-
Moderator
Tình hình cuộc sống của các kitô hữu trong các nước hồi giáo vùng Địa Trung Hải
Tình hình cuộc sống của các kitô hữu trong các nước hồi giáo vùng Địa Trung Hải
(VietCatholicNews 20/07/2007)
Phỏng vấn ông Michele Zanzucchi, chủ bút tuần báo ”Città Nuova” về tình hình cuộc sống của các Kitô hữu trong các nước hồi giáo
Ngày 27-6-2007, ông Michele Zanzucchi, đã tổ chức cuộc họp báo để giới thiệu cuốn sách của ông tựa đề ”Các Kitô hữu trong các vùng đất của Kinh Coran. Du hành trong các nước Hồi giáo vùng Địa Trung Hải”. Cuộc họp báo đã diễn ta tại trung tâm Liên hiệp báo chí Italia ở Roma.
Đây là cuốn sách kể lại một cuộc du hành dài qua 14 quốc gia gia hồi giáo: từ Thánh Địa cho tới Bosni, qua Marốc, Algerie, Tunisie, Libie, Ai Cập, Palestine, Giordani, Siri, Libăng, Thổ Nhĩ Kỳ, Macedonia, Kosovo, Albanie, Bosnie và Erzegovine.
Trong cuộc hành trình dài đó ông Zanzucchi đã gặp các Giám Mục, Thượng Phụ, linh mục, tu sĩ và giáo dân nam nữ, các thương gia, các người cha gia đình. Và ông ghi nhận rằng các nhóm thiểu số Kitô tại các quốc gia hồi giáo là một tài nguyên to lớn giúp giải quyết các xung khắc. Ông Zanzucchi đã khám phá ra một sự phong phú nhân lực không tưởng tượng được, nhưng đồng thời cũng trông thấy biết bao nhiêu khổ đau của người dân các nước này. Ông xác quyết là không có sự xung đột giữa các nền văn minh, nhưng chỉ có sự đối chọi giữa các nhóm dân.
Giới thiệu cuốn sách với cử tọa, nhà báo người Tunisie, ông Adnane Mokrani, nhấn mạnh rằng cần phải tạo ra một liên minh giữa các tín hữu hồi và các tín hữu Kitô, để thăng tiến phát triển xã hội và nền dân chủ. Sự hiện diện của các Kitô hữu trên quê hương của Đức Giêsu vô cùng cần thiết vì nó giúp đối thoại và bảo đảm cho chế độ đa nguyên.
Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn giáo sư Zanzucchi về cuốn sách nói trên. Ngoài chức chủ bút tuần báo ”Città Nuova - Kinh Thành Mới”, ông còn là giáo sư môn báo chí tại đại học giáo hoàng Gregoriana ở Roma và là tác giả của 20 cuốn sách.
Hỏi: Thưa giáo sư Zanzucchi, từ Marốc tới Bosni, qua Thánh Địa, tình hình cuộc sống của các Kitô hữu trong các vùng đất, mà giáo sư đã viếng thăm, như thế nào?
Đáp: Không thể khẳng định rằng tình hình tại các vùng đất này giống nhau. Lý do là vì mỗi một nước đều có các sắc thái tôn giáo riêng biệt, mức độ khoan nhượng và sự cởi mở đối với “cái khác mình” cũng khác nhau. Chẳng hạn, tại Irak, các Kitô hữu có nguy cơ biến mất khỏi quốc gia này, vì chiến tranh kéo dài và vì các trào lưu hồi giáo cuồng tín; trong khi tại Siri thì tường hợp hơi khác: các Kitô hữu được hưởng một sự tự do kín đáo và có thể có sáng kiến riêng trong việc sống đạo. Họ sống trong một bầu khí xã hội hòa hợp. Do đó, không thể nói rằng ở bất cứ nơi đâu trong thế giới hồi giáo các Kitô hữu cũng bị ”bách hại”; đặc biệt trong các nước chung quanh vùng Địa Trung Hải, cả khi có vài tình trạng nguy hiểm và gần như là tình trạng bị bách hại.
Tưởng cũng không nên quên sự kiện có các nhóm tin lành ”qúa khích” gốc Hoa Kỳ, đã gây ra các cuộc theo đạo bất hợp pháp theo luật lệ của các nước hồi, kể cả với sự trợ giúp tài chánh nữa, nên họ khiến cho giới lãnh đạo hồi giáo và dân chúng địa phương thù nghịch.
Hỏi: Trong sách giáo sư đã kể lại các chứng từ anh hùng và thánh thiện của các Kitô hữu sống trong các vùng đất tử đạo. Đâu là các câu chuyện đã đánh động giáo sư nhất và tại sao?
Đáp: Trong số biết bao nhiêu câu chuyện góp nhặt trong sách, tôi còn nhớ một vài chuyện. Trước tiên là chuyện liên quan tới Đức Cha Giovanni Martinelli, Giám Mục Tripoli, là người có tinh thần đối thoại kiên trì, luôn luôn sẵn sàng làm chứng cho Tin Mừng. Đức Cha đã thành công trong việc khiến cho chính quyền cho phép tái mở cửa nhà thờ chính tòa Đức Maria của các Thiên Thần, trong thủ đô Tripoli, rồi giao cho các anh em Anh giáo trông coi. Đây là dấu chỉ của tinh thần đối thoại đại kết và liên tôn.
Thứ hai là câu chuyện của ông phó thị trưởng thành phố Bếtlehem, có con gái bị giết, do một tràng súng máy của một toán tuần tiễu do thái bất cẩn. Ông đã tha thứ cho các binh sĩ do thái, nhưng ông vẫn tiếp tục yểm trợ cộng đoàn Kitô người Palestine cả trên bình diện chính trị nữa, trong một bối cảnh rất khó khăn như bối cảnh các vùng đất của người Palestine, đang mất dần các Kitô hữu, vì họ tìm cách di cư ra nước ngoài sinh sống.
Hỏi: Thưa ông, trong bao nhiêu thế kỷ vùng Trung Đông đã là chiếc nôi của Kitô giáo và là vùng rao truyền Tin Mừng. Nhưng rồi từ từ sự hiện diện của tín hữu Kitô giảm sút và bị phân tán mỏng. Điển hình như những gì đã và đang xảy ra bên Libăng. Sau chuyến du hành qua 14 nước hồi giáo, ông đã có cảm tưởng gì? Tại sao các Kitô hữu đã không gia tăng nhân số, mà lại chạy trốn. Và đâu là viễn tượng gần và xa của Kitô giáo vùng Trung Đông?
Đáp: Sự hiện diện của tín hữu Kitô rất cần thiết đối với chính các anh chị em hồi giáo, như giáo sư Adnane Mokrani đã nói trong buổi họp báo giới thiệu cuốn sách của tôi. Đây không phải là một khẳng định tầm thường: thật thế, vì sự hiện diện của Kitô giáo có tầm quan trọng nền tảng đối với cuộc sống xã hội, chính trị và tôn giáo của vùng này, không chỉ vì sự kiện sự hiện diện của Kitô giáo tại đây cổ xưa hơn sự hiện diện của Hồi giáo và như thế trên bình diện lịch sử cũng quan trong hơn, mà còn bởi vì các tín hữu Kitô biết làm trung gian, biết quy tụ và kết hợp các thực tại không đồng đều nhau, như một dân biểu Siri hồi đã nhận xét.
Các Kitô hữu rời bỏ quê hương vì nhiều lý do khác nhau: có các lý do kinh tế, rồi cũng có các lý do chính trị, xã hội và tôn giáo nữa. Nhưng hai lý do kinh tế và chính trị là hai lý do chính. Tình trạng chiến tranh bất ổn khiến cho kinh tế suy sụp và công việc làm ăn bị ảnh hưởng nặng nề tạo ra điều kiện không thể sống còn được. Bên cạnh đó cũng có các khó khăn trên bình diện tôn giáo nữa.
Ngoài ra tưởng cũng nên nhấn mạnh rằng các Kitô hữu vùng này có thể cậy dựa trên sự trợ giúp từ các cộng đoàn hải ngoại. Do đó việc đoàn tụ cũng dễ dàng hơn là đối với nhiều người hồi cũng muốn bỏ nước ra đi vì cùng các lý do kinh tế chính trị xã hội và tôn giáo, nhưng không làm được. Sự kiện ”mất máu” này sẽ vẫn tiếp tục trong thời gian tới. Cuộc xuất hành có thể chậm lại hay ngưng hẳn, nhưng với điều kiện là nút thắt giữa Israel và người Palestine phải được tháo cởi và giải quyết; và các cộng đoàn Kitô Tây Âu phải yểm trợ liên tục và mạnh mẽ sự hiện diện của Kitô hữu tại các vùng đất này.
Hỏi: Làm sao có thể làm chứng cho Chúa Kitô ở nơi, mà cả việc kêu danh thánh Ngài cũng bị cấm đoán? Và làm thế nào để cho sứ mệnh đem sự thật và tình bác ái đến trong các vùng đất này, được hữu hiệu, thưa ông?
Đáp: Tôi còn nhớ lời của biết bao nhiêu Giám Mục và Thượng Phụ, công giáo cũng như chính thống tôi đã gặp, nói với tôi. Cách thức đầu tiên là chứng từ cuộc sống, theo Chúa Kitô bằng cách giãi sáng ra chung quanh tình yêu thương và lòng bác ái. Chứng tá không lời đó, mà các anh chị em giáo dân Kitô sống một cách trọn hảo qua sự tận tụy phục vụ trong các nhà thương, các công xưởng, các thư viện, trong tương quan với hàng xóm làng giềng... có lẽ hữu hiệu hơn là lời rao giảng, vì nó thật, vì nó là tin mừng sống động, không thể phủ nhận được. Thứ hai là kiểu làm chứng xem ra ngày càng cần thiết hơn đó là tương quan đại kết giữa các Kitô hữu thuộc nhiều Giáo Hội Kitô khác nhau. Nếu người hồi giáo trông thấy sự hiệp nhất của tất cả mọi tín hữu Kitô, thì tính cách đáng tin cậy của Kitô hữu sẽ gia tăng một cách rất mạnh mẽ, như tôi đã từng được chứng kiến tại Aleppo bên Siri, tại Tirana bên Albani, và tại Algeri cũng như Tripoli.
Dĩ nhiên, trong các vùng đất này không có tự do tôn giáo đích thực cho phép rao truyền Tin Mừng trọn vẹn, nhưng cần phải nhanh chóng hoạt động, kể cả và nhất là từ bên ngoài nữa, để tạo ra sự khoan nhượng đích thật trong lãnh vực này, để sau cùng có thể đạt tới chỗ tự do thay đổi tôn giáo, tự do theo tôn giáo mình muốn. Đường đi trong chiều hướng này không phải là dễ dàng, vì qúa khứ bị thống trị bởi chế độ thuộc địa và đế quốc vẫn còn đè nặng trên các tâm thức của đa số người hồi giáo, ngày càng được các phương tiện truyền thông thúc giục hiệp nhất sát cánh với nhau hơn. Chỉ cần nghĩ tới vùng Magreb, là vùng Bắc Phi châu, thì đủ hiểu. Trong vùng này còn có những người đã từng chứng kiến cảnh các thừa sai đến sau các lượng lượng thực dân xâm lăng. Theo tôi nghĩ, tự do tôn giáo trong các vùng này sẽ chỉ có thể được chiếm hữu với việc củng cố công lý và đối thoại quốc tế mà thôi.
Hỏi: Đâu là các viễn tượng nghiệm chỉnh cho một cuộc đối thoại phong phú và một sự tự do tôn giáo thực sự tại các quốc gia có đa số dân theo hồi giáo?
Đáp: Người ta thường nói là không thể đối thoại, nếu không có một căn cước mạnh. Đúng thế. Mới đây Đức Cha Shlemon Warduni, Giám Mục giáo phận công giáo Canđê của thủ đô Baghdad có nói với tôi rằng sự trợ giúp đầu tiên mà các Kitô hữu Irak xin các Kitô hữu Tây Âu: đó là sống như những Kitô hữu đích thật, chứ đừng sống như là nô lệ của chủ thuyết tương đối. Điều này cần thiết hơn là việc biểu tình phản đối chống lại tình trạng thiếu tự do tôn giáo tại các quốc gia có đa số dân theo hồi giáo.
Thật ra theo tôi, đối với tín hữu Kitô căn cước và đối thoại luôn luôn đi đôi với nhau. Căn cước Kitô càng rõ ràng bao nhiêu, thì cuộc đối thoại lại càng có thể tiến xa bấy nhiêu, nhưng mà phải là căn cước thật chứ không phải thứ Kitô giáo bị giản lược thành khuynh hướng trộn lẫn tôn giáo, chủ thuyết tương đối hay ưa hưởng nhàn. Và cuộc đối thoại càng đích thật bao nhiêu, thì căn cước Kitô lại càng được củng cố mạnh mẽ bấy nhiêu. Đó là điều mà các tín hữu Kitô trong các vùng đất của Kinh Coran, đang làm chứng. Chắc chắn các năm sắp tới sẽ là thời gian khó khăn, vì các căng thẳng chính trị, xã hội và kinh tế đã đến độ trầm trọng. Nhưng cho dù có bé nhỏ tới đâu đi nữa, sự hiện diện của các tín hữu Kitô sẽ luôn luôn là suối nguồn trao ban hy vọng: niềm hy vọng Kitô.
Linh Tiến Khải
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules