CHÚA CHIÊN LÀNH



Dựa vào các bài đọc trong phụng vụ Lời Chúa, Chúa nhật IV Phục Sinh hôm nay được gọi là “Chúa nhật Chúa Chiên lành”. Đấng Chăn Chiên Lành đó chính là Đức Kitô, một vị Mục Tử sẵn sàng hy sinh mạng sống cho đoàn chiên. Toàn bộ Lời Chúa hôm nay sẽ cho chúng ta thấy rõ khuôn mặt của Đức Kitô. Ngài là vị Mục tử nhân lành của tất cả chúng ta, của ông bà anh chị em và của tôi. Đồng thời, khi chiêm ngắm khuôn mặt của Đức Giêsu Mục tử, Giáo Hội cũng mời gọi chúng ta dành ngày Chúa Nhật hôm nay để cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục, tu sĩ, với ước mong, trong Giáo Hội ngày càng có nhiều “vị mục tử như lòng Chúa mong ước” (x. Pastores dabo vobis).

1. ĐỨC GIÊSU, VỊ MỤC TỬ NHÂN LÀNH :

Trước hết, chúng ta cùng trở lại với các bài đọc để chiêm ngắm hình ảnh Đức Giêsu, Vị Mục tử nhân lành. Khi nhận mình là người mục tử được Thiên Chúa sai đến để dẫn dắt dân Người, Đức Giêsu đã dẫn đưa thính giả của Ngài đến một hình ảnh rất gần gũi và quen thuộc đối với dân Do-thái, vốn sống bằng nghề du mục. Đất nước Do-thái nằm trong một vùng đất bán sa mạc, nên các đồng cỏ không nhiều. Do đó, người mục tử thường phải cho chiên đi ăn ở những nơi rất xa, có khi hàng tuần lễ, hoặc cả mấy tháng trời mới về nhà. Trong thời gian cho chiên đi ăn, người chăn chiên coi như “cùng ăn, cùng ở” với chiên. Mối tương quan giữa họ và chiên thật thân thiết. Người mục tử chân chính biết rõ từng con chiên của mình và chiên cũng biết tiếng của họ. Họ gọi chiên của mình và chiên đi theo tiếng gọi của chủ. Có con nào bị lạc, họ liền đi tìm, con nào bị thương tích, họ hết lòng cứu chữa, và để giúp những con chiên nhỏ, yếu đuối đi kịp với cả đàn chiên, người mục tử cũng không ngần ngại vác chiên lên vai của mình.

Chính trong những tâm tình đó, Đức Giêsu đã tự ví mình là “cửa ràn chiên”, là “mục tử tốt lành” được Chúa Cha sai đến để bảo vệ, gìn giữ và chăm sóc cho đàn chiên là toàn thể nhân loại. Ngài nói: “Ai qua cửa mà vào, thì là kẻ chăn chiên… và chiên nghe theo tiếng người ấy… Kẻ ấy sẽ gọi đích danh từng con chiên mình và dẫn ra”. Và quả thực, là người mục tử đích thực, Đức Giêsu biết rõ từng con chiên một. Ngài không chỉ biết con người bên ngoài, nhưng biết rõ tận cõi thâm sâu của từng người chúng ta. Ngài biết rõ từng nỗi ưu tư, từng nỗi băn khoăn lo lắng của chúng ta. Ngài cũng biết rõ lòng nhiệt thành cũng như những yếu đuối của chúng ta. Cảm nghiệm điều này, tác giả Thánh vịnh đã kêu lên: “Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa, đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét, mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả. Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời, thì lạy Chúa, Ngài đã am tường hết” (Tv 139, 1-4).

Không chỉ biết rõ, Người Mục tử nhân lành còn hết lòng chăm sóc để đàn chiên của mình không bị thiếu thốn, nhưng luôn được no thỏa, như lời Thánh vương Đavít trong bài đáp ca: “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi, trên đồng cỏ xanh rì Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi, tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng”.

Mặt khác, là người Mục tử tốt lành, Đức Giêsu còn sẵn sàng hy sinh mạng sống mình, để bảo vệ đàn chiên khỏi sự tấn công của kẻ thù. Ngài đã chấp nhận đi trọn con đường khổ giá trước, để chúng ta bước theo sau Ngài, đúng như lời Ngài đã nói trong bài Tin mừng: “Khi đã lùa chiên mình ra ngoài, kẻ ấy đi trước, và chiên theo sau”. Đức Giêsu đã đi trước và đi trọn vẹn con đường thập giá, để đem lại cho mỗi người chúng ta một sự sống mới, như lời thánh Phêrô trong bài đọc hai: “Đức Kitô đã chịu đau khổ cho chúng ta, … Bị phỉ báng, Người không phỉ báng lại; bị hành hạ, Người không ngăm đe; Người phó mình cho Đấng xét xử công minh; chính Người đã gánh vác tội lỗi chúng ta nơi thân xác Người, trên cây khổ giá, để một khi đã chết cho tội lỗi, chúng ta sống cho sự công chính; nhờ vết thương của Người, anh em đã được chữa lành”.

Như thế, với sự hiến thân mình làm hy lễ đền tội dâng lên Chúa Cha, Đức Giêsu đã thực sự chứng tỏ mình là Người Mục Tử nhân hậu, được Chúa Cha đã sai đến, để nhờ Ngài, mỗi người chúng ta “được sống và sống dồi dào”.

2. LỜI MỜI GỌI GIA NHẬP VÀO ĐOÀN CHIÊN CỦA ĐẤNG PHỤC SINH :

Đức Giêsu chính là vị Mục Tử nhân hậu đến trong thế gian, chấp nhận hiến thân mình, để “thâu họp con cái Thiên Chúa tản mác về lại làm một” (Ga 11, 52). Xác tín điều đó, sau ngày lễ Ngũ Tuần, thánh Phêrô đã lớn tiếng kêu gọi: “Anh em hãy ăn năn sám hối, và mỗi người trong anh em hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô để được tha tội”. Còn trong bài đọc hai, thánh nhân đã so sánh chúng ta, là những kẻ tin vào Đức Kitô, như những con chiên lạc, giờ đây đã trở về lại với đàn chiên: “Xưa kia, anh em như những chiên lạc, nhưng giờ đây, anh em đã trở về cùng vị mục tử và Đấng canh giữ linh hồn anh em”.

Trở về lại với vị Chủ chiên duy nhất và nhân hậu là Đức Kitô, mỗi người chúng ta không còn phải buồn sầu, thất vọng, cho dù cuộc sống vẫn còn đó những khó khăn, thử thách, như lời tâm sự của vua Đavít trong bài Đáp ca: “Dù bước đi trong thung lũng tối, tôi không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng tôi. Cây roi và cây gậy của Người, đó là điều an ủi lòng tôi”. Vâng, có Chúa ở cùng, chúng ta không còn lo mắc nạn, không còn lo phải bước đi trong đêm tối của gian nan một cách cô đơn nữa.

3. CẦU NGUYỆN CHO ƠN THIÊN TRIỆU LINH MỤC, TU SĨ :

Nhận lãnh bí tích Rửa tội, được gia nhập vào Giáo Hội, mỗi người chúng ta được vinh dự trở nên một thành viên trong đoàn chiên của một mục tử duy nhất là Đức Giêsu Kitô, Đấng đã hết lòng yêu thương chúng ta. Do đó, chúng ta cần lắng nghe lời dạy của Đức Giêsu Mục tử qua các đại diện của Ngài nơi trần gian, cụ thể là các giáo huấn của Giáo Hội, trong các vấn đề về luân lý như phá thai, chống bất công, tham nhũng… Và để xứng đáng là một con chiên trong đàn chiên của Đức Giêsu, Mục Tử, chúng ta cũng cần loại bỏ khỏi bản thân mình những thói hư tật xấu như: tham lam, say sưa, bài bạc, nói hành, nói xấu, chửi thề, nói tục…

Đồng thời, trong ngày cầu nguyện cho ơn Thiên triệu, chúng ta cũng nhớ cầu nguyện cho những người dấn thân trong đời sống tu trì, bởi lẽ, họ cũng là những con người yếu đuối, đầy sai phạm lỗi lầm, thậm chí còn hơn cả chúng ta. Và cùng với lời cầu nguyện, chúng ta cần hỗ trợ bằng chính sự cộng tác, và thái độ góp ý chân thành, để xây dựng và củng cố cho cộng đoàn chúng ta ngày càng phát triển, trở nên một cộng đoàn hiệp nhất, yêu thương.

Đặc biệt, ngày mai 18/4/2005, là ngày Hồng Y đoàn bước vào Mật viện để bầu Tân Đức Giáo Hoàng, chúng ta hãy cùng hiệp ý cầu nguyện, xin Thiên Chúa tuôn đổ ơn Thánh Thần xuống trên các vị Hồng Y, để các ngài sáng suốt lựa chọn một Tân Giáo Hoàng theo đúng Thánh Ý của Thiên Chúa. Và dù chưa biết vị Tân Giáo Hoàng là ai, chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho Ngài luôn sống đúng là một vị “Mục Tử như lòng Chúa mong ước”. Amen.


Lm Trần Thanh Sơn