-
Moderator
T - Tân Giám Mục Bắc Ninh chọn ''Tình thương và Sự Sống''
Tân Giám Mục Bắc Ninh chọn ''Tình thương và Sự Sống''
BẮC NINH - Sáng ngay hôm nay 7.10.2008 lễ kính Đức Mẹ Mân Côi, tại công viên nhà thờ chính tòa Bắc Ninh, Thánh lễ truyền chức cho Đức tân giám mục giáo phận Bắc Ninh: Cosma Hoàng Văn Đạt đã được Đức Cha Nguyễn văn Nhơn, chủ tịch HĐGMVN chủ phong và sự hiện diện của 21 vị giám mục Việt nam, đông đảo linh mục, nam nữ tu sĩ và giáo dân. Sau đây là tóm lược tiểu sử Đức tân Giám mục Cosma Hoàng Văn Đạt:
- Năm sinh: Ngày 17 - 6 - 1948.
- Nguyên quán: Xuân Lai, Sóc Sơn, Hà Nội.
- Năm 1954: Di cư vào Miền Nam Việt Nam cùng gia đình.
- Năm 1967: Nhập Dòng Tên tại Sài Gòn.
- Học triết học và thần học tại Giáo Hoàng Học Viện St. Piô X Đà Lạt.
- Năm 1976: Thụ phong linh mục tại Sài Gòn.
- Năm 1976 - 1978: Giám đốc ứng sinh.
- Năm 1986 - 1995: Tập sư Nhà Tập.
- Năm 1986 - 1995: Linh mục chính xứ Thiên Thần kiêm trại phong Thanh Bình, Sài Gòn.
- Năm 1995 - 2002: Linh mục chính xứ trại phong Thanh Bình.
- Năm 2002: Du học tại Pháp chuyên về linh đạo.
Giáo dân tham dự lễ phong chức tại Bắc Ninh
- Năm 2005 - 2008: Linh hướng Đại Chủng viện Hà Nội.
- Ngày 4.8.2008: Được bổ nhiệm làm Giám mục Bắc Ninh.
- Ngày 7.10.2008: Chính thức được tấn phong Giám mục Bắc Ninh.
Đức tân Giám mục đã giải thích cho biết ý nghĩa Khẩu hiệu và Huy hiệu Giám mục của Ngài như sau:
Tình thương và sự sống
Trong thời gian tôi theo học ở Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X Đàlạt, các sinh viên phải học về các sách khôn ngoan trong Kinh Thánh. Cha giáo sư San Pedro chỉ giảng phần dẫn nhập, sau đó ngài cho mỗi người chọn một sách để nghiên cứu. Tôi chọn sách Gióp, vì thắc mắc về vấn nạn đau khổ tên trần gian. Tất nhiên tôi phải đọc đi đọc lại chính tác phẩm, rồi đọc các sách bình giảng khác để làm bài. Tôi rất thích cách giải đáp vấn nạn về đau khổ của tác giả sách Gióp. Lúc ấy tôi bắt đầu để ý đến câu G 10,12: "Ngài đã ban cho con tình thương và sự sống…", nhưng vì đọc bằng tiếng Pháp nên chưa thấm lắm. Dầu sao, có thể nói đó là cốt lõi của sách Gióp đứng trước những vấn nạn của từng người hay của cả nhân loại. Câu 12 nói về những điều Thiên Chúa làm cho con người: ban tình thương và sự sống, quan tâm đến từng hơi thở. Câu 13 sau đó: nhưng Thiên Chúa không cho chúng ta biết ý định của Người. Như vậy, con người phải sống với một Thiên Chúa có những suy nghĩ và việc làm vượt tầm con người. Điều này giúp tôi tìm được thái độ sống phải có: hạnh phúc vì Thiên Chúa ban tình thương và sự sống, chăm lo từng hơi thở đời mình; còn ý định thâm sâu thì không hiểu được, nhưng phải phó thác cho Người.
Buổi lễ phong chức Giám mục Bắc Ninh
Thời ấy Đức Giáo Hoàng Phaolô VI cổ động cho nền văn minh tình thương: xây dựng nền văn minh mới, không phải trên khoa học kỹ thuật hay phát triển kinh tế, nhưng trên tình thương, tôi rất tâm đắc. Đến thời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, ngài kêu gọi xây dựng nền văn minh tình thương và sự sống, tôi chợt nghĩ là mình đã đọc được ý tưởng này ở đâu rồi. Tôi đã cố gắng suy nghĩ và tìm kiếm đôi chút, nhưng chưa thực sự hết lòng. Khi đến chủng viện ở Cổ Nhuế, hằng ngày đọc kinh Đức Mẹ La Vang, trong đó có câu "cùng nhau xây đắp nền văn minh tình thương và sự sống", tôi nhất định phải tìm cho ra nguồn gốc cụm từ tình thương và sự sống. Tôi nghĩ là ở trong sách Gióp, nên cố gắng tìm. Cuối cùng tôi đã tìm lại được.
Khi phải chọn khẩu hiệu giám mục, tôi không ngần ngại chọn cụm từ tình thương và sự sống, một phần vì đó là điều tôi đã khám phá được trong Kinh Thánh và đã có những cảm nghiệm thiêng liêng phần nào định hướng cả đời sống mình, mặt khác lại giúp tôi thi hành nhiệm vụ giám mục là công bố, cổ vũ và chia sẻ tình thương và sự sống Thiên Chúa ban cho con người. Hơn nữa đó lại là ưu tư của Hội Thánh toàn cầu nói chung và của Hội Thánh Việt Nam nói riêng.
Nhìn vào thế giới ngày nay, tôi thấy cụm từ này cũng sẽ giúp được nhiều người. Những biểu hiện của sự thiếu vắng tình thương khá rõ và nhiều lúc trở thành nỗi băn khoăn của cả nhân loại: hận thù, vô cảm… Trong khi ấy, Thiên Chúa là tình yêu (1 Ga 4,16). Những biểu hiện của sức mạnh phá hủy sự sống cũng không phải là ít: bạo lực, ma túy, phá thai, lối sống bừa bãi… trong khi ấy, Chúa Giêsu đã đến để chiên được sống và được sống dồi dào (Ga 10,10). Tôi muốn cùng cả giáo phận Bắc Ninh góp phần bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống: ủng hộ những nhân tố tích cực và loại trừ những nhân tố tiêu cực đối với nền văn minh mới. Xin Chúa biến giáo phận thành địa chỉ của tình thương và sự sống.
Cách đây đây ít ngày, trong nhiều người viết thư chúc mừng tôi, một nữ tu dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm từng giúp ở trại phong Thanh Bình có gửi cho tôi câu đối tôi đã cho treo ở đó khoảng 10 năm trước:
Ý Chúa nhiệm mầu, trí ngày ngày suy gẫm
Tình Cha cao cả, lòng mãi mãi khắc ghi.
Đây chính là lời con người thưa xin vâng với Lời Chúa trong G 10,12-13. Cám ơn dì ấy, nếu không thì câu đối này có thể bị chính tôi quên mất.
Chúa Giêsu đến với văn hoá Quan Họ
Các Đức Giám Mục Việt Nam trong buổi lễ phong chức tại Bắc Ninh
Huy hiệu của Dòng Tên gồm ba mẫu tự IHS ở giữa mặt trời tỏa sáng. IHS là ba mẫu tự đầu của tên Chúa Giêsu bằng tiếng Hy Lạp. Trong huy hiệu giám mục của tôi, thay vì mặt trời là chiếc nón quai thao: xin Chúa Giêsu là mặt trời toả sáng cả thế giới cũng đi vào văn hoá Quan Họ Bắc Ninh. Tất nhiên không chỉ Quan Họ cũng không chỉ Bắc Ninh, nhưng là cả giáo phận.
Kinh Bắc là đất văn vật. Nhân vật huyền thoại Thánh Gióng quê ở huyện Gia Lâm, chiến thắng ở thành phố Bắc Ninh, về trời tại huyện Sóc Sơn. Thành Cổ Loa ở huyện Đông Anh đã có từ hơn 2000 năm. Đầu công nguyên có cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng quê ở huyện Mê Linh. Trong những thế kỷ tiếp theo, Nho Giáo và Phật Giáo vào Việt Nam đều có khởi điểm tại thành Luy Lâu, huyện Thuận Thành. Trong lịch sử, đất Kinh Bắc đã cống hiến bao nhà khoa bảng và nhân tài giúp dân giúp nước. Văn Miếu Bắc Ninh cổ kính là một bằng chứng về bề dầy văn hoá xứ Kinh Bắc.
Dân ca Quan Họ có thể nói là kết tinh truyền thống văn hoá Kinh Bắc. "Tình" và "Sống" quyện lấy nhau trở thành nếp sống đặc trưng của người Kinh Bắc. Những bài Cây Đa, Trống Cơm, Đèn Cù, Yêu Nhau, Bèo Dạt Mây Trôi, Ngồi Tựa Mạn Thuyền, Đến Hẹn Lại Lên, Người Ở Đừng Về đều nói lên điều căn bản: người ta sống để yêu và yêu để sống. Quan Họ là dào dạt tình yêu và đậm đà cuộc sống. Nếu chữ sống trong Quan Họ được đồng hoá của chữ tình, thì chữ tình lại vô cùng trong sáng và thắm thiết. Chính văn hoá ấy đã sản sinh ra Thánh Gióng, Hai Bà Trưng, Lý Thái Tổ, Vương Phi Ỷ Lan…
Chúa Giêsu muốn đến với hết mọi người trong mọi thời. Chúng ta mời Chúa đến với Kinh Bắc. Chúa đến đem tình thương và sự sống cho con người, đặc biệt những con người coi sống với tình chỉ là một, để tình thương và sự sống được trọn vẹn. Chính Chúa Giêsu cũng đã sống và yêu như thế. Thập giá cho thấy con người đã từ chối tình thương và sự sống ấy, đến nỗi Người phải chết đau khổ và tủi nhục, nhưng Thiên Chúa đã cho Người phục sinh: tình thương và sự sống của Thiên Chúa vượt trên hận thù và thần chết. Cây Thánh Giá nối trời với đất, đem tình thương và sự sống từ trời xuống đất, đồng thời dang hai cánh tay ôm lấy cả nhân loại. Thánh Giá là biểu tượng của tình thương và sự sống Thiên Chúa dành cho con người.
Tên Chúa Giêsu được viết bằng những đốt tre vàng. Tre vàng là loại tre mọc khá phổ biến trên đất Kinh Bắc, nhưng không có gì đặc biệt lắm, chỉ là loại tre thường thôi. Xưa kia Thánh Gióng đã nhổ những cây tre vàng đánh đuổi quân xâm lược. Nhìn bên ngoài, Chúa Giêsu chỉ là một on hết sức bình thường, nhưng Người không chỉ có sức mạnh thần kỳ của Thánh Gióng mà có quyền năng vô biên của Thiên Chúa. Quyền năng ấy Người dùng để phục vụ tình thương và sự sống. Ngày nay, Thiên Chúa tiếp tục dùng những con người mỏng dòn là các môn đệ Chúa Giêsu để đem tình thương và sự sống đến với Kinh Bắc. Mỗi cây tre vàng ở Bắc Ninh, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc… đều là hiện thân của Chúa Giêsu đến với con người, để đem quà tặng là tình thương và sự sống của Thiên Chúa.
Pv VietCatholic
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules