XIN MỞ CỬA CÔNG CHÍNH CHO TÔI
Người Do Thái được gọi là dân du mục. Có lẽ vì lý do trước hết họ là một dân tộc được Chúa tuyển chọn riêng, và khởi đi từ dân tộc được tuyển chọn riêng ấy, là Abraham đã rời quê cha đất tổ đến miền đất hứa. Mặc dù miền đất hứa còn chưa định hình. Ông ra đi vì đức tin. Và chính đức tin ấy đã dẫn ông đến miền đất hứa. Vì vậy mà dân Do Thái luôn luôn nhắc đến tổ phụ Abraham – cha của các kẻ tin – người đã rời xứ sở của mình để ra đi theo tiếng gọi của Chúa.
Từ bước khởi thủy này của Abraham đưa đến một nghề nghiệp gắn liền với cuộc sống của người Do Thái, đó là nghề chăn nuôi. Với người Do Thái, đàn chiên là gia nghiệp của họ, là sự sống của họ và thậm chí còn là niềm vui, hạnh phúc của gia đình họ nữa. Đời sống du mục thực sự là thích hợp với những gì mà người dân Do Thái có nghề nghiệp trong tay. Họ đi từ đồng cỏ này tới đồng cỏ kia và họ thân thiết với đàn chiên như “bạn với bạn”. Chính trong bối cảnh này mà Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Ta là cửa chuồng chiên”(Ga 10,7). Hình ảnh này cho chúng ta thấy ba ý nghĩa:
Ý nghĩa thứ nhất là sự thân thuộc: Cửa chuồng chiên là để đi vào trong chuồng chiên. Đó chính là ngưỡng cửa. Bên ngoài là cả một cuộc đấu tranh sinh tồn. Còn bước qua cửa vào nhà là nơi nghỉ ngơi, dưỡng sức. Chúa xưng mình là cửa chuồng chiên, thân thuộc biết bao nhiêu;
Ý nghĩa thứ hai là Chúa hạ mình: Chúa hạ mình để làm tất cả những gì cho đàn chiên được an nghỉ.
Ý nghĩa thứ ba nhắc chúng ta nhớ lời Thánh vịnh: “ Xin mở cửa công chính cho tôi để tôi vào tạ ơn Đức Chúa” (Tv 118,19) người Kitô hữu qua Cửa Công chính là Đức Giêsu Kitô, Đấng trung gian duy nhất nối đất với trời để ta được sống đời đời.
Vì thế, Chúa vừa xưng mình là chủ chiên, vừa xưng mình là cửa chuồng chiên. Chúa Giêsu đưa chúng ta vào một ý nghĩa thâm sâu hơn và điều đó đã được nhắc đến trong Tin Mừng của thánh Gioan. Là chủ chiên không phải là ăn thịt chiên hay nhằm xén lông chiên, nhưng chủ chiên yêu thương và bảo vệ đàn chiên. Là cửa chuồng chiên để đàn chiên được an nghỉ và bổ dưỡng. Như vậy, điều mà Chúa Giê su nhắm đến trước hết là vì lợi ích và sự sống của đàn chiên. Một người chủ tốt lành không phải là chỉ nhắm đến thịt chiên và lông chiên, chỉ nhắm đến nguồn lợi của vật chất, nhưng trên hết là mối thâm thiết giữa chủ và đàn chiên để bảo vệ cho đàn chiên, tìm lấy hạnh phúc, niềm vui từ chính đàn chiên của mình. Điều đó lớn hơn là giá trị vật chất.
Một câu chuyện kể rằng, người cha kia đi lên miền sơn cước, ông thương người con gái ở nhà vì vắng bóng cha. Ông liền gửi về cho cô con gái một con Nhồng. Con Nhồng thuộc họ Sáo, có tên gọi khác là Sáo đá (Gracula religiosa). Nhồng hót rất hay, nó nói sỏi tiếng người và biết dùng địêu bộ, âm giọng để biểu lộ tình cảm vui buồn, hờn, giận. Người cha biết thế nên ông gửi về cho cô con gái yêu quí của mình được vui. Ông những tưởng rằng cô sẽ rất vui vẻ và niềm vui sẽ kéo dài. Bất ngờ ông nhận được một lá thư, cô con gái viết lên kể: “Bố ơi, bố cho con con Nhồng. Con thích lắm và con đã làm thịt nó nấu cháo. Cháo thì ăn ngon nhưng thịt thì dai lắm!”. Chúng ta hãy đặt mình vào cương vị của người cha, hẳn là ông sẽ lịm người đi vì thấy cô con gái đã không hiểu bức thông điệp của mình qua con Nhồng đó. Bởi lẽ ông muốn cô phải nghe được tiếng hót của con Nhồng, rằng cô có thể vui với nó như là một sứ điệp của tình yêu thương mà ông gửi về cho con gái. Cô con gái chỉ nhìn thấy giá trị vật chất, cô giết con Nhồng để nấu cháo !
Trở lại với mối tương quan chủ chiên và đàn chiên. Người chủ chiên tìm ở nơi đàn chiên một sự sống, một niềm vui, và một sự cảm thông đồng hành với đàn chiên. Niềm vui ấy còn lớn hơn cả lông chiên và thịt chiên, chỉ là những giá trị vật chất bé nhỏ. Chính ở điểm này mà chúng ta thấy Chúa Giêsu đã lấy hình ảnh giữa chủ chiên và đàn chiên để chúng ta nhận ra Thiên Chúa yêu thương, quan phòng và dẫn dắt chúng ta như thế nào. Nếu một ai đó đến với đàn chiên mà đi qua lối khác mà vào, đó là kẻ cướp, đó là kẻ trộm. Chiên không nghe tiếng kẻ ấy. Như vậy, một mối thân thiết, tương giao được đặt ra giữa chủ chiên với đàn chiên. Một cái ước lệ không thành văn, rằng “Chiên Ta thì nghe tiếng Ta” và “Chiên không nghe tiếng người lạ” (x.Ga 10, 4-5). Nếu chủ chiên chỉ tìm đến những lợi lộc vật chất thì không cảm nghiệm được niềm vui và hạnh phúc, bởi đàn chiên đã dành cho chủ chiên những gì mà ông cảm thấy: Chiên của Ta thì nghe tiếng Ta. Vậy ngược lại, nếu đàn chiên không nghe tiếng chủ chiên mà nghe theo tiếng người lạ, để rồi kẻ trộm đến bắt ăn thịt và phá hủy thì chủ chiên đau lòng biết bao nhiêu. Vì vậy mối tương quan chủ chiên và đàn chiên hôm nay phải là mối tương quan hỗ tương. Chủ chiên thì quá biết đàn chiên, đã hy sinh tính mạng mình vì đàn chiên. Một điều mà chúng ta cảm thấy như là nghịch lý, bởi vì chủ chiên thì lớn hơn cả hàng trăm nghìn đàn chiên. Vậy mà ông lại dám hiến mạng sống mình vì con chiên. Một tình yêu được coi như là điên rồ. Bởi vì tình yêu không tính toán và tình yêu luôn đi bước trước là như vậy. Nhưng nếu một tình cao vời như thế mà nhận được sự hời hợt của đàn chiên, không phân biệt được chủ chiên với tiếng lạ. Đi theo người lạ để bị ăn thịt và sát hại thì chúng ta thử tưởng tượng xem chủ chiên sẽ đau buồn biết bao nhiêu. Vì vậy, “Chiên của Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta”. Đó là những hợp từ không được tách lìa. Đó là những phạm trù đi vào trong triết lý của đời sống không được bóc tách. Đó là một mối tương quan đẹp đến mức có thể trở thành bài ca thiêng liêng. Đó là một mối tương quan trong cái đẹp và cái tốt ấy lại có thể diễn tả được một nét thần học giữa Thiên Chúa làm người với con người của chúng ta.
Hôm nay, mỗi người Kitô hữu được gọi là con chiên ngoan đạo và mỗi một mục tử chăn chiên là Chúa chiên chỉ có thể cho nhau bằng một mối tương quan như trong Tin Mừng Chúa đã tuyên bố: “Chiên của Ta thì nghe tiếng Ta, Ta biết chúng và chúng theo Ta. Chúng không nghe tiếng người lạ” .
Lạy Chúa Giêsu Kitô,
Đã bao lần chúng con nghe tiếng lạ.
Chúng con ham thích sự mới lạ
và vì thế bao người trong chúng con đã hư mất.
Hôm nay Lời Chúa cảnh tỉnh cho chúng con
biết nhận ra tiếng Chúa chiên
và không nghe theo tiếng lạ.
Tiếng lạ của thời đại,
tiếng lạ của thời trang,
tiếng lạ của quảng cáo,
tiếng lạ của hưởng thụ,
tiếng lạ của đam mê
tiếng lạ của duy vật chất,
và tiếng lạ của những phong trào tục hóa
khiến cho chúng con bị lạc và bị sát hại.
Xin Chúa là Chúa chiên nhân lành đến với chúng con
và xin cho chúng con được qua cửa mà vào chuồng chiên,
nghe tiếng Chúa chiên
để đến đồng cỏ non xanh rì,
để được nghỉ ngơi bên dòng suối trong lành
trong ơn thánh của niềm vui Phục Sinh. Amen.
LM. Phêrô Hồng Phúc