Suy Niệm Lời Chúa Mùng Ba Tết
Lãnh vực công ăn việc làm là một trong những lãnh vực quan trọng trong đó chúng ta thể hiện mối tương quan đích thực của chúng ta với Thiên Chúa. Chính khi thực hiện các trách nhiệm của mình trong đời sống thực tế hàng ngày, chúng ta tự diễn tả mình là ai trong tương quan với Thiên Chúa ; và ngang qua việc thực hiện các trách nhiệm của mình trong đời sống thực tế hàng ngày mà chúng ta sẽ được Thiên Chúa đưa vào hưởng niềm hoan lạc của chính Ngài.
1. Một dụ ngôn được nói cho chúng ta và nói về chúng ta
Với dụ ngôn những yến bạc, Đức Giêsu công bố rằng chúng ta hoàn toàn tuỳ thuộc vào Thiên Chúa như những đầy tớ phải chịu trách nhiệm trước mặt Người; rằng mọi sự chúng ta có đều là của cải Thiên Chúa ký thác cho chúng ta; rằng chúng ta không được tuỳ tiện sử dụng những thứ chúng ta có theo ý riêng mình, song là phải theo đường hướng mà Thiên Chúa muốn; rằng Thiên Chúa sẽ đòi chúng ta phải tính toán sổ sách với Người về những điều thiện hảo đã được trao phó cho chúng ta; và rằng sự thành công hay thất bại của cuộc đời chúng ta tuỳ thuộc vào cách hành xử của chúng ta trong những gì Thiên Chúa trao phó cho chúng ta.
Qua cách hành xử và số phận của hai người đầy tớ tốt lành và trung tín, Đức Giêsu cho thấy đâu là cách hành xử đúng đắn của chúng ta trong cuộc sống hiện tại. Còn qua cách hành xử và số phận của tên đầy tớ xấu xa và biếng nhác, Ngài cho thấy một kẻ xấu xa sẽ đi đến chỗ bị huỷ diệt như thế nào.
2. Điều quan trọng là mối tương quan giữa ông chủ và các đầy tớ của ông
Những người đầy tớ không được tự tại nơi mình, nhưng là ở trong một mối tương quan tuỳ thuộc và phục vụ đối với ông chủ. Chính bản thân họ thuộc về ông chủ, những điều thiện hảo được ký thác cho họ là của ông chủ và những gì họ có thể làm ra cũng xuất phát từ tài sản của ông chủ chứ không phải hoàn toàn xuất phát từ bản thân họ. Như thế là trong những phương diện khác nhau, họ đều được nối kết chặt chẽ với ông chủ. Mà nếu vậy, cách hành xử của họ sẽ vừa tuỳ thuộc vừa biểu lộ cái quan niệm mà họ có về ông chủ của mình.
Hình ảnh những người đầy tớ trong dụ ngôn này cũng là hình ảnh của chúng ta trong tương quan với Thiên Chúa. Hình ảnh này cho thấy rằng chúng ta, và cùng với chúng ta là tất cả những gì chúng ta có, đều là thụ tạo của Thiên Chúa; rằng chúng ta không thể tự tại nơi chính mình; rằng mọi khả năng của ta đều đến từ bàn tay Thiên Chúa.
Nhưng không phải là mọi người đều được đón nhận cùng những ân huệ y như nhau; ông chủ giao phó của cải của mình cho các đầy tớ nhiều hay ít là tùy khả năng của họ. Ông biết rõ từng đầy tớ của mình. Tình yêu tôn trọng tự do và điểm độc đáo riêng của mỗi người. Thật phi lý nếu chúng ta đòi Thiên Chúa phải ký thác tài sản của Ngài cho mọi người theo lối bình quân chủ nghĩa cứng nhắc và phi nhân.
3. Cách hành xử và số phận của hai người đầy tớ tốt lành
Hai người đầy tớ tốt lành lập tức bắt tay vào việc. Họ sử dụng những điều thiện hảo đã được ký thác cho mình phù hợp với ý muốn của ông chủ. Họ đặt mình dưới những mục tiêu của ông chủ và lưu tâm đến những bận tâm của ông chủ. Hoạt động của họ hữu hiệu. Họ đến trình diện với ông chủ trong tư thế đàng hoàng của người đã thực hiện tốt những gì được trao phó cho mình.
Và họ đã nhận được niềm vui trào tràn. Ông chủ đã tuyên bố họ là những đầy tớ tốt lành và trung tín. Người đầy tớ tốt lành là người hoàn toàn đón nhận vị trí của mình trong tương quan với ông chủ và đặt mình trong tư thế phục vụ ông chủ. Anh ta không chạy theo những ý tưởng riêng của chính mình hoặc những tâm trạng riêng của mình, anh ta không giữ khoảng cách xa với ông chủ, nhưng hành động theo những mục tiêu và những mối quan tâm của ông chủ. Người đầy tớ trung tín là người phục vụ ân cần và luôn ý thức rằng những điều anh ta có trong tay là những điều được ký thác cho anh.
Sau khi hai người đầy tớ đã chứng tỏ những phẩm chất tốt lành và trung tín, ông chủ có thể tin tưởng mà trao phó cho họ những nhiệm vụ lớn lao hơn. Ông cho họ vào hưởng hạnh phúc dư tràn: “Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh” (25,21.23). Nhiều lần Tin Mừng Mt nói về sự “vào Nước Trời” (thí dụ 5,20; 7,21; 18,3), về sự “vào cõi sống” (18,8.9; 19,16), còn ở đây thì là “vào niềm vui”. Nước Trời có nghĩa là cõi sống và niềm hoan lạc vô biên dành cho những ai thuộc về Nước ấy. Ông chủ không giữ khoảng cách với những người đầy tớ tốt lành, nhưng ông đón nhận họ vào cõi sống của ông, vào sự hoan lạc đầy tràn của ông. Chúng ta không thể đạt tới cùng đích đó và không thể đi vào trong sự hoàn thành phúc lạc cuộc đời chúng ta chỉ dựa trên sức lực của riêng chúng ta, cũng không phải là ngang qua một cuộc hành trình do chúng ta chọn lựa và quyết định, nhưng chỉ là trong sự phục vụ Đức Chúa. Hai người đầy tớ tốt lành, cho dù khác nhau về kết quả công việc, đã đều được hưởng cũng một niềm hạnh phúc như nhau. Điều đó cho thấy niềm hạnh phúc mà họ được hưởng không được ban phát tuỳ theo điều họ đã làm được, mà là tuỳ theo lòng tốt của ông chủ và lòng trung thành của họ.
4. Cách hành xử và số phận của anh đầy tớ xấu xa
Ngay từ đầu, anh đầy tớ này đã có một mối tương quan sai lạc đối với ông chủ của anh ta. Anh ta coi ông chủ là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, và anh sợ ông chủ (25,24.25). Anh ta biết mình tuỳ thuộc ông chủ, nhưng anh ta không đặt mình dưới quyền bính của ông trong tin tưởng và chuyên cần. Anh ta sống sự tuỳ thuộc của mình vào ông chủ như một sự gì nặng nề, và anh ta bực tức với ông chủ như là với một người chuyên đi áp bức người khác, bắt người khác làm việc cho mình và bóc lột người khác. Trong mắt anh ta, ông chủ là người hà khắc xấu xa. Và anh ta từ chối dịch vụ mà ông chủ muốn anh ta thực hiện. Anh ta không thi hành ý muốn của ông chủ. Tuy anh ta không phung phí của cải đã được trao cho anh ta, anh ta cũng không dùng của cải ấy để tư lợi hay tiêu xài, nhưng anh ta lại đã để cho những của cải mà ông chủ đã ký thác cho anh ta thành ra vô dụng, rồi đem trả lại cho ông chủ đúng như anh ta đã nhận từ ông.
Kết cục, ông chủ gọi anh ta là tên đầy tớ xấu xa, biếng nhác và vô dụng, một người đã hoàn toàn đánh mất chính mình và đánh mất quyền lợi của mình khi không thực hiện bổn phận mình. Như anh ta đã từng cố ý giữ khoảng cách thật xa với ông chủ, thì bây giờ, ông chủ sẽ giữ khoảng cách thật xa với anh ta. Anh ta đã không đặt mình trong sự hiệp thông sâu xa và hữu hiệu với ông chủ, nên ông chủ phải để anh ta bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, nơi không có niềm vui, không có hạnh phúc, không có sự sống, mà chỉ có khóc lóc nghiến răng vì phải chịu sự huỷ diệt kinh hoàng. Chỗ tối tăm bên ngoài, nơi khóc lóc nghiến răng… chính là sự huỷ diệt dành cho những kẻ bị truất quyền hưởng Nước Trời (x. Mt 8,12). Bị loại khỏi sự hiệp thông với Thiên Chúa, bị loại khỏi ánh sáng, bị loại khỏi sự hiện diện đầy tình yêu của Thiên Chúa, thì không chỉ có nghĩa là không được tràn đầy hạnh phúc, không được sống viên mãn, mà còn là phải ở trong tình trạng khốn khổ, đau đớn, tuyệt vọng và tăm tối.
Chúng ta chỉ có thể đạt tới cùng đích tối hậu của mình nếu chúng ta đặt mình phục vụ Thiên Chúa, bằng cách sử dụng đúng đắn, theo ý Thiên Chúa, tất cả những gì Thiên Chúa ban tặng và trao phó cho chúng ta: sự sống, thời gian, khả năng, cơ hội, của cải… Thiên Chúa đã trao phó cho chúng ta những thực tại tốt lành đó, và chúng ta sẽ phải trả lời về việc sử dụng chúng.
Chúng ta thực hiện cuộc sống mình không phải là trong sự sợ hãi đối với Thiên Chúa, nhưng là trong tin tưởng, phó thác và yêu mến Người. Chính vì vậy mà chúng ta cầu xin Người thánh hoá công ăn việc làm của chúng ta. Lời cầu nguyện như thế sẽ được nhận lời, nếu trong lời cầu nguyện đó, chúng ta tuyên xưng mình chỉ là đầy tớ của Người, luôn chỉ muốn sử dụng, phù hợp với ý muốn của Người, tất cả những điều thiện hảo đã được ký thác cho mình, luôn đặt mình dưới những mục tiêu của Người và luôn lưu tâm đến những bận tâm của Người.
Lời cầu nguyện đó sẽ được mang vẻ đẹp của chính lời nguyện xin của Đức Thánh Trinh Nữ, Mẹ chúng ta: “Này tôi là tôi tá Chúa, xin hãy thành sự cho tôi theo lời Ngài!” (Lc 1,38).
Lm. Nguyễn Thể Hiện, DCCT