-
Moderator
CHÚA GIÊSU GƯƠNG SÁNG CỦA CHÚNG TA
CHÚA NHẬT 20 THƯỜNG NIÊN C
CHÚA GIÊSU GƯƠNG SÁNG CỦA CHÚNG TA
(Lc 12, 49-53)
Thưa quý vị,
Trước khi đi vào nội dung bài suy niệm, xin kể một câu truyện có thật xảy ra ở Ấn Độ vào những năm 60 của thế kỷ trước, hiện nay có lẽ không nơi đâu còn não trạng như vậy nữa. Và cũng xin nhấn mạnh rằng chuyện của xã hội Ấn Độ, kẻo nhiều người lầm tưởng rằng chuyện của xóm làng mình, cộng đồng mình mà tôi mượn để xiên xỏ, rồi sinh lòng thù ghét. Số là ở Ấn Độ có bốn tầng lớp xã hội, gọi là caste: thượng lưu, trung lưu, hạ lưu và cùng đinh nhơ bẩn (untouchable). Ở một ngôi làng kia thuộc miền bắc Ấn Độ, không khí rất an bình, êm ả. Những ai được trời ban cho sinh vào các caste sẽ hưởng những đặc ân tuỳ vào giai cấp của mình. Những ai vô phúc bị trời đầy đoạ vào số phận ngoài lề (outcaste) phải chịu hết mọi thiệt thòi và phải sống lầm than giống như súc vật. Nước trong làng rất hiếm, cả miền chỉ có một cái giếng chung, cách xa làng hàng cây số, nên là giếng trời cho, nước trong lành và tự nhiên. Phụ nữ, trẻ con hàng ngày phải đi một quãng đường xa để đội nước về nhà sử dụng. Tuy nhiên chỉ những người trong castes mới được múc nước trực tiếp ở giếng, còn những untouchable hay outcaste không được phép. Họ phải múc nước thừa ở giếng chảy rớt ra các rãnh và phải đào hố để múc nước, họ không thuộc hạng con cái các thần linh Vishnu hay Vishu, chỉ con cái các thần mới được uống nước “trời cho” trực tiếp. Vì thế cư dân untouchable già, trẻ, lớn, bé thường ốm yếu và chết yểu vì bệnh tật.
Một hôm có người thanh niên đi học tập tây phương về, thấy tình trạng bất công và khốn đốn như vậy, liền lập ra một kế hoạch đưa nước sạch về làng cho mọi người tự do dùng. Anh bắt các ống, mua máy bơm và cư dân hồ hởi đến lấy nước từ các vòi chảy. Tuy nhiên, người thanh niên tốt bụng không hiểu rằng làm như vật là vô tình chọc phải tổ kiến vàng hay ong bò vẽ. Mặc dầu nhiều người hưởng lợi ích từ điều anh “phát minh”, nhưng lãnh đạo các caste không đồng ý chia sẻ nước với hạng outcaste, tức untouchable. Thế là dân làng sinh ra chia rẽ, kẻ ủng hộ kế hoạch, người chống đối và thù ghét. Câu truyện kết thúc bằng hạ hồi thê thảm: anh thanh niên bị đuổi khỏi làng vì “quấy phá trật tự, bình an chung”.
Thế đấy, lý thuyết của Đức Giêsu cũng vậy, nên chúng ta hiểu được Lời Chúa trong bài Phúc âm hôm nay: “Anh em tưởng thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thày bảo thật anh em, không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ, vì từ nay năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba, …”. Bởi lẽ tính triệt để của phúc âm. Thế gian chỉ thích nghe những chi hợp ý họ và tẩy chay những chi họ không thích. Họ chỉ ưa những lời êm tai và thù ghét những điều cứng cỏi. Nhưng Chúa Giêsu không phải là nhà rao giảng nhu nhược, không phải lúc nào cũng êm ái, nhân từ, nói toàn những điều mị dân. Nhiều lần ngài đã nổi sùng, khiển trách lòng dạ con người chai đá. Ngài mang “gươm” và “lửa” xuống thế gian. Người yêu thương an ủi những số phận nghèo hèn, nhưng không khoan nhượng não trạng pharisêu, kinh sư, tư tế. Gọi họ là xương thối, mồ mả tô vôi, giả hình, kẻ dẫn đường mù quáng, và họ đã trả đũa gọi ngài là tay bợm nhậu, lê la với phường tội lỗi, phá huỷ lề luật, người bị quỷ ám, quấy rối trị an …
Xin suy nghĩ thêm về điều này và áp dụng vào cộng đoàn, giáo xứ chúng ta. Đúng vậy, chúng ta có thể kể ra vô số trường hợp mình phải chịu bách hại vì niềm tin, chịu bách hại vì dám nói lên điều hay lẽ phải. Biết bao vị thánh, vị anh hùng đã rơi vào hoàn cảnh. Đức giám mục Helder Camara đã than phiền: “Khi tôi mang bánh mì cho kẻ khó nghèo, họ gọi tôi là một ông thánh. Nhưng khi tôi đặt câu hỏi với họ: tại sao những người này không đủ ăn? Họ gán cho tôi nhãn hiệu “đỏ”. Ôi nhân tình thế thái. Đức Giêsu khi xưa cũng phải chịu cùng hoàn cảnh. Ngày hôm trước đám đông nói: “Hoan hô con vua Đavít”, thì sáng hôm sau: “Đóng đinh nói đi, đóng đinh nó vào cây gỗ”. Ai trong chúng ta thoát được hoàn cảnh tương tự? Nếu có ai được nay mắn thoát khỏi, thì chỉ là ngôn sứ giả! Không thực sự phục vụ Đức Kitô và phúc âm!
Xin coi trường hợp của tiên tri Giêrêmia trong bài đọc một: “Hồi ấy, các thủ lãnh thưa với vua Xítkigiahu: xin ngài cho giết Giêrêmia đi, vì những luận điệu của ông ta đã làm nản lòng các binh sĩ còn lại trong thành này, cũng như toàn dân. Thật vậy, con người ấy chẳng mưu hoà bình cho dân này, mà chỉ gây tai hoạ”. Chúng ta biết số phận của vị tiên tri trực ngôn này ra sao!
Mục tiêu Luca viết Phúc âm là để an ủi giáo đoàn của ông đang chịu bắt bớ khắc nghiệt bởi các lãnh tụ đạo đời. Chúa Giêsu nêu gương khiêm nhường và hiền hậu cho họ, nhưng cũng cảnh cáo họ, vì các tai hoạ đổ xuống cho bất cứ ai trung thành với đức tin, với ơn kêu gọi làm môn đệ Chúa. Nếu họ trung thành với niềm tin của mình, thì bách hại là lẽ đương nhiên, họ chỉ được bình yên khi thoả hiệp với vua chúa quan quyền và những thói tục xấu xa của chúng. Cũng như ngày nay chỉ kẻ nào nói “xám” thì được sống. Kẻ nào dám nói đen là đen, trắng là trắng, thể nào sớm muộn cũng bị tiêu diệt. Kẻ nào nói con trâu khi thiên hạ bảo con bò sẽ bị tẩy chay, ra rìa ngồi chơi xơi nước. Nơi giáo xứ, tu viện cũng đầy rẫy những cảnh như vậy, chẳng khác thời xưa mấy. Cho nên Luca can đảm vạch ra tâm lý ấy để an ủi các tín hữu của ông. Họ chịu bách hại vì danh Chúa Giêsu không có chi gây ngạc nhiêm, vì Chúa Giêsu không mang bình an mà là chia rẽ do tính chất triệt để của Nước Trời. Chúa không hề thoả hiệp hoặc nhượng bộ thói hư tật xấu của thế gian. Điều Ngài nhắm tới là tuyệt đối trung thành với thánh ý Chúa Cha. Ngay từ khởi đầu phúc âm, Chúa tuyên bố Ngài ném lửa xuống thế gian và ước ao lửa ấy cháy lên. Lửa ở đây là lòng nhiệt thành đối với Đức Chúa Cha. Nhiều tác giả đạo đức cắt nghĩa là lửa yêu mến. Điều đó đúng, nhưng hơi xa ý nghĩa nếu đem so với những gì ngài tuyên bố tiếp theo. Ngài muốn nhóm lửa yêu mến Cha ngài “đốt cháy” mọi tâm hồn, các điều tốt lành khác sẽ dẫn xuất từ tình yêu ấy. Nếu thực hiện đúng như vậy, thì chiến tranh, vật lộn giữa thiện và ác là điều tự nhiên trên đấu trường thế gian, và các kẻ theo ngài phải chịu đau khổ nhiều vì danh ngài, vì sứ mệnh của ngài và vì phúc âm. Các tín hữu phải nhóm lửa lên cho thế gian được ấm áp phần linh hồn. Vậy thì chúng ta có thể ngồi yên an hưởng sung sướng, tiện nghi mà ngắm nhìn sự đời phẳng lặng trôi qua? Xin suy nghĩ lại và nhớ lời thánh Phao lô: tình yêu đức Kitô thúc bách chúng tôi (Caritas Christi urget nos).
Bài đọc thứ hai cho chúng ta nhiều gương sáng. Tác giả thơ Do thái viết: “Thưa anh em, phần chúng ta, được ngần ấy nhân chứng đức tin như đám mây bao quanh”. Xin nhắc lại, tác giả nói: “đám mây” nhân chứng về đức tin bao quanh chúng ta. Như vậy chúng ta thật có phúc và không thể thoái thác trách nhiệm. Xin đơn cử một ví dụ, khi còn nhỏ tuổi, chúng ta được cha mẹ, ông bà, cô dì, chú bác, anh em, họ hàng, làng xóm, láng giềng bao quanh bằng những gương lành tính tốt. Lớn lên chúng ta sẽ sống theo con đường ấy. Chẳng may nếu chịu ảnh hưởng bởi những người xấu, bạn bè trắc nết, chúng ta khó chống lại thói hư tật xấu và sớm muộn sẽ trở thành tay đầu trộm đuôi cướp. Cũng vậy, tác giả thơ Do thái viết chúng ta được “đám mây nhân chứng đức tin bao quanh”, thì liệu chúng ta trốn tránh được trách nhiệm sống tốt? Cho nên tác giả tiếp: “vậy anh em hãy cởi bỏ mọi gánh nặng và tội lội đang trói buộc mình, và kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta, mắt hướng về Đức Kitô, đấng khai mở và kiện toàn lòng tin”. Đoạn văn này của chương XII. Muốn hiểu rõ, chúng ta phải trở lại chương XI, tác giả nói đến các tổ phụ đã chết trong đức tin, là bảo đảm cho những điều không trông thấy, và như vậy họ chết mà không đạt được ước vọng của mình, nhưng họ đã trông thấy từ xa và chào kính nó (11, 13). Nội dung của hy vọng đó chính là đức Giêsu Kitô. Những người công chính của Cựu Ước đã chết trong đức tin của Israel, nhưng thực ra cũng trong đức tin của Hội thánh nữa. Cho nên tác giả nhắc nhớ chúng ta rằng tín hữu cũng được ích lợi từ đức tin của các tổ phụ, chính vì thế mà tác giả dùng cụm từ “đám mây nhân chứng đức tin bao quanh” trong những thời gian gặp khó khăn thử thách. Tuy nhiên, đức tin của chúng ta luôn được khích lệ, khi hướng mắt nhìn về đức Kitô, giống như các tổ phụ cựu ước về niềm hy vọng của đức tin Israel. Lý luận này, xem ra thừa thãi đối với các tín hữu ngày nay. Nhưng vào thời buổi ấy, thật là quan trọng đối với các tín hữu tiên khởi. Những người có nhiều ký ức về quá khứ và tôn trọng nó.
Nhưng xét cho cùng cũng là bài học thấm thía cho tín hữu ngày nay trước những khó khăn hiện tại. Bao nhiêu vấn đề, bao nhiêu ý kiến trái ngược nhau: phá thai, nạo thai, đồng tính luyến ái, toàn cầu hoá kinh tế, nghèo đói, chiến tranh, hoà bình, … Đâu là điểm tựa cho đức tin, luân lý của chúng ta? Câu trả lời chỉ có thể là “đám mây lớn nhân chứng đức tin vây quanh”.
Tôi vẫn nhớ, hồi nhỏ, một linh mục tốt bụng thường khuyên nhủ tôi rằng: “Jude ạ, hãy hướng nhìn vào đức Kitô luôn”. Ông là một trong những đám mây nhân chứng bao quanh tôi. Ông đã chia sẻ với tôi kinh nghiệm của riêng ông, nên vượt qua khó khăn của cuộc đời ra sao? Tôi hiểu rằng đôi lúc trong đời ông, ông đã gặp tối tăm và chán nản, ông mắc bệnh trầm cảm. Nhưng ông luôn có đôi mắt hướng về Chúa Giêsu và tìm ra thuốc chữa nơi cây thập tự. Ông đã kinh nghiệm với Chúa trên cây gỗ. Và cho tới sau khi ông chết, tôi mới ngộ ra rằng chẳng phải đó là lực đẩy ông đọc được trong sách vở hay màn ảnh, báo chí, nhưng trong lá thơ gửi tín hữu Do thái này. Đó là Lời Chúa, là sự thật mạc khải mà ông đã lặp đi lặp lại trong các thử thách gian nan. Ông đã qua đi và truyền lại kinh nghiệm cho tôi. Ông đã cho tôi nghị lực để chạy trong “cuộc đua” của tôi.
Phải chăng đức Kitô là mẫu mực cho chúng ta về chuyện này? Không cần trả lời câu hỏi, vì ai ai đều rõ. Nhưng bài phúc âm hôm nay thực khó khăn. Một đàng phải đốt cháy cả địa cầu, đàng khác phải chịu đựng chia rẽ và hận thù. Xem ra ngài chẳng còn là mục tử tốt lành như tuần trước chúng ta suy ngẫm: “Hỡi đàn chiên bé nhỏ, đừng sợ hãi”. Ngài đã thay đổi ý kiến chăng? Thưa không, tuần trước ngài cảnh cáo về ngày giờ ông chủ trở về, thì tuần này, chúng ta phải đối phó với hoàn cảnh ra sao để có thể trung thành với sứ vụ ngài trao, với ơn gọi làm con Thiên Chúa qua bí tích rửa tội. Tính triệt để của phúc âm không phải là chuyện đùa, mà là “thực tế” trong mỗi cuộc đời. Chúng ta luôn cảm thấy bị “bách hại” vì niềm tin của mình, là người lạ ngay trên quê hương, giáo xứ, cộng đồng của mình. Chúng ta cần những đám mây nhân chứng trước mặt. Cầu xin Thánh Thể giúp đỡ mỗi người trong thánh lễ hôm nay. Amen.
Lm. Jude Siciliano, OP.
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules