Thánh Tâm Chúa Giêsu : Kho tàng tình yêu


Đối với một người Công Giáo tân tiến ngày ngày, có lẽ khi nghe đến danh từ « Thánh Tâm Chúa Giêsu », sẽ cảm thấy phảng phất trong mình một cảm giác hơi khó chịu nào đó. Anh ta sẽ nghĩ tới những bài hát quá nhàm chán về Thánh Tâm Chúa và tới những bức ảnh trình bày Thánh Tâm Chúa Giêsu một cách cổ điển. Nói cách khác, tâm hồn Công Giáo tân tiến của anh ta đã trở nên vô cảm trước cách thức sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu theo lối xưa; bởi vì nó không còn phù hợp với quan điểm về đức tin của anh ta và vì nó đi ngược lại sự cảm nghiệm của anh ta về lối sống đạo đức ngày nay.

Dĩ nhiên, người ta không được phép vội vàng kết án hay chê trách anh ta, vì tư duy và tình cảm con người ngày đã thay đổi rất nhiều. Ngày xưa, mọi hình thức sùng kính Thánh Tâm Chúa đều được mọi tầng lớp giáo dân hưởng ứng đón nhận. Những ngày Thứ Sáu Đầu Tháng kính Thánh Tâm Chúa rất được yêu chuộng, và lôi cuốn sự tham dự Thánh Lễ của các giáo dân, và cũng là ngày để mọi người đi xưng tội rước lễ. Hy vọng rằng nhiều nơi trong Giáo Hội vẫn còn giữ được truyền thống thánh thiện đó.

Nhưng ngày nay, đối với số đông các tín hữu, sự sùng kính Thánh Tâm Chúa đã bị đánh giá lệch lạc, nông cạn một chiều và bị lãng quên. Nhiều người cho rằng việc sùng kính Thánh Tâm Chúa không còn hợp thời nữa, có chăng chỉ dành cho đàn bà con nít và những người già cả.

Tại sao lại thế ? Tại sao con người ngày nay lại quan niệm như thế ?

Trong các buổi trình diễn ca nhạc và trong các phần giải trí của báo chí, người ta thấy rằng cảm giác con người đóng một vai trò chủ chốt. Hầu như trong từng câu đều nói về ‘con tim’ và ‘hạnh phúc’, về ‘cảm giác’ và ‘tình yêu’. Một làn sóng tình cảm như cuồn cuộn tràn ngập tâm hồn các khán thính giả. Điều đó nói lên rằng họ rất ham thích thưởng thức chúng; bởi vì khi phải sống trong một thề giới đầy kỹ thuật hóa, khô khan và mất mát tình cảm, họ cần có những giờ phút giải trí như thế để quân bình hóa tâm hồn và cuộc sống mình.

Nhưng ở đây người ta có thể tự hỏi : Phải chăng đối với đời sống tâm linh tín ngưỡng, người ta không cần đến điều đó, tức ‘con tim’, ‘sự hạnh phúc’, ‘tình cảm’ và ‘tình yêu’ ?

Câu trả lời là đương nhiên. Nhưng có lẽ người ta chưa tìm ra được những hình thức diễn tả điều đó một cách thích hợp. Hay : lý do là vì trong cuộc sống đức tin của con người ngày nay những cách diễn tả nhân bản như thế đã bị lãng quên rồi ? Phải chăng tính cách ‘nhân bản’ của Thiên Chúa trong cuộc sống đức tin của con người đã mất hết chỗ đứng? Nhưng cũng chính nơi đây chứa ẩn nội dung của Lễ Thánh Tâm Chúa !

Một tình yêu không biên giới

Trọng tâm của Lễ Thánh Tâm Chúa là làm nổi bật chân lý nền tảng của đức tin : Thiên Chúa yêu thương con ngưới. Thánh Tâm Chúa là kho tàng và nguồn mạch của tình yêu; hay nói đúng hơn, là nguồn mạch của một tình yêu đã trở nên hữu hình trong Đức Giêsu Kitô.

‘Tình yêu’ – đó là một tiếng có khả năng tác động vào trên chính thẩm cung sâu thẳm nhất của con người; một tiếng thường được nói đến không biết bao nhiêu lần, nhưng đồng thời cũng thường bị hiểu lầm và bị lạm dụng nhiều nhất. Tuy nhiên, ‘tình yêu’ là một tiếng giúp chúng ta cảm nghiệm được điều cao sâu nhất của cuộc hiện sinh con người, mà người ta gọi là Thiên Chúa.

Vâng, Thiên Chúa không phải là một ý tưởng; Thiên Chúa không phải là một vật thể nào đó đang hiện hữu; Thiên Chúa cũng không phải là một cảm nhận đạo đức thuần lý mơ hồ. Nhưng Thiên Chúa là một Ngôi Vị thực hữu, sống động; một Ngôi Vị biết yêu thương. Thiên Chúa là Đấng yêu thương, vượt trên mọi phạm trù hiểu biết của nhân loại. « Thiên Chúa là tình yêu » (1Ga 4,16); một tình yêu mà tất cả mọi tình yêu khác của con người chỉ là một phản ảnh lu mờ; một tình yêu vô biên giới và bất khả tri; một tình yêu không chỉ tự diễn tả qua lời nói và cảm giác, những là bày tỏ mình qua thực tại cụ thể.

Và thực tại cụ thể đó chính là Đức Giêsu Na-da-rét. Vì thế, để hiểu biết và cảm nhận được Thiên Chúa là tình yêu, chúng ta cần phải tiếp cận và tìm gặp được nơi con người Đức Giêsu. Chính đức tin giúp cho chúng ta khám phá ra được Con Thiên Chúa trong Đức Giêsu, Đấng đã vì chúng ta mà trở nên :

· phàm nhân như mọi phàm nhân khác, ngoại trừ tội lỗi;

· đã sống, đã dạy dỗ và đã cứu giúp mọi người, chứ không phân biệt;

· đã chịu khổ hình và đã chịu chết;

· nhưng Người đã sống lại và luôn luôn vẫn còn sống, để tất cả chúng ta cũng sẽ được sống muôn đời.

Đúng vậy, trong Đức Giêsu Na-da-rét Thiên Chúa bất tử đã gánh lấy sự chết, hầu để cứu rỗi chúng ta khỏi tội lỗi và khỏi sự tiêu diệt muôn đời. Và Thiên Chúa làm điều đó không vì lý do nào khác ngoài lý do duy nhất là vì Người yêu thương chúng ta mà thôi.

Tình yêu cứu rỗi

‘Sự cứu rỗi’ – đây cũng là một tiếng rất được dùng tới và đồng thời cũng rất bị hiểu lệch lạc. Nó thường hay được nhiều người, kể cả một số nhà thần học, đồng hóa với tiếng ‘giải phóng’ hay ‘giải thoát’.

Dĩ nhiên, mỗi người có thể hiểu hay có quan điểm riêng về sự giải phóng. Chẳng hạn : người thì muốn được giải thoát khỏi bệnh tật và khỏi những lo lắng kinh tế, khỏi lo âu sợ hãi trước tương lai mù mịt và trước mọi bất hạnh; còn người khác lại muốn được giải thoát khỏi sự lệ thuộc vào những người luôn tìm cách bóc lột đàn áp mình, khỏi những thể chế chính trị và xã hội độc tài hà khắc. Hơn bao giờ hết, ngày nay nhân loại trên khắp thế giới đang gào thét đòi được giải phóng khỏi mọi hình thức nô lệ và đòi được sống đời tự do. Vâng, nhân loại đang mong chờ và đang đòi hỏi tinh thần cải tổ và tinh thần cách mạng trong mọi lãnh vực. Vì chính trong tiếng ‘giải phóng’ chứa đầy ma lực cuốn hút đó, người ta luôn xác tín là nó chứa đựng chiếc chìa khóa thần, có thể giúp mở ra một thế giới thực sự nhân bản và giúp bước tới một tương lai hạnh phúc đích thực.

Cả đức tin chúng ta cũng nói đến một sự giải phóng. Và đức tin gọi sự giải phóng đó là ‘sự cứu rỗi’, tức một chân lý nền tảng của đời sống Kitô giáo : Chúng ta là những Kitô hữu, bởi vì chúng ta đã được Đức Kitô cứu rỗi; hay nói cách khác, đã được Đức Kitô giải phóng khỏi mọi tội lỗi ! Đúng vậy, chúng ta đã được giải thoát khỏi một sự nô lệ còn nguy hiểm và độc hại cho con người hơn mọi sự dữ khác. Chúng ta được giải phóng khỏi ách nô lệ tội lỗi.

Vì tội lỗi là mầm mống và là cội rễ mọi sư dữ. Thật vậy, tội lỗi là chính sự nô lệ, là nguyên nhân gây ra mọi đàn áp phản lại nhân vị con người. Tội lỗi là kẻ phá hoại cuộc sống chung hài hòa và tiến bộ của con người trong xã hội. Nhưng ở đâu con người biết thắng vượt tội lỗi, thì ở đó sự giải phóng khỏi mọi sự dữ khác cũng đều có thể. Do đó, trước hết cần phải đập tan quyền thống trị của sự dữ trong chính con người. Đó cũng chính là điều kiện để đạt tới được một sự đổi mới cuộc sống đầy tích cực.

Trong thế giới loài người luôn đầy dẫy sự dữ, luôn đầy dẫy tội lỗi : Qua những bạo hành mà những kẻ có quyền lực đang nắm giữ, và trong những đau khổ mà loài người do lòng ích kỷ đang ngày lại ngày tạo ra cho nhau. Tội lỗi cũng len lỏi và nằm vùng trong sự cố chấp và bảo thủ trong sự ác của con người, mà cùng với thánh Phaolô người ta có thể gọi là một thứ quyền lực đang thống trị trên nhân loại (x. Rm 1,28-32). Trong nhiều tình huống của cuộc sống, xem chừng như sự thiện và những kẻ lành phải đứng trước ngõ cụt không lối thoát hay khó lòng đứng vững được trước những sự ác. Hay nói cách khác, sự ác luôn thắng thế và đang điều khiển thế giới nhân loại.

Nhưng đó là một sự lầm lẫn. Cái vẻ thắng thế bên ngoài đó của sự ác chỉ là một sự lừa lọc. Con người luôn có thể được giải phóng khỏi sự ác. Chúng ta không hề bị giao phó hay bị khoán trắng cho sự dữ. Mỗi người đều có thể trở nên tốt; mỗi người đều có khả năng trở thành người lương thiện và làm điều lành. Chúng ta hoàn toàn có thể kiến tạo cho mình và cho người nhân loại một tương lai hạnh phúc. Chúng ta có thể hiện thực được điều đó, vì chúng ta đã được Đức Kitô cứu rỗi, đã được Đức Kitô giải phóng khỏi ách nô lệ tội lỗi, đúng như lời thánh Phaolô đã viết : «Trong Thánh Tử, nhờ máu Thánh Tử đổ ra, chúng ta được cứu chuộc, được tha thứ tội lỗi theo lượng ân sủng rất phong phú của Người» (Ep 1,7).

Vâng, Thiên Chúa đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực của tội lỗi. Đây là chân lý được nhắc đi nhắc lại một cách rõ ràng trong từng trang của phần Kinh Thánh Tân Ước. Tội lỗi đã mất hết quyền lực của nó trên con người; dĩ nhiên, chỉ trừ khi con người lại tự khoác lên mình ách nô lệ của tội lỗi, khi họ ra tay làm điều ác. Trái lại, mọi quyền lực đều thuộc về ơn thánh và sự tha thứ. Chính Thiên Chúa đã làm cho chúng ta « nên giàu có » trong Đức Kitô (x. 1Cr 1,5), giàu có trong cuộc sống, giàu có trong sức mạnh và trong sự tin tưởng, giàu có trong tình yêu và trong niềm hoan lạc của Thánh Linh. Vâng, Thiên Chúa đã ban cho cuộc sống chúng ta ý nghĩa sau cùng và niềm hy vọng.

Như vậy, sống đời Kitô hữu có nghĩa là được cứu rỗi : Được cứu rỗi nhờ tình yêu Thiên Chúa. Đó là một điều vượt khỏi sự hiểu biết của trí năng con người. Một cách thuần nhân loại, người ta chỉ có thể tự hỏi : Thiên Chúa đã tìm thấy được điều gì đáng yêu nơi con người ? Thật ra, nếu người ta không tự dối lòng, người ta phải công nhận rằng chính con người thường ít đánh giá chính mình và những người đồng loại khác. Con người thường hoài nghi về chính mình.

Trong khi đó, tư tưởng của Thiên Chúa lại hoàn toàn khác và hành động của người cũng hoàn toàn khác. Thiên Chúa là tình yêu, một tình yêu đầy sáng tạo và « vượt trên mọi sự hiểu biết » của nhân loại (x. Ep 3,19). Thiên Chúa yêu thương chúng ta, không vì chúng ta đáng yêu, nhưng là để làm cho chúng ta trở nên đáng yêu đối với tinh yêu của Người. Tình yêu Thiên Chúa làm cho chúng ta trở nên đáng yêu và có khả năng biết yêu. Thánh Phaolô viết : tình yêu Thiên Chúa có khả năng làm cho chúng ta « trở nên tinh tuyền thánh thiện trước thánh nhan Người » (x. Ep 1,4).

Vâng, ngày Lễ Thánh Tâm Chúa muốn nhắc cho chúng ta nhớ lại những gì chúng ta đã được nhận lãnh nhờ tình yêu của Thiên Chúa và những gì chúng ta đang phải nổ lực vươn tới bằng sự đáp trả lại của tình yêu chúng ta.

Tình yêu đáp trả

Bởi vì tình yêu Thiên Chúa luôn đòi nơi chúng ta một sự đáp trả bằng tình yêu. Thật ra, bản chất của cuộc đời người Kitô hữu không gì khác hơn là một sự đáp trả lại những gì Thiên Chúa đã thực hiên nơi họ. Và sự đáp trả bằng tình yêu đó đòi mỗi người phải tự hiện thực, không ai làm thay cho ai được. Đức Kitô cần phải tìm được « chỗ cư ngụ » trong cung lòng mỗi người tín hữu (x. Ep. 3,17), hầu Người có thể làm cho họ « được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa » (Ep 3,19). Người sẽ làm cho họ hiểu biết Người hơn và đồng thời nhận biết được rõ ràng hơn những gì thiên Thiên Chúa đang chờ đợi nơi họ, cũng như Người sẽ ban cho họ sức mạnh và khả năng cần thiết để thực hiện được điều đó

Dĩ nhiên sự trả lời đối với chúng ta không luôn là điều dễ dàng. Vâng, nhiều khi Thiên Chúa sử dụng những con đường và những cách thế làm cho con người rất khó có thể nhận ra được tình yêu của Người. Nhưng người ta cũng thường nói : tình yêu chấp nhận đau khổ. Đó là điều đã xảy ra nơi chính Đức Giêsu, và vì thế nó cũng không thể xảy khác hơn nơi chúng ta, là môn đệ của Người. Nhưng tình yêu cần phải triển nở trong đau khổ. Nhất là tình yêu cần phải quảng đại, tự nguyện và phong phú. Một tình yêu như thế sẽ múc lấy cho mình được sức mạnh từ tình yêu Đức Kitô, mà mỗi người đã được nhận lãnh, đúng như lời thánh Phaolô : « Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người trong lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người đã ban cho chúng ta » (Rm 5,5).

Đàng khác, chúng ta cũng đừng quên rằng tình yêu mà con người đáp trả lại tình yêu Thiên Chúa, thường phải lẻ loi một mình. Chẳng những thế, nó còn phải trực diện với một thế giới đối kháng, nếu không nói là một thế giới thù nghịch với nó. Vâng, trong một thế giới vật chất, tôn thờ xác thịt, vô thần, và chạy theo các lạc thuyết nghịch lý như thế giới hôm nay, thì tình yêu đáp trả, tức tình yêu con người đối với thiên Chúa, Đấng hằng yêu thương họ, thường bị chê cười là lạc hậu, là lỗi thời, là thiếu văn minh tiến bộ, và cũng thường bị khai trừ, bị bắt bớ.

Nhưng cũng chính qua đó người ta mới có thể đánh giá được một tình yêu đích thực, một tình yêu không chỉ được bày tỏ bằng lời nói, nhưng nhất là bằng cả cuộc sống của mình. Chính Đức Kitô đã bày tỏ tình yêu của Người đối với nhân loại chúng ta bằng cách thức đó, tức bằng cả cuộc sống và cái chết đau thương trên thập giá của Người. Người yêu thương nhân loại chúng ta đến nỗi Người đã mở rộng Trái Tim của Người ra, để giọt máu tình yêu cuối cùng còn đọng lại trong đó cũng phải rơi xuống.

« Lạy Trái Tim Chúa là Vua cai trị mọi loài.

« Xin Trái Tim Chúa làm Vua cai trị lòng con suốt đời ! »



LM. Nguyễn Hữu Thy