-
Moderator
M - Mở ngỏ về phía trước
MỞ NGÕ VỀ PHÍA TRƯỚC.
CN 3 B
Trong tuyển tập truyện hay, Giấc Mộng Vàng, có kể câu chuyện giàu ý nghĩa.
Có một Thầy Ẩn tu tên là Xê-bat-chiêng thường đến cầu nguyện tại một nhà nguyện vắng vẻ trên núi. Trong nhà nguyện này dân chúng tôn kính một tượng Thánh Giá với tước hiệu là "Tượng Chúa ban ơn".
Thấy dân chúng có lòng tin thường đến cầu xin ơn lành, Thầy Xê-bat-chiêng cũng thêm lòng tin cậy.
Một hôm vắng người, Thầy quỳ gối trước Thánh Giá và chân thành khấn nguyện: " Lạy Chúa,con ước ao được chia sẻ đau khổ với Chúa, xin cho con được thế chỗ Chúa trên thánh giá".
Thầy quỳ yên lặng, mắt đăm đăm nhìn lên Thánh Giá mong đáp lời. Một lúc sau, từ Thánh Giá có tiếng phán bảo: "Được, Ta bằng lòng để con thế chỗ Ta trên Thánh Giá nhưng với một điều kiện duy nhất là bất cứ điều gì xảy ra, tai con nghe gì, mắt con thấy gì, con đều phải giữ im lặng không được nói năng gì hết ". Xê-bat-chiêng hứa và được Chúa Giêsu cho lên thế chỗ Ngài trên Thánh Giá.
Ngày qua ngày, dân chúng vẫn đến trước tượng Thánh Giá để cầu nguyện. Không ai hay biết về việc đổi chỗ này.
Một hôm, có người xứ nọ đến cầu nguyện. Khi ra về, ông để quên dưới ghế quỳ cái túi đầy những đồng tiền vàng. Thấy vậy Thầy vẫn yên lặng.
Lúc sau, có một người nghèo khổ vào nhà nguyện, ông ta sung sướng nhìn túi tiền vàng, tưởng là Chúa ban cho liền xách túi, tạ ơn và đi ra.
Rồi có một chàng thanh niên vào quỳ gối khẩn nguyện xin ơn che chở vì sắp đi xa. Vừa ra khỏi nhà nguyện thì gặp người phú hộ trở lại tìm túi tiền. Không thấy đâu, ông nghi chàng thanh niên đã lấy đi, tranh cãi và cả hai mời cảnh sát phân xử.
Không cầm lòng được nữa, từ trên Thánh Giá, Thầy Xê-bât-chiêng hét lên: Đứng lại. Mọi người ngạc nhiên. Thầy phân trần sự việc. Người phú hộ tìm người nghèo xin lại túi tiền. Chàng thanh niên cũng vội vã đi cho kịp chuyến tàu.
Khi không còn ai trong nhà nguyện, Chúa Giêsu lên tiếng bảo Xê-bat-chiêng: " Con hãy xuống ngay khỏi Thánh Giá,con không xứng đáng thế chỗ cho Ta,vì con đã không biết giữ yên lặng như lời con đã hứa."
Thầy vội vã phân trần: Nhưng lạy Chúa,làm sao con có thể chịu đựng được cảnh bất công đó ?
Chúa Giêsu đáp: Thật con không hiểu gì hết ! Tiền của người phú hộ là tiền bất lương, trong khi người nghèo đói kia vất vả mà không kiếm đủ miếng cơm manh áo cho đàn con nhỏ.Và nếu chàng thanh niên kia có bị cảnh sát giữ lại, anh ta lỡ chuyến tàu, như thế đã cứu được mạng sống mình. Kìa, tàu của anh ta đang lao đao giữa biển cả sắp chìm vì sóng to gió lớn.
Câu chuyện này nhắc chúng ta nhớ đến Lời Chúa trong sách Isaia: “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi,đường lối của Ta không phải là đường lối của các ngươi. Như trời cao hơn đất bao nhiêu thì tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng của các ngươi bấy nhiêu”.
Trong suy nghĩ của con người,chúng ta không thể hiểu được tại sao Chúa Giêsu lại gọi bốn môn đệ đầu tiên để đặt nền tảng xây dựng Giáo hội như bài phúc âm đã kể. Vì đó là những con người chài lưới, "ăn với sóng, nói với gió", ít học, quê mùa. Chúa Giêsu lại chọn họ làm môn đệ.Tại sao Chúa không chọn những Luật sĩ, những Pharisiêu, những Ký lục thông thái ?
Cũng như chúng ta cũng tự hỏi, tại sao Chúa Giêsu không sinh ra nơi cung điện nguy nga lộng lẫy mà lại chọn hang đá Bêlem hôi hám lạnh lẽo để giáng sinh ? Tại sao Chúa Giêsu lại chọn cái chết Thập giá đau đớn tủi nhục để làm phương thế cứu độ? Ngắm nhìn Hài Nhi trong máng cỏ cũng như nhìn lên tử tội Giêsu trên thập giá, chúng ta thường tự hỏi tại sao Chúa lại thích những điều nghịch lý ? Làm sao người ta có thể tuyên xưng Chúa là Đấng Giải Thoát khi Chúa lại đến trong dáng vẻ yếu đuối bé bỏng như thế?
Thánh Phaolô đã từng thốt lên: Trong khi người Hy lạp tìm kiếm sự khôn ngoan, trong khi người Do thái tìm các dấu lạ, thì chúng tôi lại rao giảng Đức Kitô chịu đóng đinh, một sự điên rồ đối với lý trí nhân loại.
Bởi đó, đường lối của Thiên Chúa không phải là đường lối của con người. Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo. Con người chỉ là thụ tạo.
Chúa Giêsu thường chọn những cái nghịch lý để làm những điều vĩ đại. Tám mối phúc thật là nghịch lý đối với người đời nhưng lại là Hiến Chương Nước Trời. Chúa Giêsu không đến với sức mạnh bạo lực nhưng với những gì yếu ớt mỏng manh kết tụ nơi Hài Nhi bé nhỏ. Chúa Giêsu cũng kêu gọi những người tầm thường, những người khiêm nhường bé nhỏ. Chính bằng cái mỏng manh bé nhỏ ấy mà Người khơi dậy nơi con người cái chân tâm để rồi tình yêu của Người giúp họ biến đổi để trở nên những rường cột của Giáo hội.
Như thế Chúa nhìn con người với cái nhìn yêu thương, tôn trọng, luôn thấy cái tốt, cái đáng yêu nơi mỗi người cho dù họ nhỏ bé, họ tầm thường. Chính sự bé nhỏ đó mà Chúa biến đổi để nên lớn lao.
Mỗi người chúng ta trong cách nhìn về tha nhân cũng cần học theo gương của Chúa. Đó là cái nhìn về phía đàng trước, về phía tương lai.
Nhiều lần ta khóa chặt anh chị em mình trong quá khứ lỗi lầm. Nhiều khi chỉ vì vài xích mích, vài lỗi lầm trong cuộc sống, nhưng ta lại vịn vào đó mà phủ nhận, mà phán đoán và đánh giá chính họ theo thành kiến của mình. Có người vì giận Cha xứ mà bỏ Nhà thờ không đi lễ, không xưng tội rước lễ. Có người tâm sự: mọi người coi tôi như một người xấu xa, ai cũng lên án, ai cũng xa lánh, cùng lắm chỉ thương hại, không còn cánh cửa mở ra phía trước cho tôi.
Về mặt xã hội, mấy mươi năm qua cũng có thái độ xét đoán con người như thế. "Chủ nghĩa lý lịch" tạo nên sự kỳ thị khủng khiếp. Biết bao nhân tài bị mai một, không phát huy được tài năng chỉ vì lý lịch. Biết bao kẻ bất tài nhờ lý lịch được thăng quan tiến chức. “Chủ nghĩa lý lịch” kỳ thị, phân biệt đối xử, nó vẫn đang hoành hành mọi ngõ ngách cuộc sống hôm nay. Những người có Tài thật sự, vì ‘vướng’ chữ Đức, chữ Tâm mà không thể thành danh dưới trướng “chủ nghĩa lý lịch”. Một đất nước mà báo chí chỉ được phép “đi bên lề phải”, và chỉ những ai cam chịu làm bồi bút mới được trọng dụng thì làm sao đi lên phát triển được. Bao giờ mới hết chủ nghĩa phi nhân này? Khóa chặt con người trong quá khứ, một quá khứ của người xưa, do hoàn cảnh xã hội tạo nên. Vì quá khứ ấy mà mà mọi cánh cửa mở ra cho tương lai của xã hội đất nước cũng bị thiệt thòi.
Tôi có một niềm vui ấm áp mùa Giáng Sinh vừa qua. Trong giáo xứ có gia đình gồm hai vợ chồng và ba đứa con nhỏ. Nhà cửa rách nát, xiêu vẹo rất đáng thương. Mỗi khi mưa gió, cả mấy mẹ con phải bồng bế sang hàng xóm trốn mưa. Tôi viết thư đến Hội Thánh Linh ở Seatle, xin giúp cho họ căn nhà tình thương. Các hội viên đóng góp mỗi người một ít trợ giúp. Thông báo tin vui này cho gia đình. Bà con trong làng không ai chấp nhận xây nhà tình thương cho gia đình nghèo ấy. Họ nói lý do vì chồng trộm cắp, vợ lười biếng, không sinh hoạt chung, không đóng góp công việc chung. Ai cũng nhìn với cái nhìn loại trừ. Với tiêu chuẩn xã hội, ai cũng muốn kết án.Kẻ bị kết án thì đau khổ một mình.Tôi phân vân suy nghĩ mãi. Có nên hay không? Bà con làng xóm đều nói đúng và muốn công bằng. Nhưng Chúa dạy phải sống đức bác ái, không kết án mà phải mở ngỏ nhìn về phía trước. Biết đâu vì quá nghèo nên chồng mới sinh ra trộm cắp để nuôi con? Ba đứa con nhỏ, phải ở nhà chăm con nên vợ bị cho là lười biếng? Biết đâu vì là đàn ông mà không làm nổi căn nhà cho vợ con ở nên chồng sinh ra nhậu nhẹt? Nếu đựơc giúp đỡ, hy vọng vợ chồng này sẽ bỏ tật xấu để sống tốt hơn! Suy nghĩ như vậy, tôi quyết định xây nhà cho họ với một điều kiện là chồng phải bỏ các thói xấu rượu chè trộm cắp. Tôi kêu mời bà con đến giúp, góp công xúc đất đắp nền. Sau nửa tháng căn nhà xây xong. Tôi đến làm phép nhà, bà con làng xóm cùng chia vui, mọi người tạ ơn Chúa và tri ân các ân nhân. Tôi cùng vui với bà con, một niềm vui chan hoà ấm áp tình người. Căn nhà xây nhỏ bé, đơn sơ nhưng là cả khung trời hạnh phúc của gia đình nghèo này. Một ước mơ nhỏ bé thôi, vậy mà sau mười năm lập gia đình, nó mới thành hiện thực. Với người nghèo, một căn nhà ấm cúng đã là đong đầy niềm vui chan chứa. Hai vợ chồng siêng năng đi đọc kinh chung trong giáo họ, tham gia công việc chung của giáo xứ và không còn làm buồn phiền xóm làng nữa. Niềm vui ấm áp của một gia đình nghèo là như thế đó. Có ai muốn sống xấu đâu, mình tạo điều kiện để cái tốt đựơc hé mở và bừng phát nơi mỗi con người vốn tính bản thiện.
Xem ra con người ta vẫn hay nhìn lại phía đàng sau hơn là nhìn về phía đàng trước. Trong khi đó niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng mở ngỏ cho tương lai, lại thúc bách ta nhìn về phía tương lai. Nhìn về phía tương lai là không chấp nhận thái độ thất vọng: thất vọng về chính mình, về anh em, về cuộc đời. Nhìn về phía tương lai là thay thế thất vọng bằng niềm tin: tin vào chính mình, tin vào con người, tin vào cuộc đời. .. Và trên hết cũng như sâu hơn hết là tin vào Thiên Chúa, Đấng mở ngỏ và dẫn đưa chúng ta đi về tương lai.
Lạy Chúa, nếu con cần lòng nhân từ của Chúa đối với con, thì tại sao con lại xem thường lòng nhân từ của Chúa đối với người khác? Nếu con cần lòng kiên nhẫn của Chúa để con làm lại cuộc đời sau khi lầm lỗi thì tại sao con lại khinh thường lòng kiên nhẫn của Chúa đối với người khác? Nếu con cần lòng quãng đại của Chúa đối với sa ngã của con thì tại sao con lại xem nhẹ lòng quãng đại của Chúa đối với người khác?
Xin cho con thêm lòng mến Chúa để luôn nhìn mọi người với tâm hồn bao dung và quãng đại. Xin cho con luôn đặt trọn niềm tin vào tình yêu lạc quan của Chúa Đấng mở ngỏ về phía tương lai cho con người. Amen.
LM. Giuse Nguyễn Hữu An
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules