-
Moderator
DĐ - Đến với tha nhân con đường...
ĐẾN VỚI THA NHÂN CON ĐƯỜNG TẤT YẾU ĐỂ ĐẾN VỚI CHÚA
Tháng Hoa - 2009
Vào khoảng năm 1950, trong một tập thơ mang tựa đề: “Bài ca vẻ đẹp của nước”, vị Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã mô tả thảm trạng của con người qua huyền thoại Narciste.
Narciste là một chàng thanh niên đẹp trai, ngày ngày chàng ra bờ hồ, ngắm nhìn bóng dáng mình dưới mặt nước, và chàng say mê bóng của mình đến độ đã trầm mình xuống dòng nước để bắt cho được bóng hình ấy.
Đối lại với hình ảnh Narciste, vị Giáo Hoàng tương lai này đã đề ra hình ảnh của người đàn bà Samaria ngồi bên bờ giếng Jacob, để truyện vãn với Chúa Giêsu. Thay vì soi bóng mình trong nước, người đàn bà đã nhìn mình trong Chúa Giêsu Kitô, là nước hằng sống. Chỉ có trong Đức Kitô, con người mới có thể soi mình và tìm gặp chính mình.
22 năm sau, khi được bầu làm Giáo Hoàng với danh hiệu Gioan Phaolô II, ngài đã lấy lại câu chuyện ấy để quãng diễn trong thông điệp “Đấng cứu chuộc con người”, được xem là hiến chương của triều đại ngài. Tư tưởng chính, và cũng là phương châm hướng dẫn hành động của Đức Gioan Phaolô II, đã được vạch ra trong số 14 thông điệp như sau:
Con người là con đường đầu tiên mà Giáo Hội phải đi qua, để thực thi sứ mệnh của mình. Con người là con đường đầu tiên và là con đường cơ bản của Giáo Hội. Đây là con đường Đức Kitô đã vạch ra, một con đường tất yếu phải dẫn qua mầu nhiệm nhập thể và cứu chuộc.
Ngày 16-10-1988, là ngày kỷ niệm đúng 10 năm ngài được bầu làm Giáo Hoàng. Sau đúng 10 năm làm Giáo Hoàng, Đức Gioan Phaolô II đã đi qua tất cả hơn 600.000 cây số, xuyên qua mọi lục địa, và ngài còn tiếp tục đi nữa… Vị Giáo Hoàng lữ hành này đã đi qua một đoạn đường dài nhất, đó là đoạn đường của con người. Thật thế, điệp khúc duy nhất mà vị Giáo Hoàng này không ngừng lặp lại là: “Quyền của con người”. “Tự do của con người”. “Con người đã được Thiên Chúa tạo dựng và cứu chuộc trong Đức Giêsu Kitô”.
“Và Giêsu con lòng bà gồm phúc lạ”.
Lời chúc mừng của bà Êlizabeth mà chúng ta không ngừng lặp lại trong kinh Kính Mừng, chứa đựng tất cả chân lý về con người. Trong lòng Trinh nữ Maria, Thiên Chúa đã trở thành con người, một con người bằng xương bằng thịt, sinh ra trong một thời điểm nhất định của lịch sử nhân loại. Trở thành người, Thiên Chúa cũng đã cảm nghiệm được tất cả những gì mỏng dòn yếu đuối trong thân phận con người. Ngài cũng phải được cưu mang 9 tháng 10 ngày, Ngài cũng phải được sinh ra, Ngài cũng phải lớn lên, Ngài cũng phải cảm nghiệm được sự yếu đuối trong thân xác và những rung động trong tâm hồn. Trở thành con người để cứu chữa con người, Đức Giêsu Kitô đã trở thành con đường để con người có thể tìm về hiệp nhất với Thiên Chúa. Trong lòng Trinh nữ Maria, Chúa Giêsu đã trở thành con người được chúc phúc. Chúa Giêsu đã vạch ra con đường để đến với mọi người từ chính lòng dạ của Mẹ Ngài. Do đó không ai có thể đến với Chúa mà không qua Mẹ Maria. Con đường của Chúa Giêsu vạch ra cũng là con đường tất yếu phải qua của Mẹ Maria. Đoạn khởi đầu của con đường ấy chính là hai tiếng “xin vâng”, mà Mẹ đã thốt lên với tất cả ý thức và tự nguyện. Và khi đã cưu mang Chúa, hành động đầu tiên của Mẹ là ra khỏi chính mình để đến tha nhân. Xuất phát từ Chúa Giêsu, con đường của Mẹ cũng chính là con đường dẫn đến với tha nhân.
Cuộc sống trần gian của chúng ta được định nghĩa như là một cuộc lữ hành. Đích điểm của chúng ta chính là Thiên Chúa. Nhưng cuộc lữ hành của chúng ta chính là con người. Chỉ có người khác, chỉ với người khác, khác trong nghèo hèn hay giàu sang, khác trong thông minh hay đần độn, khác trong tư tưởng hay hành động, chúng ta mới tìm gặp được Chúa.
Noi gương Mẹ Maria, người đã biết ra khỏi chính mình ngay từ những giây phút đầu tiên cưu mang Thiên Chúa, chúng ta cũng hãy tìm đến với tha nhân như con đường tất yếu để dẫn về với Chúa. Cũng chính lúc đó, chúng ta sẽ tìm gặp lại chính mình.
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules