Ghen Tị II


Có lẽ bài học đầu tiên chúng ta biết về lẽ công bình đã xảy ra ở trên bàn ăn khi người mẹ phân chia những miếng bánh cho các con mình. Con mắt ganh tị của chúng ta đã phân biệt từng chi tiết nhỏ xem miếng nào lớn hơn, ngon hơn, và đáng giành hơn, rồi than phiền: "Mẹ, mẹ cho em miếng bánh lớn hơn miếng của con!" Chúng ta đã không biết nhiều về lẽ công bình, nhưng chỉ biết đến nó khi nhận phần bánh nhỏ hơn. Nếu khôn ngoan, người mẹ có thể giải thích: "Con ơi, sớm muộn gì con cũng sẽ phải học để biết rằng cuộc đời không luôn luôn công bằng đâu!" Điều này trẻ con chưa thể hiểu được, nhưng sau này lớn lên chúng sẽ hiểu.

Đúng như vậy! Cuộc đời không luôn luôn công bằng. Và nhận ra được điều này cũng không phải là dễ, Có lẽ phải mất một thời gian khá lâu trước khi chúng ta biết được rằng người mẹ hay Thiên Chúa có những lý do chính đáng để hành động, và những lý do này thường căn cứ trên tình yêu, lòng nhân từ và quảng đại.

Trước hết, người mẹ đã làm ra chiếc bánh và có thể cho theo ý người mẹ muốn. Thứ đến, nếu người em của tôi có vẻ bệnh – đây là điều khi còn bé tôi không bao giờ nghĩ đến – người mẹ có thể cho nó thêm một tí nữa để có sức khoẻ, mau khỏi bệnh. Nhưng chắc chắn một điều là người mẹ hay Thiên Chúa, Đấng đã làm nên mọi sự, không bắt buộc phải cắt nghĩa cho chúng ta biết lý do. Khi chúng ta lớn lên, chúng ta sẽ nhận ra rằng người mẹ và Thiên Chúa thường có những lý do riêng dựa trên tình yêu. Các ngài nhìn thấy điều chúng ta cần.

Điều này được diễn tả trong bài Phúc âm hôm nay, dụ ngôn thợ làm vườn nho. Đối với công đoàn lao động, việc người chủ vườn trả tiền mướn cho các nhân công làm việc chỉ một giờ hay vài giờ cùng số tiền lương trả cho những người làm việc suốt ngày từ sáng đến tối là điều bất công. Nhưng trước khi chúng ta nói người chủ hay Thiên Chúa bất công, xin hãy đọc kỹ những lời người chủ nói với những người than phiền trong Phúc âm: "Này bạn, tôi không làm thiệt hại bạn đâu, chớ thì bạn đã không thoả thuận với tôi một đồng sao? Bạn hãy lấy phần bạn mà đi về, tôi muốn trả cho người đến sau hết bằng bạn, nào tôi chẳng được phép làm như ý tôi muốn sao? Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng?"

Tại sao người chủ đã trả cho những người đến sau cùng số lương bằng với những người làm việc suốt ngày? Thưa vì tình thương! Tất cả các công nhân đều có gia đình, cần tiền để nuôi vợ con. Thứ đến, người chủ biết những người đến vào giờ phút cuối đã đi tìm việc làm suốt ngày mà không có. Đối với người chủ cả hai lý do đều tốt lành để hành động và không ai có lý do gì để phê bình ông cả. Nhưng không may, những con mắt ganh tị do lòng ích kỷ đã làm họ trở nên bất mãn.

Cuốn phim "Amadeus" kể về cuộc đời của thiên tài âm nhạc, Wolfgang Amadeus Mozart (1756 – 1791). Câu chuyện diễn tả Mozart như một con người khá kỳ dị, gần như bị bệnh loạn thần kinh, nhưng lại là một nhạc sĩ dương cầm và sáng tác rất tài ba.

Một trong những nhân vật đáng chú ý nhất trong cuốn phim, bên cạnh Mozart, là nhạc sĩ Solieri. Solieri là nhạc sĩ của hoàng cung đã nổi giận với Mozart vì ông tự cho mình là xứng đáng và giỏi hơn Mozart. Solieri đã khinh ghét và coi Mozart chỉ là một tên trẻ con, suồng sã, kiêu căng và khả ố. Tại sao Mozart lại có thể là một nhạc sĩ dương cầm và sáng tác tài ba như vậy được trong khi tư cách của Mozart không xứng đáng? Trái lại, Solieri là đầy tớ của Thiên Chúa, vâng phục Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế. Chính ông mới là con người tốt hơn và xứng đáng hơn, vậy tại sao Thiên Chúa đã không ban cho ông món quà tài năng này mà lại ban cho Mozart?

Ngoài tính nết trẻ con, Mozart còn quá lố hơn nữa, dám vượt ra ngoài những giới hạn cổ truyền có thể chấp nhận được. Tuy vậy, vua Joseph II Ao Quốc vẫn thích Mozart. Mozart xin phép vua được sáng tác một vở nhạc kịch bằng tiếng Đức. Vào lúc đó, chưa có ai được phép sáng tác nhạc kịch bằng tiếng Đức cả. Tất cả nhạc kịch đã được sáng tác và trình diễn đều bằng tiếng Ý. Solieri, một người Ý, vừa bị sỉ nhục về tài năng, vừa bị đe doạ về chức nghiệp vì vở nhạc kịch bằng tiếng Đức của Mozart.

Solieri rất ganh tị và buồn bực vì bản nhạc kịch của Mozart đã thành công rực rỡ. Khắp nơi đều vang lên những lời ca ngợi về nhạc của Mozart cho đến nỗi chính Solieri cũng phải yêu thích nó. Tuy nhiên, ông lại muốn là chính ông đã sáng tác ra nó. Solieri biết rằng Thiên Chúa đã ban cho Mozart một thiên tài âm nhạc mà chính ông mới xứng đáng chứ không phải Mozart. Trong giây phút phẫn uất và tuyệt vọng, Solieri cảm thấy Thiên Chúa đã bỏ rơi ông, ông gỡ ảnh thánh giá treo trên tường xuống, đem đi đốt. Ông muốn không có sự thiên vị và đòi hỏi sự công bằng. Ông muốn được Thiên Chúa ban cho tài năng để làm việc phục vụ Ngài. Tuy nhiên như chúng ta thấy trong bài Phúc âm hôm nay, tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa rất khác với những nguyên tắc của con người về lẽ công bằng!

Pascal đã nói: "Con tim có lý lẽ riêng của nó". Khi yêu ai người ta dám hy sinh tất cả mọi sự, ngay cả mạng sống mình cho người mình yêu. Sự kiện Thiên Chúa yêu thương con người đến nỗi đã ban Con Một Người xuống trần gian, chịu chết trên thập giá vẫn là một mầu nhiệm khó hiểu của tình yêu Thiên Chúa.