Tháp Báo Thiên (1057) trong bối cảnh lịch sử thăng trầm của đất nước
hay Tháp Báo Thiên và mối liên hệ với quan niệm Trời trong tâm thức dân gian.

Ngôi tháp Báo Thiên là một trong tứ đại khí (bốn vật lớn: tháp Báo Thiên, Tượng Di lặc, chuông Quy Điền, vạc Phổ Minh) làm thành bảo vật của lịch sử và quốc bảo của dân tộc. Tháp nầy xây dựng riêng rẻ hay làm thành một quần thể kiến trúc nào khác; xây dựng thời nào, bởi ai, và tại sao lấy tên là Báo Thiên. Vấn đề đưa đến việc đặt ngữ nghĩa của tên gọi. Điểm cứ xây dựng và sự hiện hữu xuyên lịch sử, tới giai đoạn nào là không còn dấu vết?

Đó là những câu hỏi mà bài sưu tra nầy muốn thử đặt ra để tự tìm hiểu, nhân thể bàn rộng ra theo mối tương quan của tháp có tên là Báo Thiên với chữ Thiên (Trời) mà dân gian Việt nam rất quen thuộc.


Năm xây cất và việc đặt tên:

Trong khuôn khổ bài nầy chúng tôi dựa sát tài liệu Đại Việt sử lược (VS) và Đại Việt Sử ký Toàn Thư (ĐST). Quyển Đại Việt Sử Lược, khuyết danh, người dịch: Nguyễn Gia Tường, hiệu đính Nguyễn khắc Thuần, nhà xuất bản TP Hồ chí Minh năm 1993 (sẽ dùng chữ tắt: VS) là một cổ thư về lịch sử Việtnam có khoản 1127-1140, trước Đại Việt sử ký (Lê văn Hưu, 1272) và Đại Việt sử ký toàn thư (Ngô sĩ Liên, 1470). Theo hai sách sử đó thì Năm Đinh Dậu (1057), mùa xuân tháng 3, xây bảo tháp Đại Thắng Tự Thiên, 30 tầng. Có sách sử khác ghi tháp có 12 tầng cao vài chục trượng (60-80m) (xem Hà Nội nghìn xưa của Trần quốc Vượng và Vũ Tuấn San, Sở Văn Hóa Thông Tin Hà Nội 1975 xb tr.176). Tháp không đứng riêng, mà nằm bên cạnh ngôi chùa xây trước đó một năm tức là năm 1056 nhằm năm Long Thụy Thái Bình.

Sách ĐạiViệt sử ghi: Dựng chùa Sùng Khánh Báo Thiên. Lấy 11000 cân đồng (nhiều bộ sử ghi 12000 cân đồng ở trong phủ ra đút chuông đặt tại chùa ấy (xem chú thích số 322 sách VS tr.144). Nhà vua (Lý Thánh Tông) thân hành làm bài minh khắc vào chuông. Sự việc xảy ra sau khi vua được nhà Tống phong làm Quận Vương (!) và tiếp sứ Chân Lạp sang cống (tháng 8 năm 1056). Như vậy chùa và tháp xây xong chỉ cách nhau 5, 6 tháng. Phải chăng để đánh dấu biến cố mà chùa và tháp hoàn thành vào thời điểm nầy. Danh gọi Báo Thiên, Tự Thiên gợi đến có ý nghĩa gì?

Chữ Thiên trong truyền thống đặt tên qua các triều đại.

Lý Nam Đế (544-548) mở đầu truyền thống với chữ ‘Thiên’ đặt cho niên hiệu mình là Thiên Đức. Bẵng đi một thời gian tới thời tự chủ với Lê đại Hành (941-1006), chữ Thiên bắt đấu tái xuất hiện, rồi kinh qua suốt đời Lý, chữ Thiên đã được các vua dặt cho niên hiệu và cung điện, đền, chùa, và các công chúa.

Niên hiệu Thiên Phúc (980-988) đánh dấu năm tức vị và kế tiếp của vua Lê Đại Hành và niên hiệu Ứng Thiên (994-1005) để ghi dấu các thắng lơi về binh bị và chính trị của Vua. Đặc biệt Đại Việt sử lược còn ghi khi lâm nguy trong chiến trận, vua bị giặc bao vây, con vua (Vệ Vương Đinh Tuệ) bị trúng tên chết: Nhà Vua kêu ‘Trời’ ba tiếng, giặc tự nhiên thua (VS tr103). Đại Việt sử ký toàn thư (ĐST) ghi thêm: “Vua kêu trời ba tiếng rồi thúc quân đánh, giặc tan vỡ” (Bản kỷ, q1, kỷ nhà Lê, tờ 23a) Cũng năm Ứng Thiên thứ 8 (1002) quân đội Đại Việt giàu mạnh đến đổi vua sai chế tạo mũ trận bằng bạc hơn vài nghìn cái, đem phân phát cho quân nhân(VS,103). Chùa Ứng Thiên ở làng Cổ Pháp có lẽ cũng được xây dựng thời nầy, có liên hệ với việc sinh ra của Lý Công Uẩn sau nầy (xem thêm Việt sử tiêu án của Ngô Thì Sĩ).

Đến năm 1006, con vua Lê Đại Hành là Long Đĩnh tuy không có quân cách và quân phong như vua cha nhưng theo truyền thống? cũng mang tôn hiệu là “Khai thiên ứng vận thánh thần võ tắc thiên sùng đạo (VS). Ông vua hoang độ nầy không sống theo tôn hiệu có hai chữ thiên làm hộ mạng nên vắng số tiêu vong để triều Lý lên thay.

Triều Lý (mà sách Đại Việt sử lược ghi triều Nguyễn theo lệnh của nhà Trần sau đó) mở đầu với Lý Công Uẩn (1009-1028) một đệ tử thuần thành của thiền sư Vạn Hạnh, đã nghe lời khuyên của quần thần lên làm vua (xưng là Lý Thái Tổ) ‘để cho trên thuận lòng trời, dưới theo nguyện vọng của dân’ (VS và ĐST q1, tờ 33b) lấy tôn hiệu là:

Phụng thiên chí lý ứng vận tự tại thánh minh Long hiển duệ văn anh võ sùng nhân quảng hiếu, thiên hạ thái bình khâm minh quang trạch chiêu ngưỡng vạn bang hiển ứng phù cảm oai chấn phiên man duệ mưu thần công thánh trị tắc thiên đạo chánh. “ (chúng tôi gạch dưới).

Ông vua nhân ái vì theo Thiên Đạo Phụng Thiên nên khi lên ngôi tháng 11 tha hết những người bị tù tội, đốt bỏ những dụng cụ tra tấn (VS và ĐST q1, tờ 33b) đổi niên hiệu là Thuận Thiên (1010) và ra lệnh qui định lại luật pháp họp với lẽ nhân đạo cho [\U]thuận lòng Trời[/U], đổi sông Bắc giang là sông Thiên Đức và làng Cổ Pháp là phủ Thiên Đức...

Trong thành dựng chùa Hưng Thiên (VS)... Năm 1011 dựng chùa Tứ Thiên Vương.

Năm 1012 “Vua thân đi đánh Diễn Châu. Khi về đến Vũng Biện gặp lúc trời đất tối sầm, gió sấm dữ dội, vua đốt hương khấn trời rằng: “Tôi là người ít đức, lạm ở trên dân’ nơm nớp lo sợ như sắp sa xuống vực sâu, không dám cậy binh uy mà đi đánh dẹp càn bậy. Chỉ vì người Diễn Châu không theo giáo hoá, ngu bạo làm càn, tàn ngược chúng dân, tội ác chồng chất, đến nay không thể dung tha không đánh. Vòn như trong khi đánh nhau, hoặc giết oan kẻ trunghiếu, hoặc hại lầm kẻ hiền lương, đến nổi hoàng thiên nổi giận phải tỏ cho biết lỗi lầm, dẫu gập tổn hại cũng không dám oán trách. Đến như sáu quân thì tội lỗi có thể dung thứ, xin lòng trời soi xét“ (ĐST q2, tờ 5b: Chúng tôi gạch dưới).

Năm 1016, năm Thuận Thiên thứ 7, được mùă to, miễn thuế cho trong cõi ba năm (VS 119 và ĐST q2, tờ 7b) dựng chùa Thiên Quang, chùa Thiên Đức và đắp tượng Tứ Thiên Đế. Giúp cho hơn 1000 người chốn kinh sư làm tăng đạo (VS 119 và ĐST q2,tờ 9a). Năm 1021 nhằm sanh nhựt của vua, vua cho dùng ngày ấy là tiết Thiên thành (VS từ tr.109-122).

Vua Lý Thái Tông năm Mậu Thìn (1028) đổi niên hiệu Thuận Thiên của vua cha làm năm Thiên Thành thứ nhất (ĐST q2, tờ 14b), đặt tôn hiệu mở đầu bằng 4 chữ Khai Thiên thống vận tôn đạo... (VS t.124 và ĐST q 2 tờ 14b)), lấy ngày sinh nhật vua làm tiết Thiên Thánh (VS 125 và ĐST q2, tờ 16b), dựng chùa Thiên thắng (VS 126); đổi diện Càn Nguyên thành điện Thiên An (VS tr.126 và ĐST tờ 19b), xây điện Phụng Thiên (ĐST tờ 20a) trước lầu chuông cho dân chúng đánh kêu oan. Năm 1030, năm Thiên Thành thứ ba, cho dựng điện Thiên Khánh. Năm Thiên thành thứ 4 (1031) dân Châu Hoan (Nghệ An) làm phản, vua dẹp yên giặc Xây cất chùa chiền 150 ngôi (VS 127 và ĐST tờ 20b)., Ruộng Đỗ Động Giang cho giống lúa chín bông, vua xuống chiếu đổi tên ruộng là Ứng Thiên (ĐST tờ 20b) Năm 1035 lập người thiếp yêu làm Thiên Cảm hoàng hậu(ĐST tờ 23a).

Năm 1037, dựng đền Hoàng Thánh Đại Vương. Trước đây vua thấy phủ Đô hộ để nhiều án ngờ, quan sĩ sư không xé đoán được’ muốn tỏ rõ sự linh htiêng sáng suốt để tiệt diệt kẻ gian trá, bèn tắm gội đốt hương khấn Thiên Đế’(ĐST tờ 25a).

Mùa đông 1041, vua ngự đến núi Tiên Du xem làm viện Từ Thị Thiên Phúc. Khi về, xuống chiếu phát 7560 cân đồng trong kho để đúc tượng Phật Di Lặc và hai vị Bồ tát cùng chuông để ở viện ấy’(ĐST tờ 29a).Năm 1043 dẹp yên giặc châu Văn, bắt được ngựa tốt, vua đặt tên cho một con tên là Tái Thiên (ĐST tờ 31b).

Năm 1045, tháng 7 vua thân chinh vào thành Phật Thệ của Chiêm Thành (bị đổi là [IUhừa Thiên[/U]), tháng 10 đổi niên hiệu là Thiên Cảm Thánh Vũ và tăng tôn hiệu thêm tám chữ là Thánh Đức Thiên cảm Tuyên Uy Thánh Vũ (ĐST tờ 36a). Năm ấy được mùa to (VS136). Năm 1054 vua băng hà Vua đưọc táng ở Thọ Lăng phủ Thiên Đức(VS 141).

Vua Lý Thánh Tôn (1054) lên ngôi lấy tôn hiệu với câu đầu: Pháp Thiên ứng vận sùng nhân chí đức. truy tôn mẹ họ Mai là Kim Thiên Hoàng Thánh hậu. Đặt quốc hiệu là Đại Việt (ĐST tờ 39b)... Xuống chiếu bỏ những hình cụ tra tấn (VS 142) để sống đúng với tôn hiệu sùng nhân chí đức,theo luật Trời. Năm 1055 lấy ngày sinh nhật làm thành tiết Thừa Thiên. (ĐST q3 tờ 1a). Vua Thánh Tôn cho hậu thế một câu để đời, đó là câu mà VS ghi:

“Mùa đông, tháng 10 lạnh lắm, vua bảo kẻ tả hữu rằng: Ta ở trong cung sâu, sưỡi lò than, mặc áo hồ cừu mà còn lạnh như thế nầy, huống chi những kẻ ở trong tù, khốn khổ vì trói buộc, phải trái chưa phân minh mà quần áo không đủ, thân thể không có gì che, nên mỗi khi cơn gío lạnh khắc nghiệt thì há không chết được người vô tội hay sao! Ta vô cùng thương xót Rồi lệnh vua truyền xuống quan Hữu ty phải cấp phát chăn chiếu ở trong kho phủ ra cho tù nhơn, luôn luôn cung cấp cơm ngày hai bữa (ĐST q3 tờ 1b).

Năm nay (năm Ất mùi) trong cõi được miển tiền thuế một nửa (VS 143). Năm sau (1056) bày ra hội La Hán ở điện Thiên An, dựng chùa Sùng Khánh Báo Thiên, ‘phát một vạn 2 nghìn cân đồng để đúc chuông lớn Vua thân làm bài minh. Mùa xuân (1057) xây tháp Đại Thắng Tự Thiên cao vài chục trương, theo kiểu 12 tầng (tức là tháp Báo Thiên) (ĐST q3,tờ 1b. tờ 2a): trong vòng nửa năm xây dựng hai công trình kiến thiết có tiếng vang để đời (ta sẽ đề cập tiếp phần cuối).

Tháng chạp năm ấy dựng chùa Thiên Phúc và chùa Thiên Thọ, đúc tượng Phạn Vương’ tượng Đế Thích để an vị vào chùa ấy (VS 144) Năm 1058 dựng điện Bát giác Khổn Thiên (có sách chép là Hồ Thiên xem chú thích số 325 sách VS145).

Mùa hạ, tháng 6 (năm 1065) VS còn thuật một câu nói đượm tình nhân ái khi nhà vua ngự ở điện Thiên Khánh nghe việc kiện tụng, bên cạnh có công chúa Động Thiên đứng hầu,: Vua nhìn công chúa rồi bảo viên ngục lại rằng: Ta yêu thương ta cũng như yêu thương thiên hạ. Ta yêu thiên hạ như bậc cha mẹ yêu thương con của họ vậy. Nhưng trăm họ có nhiều kẻ không hiểu biết, tự dấn thân vào đưòng phạm pháp, ta thương xót lắm vậy. Vậy từ nay tội trạng bất kể nặng nhẹ cũng nên theo một cách là khoan thứ cho họ(VS 150 và ĐST q3 tờ 3b).

Mùa xuân 1066 đổi niên hiệu là Long Chương Thiên Tự năm thứ nhất... Gả công chúa Thiên Thành cho Thân đạo Nguyên.

Năm Mậu thân (1068) đổi niên hiệu là Thiên Huống Bảo tượng thứ nhất sau khi nhận 2 con voi trắng (Trời cho con voi trắng) (ĐST tờ 4b).

Năm Kỷ Dậu (1069) bỏ niên hiệu Thiên Huống lấy niên hiệu Thần Võ thứ nhất: thân chinh chiếm thành Phật Thệ (quốc đô Chiêm Thành nay là làng Nguyệt Bậu, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên), phá rụi hơn 2660 căn nhà dân, bắt vua Đệ Củ của Chiêm Thành về Thăng Long (ĐST tờ 4b). Năm Thần Võ thứ 2 (1070) xây chùa Đông nam Nhị Thiên Vương. Năm Thần Võ thứ 3(1071) vua viết chữ Phật dài 6 trượng” có sử ghi dài 1 trượng 66 thuớc (VS 156 với chú thích số 356). Năm 1072 vua qua đời, an táng tại Thọ Lăng thuộc phủ Thiên Đức.

Vua Lý Thánh Tôn được sử sách ghi nhiều câu nói đầy lòng nhân ái suốt những năm lấy thiên đạo làm kim chỉ nam. Chỉ những năm cuối đời, lúc bỏ chữ Thiên làm niên hiệu để mặc lấy chữ Võ thay vào thì thấy để lại những sự việc đáng tiếc, nhứ t là đối với dân tộc Chiêm Thành.

Vua Thánh Tôn băng được dâng tôn hiệu với câu đầu là: ’Ứng Thiên Sùng Nhân chí đạo... ’

Vua Lý Nhân Tông sanh năm Long Chương Thiên Tự thứ nhất (1066) bởi Nguyên phi Ỷ Lan, khi lên ngôi, lấy tôn hiệu mở đầu bằng câu: Hiển [UThiên Thể[/U] Đạo Thánh... lấy sanh nhựt làm tiết Thọ Thiên và tôn mẹ lên bậc Thái Phi. BàThái Phi Ỷ Lan sau nầy vì chuyện tranh quyền hành hay vì có tính hay ghen ghét (VS 161 va ĐST tờ 7a) đã nhúng tay vào việc giam giữ Thái Hậu Thượng Dương và 72 thị nữ rồi bức bách bắt đem chôn sống theo vua Thánh Tông (VS 162 và ĐST tờ 7b) Sau vụ việc nầy bà nghiểm nhiên làm Thái Hậu lấy tên là Linh Nhân. Sử ghi là bà giỏi về chính sự: như việc ở nhà yên trị giữ nước để cho vua (Thánh Tôn) đi đánh giặc (ĐST tờ 4 b), và vào cuối đời (1103) Bà hay làm việc tế bần như xuất tiền trong kho ra để chuộc lại số con gái nhà nghèo bị cầm thế, đem về gả cho những người góa vợ (VS 177 và ĐST 14a) và cho xây nhiều chùa chiền thờ Phật như để sám hối về việc đã lở lầm xưa (VS chú thích 393 tr.177).

Triều đại nầy sử nhắc nhiều đến việc Chiêm Thành đi cống 2,3 lần trong năm: cống mùa đông, mùa thu, có khi cả mùa hè và Chân Lạp cũng cống mỗi năm 1,2 lần. Không thấy nhắc nhiều tên gọi có chữ Thiên như các đời vua truớc, chỉ có 2 lần kể trên và 2 lần cuối với niên hiệu là Thiên Phù Duệ Vũ thứ nhất (Canh Tý 1120, ĐST 20a) ) sau khi nhà Tống phong cho chức Thủ Tư Không, và Thiên Phù Khánh Thọ (1127, ĐST 24b) sau khi nước Tống loạn to. Cũng năm ấy vua từ trần và an táng tại Phủ Thiên Đức.

Vua Lý Thần Tông lên ngôi năm [UThiên Phù[/U] thứ nhất (1127) ở điện Khổn Thiên, lấy tôn hiệu Thuận Thiên Quảng vận khâm minh nhân hiếu Hoàng đế (29b). Năm 1128 lấy niên hiệu Thiên Thuận (ĐST 28b), sách lập con gái của Lý Sơn là Lệ Thiên hoàng hậu(ĐST 30b). ‘Lá phướn của hai chùa Thiên Long và Thiên Sùng không gió mà tự lay động như múa. Vua ngự xa giá đến hai chùa ấy để lễ tạ’(ĐST 29a) An táng vua Nhân Tông ở lăng Thiên Đức. Lấy ngày sinh nhựt của vua làm tiết Thiên thụy. (ĐST 31b).Năm 1129, Chân Lạp đánh phá Nghệ An, dẹp được giặc, năm 1129 làm lễ mừng tại gác Thiên Phù về việc 84000 bảo tháp đã hoàn thành (tháp nhỏ bằng đất nung VS 194và ĐST 32b). Năm 1132 sinh hoàng thứ trưởng tử đặt tên là Thiên Lộc (ĐST 37a). Dựng điện Cảm Linh và gác Phụng Thiên (ĐST 37b) Năm 1133 đổi niên hiệu là Thiên Chương Bảo Tự thứ nhất. Năm 1134 dựng hai chùa Thiên Ninh và Thiên Thành (ĐST 38a). Vua được rùa mắt có 6 ngươi, bèn xuống chiếu cho các học sĩ và các tăng đạo biện nhận, đọc thành tám chữ: Thiên thư hạ thị thánh nhân vạn tuế ‘ (ĐST 38b). Năm 1136 Hoàng trưởng tử sinh được đặt tên là Thiên Tộ (ĐST 40a).Tô Vũ dâng rùa thần. Các quan nhận ra bốn chữ “Nhất thiên vĩnh thánh” (40a) Năm 1137 vua ngự đến chùa Báo Thiên, làm lễ Phật Pháp Vân để cầu mưa. Đêm ấy mưa to’(ĐST 40b). Năm 1138 vua qua đời (ĐST 42a), an táng tại phủ Thiên Đức.

Vua Lý Anh Tông tên húy là Thiên Tộ lấy tôn hiệu bằng câu đầu: Thể Thiên thuận đạo... Năm 1147 dựng 6 sở kho Thiên Tư. Tháng 11 làm nhà cho công chúa Thụy Thiên ở châu Lạng (ĐSTq4,6a). Năm 1149 công chúa Thiên Thành mất (ĐSTq4, 6b).Năm 1153 xây cung điện Ngự Thiên (VS 107) Năm 1155 làm cung Lệ Thiên (ĐST,12a). Tháng 12 làm hành cung Ngự Thiên (12 b).

Năm 1158, xây chùa Chân Giáo ở Hà nội. Nhà vua hạ chiếu lấy vàng ở trong kho ra mạ tượng Phạn Vương và tượng Đế Thích rồi cho đặt vào chùa Thiên Phù, chùa Thiên Hỗ (có sách chép là Thiên Hựu (VS 210). Cây cột chùa Thiên Phù, Thiên Hỗ chảy máu. Năm 1164 sửa lại điện Thiên An.

Nhà Tống phong vua làm An Nam Quốc Vương, đổi Giao Chỉ làm An nam quốc. Trước đó gọi là Giao chỉ Quận Vương (ĐST 14a). Thật ra quốc hiệu vua Lý Thánh Tôn đã đặt là Đại Việt từ năm 1054. Năm 1168 công chúa Thiên Cực về với quan Lạng châu mục là Hoài Trung Hầu (VS 213). Sau khi trao 10 con voi cho nhà Tống làm lễ Nam Giao, đổi niên hiệu năm 1174 là Thiên Cảm Chí Bảo thứ nhứt. (VS 215) Theo VS thì Nhà Tống gọi nước Việt ta là nước An Nam, vua là Quốc Vương quốc hiệu được lập bắt đầu từ đó (VS 215). Vua băng năm Thiên Cảm chí bảo thứ hai và an táng tại phủ Thiên Đức.

Vua Lý Cao Tông lên ngôi’ tôn mẹ là Thái Hậu Chiếu Thiên Chí Lý, và lấy tôn hiệu là Ứng Thiên ngự cực hoành văn hiến vũ.... đạo chí nhân ái (VS217)

Năm 1179, có động đất. Thái úy Tô HiếnThành chết. Vua bớt ăn 3 ngày’ nghỉ thiết triều 6 ngày (ĐST q4,18b). Nhà vua và Thái hậu xem con em các bậc tăng quan (thày tu làm quan) thị tụng kinh Bát Nhã. Coi khoa thi Tam giáo. Năm 1180: nhà vua xuống chiếu cho hàng Tam giáo (Nho Phật Lão) sửa sang các văn bia ở trong đại nội (VS 223). Năm 1186, tháng giêng, nhà Tống phong vua làm An Nam Quốc Vương, chế thư đại khái nói: “Ngay bắt đầu đã phong cho tước ấp ở một nước yên vui, được theo lệ cha truyền con nối ban sắc mệnh cho được thực thụ tước vương’ cần gì phải đợi thăng dần theo thứ tự” (ý nói không theo thứ tự thăng dần từ Qiao chỉ Quận Vương rồi Nam Bình Vương rồi An Nam Quốc Vương). Năm 1187, tháng 7, bắt được voi trắng đặt tên là Thiên Tư (của Trời). Xuống chiếu đổi niên hiệu là Thiên Tư Gia Thụy năm thứ nhất. (ĐST q4,20b và VS227). Năm 1188, đại hạn, vua đến chùa Pháp Vân để đảo vũ, nhân rước tượng Phật Pháp Vân về chùa Báo Thiên (ĐST 20b). Năm 1194, mưa đá, có tảng to bằng đầu ngựa. Đóng thuyền Thiên Long. Năm 1195: động đất. (ĐST 22a). Năm 1197, vua ngự ở điện Thiên Khánh để cân nhắc phán xét các tội ngục hình (VS 235) Năm 1202, động đất, hoàng tử Thầm sinh. Đổi niên hiệu là Thiên Gia Bảo Hựu năm thứ nhất (ĐST 22b). Năm 1203, Thiên Gia Bảo Hựu thứ hai xây cất cung mới ở phía tây tẩm điện. Ở giữa dựng điện Thiên Thụy. Bên tả dựng điện Dương Minh. Bên hữu dựng điện Thiên Quang. Phía trước là điện An Chánh Nghi. Ở trên lại dựng điện Kính Thiên (VS 237 và ĐST 23a) Năm 1205 Điện Thiên Thủy xây cất hoàn thành, nhà vua cho quần thần ba ngày dự yến tiệc (VS245) Năm 1206, nhà vua ngự ở gác Kính Thiên, tháng ba cung Phụng Thiên bị cháy. Năm 1207-8: giặc cướp nổi như ong. Đói to, người chết nằm gối lên nhau (ĐST24b,25a). Năm 1210 vua băng.

Vua Lý Huệ Tông kế vị (1211-1224) không thấy có chữ Thiên, loạn lạc: giặc trong giặc ngoài tứ tung. Năm cuối đời có lúc phát điên. Quyền trong nước dần dần về tay người khác. Vua xuất gia ở chùa Chân Giáo truyền ngôi cho công chúa Chiêu Thánh.

Vua Lý Chiêu Hoàng (1224) công chúa Chiêu Thánh với tên húy là Phật Kim sau đổi là Thiên Hinh lên ngôi lấy tôn hiệu là Chiêu Hoàng và đổi niên hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo. Ở ngôi được hai năm rồi truyền ngôi cho họ Trần (ĐST 32a).

Kết thúc một triều đại mà chữ Thiên được đặt lên hàng đầu trong các danh gọi: từ tôn xưng, niên hiệu, sanh nhựt, tên công chúa chí đến cung, điện, chùa chiền, lăng phủ, sông rạch.

Qua đến đời Trần: chữ Thiên được nhắc ở tôn hiệu năm đầu (1225) là “Khải Thiên lập cực chí nhân chương hiếu hoàng đế” (ĐST 34b) và năm 1232 vua Trần lấy niên hiệu là Thiên Ứng Chính Bình và năm 1369 là năm Thiên định. Được một năm là dứt điểm.

Thế là chấm dứt cả mấy thế kỷ liên tục lấy chữ Thiên làm chủ đạo trong việc cai trị đất Đại Việt (216 năm triều Lý). Kết thúc trang sử đời Lý, sử thần Ngô sĩ Liên viết như sau: ’Từ đời Huệ Tông trờ lên đến Thái Tổ là tám đời mà Huệ Tông tên là Sảm, tức là mặt trời gác núi, hết bóng. Thế thì nhà Lý được nước là tự trời, mất nước cũng là tại trời vậy” (ĐST 35a, 35b)

“Thiên” một chữ gợi nhiều âm hưởng trong tâm thức dân gian.

Các vua thời đại cựờng thịnh của Đại Việt đã hiểu thấu tâm cảm của dân gian nên chi đã chẵng ngần ngại coi việc mình lên trị vì thiên hạ là một việc Ứng Thiên, Thiên định, Thiên Hựu do vậy phải chăm lo săn sóc dân chúng cho họp đạo Trời: Thiên đạo. Phải lo xây cất những chùa chiền Phụng Thiên, điện đài Kính Thiên, để tỏ bày lòng thành kính cho thuận với lòng Trời: Thuận Thiên. Như vậy Thiên Ý mới được Thiên Thành. Trong ý hướng đó điện Kính Thiên (1202) phải ở trên trước các điện khác, không phải ở bên tả hữu hay ở giữa mà phải ở trên trước (xem phần lịch sử ở trên). Và để kiểm chứng hành vi cai trị có họp Thiên ý và Thiên đạo hay không, ngoài việc tế Nam Giao còn phải báo đáp, báo ân Trời và tường trình báo cáo Trời về công việc của mình. Nơi thể hiện tâm tìnhỳ báo đáp, báo ân, báo cáo đó phải ở trên trước cao tận Trời với Tháp Báo Thiên (xây năm 1057). Tính cách nổi vượt nầy đã được nhà thơ lớn Phạm Sư Mạnh (đời Trần) diển tả như sau:

Trấn áp đông tây củng đế kỳ,
Khuy nhiên nhất tháp độc nguy nguy
Sơn hà bất động kình thiên trụ
Kim cổ nan ma lập địa chùy

(Đề Báo Thiên tháp)

Trấn áp đông tây, giữ vững kinh kỳ,
Ngọn tháp sừng sững trội vượt hẳn lên.
Chiếc cột chống trời đứng đó làm cho non sông yên ổn,
Như mũi dùi trên đất xưa nay chẳng hề mòn.


Bài thơ nầy diển tả được tính cách trổi vượt của Tháp, nhưng chưa chắc diển đúng ý nghĩa của tên Tháp là Báo Thiên, bởi lẽ trên đĩnh tháp có hàng chữ Đạo Lý Thiên một thể hiện cung kính rõ rệt về đạo lý của Đấng Tối Cao (Ông Trời) mà từ vua tời chí dân cả nước cần chiêm bái và tuân thủ vâng phục, chứ có lẽ nào dựng cột để chống Trời như thi sĩ đời Trần kia!

Chữ Thiên qua suy nghiệm trên không thể hiểu một cách hời hợt phiến diện: tức không thể vì nhà Tống qua hai triều đại Tống Thiên Hy và Tống Thiên Thánh (1012-1031) có dùng chữ Thiên mà nhà Lý bắt chước dùng theo. Cũng không thể coi rằng đây chỉ là do ảnh hưởng Khổng Nho, vì theo thờI điểm lịch sử nầy Phật Giáo mớI thịnh hành, chiếm địa vị độc tôn, khiến các sữ gia Lê văn Hưu và Ngô sĩ Liên về sau đã đem lờI phê phán (như sẽ bàn sau) chứ Khổng Nho chưa hẳn được thịnh hành và ảnh hưởng sâu rộng ở Đại Việt. Vả lại nếu coi là nhờ ảnh hưởng của các Nho thần đi nữa thì cũng phải hiểu Khổng Nho cũng không sáng tạo quan niệm từ không không mà là làm công việc kết đúc định hình hệ thống hóa từ quan niệm “Trời” có sẳn của dân gian, như vậy mớI có sức phổ biến và dân gian mớI dễ dàng chấp nhận. Hẳn là dân gian Đại Việt đã sống theo tín niệm nầy (chứ không phải nhờ đọc chữ Nho mà biết Trời vì đa số còn ít chữ) nên chi các vua Triều Lý đã nắm bắt được tâm lý ấy để làm nổI bật việc mình lên ngôi vua là “ứng mệnh trời, thuận lòng người “theo như sữ thần Ngô sĩ Liên nhận định (ĐST q2,tờ 1a). Và khi lên ngai trị vì, gặp lúc nguy nan thì kêu trời, lúc đánh giặc gặp bất trắc,” biết đốt hương khấn trời, xin lòng trời soi xét” (ĐST q2,tờ 5b) Ngô Sĩ Liên nhận ra niềm tin tưởng đó của vua nên đưa ra lờI nhận định rằng:” Trời và người cảm ứng nhau rất nhỏ nhạy, ảnh hưởng rất chóng, ai bảo là trong chỗ tối tăm mặt trời không soi đến ta mà dám dối trời chăng?” (ĐST q2, tờ 6a).

Dù sao nếu các nho thần của Triều Lý có đóng góp phần mình để làm nên những niên hiệu, tôn hiệu, danh hiệu, danh tánh có ngữ nghĩa “siêu linh” như thế thì cũng là một việc họp lẽ Trời và thuận lòng dân vậy.

Tháp Báo Thiên một công trình vĩ đại lưu danh thiên cổ.

Đây là một công trình kiến thiết quy mô vĩ đại với bao nhiêu vật liệu đặc sản đồ đồng của nước có Núi đồng (Đồng sơn: phải chăng văn hóa Đông sơn (culture dongson-nienne) là cách nói trại không dấu của tây phương). Núi đồng là quốc thổ và đồ đồng làm nên trống đồng chủ hữu, chủ địa của dân tộc từ ngàn xưa.

Dựng Tháp để tôn vinh đạo lý của Trời cách công khai thanh thiên bạch nhựt, xây trên thửa đất cao ráo (gò nổng) và có nhiều tầng để ai dù ở xa cũng phải thấy, phải biết: tính cách đạo lý phải nêu cao. Ngoài ra đạo lý đó còn phải được khắc ghi trong tâm khảm mọi người. Từ vua tới chí dân, phải lấy luật trời Pháp Thiên làm mẫu mực đức độ, làm ánh sáng chiếu soi: các ngôi Chùa Thiên Đức, Thiên Quang được xây dựng với các tên gọi có ngữ nghĩa tỏ rõ đức sáng của Trời phải chăng là để nhắc nhỡ dân chúng tề tựu cúng bái ở chùa chiền noi theo đức độ sáng soi chiếu giọi của Trời. Ngoài ra tên gọi Báo Thiên của ngọn tháp cao tận trời nầy tự nó nói lên ý thức của việc báo đáp, báo ân, báo cáo với trời những việc trong nhân gian mà nhà Vua là bậc Thiên tử con trời phải lo chu tất để thi hành nghĩa vụ của mình. Trời là trên trước cần nhắc nhỡ và kêu gọi nên danh tánh Trời đã được gọi trong tôn hiệu như Ứng Thiên, Thuận Thiên, Thể Thiên, Phụng Thiên, Pháp Thiên; trong niên hiệu như Thiên cảm, Thiên Thuận, Thiên Phù, Thiên Huống, Thiên Thành; trong các ngày sanh nhựt, khánh tiết của vua như Thừa Thiên, Thiên Thụy, Thiên Thánh; trong việc đặt tên hoàng hậu như Chiếu Thiên, Thiên cảm, Lệ Thiên; đặt tên con cái vua như điện hạ Khai Thiên, công chúa Thiên Thành, công chúa Động Thiên, công chúa Thánh Thiên và tất cả những đền chùa cung điện v.v... Tất cả như đều hàm ngụ ý hướng cao cả hướng thượng quy Thiên nầy.

Vị trí xây dựng: Tháp có tên đầu tiên là “Đại Thắng Tư Thiên Bảo Tháp” dựng kế bên ngôi chùa có tên là ‘Sùng Khánh Báo Thiên” nên sau được gọi là Tháp Báo Thiên. Đất Thăng Long nguyên là đồng bằng có nhiều ao hồ sông rạch và đầm lầy mà nay vẫn còn dấu vết. Tìm chổ cao ráo để xây dựng một công trình to lớn như chùa và Tháp có tầm cở bực nhứt như thế, Vua Thánh Tôn phải chọn một qủa đồi gần Bờ Hồ Lục Thủy (hồ quanh năm có màu lục). Hồ nầy trước kia lớn, vua có thể tổ chức đua thuyền, tổ chức trò chơi các dịp lễ lớn, sau vì nhiều công trình kiến thiết Thăng Long làm cho hồ thu hẹp dần diện tích, nay chỉ còn là một hồ nhỏ ta gọi là hồ Hoàn Kiếm.

Vật liệu kiến trúc: Hai vật liệu nặng nhứt có thể tìm thấy vào thời nầy là đá và gạch nung. Nền tháp bằng đá có 4 góc, tức là theo hình vuông có bốn cửa ăn thông. Gạch xây trên nền đá đều có khắc ghi chữ “Lý gia đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo”: tức là làm đời vua Lý thứ ba có niên hiệu là Long Thụy Thái Bình. Tường vách trang trí còn có những mẩu đá tạc tượng người, tiên, chim muông và các vật dụng như chén bát, giường ghế ‘không thể kể xiết, toàn bằng đá cả ‘(sd Hà nội nghìn xưa tr.176).

Chiều cao và các tầng: Theo Đại Việt sử lược thì tháp cao tới 30 tầng, nhưng nhiều sách khác cho là 12 tầng với bề cao vài chục trưọng(60-80 m). các tầng trên cùng làm bằng đồng, vật sản văn minh bản địa. Tầng thứ ba trên cửa tháp có khắc chữ “Thiên tử vạn thọ” một lời ước chúc Vua sống trường thọ muôn tuổi. Trên chót đỉnh tháp có hàng chữ “Đạo Lý Thiên” để tỏ rõ Đạo Lý của Đấng tối cao chiếu rọi kháp nhân gian thiên hạ. Vì ở chổ cao ngất tầng mây không có gì che khuất: từ xa ai cũng trông thấy. Thiền sư Nguyễn Minh Không từ chùa Keo xứ nam, thuyền giăng ba ngọn ngược dòng sông Hồng Hà để tới bến An Duyên (Yên sở, Thanh Trì) đã cho biết nhìn thấy tháp Báo Thiên từ xa, đã để lại bài cảm thán với câu mở đầu như sau:

“Tằng tằng bảo sái nhập vân yên... ”
(Tầng tầng bảo tháp quyện mây trời!)


Tháp cao bằng đồng với giông tố sấm sét và thời gian:

Sách sử đã ghi lại nhiều cảnh mưa lũ, lụt lội, mưa đá giông bảo sấm sét xảy ra thưòng xuyên trên vùng đất nước nầy. Suốt chiều dài lịch sử với thời tiết bảo táp như vậy, không lạ gì một ngôi tháp cao với đỉnh bằng đồng khối bị sét đánh làm gây hư hại nhiều phen. Dù có xuất công quỹ sửa chữa nhưng kinh phí qúa nặng: qua đời Lý, đời Trần không đủ sức để trùng tu. Ngay cả những công trình ít tốn kém hoặc dể hơn, như Chùa Một Cột cũng không khôi phục như nguyên thủy nổi, huống chi ngôi bảo tháp nhiều tốn kém mà sử thần Ngô sĩ Liên phê là làm “nhọc sức dân, phí của dân” (ĐST q3,tờ 1a). Vã lại ngay từ cuối đời Lý giặc giã tứ tung, nhiều vụ động đất thiên hạ chết qúa nữa, “trời đổ mưa đá, từng tảng đá lớn như dầu ngựa’(VS tr.233), hoả hoạn, cung điện lớp bị cháy lớp bị phá, đổ nát hoang tàng(VS tr 280), nạn đói người chết xác nằm gối lên nhau, nội loạn nổi lên khiến vua Huệ tông phải ta thán trong một chiếu thư mô tả rằng” chúng đốt sạch cung thất của ta. Cho đến nổi các khu xóm ở kinh thành hoá thành đóng tro tàn” (năm 1215 VS tr281) khiến cả Vua và Thái hậu phải sai cất một “ngôi nhà tranh để ỏ” (VS tr 280)... bằng ấy cho thấy một công trình vĩ dại như tháp Báo Thiên mà sử thần Lê văn Hưu gọi là “tháp cao ngất trời” (SKT q2,tờ 3b) khó mà bảo tồn trọn vẹn lâu dài.

Lược kê những thiên tai, mà lịch sử còn ghi trong giai đọan nầy:

Về động đất xảy ra biết bao nhiêu lần, đó là những năm 1016 hai lần, 1153 (2 lần), 1162,1171, 1178, 1180,1181,1185,1187,1188,1190,1192,1195(2lần),1199,1200,10204,1205,1 207,1208,1210,1213,1215,1218,1219,1220. Ngoài ra còn cảnh lụt lội, đá sụp, gió to dữ dội, sấm sét (1207, 1215) đến đổi vua kinh sợ phải sai cận thần Nguyễn Dư đọc ‘chú’ mà cũng không trị được sấm (VS tr.248), dịch tả, nạn đói năm 1181 khiến ‘dân chết đến gần một nửa’(VS tr224) còn năm 1208 thì’ nạn đói lớn, người chết nằm gối lên nhau’(VS t.250). Thêm vào đó những đám hỏa hoạn, khi thì cung điện nầy cháy, hành cung kia bị thiêu, chùa nọ bị làm mồi bà hoả...

Thế nên các công trình xây cất nhà Lý bị hư haị vì thời gian vì thiên tai, nhân tai vừa kể thì khó lòng được khôi phục trùng tu nguyên vẹn. Một phần lớn vì nước nhà bị loạn lạc, công qũy bị hao hụt, không còn đủ sức để bảo trì nói chi là trùng tu cái củ xây đựng cái mới. Thêm vào đó là yếu tố nhân tâm bất thuận hoặc đã thay đổi, các triều đại sau không còn sũng mộ Phật giáo và ưu đãi tăng chúng nữa, chưa kể những công kích những tiêu pha công qũy của đời trước. Sử liệu còn ghi lại một số phê phán phản ánh tâm thức đó qua hai sử thần như Lê văn Hưu và Ngô sĩ Liên.

Lược kê những đoạn phê phán về Triều Lý liên quan đến chùa chiền:

Đây là những lời phê của Lê văn Hưu: (ĐST q2, tờ 3b, 4a): “Lý Thái Tổ lên ngôi mới được 2 năm, tông miếu chưa dựng, đàn xã tắc chưa lập mà trước đã dựng tám chùa ở phủ Thiên Đức, lại trùng tu chùa quán ở các lộ và độ cho làm Tăng hơn nghìn người ở Kinh sư, thế thì tiêu phí của cải sức lực vào việc thổ mộc không biết chừng nào mà kể. Của không phải là trời mưa xuống, sức không phải là thần làm thay, há chẳng phải là vét máu mỡ của dân ư? Vét máu mỡ của dân có thể gọi là làm việc phúc chăng? Bậc vua sáng nghiệp, tự mình cần kiệm, còn lo con cái xa xỉ lười biếng, thế mà thái Tổ để phép lại như thế, chả trách đời sau xây tháp cao ngất trời, dựng cột chùa đá, điện thờ Phật lộng lẫy hơn cung vua. Rồi người dưới bắt chước, có kẻ hủy thân thể, đổi lối mặc, bỏ sản nghiệp, trốn thân thích, dân chúng qúa nửa làm sư sãi, trong nước chỗ nào cũng chùa chiền, nguồn gốc chẳng phải từ đấy?”

Sử thần Ngô sĩ Liên thì một đàng khen vua ở chổ thuận lòng trời được lòng dân, nhưng chê vì chỗ ham thích đạo Phật’ đạo Lão: “Lý Thái Tổ dấy lên, trời mở điềm lành hiện ra ở vết cây sét đánh... trời thường tìm chủ cho dân, dân theo về người có đức... lòng nhân thương dân, lòng thành cảm trời... Nam Bắc thông hiếu, thiên hạ bình yên... Duy có việc ham thích đạo Phật, đạo Lão là chỗ kém” (ĐST q2,tờ 17b và 18a).

Nơi khác, nhân về việc vua xuống chiếu phát 6 nghìn đồng để đúc chuông chùa Trùng Quang. Chuông đúc xong, không đợi sức người tự di chuyển đến chùa, sử thần Ngô sĩ Liên sao chép đoạn nầy xong bèn phê thêm như sau:

“ Phàm vật hình vuông thì đứng, hình tròn thì đi, chuông có thể đi đuợc là vì hình tròn. Có lẽ là kéo nó đi, không nhọc đến sức người như có thần giúp vậy. Nay ta hãy xem như cây gỗ lớn mười mấy người khiên không nổi, một người đẩy ngang thì nó lăn tròn mà đi. Chuông cũng thế, sư chùa muốn làm cho đạo mình có vẻ thần diệu, mới nói phao lên như thế để đánh lừa mà thôi. Những chuyện như dấu vết người thần,, ánh sáng xá lỵ, cây ưu đàm nở hoa, tượng Phật cổ nổi lên v.v... đều do bọn các nhà sư ra cả. Ngưòi cầm bút chép sử đương thời không xét lý lẽ, cứ theo thế mà chép vào sử sách.” (ĐST q2,tờ 24a và b).

Về việc vua Lý Thần Tông được tin quân triều đình thắng trận, vào cung Thái Thánh Cảnh Linh, vào chùa quán trong thành để tạ ơn Phật và Đạo, Lê văn Hưu phê như sau:

“Phàm việc trù tính ở trong màn tướng, quyết định được chiến thắng ở ngoài nghìn dặm, đều là công người tướng giỏi cầm quân làm nên thắng lợi. Thái phó Lý công Bình phá được quân Chân lạp cướp châu Nghệ An, sai người báo tin thắng trận. Thần Tông đáng lẽ phải cáo thắng trận ở Thái Miếu, xét công ở triều đường để thưởng cho bọn Công Bình về công đánh giặc. Nay lại quy công cho Phật và Đạo, đi các chùa quán để lạy tạ, như thế không phải là cách để ủy lạo kẻ có công, cổ lệ chí khí của quân sĩ.” (ĐST q3, tờ 30b và31 a).

Về việc xuống chiếu tha những người phạm tội trong nước, sủ thần Ngô si Liên có lời phê như sau:

“Nhân Tông thường nhân việc mở hội [Phật] mà tha cho người có tội, là không phải lẽ, nhưng mà còn mưọn tiếng hội Phật. Còn như vua [Thần Tông] thì không có việc gì mà cũng tha bổng. Phàm người có tội phạm pháp, có kẻ nặng người nhẹ... sao lại có thể tha bổng được... Tha lỗi thì đuợc, tha tội thì không được.” (ĐST q3, tờ 32a, và b).

Qua những sử liệu ghi các lời phê trên, ta thấy được lòng dân cũng như vua quan sau thời Lý đã quy trách về việc nhà Lý tiêu pha trong việc xây cất chùa chiền, bảo tháp. Vì thế những cơ sở nầy nếu bị hư hại, chắc khó lòng đuợc ủng hộ để trùng tu nguyên vẹn... từ đó suy ra một bảo tháp có tầm vóc bực nhứt về kiến trúc về công sức, công sản như tháp Báo Thiên nếu bị sét dánh hư hại hoặc bởi thời gian soi mòn thì hết đời Trần qua đời Minh, Báo Thiên chưa chắc là còn sừng sững nguyên hiện như xưa. Việc lấy đồng để đúc binh khí là việc không cần phá tháp cũng có thể lấy đưọc?

Thật vậy, sau đời Trần, nhà Minh xâm phạm quốc thổ, lúc bị nghĩa quân Lam Sơn của Lê Lợi vây hãm ở thành Đông quan năm 1426, quân Minh đã phá tháp (lúc ấy không biết còn nguyên vẹn hay đã bị hư hại cách nào với sấm sét thời gian, không có sách sử nào ghi rõ) lấy số đồng khối để đúc khí giới chống lại nghĩa quân. Như vậy là tháp Báo Thiên đã bị phá hủy thời nầy. Và đời Tiền Lê "đắp núi đất phủ lên nền cũ. Chùa bỏ hoang, cuối thế kỷ XVIII làm chợ Báo Thiên, núi làm chỗ xử tử người có tội. Năm 1791, đào lấy những gạch đá nền tháp để tu bổ thành Thăng Long.” (sách Hà nội nghìn xưa tr.177). Coi như vào thời Tây sơn nơi nầy đã ra hoang tàn. Sau khi nhà Tây Sơn đổ, sử ghi là nhà Nguyễn đã lưu chuyển nhiều vật liệu Thăng Long vào Phú Xuân Huế để xây quốc đô mới đẹp đẻ xứng đáng cho một nước Việt nam thống nhứt, vì thế di tích giá trị của cựu đô Thăng Long đương nhiên là bị dời đi thời nầy... và sau đó còn bao nhiêu biến cố khác gây tổn hại tiêu hủy những gì còn sót. Sách đã dẫn trên còn cho biết ở mục chú thích số 1 tr. 177 như sau: Bà chủ nhà số 10 đường Nhà Chung vừa qua (? phải chăng là tháng 10.1974 năm xuất bản sách?) đào đuợc con sấu cá, hẳn có liên quan đến nền tháp Báo Thiên”.

Qua chứng liệu về năm tháng xây dựng, về các biến cố, thiên tai hoặc nhân tạo làm hủy hoại. Thời điểm di tích cơ sở nầy bị tiêu hủy hẳn phải kể là trước hoặc đầu thế kỷ XVIII. Về lịch sử thì coi như Vua Quang Trung Nguyễn Huệ không còn thấy nơi đây một di tích kỳ quan của lịch sử, ngoại trừ là cái gò đất chổ xử tử tội của thời truớc trong những năm loạn lạc Trịnh Nguyễn phân tranh và giặc giã nội ngoại. Do vậy luận chứng theo đó dời thực dân Tây, ngưòi ta phá Tháp Báo Thiên để xây dựng Nhà Thờ Lớn Hà nội qủa là một quyết đoán hàm hồ phi lịch sử, và có thể là một quyết đoán có ác ý (!) để mong tạo một sự đối chống giữa Phật giáo và Kitô giáo chăng, hay tệ hại hơn nữa là gieo rắc thành kiến cho rằng Công giáo dã phá hủy những gì thuộc về văn hoá dân tộc!

Bài nầy muốn thiêt lập một cái nhìn lịch sử chân thật đồng thời tuyên dương một ý hướng quy Thiên tin tuởng Trời của một triều đại mà mọi ngưòi Việtnam đều hãnh diện vì dã cho Việt nam đi vào một đoạn lịch sử dài kiến tạo đất nước ánh ngời nhiều hào quang. Sự thật lịch sử giải thoát chúng ta khỏi những nghi kỵ cáo buộc bất công khiến tình tự dận tộc của toàn khối đồng bào được bảo toàn: một nhu cầu khẩn thiết để cùng nhau xây đựng đất nước cho tiến kịp với các nước khác trên thế giới trong Thiên niên Kỷ sắp tới.

Mùa Vọng Giáng Sinh tiến về Thiên kỷ III
LM Hồng Kim Linh