Những số đo kỷ lục về các loài hoa
Thế giới sinh vật có những loài hoa khổng lồ cao tới 9 -10 m nhưng cũng có những loài hoa mà cả cụm hoa, kích thước chỉ có... 1 mm!
Khi những nhà thám hiểm vượt qua những khu rừng nguyên sinh của Sumatra vào thế kỷ 19, họ đã rất ngạc nhiên khi thấy những bông hoa lớn như những bánh xe nằm nổi bật trên mặt đất. Loài hoa này có những cánh hoa mọng nước với sắc đỏ rực rỡ và những chấm vàng nâu rất tinh tế. Đó là Hoa Rafflesia arnoldi. Nằm trên đài hoa là những bộ phận sinh sản của chúng. Còn ở dưới đài hoa là vô số phấn hoa, nếu lấy chúng ra thì có thể đổ đầy vào một chiếc bình nhỏ. Và, thật ngược đời, đối lập với vẻ đẹp quyến rũ của nó lại là…một thứ hương hoa hôi thối như mùi xác chết! Nhưng chính mùi hôi thối này và màu sắc của nó là những tác nhân hấp dẫn côn trùng đến phục vụ cho quá trình thụ phấn của chúng. Loài hoa này có tên gọi là Rafflesia arnoldi.
Đây là loài hoa lớn nhất và độc đáo nhất thế giới: có đường kính lên tới 1,5m, có chu vi khoảng 3-4m và nặng tới 10-12 kg. Chúng sống trong các khu rừng nhiệt đới ở Sumatra và Borneo thuộc khu vực Đông Nam Á. Thật lạ đời là Rafflesia có hoa to đến là thế nhưng nó lại không có thân, rễ và lá! Nó sống ký sinh trên một loài cây nho (Tetrastigma). Với những đặc điểm như thế cho nên nhìn bề ngoài thật khó có thể nhận ra nó thuộc loài thực vật nào cho đến khi một phân tích DNA gần đây đã đưa ra một kết quả thật đáng ngạc nhiên: nó thuộc họ cây đại kích (Euphorbiaceae), một họ cây có những bông hoa nhỏ xíu! Những cây phổ biến nhất thuộc họ này là cây cao su, cây sắn và cây đại kích.
Hoa Rafflesia arnoldi (Ảnh: greenpeace)
Hoa cọ Talipot - cụm hoa có phân nhánh lớn nhất thế giới
Cụm hoa có phân nhánh lớn nhất thế giới thuộc về loài cây cọ Talipot (Corypha umbraculifera) có nguồn gốc ở miền nam Ấn Độ và Ceylon (Sri Lanca ngày nay).
Loài cây cọ khổng lồ này cao tới 25m, thân cây có đường kính 1,3m, những chiếc lá như những bàn tay xoè ra có đường kính lên tới 5m và chiếc cuống lá dài 4m. Nó có một cụm hoa lớn nhất trong tất cả các loại cây. Cụm hoa này dài tới 6-8m gồm có khoảng vài triệu bông hoa nhỏ mọc trên các nhánh hoa nằm ở trên đỉnh thân cây. Cây cọ Talipot chỉ nở hoa một lần khi nó khoảng 30 đến 80 năm tuổi.
Một cụm hoa khổng lồ khác phải kể đến là loài Puya raymondi, thuộc họ Bromeliaceae (những loại thực vật có cùng họ với cây dứa). Đây cũng là loài cây lớn nhất trong họ dứa: riêng thân cây cao 3 m còn hoa của nó cao tới 9-10m. Nó chỉ sống trong vùng núi Andes thuộc Peru và Bolivia ở độ cao 3200-4800 m và có thể sống thọ 100 năm nhưng chỉ nở hoa 1 lần trong đời. Khi đó một cây Puya raymondi có tới khoảng 20.000 bông hoa và cho ra khoảng 10 triệu hạt.
Đối lập với những loài hoa trên, những bông hoa bé nhất thế giới thuộc về loài cây thuỷ sinh có tên gọi là Wolffia arrhiza. Chúng là những thân cuống nổi tự do trên mặt nước có màu xanh hoặc xanh vàng và không có rễ, dài 1-5mm. Thỉnh thoảng nó nở những cụm hoa nhỏ gồm 1 hoa cái và hai hoa đực. Cả cụm hoa có kích thước lớn nhất cũng chỉ 1mm!
Cây chân bê khổng lồ - trông như hoa mà không hẳn là hoa!
Trong rừng Sumatra còn có loài cây chân bê khổng lồ (Amorphophalus ...aum). Nó cao 3m, có họ hàng với cây khoai sọ và các loại cây chân bê khác. Loại cây hoa này mọc lên từ một thân củ nặng 100kg vùi trong lòng đất.
Cây chân bê khổng lồ này chỉ nở hoa trong 2-3 ngày và chỉ nở 3-4 lần trong suốt 40 năm tồn tại. Cái trông giống như những cánh hoa khổng lồ kết nối với nhau lại chính là một cái lá bắc (một chiếc lá chắn) có màu tía. Nó có đường kính dài 1,2m và chiều cao 1,3m. Nằm ở chính giữa nó chính là một cái cuống hoa lớn mang trên mình một cụm hoa nhỏ không phân nhánh, gồm có hoa đực và hoa cái. Những bông hoa ấy cũng có mùi thịt thối và cũng chính cái mùi hôi thối này đã hấp dẫn ruồi nhặng và những con bọ cánh cứng đến giúp chúng thực hiện quá trình thụ phấn.
(Ảnh: Cityofseattle.net)