanh sạch, một lương tâm tốt lành và một đức tin chân thành" (x. 2 Cr 6,6). Chúng ta sẽ hát khen Chúa bằng tất cả cuộc đời và cách sống của chúng ta "Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm" (x. Lc 2,14).
V. Lời nguyện cho mọi người
Chủ tế: Anh chị em thân mến, Noen: biến cố kỳ diệu làm đảo lộn lịch sử nhân loại. Trong niềm vui mừng Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế làm người, chúng ta cùng hoan hỷ nguyện xin:
1. Trong cảnh im lặng của ban đêm / một trẻ thơ chào đời để cứu ta / một người con được ban cho nhân loại / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các tu sĩ / đang sống đời chiêm niệm trong các đan viện / luôn tìm được niềm vui trong đời sống tận hiến của mình.
2. Trong bóng tối của chiến tranh / hận thù / khủng bố / một trẻ thơ chào đời để cứu ta / một người con được ban cho nhân loại / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa ban cho thế giới hiện nay / được sống trong cảnh thái bình và thịnh vượng.
3. Trước sự dửng dưng lãnh đạm của thế gian / một trẻ thơ chào đời sống cứu ta / một người con được ban cho nhân loại / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các trẻ em / luôn được chăm sóc chu đáo và bảo vệ an toàn.
4. Giữa biết bao mối bận tâm của chúng ta / trong cuộc sống thường ngày ồn ào náo nhiệt / một trẻ thơ chào đời để cứu ta / một người con được ban cho nhân loại / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa thương ban ơn nâng đỡ / cho những ai trong giáo xứ chúng ta đang gặp thử thách gian truân.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha từ bi nhân hậu, Chúa đã đến sai Chúa Giêsu Kitô là ánh sáng thật đến chiếu soi hết thảy mọi người đang sống trên trần thế. Xin ban cho chúng con niềm vui và bình an khi mừng ngày giáng sinh của Con Một Chúa, Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.
VI. Trong Thánh Lễ
Trước kinh Lạy Cha: Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta đến nỗi ban Con Một của Ngài sinh xuống làm người ở với chúng ta. Chúng ta hãy lấy hết tình con thảo dâng lên Ngài lời kinh Lạy Cha.
VII. Giải tán
Con Thiên Chúa đã làm người và ở giữa chúng ta, trong đời thường, trong những người mà chúng ta thường gặp gỡ. Anh chị em hãy biết nhận ra Ngài và đón nhận Ngài. Chúc anh chị em bình an.
Lm. Carolô Hồ Bạc Xái