TUẦN THÁNH NĂM 2009

CHỦ ĐỀ: ” GIÁO DỤC KITÔ GIÁO TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH “

THỨ HAI TUẦN THÁNH, năm 2009

Ga 12, 1-11

GIUĐA ÍCH KỶ KHÔNG PHỤC VỤ ĐÚNG NGHĨA


Thư mục vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 2008 có đề mục:” Giáo Dục Kitô giáo trong môi trường gia đình “, Hội Thánh Việt Nam như đang kêu mời con cái hãy quảng đại, sống đạo đích thực bằng đời sống bác ái hy sinh và phục vụ mọi người trong yêu thương để góp tay xây dựng cuộc sống gia đình theo mẫu gia đình thánh: ” Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh cả Giuse “.

Giuđa một bộ mặt trong nhóm 12 môn đệ đầu tiên đi theo Đức Giêsu, được Chúa Giêsu tin tưởng giao giữ túi tiền của nhóm. Đáng lẽ ông phải cần kiệm, hy sinh, quảng đại, không tiếc gì với bất cứ ai, đặc biệt các người nghèo xung quanh. Ở đây, ông đã sống phản lại lời Chúa, phản lại Tin Mừng.

Cô Maria, một người phụ nữ mang tiếng tội lỗi, nhưng cô lại có tâm hồn sám hối, có trái tim bén nhạy và tế nhị. Bình dầu thơm hảo hạng cô mang tới đổ trên chân Chúa Giêsu hôm nay và lấy tóc của cô chùi chân Chúa Giêsu chứng tỏ cô là người yêu nhiều, mến Chúa, quí Chúa hơn hết mọi người, hơn hết tiền của ở trần gian. Dầu thơm tỏa bay ngào ngạt khắp nhà cho thấy tấm lòng dạt dào kính mến Chúa của cô.

Giuđa khó chịu trước cử chỉ của Maria, nhưng đúng hơn ông tiếc của, tiếc bình nước hoa mắc tiền. Ông cho Maria là phung phí. Ông giả hình vì ông chẳng thương gì người nghèo mà chỉ vì ham của, mê tiền.Giuđa càng bộc lộ chân tướng đê hèn của ông khi ông thoả thuận nhận 30 đồng bạc, số tiền nhỏ nhoi như bán một tên nô lệ để trao nộp Chúa Giêsu cho giới lãnh đạo Do Thái.

Tại sao Giuđa lại bán Chúa ? Có lẽ đây là câu hỏi thuộc bí mật, thuộc mầu nhiệm của Thiên Chúa. Giuđa bán Chúa có thể vì bất mãn Chúa, có thể bất mãn anh em trong nhóm 12. Vì có đầu óc hẹp hòi như thế, Giuđa đã âm mưu phản Thầy, bán Thầy. Giuđa đã nhận một số tiền quá ít ỏi nhưng có lẽ đây là thoả thuận để cuộc trao đổi bán Thầy được ổn thoả và dễ chấp nhận. Đây chỉ là giá tượng trưng.

Giuđa theo Chúa và sống với anh em. Chúa dạy: ’ Hãy sống hiền lành và khiêm nhượng”. “ Thầy đến để phục vụ chứ không phải được hầu hạ”. Giuđa đã quên lời Thầy. Ông đã bộc lộ nguyên hình là một tên giả hình, cõng rắn cắn gà nhà. Ông chẳng phục vụ như lời Thầy dạy và cũng chẳng sống yêu thương mà tâm hồn đầy gian ác, hận thù, bội phản.

Lạy Chúa Giêsu, xin củng cố niềm tin chúng con để đồng tiền đừng làm tâm trí chúng con ra mù quáng mà quên hết tình người, quên Chúa và bội phản lại Chúa. Xin Chúa giúp chúng con biết sống cao thượng đối với tiền của trần gian.

THỨ BA TUẦN THÁNH, năm 2009

Ga 13, 21-33.36-38

GIUĐA PHẢN BỘI CHÚA GIÊSU


Nếu sống đạo đích thực là yêu thương và phục vụ. Phục vụ người khác,phục vụ tha nhân vì yêu thương. Sống yêu thương để phục vụ. Giuđa đã không có đức tính như Chúa mong muốn. Chúa dạy:”…Đến để phục vụ”. Giuđa đã sống phản lại nguyên tắc của Thầy Chí Thánh. Ông ham tiền, trục lợi. Ông sống hận thù, ích kỷ và đầy tham vọng. Được Thầy tín nhiệm cho giữ chức quản lý của nhóm 12 và giao cho ông giữ túi tiền của nhóm. Ông đã không sống lời Thầy Giêsu dạy bảo.

Tin Mừng hôm nay nói lên tâm tình và tâm sự của Chúa Giêsu với các môn đệ trước khi Người rời các môn đệ để đi chịu chết theo ý Chúa Cha.Chúa Giêsu đã loan báo một người trong nhóm 12 sẽ phản bội Người. Chúa không nói rõ tên môn đệ nào nhưng Người làm cử chỉ, làm hiệu bằng cách trao một tấm bánh cho người đó và bảo: ” Anh làm gì thì làm mau đi”. Người môn đệ đó là Giuđa Iscariốt. Các môn đệ khác không hiểu ý Chúa và họ không biết việc Giuđa đang làm, sắp thực hiện. Họ cứ tưởng Thầy bảo Giuđa đi sắm sửa lương thực sửa soạn mừng lễ Vượt Qua hay đi giúp người nghèo vì Giuđa giữ tiền. Chúa biết rất rõ và biết tường tận việc làm của Giuđa. Do đó, Người bảo:” Anh làm gì thì làm mau đi “. Giuđa tỉnh bơ, không sợ sệt vì tội ác tày trời y sắp làm, y vẫn nhất quyết ra đi, và yên trí vì không ai biết ý đồ xấu xa, bẩn thỉu y sắp làm. Giuđa làm như thế là quyền tự do của y. Chúa không cản, không ngăn cấm. Nếu Giuđa không phản bội, Chúa đỡ bị xúc phạm và ít gây xúc động hơn cho nhân loại. Chương trình cứu rỗi của Chúa vẫn được thực hiện. Giuđa là người bị hỏng vì không có lòng sám hối.

Việc phản bội của Giuđa cũng na ná như khi con nngười phạm tội trọng. Chẳng ai muốn bị ghép tội như Giuđa, chúng ta không muốn giống Giuđa. Muốn không bị liệt vào hàng ngũ Giuđa, chúng ta đừng phạm tội phản bội Chúa, và nếu có lỡ phạm tội chúng ta mau mắn ăn năn sám hối, xin Chúa thứ tha…

Lạy Chúa Giêsu, xin thứ tha tội lỗi chúng con vì chúng con đã xúc phạm đến Chúa.

THỨ TƯ TUẦN THÁNH, năm 2009

Mt 26, 14-25

GIUĐA TUYỆT VỌNG


Nỗi tuyệt vọng của Giuđa ở đây là vì Giuđa thiếu khiêm nhượng. Giuđa không tin ở lòng nhân từ của Chúa, không tin vào ánh mắt nhân hiền của Chúa có thể hoán cải đời ông. Do đó, thay vì hối hận ăn năn, đổi mới tâm hồn, hoán cải con người để xin lỗi Chúa, xin Chúa thứ tha, làm hòa với anh em. Giuđa đã ra đi trong đêm tối đồng lõa với ma quỷ, với tội ác. Giuđa đã thắt cổ tự vận, hủy hoại cuộc đời.

Tin Mừng 26, 14-25 của thánh Matthêu hôm nay ghi lại chỉ khác đoạn Phúc âm của thánh Gioan hôm qua vài chi tiết nhỏ. Chúa loan báo một người trong nhóm 12 sẽ phản bội Ngài. Cả 12 môn đệ đều bỡ ngỡ kinh ngạc. Giuđa biết việc của mình nhưng ông vẫn vờ vịt hỏi Chúa:” Ráp-bi, chẳng lẽ con sao ?”. Gioan hoàn toàn biết mình không bao giờ bội phản Thầy, nên hỏi Chúa: ” Thưa Thầy, ai vậy ?”. Còn 10 môn đệ đều hỏi Chúa:” Thưa Ngài, chẳng lẽ con sao ?”. Giuđa biết chắc việc phản bội của mình và Chúa xác nhận khi trao miếng bánh cho y trong bữa ăn. Đối với người Do Thái việc trao bánh cho một người nào trong bữa ăn là dấu người ấy được yêu mến. Như vậy, Chúa Giêsu cũng đã dành cho Giuđa một tình yêu đặc biệt, và ít giờ sau đó, Chúa còn để cho Giuđa hôn Chúa trong vườn Cây Dầu. Cái hôn này đáng lẽ là cái hôn tình yêu, tình cảm giữa Thầy và môn đệ. Nhưng đây, cái hôn của Giuđa lại là cái hôn bội phản, dấu làm hiệu cho quân dữ đến bắt Chúa.

Giuđa sau đó đã nhận ra lỗi lầm của mình, nhưng ông lại hoàn toàn mất niềm tin vào Chúa. Ông đã tuyệt vọng. Chính vì thế, ông đã tự vẫn để tránh cái nhìn nhân hiền của Chúa và nhìn trách móc của anh em trong nhóm.

Xin Chúa giúp chúng con đừng bao giờ tuyệt vọng như Giuđa.

THỨ NĂM TUẦN THÁNH, năm 2009

Ga 13, 1-15

CHÚA RỬA CHÂN, LẬP BÍ TÍCH THÁNH THỂ và BAN GIỚI LUẬT MỚI.


Cử chỉ và việc làm của Chúa Giêsu chiều thứ năm thánh hôm nay nói lên tình yêu thương vô bờ của Người đối với các môn đệ, đối với nhân loại. Hôm nay, Chúa biết:” Người chỉ ăn lễ Vượt Qua lần cuối cùng với các môn đệ ở Giêrusalem”. Đây là lần chót trước khi Chúa Giêsu chấp nhận ý Chúa Cha, bị bắt, bị tra tấn, hạch sách và bị án tử treo trên thập giá để cứu chuộc nhân loại. Chúa sẽ ra đi và trước khi ra đi Chúa muốn trăn trối cho các môn đệ những điều cao quí nhất vì Ngài yêu thương các môn đệ sâu xa, vô bờ, vô bến. Tiền bạc, của cải, đất đai, Chúa không có. Chúa trối lại cho các môn đệ và nhân loại 03 của quí giá: “ Tình yêu thương bác ái. Bí Tích Thánh Thể và Bí Tích linh mục thừa tác.

CHÚA TRAO BAN GIỚI LUẬT MỚI: Sống với các môn đệ, Chúa hằng yêu thương, tôn trọng các ông. Yêu thương là giúp đỡ nhau, chịu khổ cho nhau, sẵn sàng chết cho nhau. Chúa Giêsu đã thể hiện một tình yêu thương cao vời như thế.Do đó, trong bữa tiệc ly được tổ chức một cách rất long trọng trong một căn nhà mà Phêrô và Gioan đã mượn được của một người quen ở Giêrusalem. Bữa ăn hôm nay có rượu, có những món ăn cổ truyền, xen lẫn với việc đọc các bài thánh vịnh. Giữa bữa ăn, Chúa Giêsu rất xúc động bộc bạch tất cả tâm sự và tâm tình trìu mến của Người đối với các môn đệ vì đây là lần sau cùng Người ăn lễ Vượt Qua với các ông, sau bữa ăn Người sẽ bị bắt do sự đồng loã chỉ điểm của Giuđa Iscariốt, kẻ phản bội,và Người sẽ bị giết chết vào ngày thứ sáu thánh. Trong bữa ăn đầy ý nghĩa và cảm động này, Chúa Giêsu muốn để lại cho các môn đệ lời trăn trối thân tình, đầy tình phụ tử của Người:” Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” ( Ga 15,12 ). Trối trăn những lời thân tình với các môn đệ xong, Chúa lại muốn để lại một gương đầy khiêm nhượng cho các môn đệ noi gương, bắt chước. Chúa rửa chân cho từng môn đệ kể cả Giuđa là kẻ phản bội. Rửa chân là việc làm của các tên nô lệ. Chúa là Thầy, là Chúa mà lại cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Qua việc làm này, Chúa muốn dậy các môn đệ và mọi người bài học khiêm nhượng, yêu thương và phục vụ nhau dù trong những việc nhỏ thấp hèn.

CHÚA ĐỂ LẠI MÌNH MÁU NGƯỜI: Trước giờ ly biệt như bao người khác, như cha mẹ sắp qua đời, muốn trối trăn cho con cái, cháu chắt, muốn để lại cho người thân kỷ niệm, kỷ vật quí giá. Chúa không để lại cho các môn đệ và nhân loại vàng bạc, đá quí, ngọc trai, hột xoàn. Chúa muốn để lại một kỷ vật quí giá nhất, một kỷ niệm không bao giờ phai, không bao giờ tàn. Chúa muốn để lại cho môn đệ và nhân loại kỷ vật đặc biệt là chính bản thân cao quí nhất của Ngài. Tuy nhiên, thân xác của Ngài sắp bị quân dữ bắt bớ, đánh đập, giết chết. Chúa muốn biến thân xác Ngài thành của ăn trường sinh, của ăn không bao giờ hư hao được. Chính vì thế, đang khi ăn, Chúa cầm lấy bánh, tạ ơn Thiên Chúa Cha, phân phát cho các môn đệ mà nói: ” Đây là Mình Thầy, hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy “. Rồi, Chúa lại cầm chén rượu cũng tạ ơn, trao cho các môn đệ và nói:” Này là Máu Thầy, Máu giao ước mới và vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho nhiều người được tha tội, các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.Chúa biến đổi Mình Máu Chúa trở nên lương thực thiêng liêng, linh thánh, mầu nhiệm bồi dưỡng linh hồn và thân xác con người. Đây là việc làm đầy yêu thương nhưng cũng là việc làm mang đầy tính chất đức tin, Chúa trao cho con người, cho nhân loại.

CHÚA BAN QUYỀN CHỨC LINH MỤC CHO CÁC MÔN ĐỆ: Khi Chúa nói:” Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”, Chúa ban quyền chức linh mục cho các môn đệ ngay trong bữa ăn Tiệc Ly lịch sử này. Nhờ Chúa thương ban chức linh mục và giám mục, các môn đệ đã làm lại việc làm của Chúa trong bữa TiệcLy và các môn đệ tức các giám mục đầu tiên đã đặt tay phong chức linh mục cho những ứng viên có đủ điều kiện lãnh nhận sứ vụ linh mục và từ các giám mục kế tiếp,các Ngài luôn sinh ra các thế hệ linh mục để thực hiện việc làm của Chúa Giêsu dưới trần thế này. Nhờ tác vụ linh mục, muôn thời, muôn thế hệ, từng giây, từng phút, từng giờ trên thế giới lúc nào cũng có thánh lễ do các linh mục cử hành để trao ban lương thực thiêng liêng cho nhân loại là Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu Kitô.

Chiều hôm nay, chúng ta cử hành những nghi lễ Chúa Giêsu đã làm xưa để tưởng niệm Thầy Chí Thánh Giêsu, đã truyền dậy. Chúng ta nghĩ đến tình yêu thương bao la Chúa đã làm cho nhân loại và cho ta:” Không có tình yêu cao vời nào bằng tình yêu của Người hy sinh mạng sống vì người mình yêu”( Ga 15, 13 ). Với nghi thức rửa chân và lập phép Thánh Thể, chúng ta cảm tạ tri ân Chúa vì Chúa đã dậy nhân loại bài học khiêm tốn và Chúa đã để lại cho nhân loại, cho con người lương thực thiêng liêng nuôi sống linh hồn mỗi người.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa giúp chúng con biết yêu thương đoàn kết, phục vu nhau và phục vụ tha nhân cách tốt đẹp, hữu hiệu. Amen.

THỨ SÁU TUẦN THÁNH, năm 2009

Ga 18,1-19,42

CHÚA CHẾT ĐỂ CHÚNG TA ĐƯỢC SỐNG


Ngày thứ sáu thánh vẫn là ngày dưới con mắt xác thịt của con người xem ra u ám và buồn thảm. Đây có thể là một ngày thê lương ảm đạm, ngày đau buồn vì Đức Giêsu Kitô đã chết, là một thất bại ê chề cho các môn đệ và cho những ai tin vào Người nếu nhìn theo khía cạnh con người yếu đức tin. Ngày thứ sáu thánh vẫn còn đó vì một người vô tội đã bị giết, bị treo trên thập giá rất tàn nhẫn và ác tâm. Cuốn sổ của những con người vô tội vẫn gia tăng. Họ bị oan ức, bị dầy vò, bị áp bức, bị đánh đập, doạ nạt và bị giết chết. Theo nghĩa này và nhìn ở góc độ này, ngày thứ sáu thánh là ngày tệ hại, ngày xấu xa, ngày ê chề, thê lương, đen đủi.

Với con mắt đức tin, ngày thứ sáu thánh là ngày vinh quang của Chúa, ngày vui mừng của toàn thể Giáo Hội hoàn vũ vì Đức Kitô đã tự nguyện chịu chết để đem lại hạnh phúc và ơn cứu độ cho nhiều người. Do đó, cái chết thập giá của Chúa Giêsu là sự chiến thắng oai phong của Ngài.

1.CHIÊM NGƯỠNG THẬP GIÁ: Trên thập giá, Chúa Giêsu bị dân Do Thái, thượng tế, kinh sư, biệt phái và Pharisiêu coi như đã hết, coi như bị thất bại. Bởi vì, họ tưởng đóng đinh được Chúa Giêsu là chấm dứt mọi sự. Họ tưởng rằng Chúa chết là chết luôn, chết vĩnh viễn. Họ có ngờ đâu đối với Chúa chết là sống lại, chết là toàn thắng. Thánh Augustinô đã thuật lại cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người trộm lành như sau:

-Làm sao ông có thể hiểu được những gì xẩy ra bên cạnh ông, trong khi chúng tôi là những nhà chuyên môn, chúng tôi lại không hiểu được những điều Kinh Thánh ứng nghiệm ngay trước mắt chúng tôi ? Ông có đọc Kinh Thánh không ?Ông có biết ngôn sứ Isaia đã loan báo về cuộc tử nạn của Chúa Giêsu như thế nào không ?

-Người trộm lành trả lời:

-Tôi chưa bao giờ học hỏi về Kinh Thánh; nhưng Chúa Giêsu đã nhìn tôi, và trong cái nhìn ấy, tôi đã hiểu được tất cả.

Đứng trước thập giá của Chúa Giêsu đặc biệt trong ngày thứ sáu thánh, chúng ta hãy thinh lặng như Đức Mẹ, như thánh Gioan và như các bà đạo đức. Thinh lặng là đi sâu vào mầu nhiệm thập giá và nhận ra thân phận tội lỗi của mình. Trường hợp của người trộm dữ và người trộm lành là hai điển hình trái ngược nhau. Một người rủa Chúa, la hét to tiếng, một người im lặng nhận mình là tội nhân. Chiêm ngưỡng thập giá để chúng ta nhận ra khiếm khuyết, yếu hèn, tội lỗi của mình và thú nhận lỗi lầm xin Chúa thứ tha. Chiêm ngắm thập giá để chúng ta nhận ra tình yêu vô cùng tuyệt vời của Chúa Giêsu:” tình yêu nhân từ và tha thứ”.

Chúng ta hãy thinh lặng chiêm ngưỡng Chúa Giêsu trên thập giá để nhận ra ánh mắt nhân từ và trìu mến của Chúa như Chúa đã nhìn người trộm lành, đã nhìn Đức Mẹ, thánh Gioan và những người đạo đức thân thiết. Anh mắt của Chúa có uy lực tha thứ, cảm thông và cứu vớt.

2.HÃY ĐI ĐÀNG THÁNH GIÁ: Học lại gương của Chúa Giêsu, đi con đường thống khổ của Chúa Giêsu là ta chiêm ngưỡng vinh quang Chúa qua sự toàn thắng tử thần của Chúa Giêsu. Đi đàng thánh giá là sống lại những chặng đường đau khổ Chúa Giêsu đã trải qua nơi trần gian này. Đàng thánh giá là phương thế đạo đức bình dân nhưng lại đầy hiệu quả.Hội Thánh kêu mời con cái chiêm ngắm thập giá và đi lại quãng đường của Thầy Chí Thánh đã đi qua. Trong năm sống đạo 2009, Hội Thánh Việt Nam mời gọi các tín hữu sống giáo dực trong môi trường gia đình. Lời Chúa là đèn soi chiếu con đường nhân loại đang đi. Nhờ Lời Chúa hướng dẫn, soi sáng, những chặng đường trong cuộc khổ nạn của Chúa sẽ là những nấc thang cho người tín hữu tới gặp Chúa và sống tốt trong gia đình.

Cùng với Đức Trinh Nữ Maria, chúng ta hãy để tâm hồn lắng đọng và đi sâu vào mầu nhiệm thập giá Chúa Giêsu. Ơn cứu độ chứa chan nơi thập giá của Người.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chết để cứu rỗi nhân loại, xin cho chúng con luôn biết yêu mến thập giá của Chúa. Amen.

THỨ BẢY TUẦN THÁNH, năm 2009

CHIÊM NGƯỠNG NGÔI MỘ TRỐNG


Bầu khí ngày thứ bảy bao trùm thê lương, bao trùm u ám. Hội Thánh kêu mời con cái giữ thinh lặng và chiêm ngắm ngôi mộ của Chúa Giêsu. Thinh lặng nội tâm, con cái Chúa mới nghe được tiếng Chúa nói và mới đi sâu vào mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài.

Mẹ Maria, thánh Gioan và các bà đạo đức, đã thinh lặng hoàn toàn suốt trong cuộc hành trình chịu thương khó và nhất là chặng đường bước lên Núi Sọ của Chúa Giêsu. Mẹ Maria, thánh Gioan và các người phụ nữ thánh thiện đã dậy chúng ta một bài học về sự thinh lặng nội tâm. Sống hoàn toàn kết hiệp với Chúa trên thập giá là lời nói xin vâng hoàn hảo nhất mà Mẹ Maria, thánh Gioan và những người phụ nữ đạo đức đã làm. Hôm nay, Mẹ cũng mời gọi con cái Mẹ sống nội tâm hơn chấp nhận sự ồn ào, náo loạn của thế giới văn minh đang chạy đua tìm thị trường tiêu thụ, của con người đang tranh dành cạnh tranh nhau để sinh tồn, của con người đang khước từ những giá trị chân chính và chạy theo hạnh phúc, tư lợi riêng tư.

Chúng ta hãy sống tâm tình của Mẹ. Mẹ đã nói lời xin vâng làm theo ý Chúa. Giờ này, dưới chân thập giá, Mẹ thinh lặng nói lời xin vâng chấp nhận cái chết của Con như chấp nhận cái chết của mình. Mẹ đứng đó im lặng và chiêm ngắm mầu nhiệm cứu rỗi của con Mẹ. Mẹ thinh lặng bên ngôi mộ của Chúa Giêsu để suy đi gẫm lại những việc lạ lùng Thiên Chúa đã làm cho Con của Mẹ. Mẹ thinh lặng trong cõi lòng quặn đau và thinh lặng trong phó thác tin yêu, trong cậy trông đợi chờ.

Hôm nay, ngày thứ bảy thánh, Hội Thánh cũng mời gọi chúng ta thinh lặng đứng bên mộ Chúa để suy niệm những việc kỳ diệu, tuyệt vời Thiên Chúa đã làm cho nhân loại, cho mỗi người chúng ta. Giáo Hội khuyến giục chúng ta nhìn vào ngôi mộ Chúa để nghe được tiếng nói của Ngài:” Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của Người hiến mạng sống vì người mình yêu”( Ga 15, 13 ).

Mộ của Chúa Giêsu đang được mở ra, chúng ta hãy mai táng vào đó tất cả những gì không hợp ý Chúa, và ồn ào của cuộc sống con người để được phục sinh với Chúa Kitô trong cuộc sống mới, cuộc sống được soi chiếu bởi hai tiếng xin vâng của Mẹ Maria.

Lạy Mẹ Maria, xin giúp chúng con biết sống tin yêu phó thác và biết chiêm ngưỡng mầu nhiệm thập giá của Chúa Giêsu. Amen.

GIÁO DỤC KITÔ TRONG MÔI TRƯỜNG GIA ĐÌNH:

Tuần thánh năm 2009 diễn ra khi Hội Đồng Giám Mục Việt Nam mở ra lá thư mục vụ trong đó có điểm rất quan trọng là: ” Giáo dục Kitô giáo trong môi trường gia đình “.

Môi trường gia đình là trường đào tạo mọi người bước đầu tiên để trở nên người. Môi trường này vẫn còn dõi bước từng người trong cuộc sống đời thường và nhất là đời sống đức tin. Một em bé được cưu mang trong bụng mẹ đã được hấp thụ nền giáo dục của mẹ và đứa bé được sinh ra sẽ được hấp thụ nền giáo dục của cả một gia đình. Do đó, cuộc đời của em bé có thể nói được rằng sẽ tốt hay xấu, đạo đức hay lơ là một phần lớn do môi trường đào tạo của gia đình. Trường học là môi trường thứ hai để em bé lớn lên trong tri thức và được đào tạo về đạo đức, về nhân bản vv…” Tiên học lễ, hậu học văn “. Môi trường giáo xứ là gia đình thứ hai của em bé lớn lên trong đức tin.

HÃY HỌC TRONG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH: Một gia đình đạo đức là một gia đình sống trên thuận dưới hòa, sống hiệp nhất yêu thương và phục vụ.Mẫu gương gia đình thánh: Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh Giuse là mẫu gương đại tuyệt vời để mọi gia đình công giáo noi theo, bắt chước. Nếu đứng trên bình diện thiêng liêng, Chúa Giêsu là Thiên Chúa, nhưng trong gia đình Nagiarét, Chúa Giêsu vẫn sống ngoan hiền với cha mẹ, vẫn sống đạo làm con hết mực con người. Mẹ Maria và thánh cả Giuse luôn làm gương và hướng dẫn Chúa Giêsu trước mặt mọi người. Cả một gia đình hết sức hài hòa, trên thuận dưới hòa, yêu thương, hiệp nhất phục vụ lẫn nhau. Môi trường gia đình như thế sẽ làm cho con trẻ lớn lên trong đạo đức và trở nên người hữu ích cho Giáo Hội, Giáo Xứ và Xã Hội. Bởi vì, một gia đình không có đạo đức, cha mẹ không biết làm gương cho con cái, cha mẹ sống buông thả, chắc chắn con cái sẽ trở nên những người không tốt đẹp. Cha mẹtrong gia đình phải luôn là những tấm gương về mọi mặt cho con cái. Và con cái khi được sống trong một gia đình như thế, chắc chắn chúng sẽ trở nên những người con ngoan hiền, đạo đức và đầy nhân bản. Thử hỏi một gia đình thiếu đạo đức thiếu lòng kính thờ Chúa, con cái sẽ ra sao và sẽ trở nên những hạng người nào ? Thiên Chúa đã từng chúc phúc cho những gia đình cha mẹ khiêm nhường, sống đạo đức chẳng hạn gia đình của tổ phụ Giuse, của tổ phụ giacóp, của ông samson, của ông Samuel, của ông Gioan Baotixita, của Đức Trinh Nữ Maria, và của chính Đức Giêsu Kitô. Những gia đình đạo đức, thánh thiện như trên sẽ luôn là môi trường thật tốt để đào tạo con người.

TUẦN THÁNH 2009 TRONG BẦU KHÍ GIÁO DỤC GIA ĐÌNH: Trong bầu khí giáo dục gia đình, tuần thánh 2009 quả thực đã gợi lên cho mỗi người nhiều suy nghĩ về cuộc sống giáo dục. Chúa đã làm người. Ngài đã chấp nhận có một gia đình, có cha có mẹ. Chấp nhận như thế, Chúa muốn đề cao đời sống gia đình, Chúa muốn đời sống gia đình phải là một môi trường đào tạo tốt để giáo dục con cái về đời sống đạo, đời sống nhân bản làm người. Chúa lớn lên trong một gia đình, lớn lên trong ngôi làng nhỏ bé Nagiarét có anh em họ hàng, bạn bè và người đồng hương. Rồi Chúa ra đi cũng từ một gia đình. Đời sống của Chúa là một đời sống yêu thương và phục vụ. Ngài là một nhà mô phạm giáo dục đầy tính nhân văn. Ngài không đứng trên cao để dạy người khác nhưng Ngài cùng ở, cùng đi, cùng làm việc và rồi qua nhưng công việc ấy ngài giáo dục mọi người: ” Cha Ta hằng làm việc, Ta cũng làm việc”. Chúa quả là nhà mô phạm đại tài.

Tuần thánh 2009 đưa mọi người đến với cuộc khổ hình diễm phúc của Chúa, nhưng qua cuộc khổ hình ấy, Chúa dạy mọi người hãy học cùng Người: ” Khiêm nhượng và Hiền hậu “. Chúa chỉ cho mọi người thấy chính Ngài cũng có gia đình và Ngài cũng được giáo dục trong môi trường gia đình.

Xin Chúa cho chúng ta sống tuần thánh 2009 thật sốt sắng, đạo đức và thánh thiện để mỗi người biết xây dựng gia đình mình, làm cho gia đình mình trở nên môi trường giáo dục đức tin sâu xa và bền vững. Amen.


Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT