-
Moderator
C - Cái “liều” của Thiên Chúa trong việc thực hiện Chương trình Cứu độ
Cái “liều” của Thiên Chúa trong việc thực hiện Chương trình Cứu độ
Khi đọc vở kịch Romeo và Juliet của đại thi hào Shakespeare, nhiều độc giả đã tỏ ra rất cảm kích trước cái liều của chàng Romeo. Đang đêm, chàng đã mạo hiểm xông vào khu vườn của dòng tộc Capulet để gặp người mình yêu. Nếu bị phát hiện, chàng sẽ bị kẻ thù giết chết. Nhưng vì quá yêu Juliet, chàng đã liều thân vào một cuộc hẹn hò đầy hiểm nguy (x. Hosana Mùa Vọng & Giáng Sinh, 12.2004).
Đọc lại Tin Mừng, chúng ta thấy Thiên Chúa cũng tỏ ra rất “liều” khi cho Con Một của Ngài nhập thể làm người, chỉ vì quá yêu nhân loại như lời thánh Gioan khẳng định: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban chính Con Một của Ngài” (Ga 3, 16). Ngài "liều” khi đặt công trình cứu chuộc nơi một thiếu nữ quê mùa. Ngài “liều” khi đặt tương lai của thiếu nữ ấy và Hài Nhi Giêsu vào quyết định của một người thợ mộc có tên là Giuse. Một “dự án” quá lớn lao, dự án cứu độ nhân loại, lại được trao vào tay hai “nhà thầu” quá bé nhỏ. Một “công trình” quá vĩ đại lại được “ký thác” vào quyết định của hai “nghệ nhân” quá bình thường. Dưới con mắt của người đời thì quả là quá “liều”.
Không ít người vẫn tự hỏi tại sao khi chọn một người mẹ để cưu mang, sinh hạ và dưỡng nuôi Ngôi Hai Thánh Tử làm người, Thiên Chúa lại không chọn một thiếu nữ cao sang, danh giá thuộc dòng dõi quý tộc, giàu sang, quyền thế; mà Ngài lại chọn một thiếu nữ đơn hèn, yếu ớt, xuất thân từ một miền quê nghèo nàn và bé nhỏ ? Tại sao khi chọn một người làm chồng và làm cha về mặt pháp lý để bảo bọc chở che cho Đức Maria – người sẽ là Mẹ của Thiên Chúa, đồng thời chăm sóc và dưỡng nuôi Hài Nhi Giêsu – Ngôi lời nhập thể, Thiên Chúa lại không chọn một chàng trai mạnh mẽ, thông minh, tài năng xuất chúng, thuộc dòng tộc trâm anh thế phiệt; mà Ngài lại chọn một bác thợ mộc ít học, nghèo hèn và chất phác, thuộc tầng lớp thấp cổ bé miệng đến nỗi dường như không có khả năng tự bảo vệ mình trước bạo vương Hêrôđê ? v.v...
Quả vậy, để thực hiện ý định cho Ngôi Hai nhập thể làm người, Thiên Chúa cần những con người cộng tác có quả tim đơn sơ trong trắng để biết lắng nghe tiếng nói của Ngài hơn là cần những người thông minh sắc sảo, có nhiều bằng cấp mà chỉ biết kiêu căng gạt sang một bên, hay bỏ ngoài tai mọi tiếng nói của Ngài. Để thực hiện chương trình cho Ngôi Lời giáng trần, Thiên Chúa cần những cộng sự viên có tâm hồn khiêm nhường tin tưởng để biết mau mắn đón nhận thánh ý của Ngài bằng lời thưa “xin vâng” trọn vẹn, hơn là cần những người cộng sự cao sang đài các chỉ cho ý riêng của mình là hay là tốt. Hơn nữa để hoàn tất thánh ý của Ngài, Thiên Chúa cần những trợ tá có tinh thần can đảm và tín thác để biết luôn trung thành phục vụ cho chương trình của Ngài, dẫu có gặp sóng gió thử thách, hơn là Ngài cần những trợ tá giàu sang quyền thế mà chỉ biết làm theo ý riêng mình và sẵn sàng bỏ cuộc khi gặp những điều trái ý. Tắt một lời, Thiên Chúa chỉ cần những con người đơn sơ, khiêm nhường, tin tưởng và phó thác để cộng tác với Ngài trong chương trình cứu độ. Và hơn ai hết, Đức Maria và thánh Giuse là những người hội đủ những phẩm tính đó.
Như vậy cái “liều” của Thiên Chúa là cái liều có cơ sở, có “lý lẽ”. Thiên Chúa “liều” nhưng không “phiêu”, vì Ngài thấy rõ bên trong những con người mà Ngài kén chọn. Thiên Chúa nhìn vào tận bên trong sâu thẳm của tâm hồn để đoán xét, khác với con người thường chỉ xét đoán hời hợt mang tính hình thức.
Điều này chúng ta cũng thấy rõ khi đọc lại lịch sử cứu độ. Từ khởi đầu, khi muốn thiết lập một dân thánh, dân riêng của Ngài, Thiên Chúa đã không chọn một người quyền uy danh giá mà Ngài chọn Abraham, một ông cụ nhà quê làm tổ phụ và làm cha cho dân riêng ấy. Rồi khi dân phải sống dưới ách nô lệ của người Ai Cập, Thiên Chúa lại chọn gọi không phải một danh tướng lỗi lạc có tài cầm quân mà là chọn Môisê, một kẻ nhút nhát, nói năng ngọng nghịu làm người phát ngôn và làm nhà giải phóng cho dân. Để dẫn dắt và qui tụ dân ấy về một mối, Ngài đã không chọn một đế vương hùng mạnh, nhưng chọn một thiếu niên nhỏ nhất, yếu nhất là Đa-vit làm vua, làm thủ lĩnh cho dân Ngài. Sang thời Tân ước chúng ta thấy, để đặt nền móng cho Giáo hội Chúa Kitô, dân mới của Thiên Chúa, Ngài đã chọn Phêrô, một kẻ chối thầy. Và để làm chứng nhân hô to sứ điệp của Ngài cho lương dân, Ngài đã chọn Phaolô, một kẻ đã từng bách hại đạo. ..
Qua đó, chúng ta có thể rút ra được những bài học gì cho bản thân mình ?
Trước hết, cần xác tín rằng mỗi người trong chúng ta đều được Thiên Chúa chọn gọi để thực hiện một sứ vụ nào đó trong cuộc đời này. Chúng ta không được phép mặc cảm tự ti vì mình yếu đuối, kém cỏi, vô duyên. Trái lại phải biết tin tưởng và phó thác cho cái “liều” mà Thiên Chúa có thể đặt để trên cuộc đời mình.
Thứ đến, khi được chọn gọi và cất nhắc lên một địa vị quan trọng nào đó thì phải luôn ý thức rằng không phải vì mình đạo đức, thánh thiện hay tài giỏi, mà hoàn toàn do tình thương nhưng không của Thiên Chúa. Để từ đó luôn biết khiêm nhường và tín trung vào Thiên Chúa như Mẹ Maria và Thánh Giuse.
Sau nữa, phải tâm niệm rằng không phải chúng ta được chọn gọi là để phục vụ cho lợi ích của riêng mình mà là để phục vụ cho chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Do đó không biến chương trình của Thiên Chúa thành chương trình của mình để rồi phục vụ cho ý riêng của mình, thay vì chỉ phục vụ cho thánh ý Thiên Chúa mà thôi.
Cuối cùng, phải luôn nhớ mình chỉ là công cụ thô thiển của Thiên Chúa. Tự bản chất công cụ không làm nên sản phẩm. Tuy nhiên, nếu công cụ được trau dồi mài giũa thường xuyên thì sẽ trở nên sắc bén hơn, nhờ đó mà trở nên hữu hiệu hơn trong bàn tay chế tác của Thiên Chúa.
Lm Giuse Nguyễn Thành Long
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules