-
Moderator
Ðức Bà Maria Là Mẹ Tôi
Ðức Bà Maria Là Mẹ Tôi
Toàn thể giáo hữu thi nhau xưng hô: Ðức Bà Maria là Mẹ Tôi! Trong nghi lễ và kinh nguyện, Hội Thánh khuyên dụ ta cầu khẩn Ðức Mẹ bằng tước hiệu ấy, và lòng ta, không cần nguyên cớ nào khác, cũng tự nhiên hướng về Ðức Mẹ, coi Ðức Mẹ như một bà mẹ hiền từ chí ái. Tuy nhiên, ta cầu thấu hiểu chân lý đó, một chân lý thiết thực và có sức yên ủi lòng ta hơn ta thoạt tưởng rất nhiều. Ðức Nữ Ðồng Trinh Maria đã sinh ra Chúa Giêsu. Người là Mẹ thật Chúa Giêsu, đấng Thiên Chúa mặc tính loài người. Ðó là một tín điều trong Ðạo.
Chúa Giêsu là ai? Chúa là đấng Cứu Thế, là Ðầu một thân thể mà các giáo hữu là chân tay, là Anh cả một đoàn em đông đúc. Bản tính Chúa là thế. Chúa không phải là một tư nhân được ủy thác cho một sứ mạng, sứ mạng cứu thế gian, sứ mạng làm Cha một đại gia đình tín hữu. Không, thiên chức ấy thuộc nội thể, thuộc yếu tính của Chúa.
Chính Ðức Chúa Trời khi nghị quyết cho Ngôi Hai ra đời làm người để cứu chuộc thế gian, đã không quan niệm khác, chỉ quan niệm rằng: Ngôi Hai là đấng Môi giới, là Con Ðầu Lòng của thế hệ mới, là Ðầu thân thể mầu nhiệm. Chúa Giêsu đã được tiền định như thế và Chúa đã sinh ra như vậy. Một thày tư tế nhận chức linh mục, là nhận lấy một phẩm tước mới, phẩm tước ấy dĩ nhiên sẽ còn lại mãi, nhưng không thuộc nội tính của thày ấy: Thầy ấy không bẩm sinh làm linh mục, thầy ấy không phải là linh mục tự bản tính mình.
Trái lại, Chúa Giêsu là Linh mục, bẩm sinh làm đấng Môi giới. Chúa là con Chiên hiến tế từ thuở tạo thành vũ trụ; là đấng Cứu Thế. Ấy, Ðức Bà Maria là Mẹ một Chúa Giêsu như thế đấy. Người không sinh ra một Chúa Giêsu trừu tượng đâu. Người là Mẹ một Chúa Giêsu thực thể, và Chúa Giêsu ấy là Ðấng Cứu Thế tự bản tính, là đấng kết hiệp mật thiết với ta như đầu liền cổ, như cành liền cây. Thế nên, Ðức Mẹ là Mẹ Chúa Giêsu thì cũng là Mẹ hết thảy những người kết hiệp với Chúa Ðức Mẹ sinh Ðầu thì cũng sinh tất cả chân tay: Ðức Mẹ sinh đấng Cứu Thế thì cũng sinh tất cả những người được cứu chuộc.
Ta hãy gắng hiểu thêm sự Chúa an bài như thế và lẽ bí nhiệm Ðức Bà Maria là Mẹ Ðức Chúa Trời. Ðức Nữ Ðồng Trinh đã tạo cho Chúa Giêsu một bản tính loài người. Song Hội Thánh không nói rằng: Người là Mẹ nhân tính Chúa Giêsu mà lại công bố: người là Mẹ Ðức Chúa Trời. Quả thế, nhân tính Chúa Giêsu không biệt hữu, nhân tính ấy kết hiệp với Thiên tính trong Ngôi Hai Thiên
Chúa. Vậy nên Ðức Nữ Ðồng Trinh đã không sinh ra nhân tính Chúa Giêsu mà sinh ra chính Chúa Giêsu Kitô vừa là Người vừa là Chúa. Cũng một trật khi Ðức Mẹ sinh ra Chúa Giêsu là Ðấng Chịu Xức Dầu thì Ðức Mẹ đã sinh ra Chúa Giêsu là Ðấng Cứu Thế. Người không thể sinh ra một Chúa Giêsu mà đấng ấy không đồng thời, không tất nhiên là Anh ta, là Ðầu của thân thể mà ta là chân tay. Vậy nên trong Chúa Kitô mà Ðức Mẹ sinh ra đã có gồm cả ta: Ta đã là một phần của đấng Kitô ấy. Sự sống Người đã lưu thông trong ta. Như thế Ðức Mẹ là Mẹ Chúa Giêsu thì tất nhiên cũng là Mẹ ta. Người không thể bỏ qua ta, hay loại trừ ta khỏi lòng Người. Ta ở trong Người cùng với Chúa Giêsu ta là một phần của Con Ðức Mẹ.
Hỡi tín hữu Công Giáo, bạn hãy chú ý điều này: Sự kết hiệp chặt chẽ của bạn với Chúa Giêsu làm cho bạn dĩ nhiên nên con Ðức Mẹ không phải là sự ngẫu nhiên như tình cờ mà lọt vào chương trình Thiên Chúa. Không, đó là điều từ trước vô cùng Thánh ý Ðức Chúa Trời đã ngẫm nghĩ và quyết định, cùng với việc cho Ngôi Hai ra đời. Tình mẫu tử giữa Ðức Mẹ với bạn, là phần then chốt trong chương trình Thiên Chúa. Cắt đứt tình mẫu tử của bạn với Ðức Mẹ, là cắt đứt chính Chúa Giêsu với Ðức Mẹ, là phá huỷ công cuộc Cứu Thế.
Ôi! Lạy Mẹ dấu yêu, tư tưởng này làm cho lòng con khoan khoái dường nào! Con sung sướng biết bao được ở trong Mẹ, được nương náu trong linh hồn Mẹ như đứa con thơ được người mẹ ấp ủ trong lòng! Con cảm thấy rõ tấm lòng hiền mẫu của Mẹ săn sóc đến con và ban cho con từng giọt thánh sủng con cần phải có để lớn lên trong Chúa Giêsu! Con muốn luôn luôn kết hiệp cùng Mẹ và cầu xin Mẹ yêu thương con.
Ðức Bà Maria là Mẹ ta. Cả thế giới Công giáo đồng thanh ca ngợi Người như vậy, nhưng trừ mấy nhà thông thái, không ai nghĩ đến việc tìm cớ chứng minh điều đó. Thực ra, đối với linh hồn đơn sơ, việc ấy chỉ tốn công vô ích: Niềm tin tưởng này đã được chính Thiên Chúa khắc vạch vào tâm hồn người giáo hữu khi họ nên em Chúa Giêsu.
Tại sao, hỡi bạn đọc thân yêu, tại sao trong buổi thiếu thời, bạn cảm thấy như có sức gì quyết dũ bạn tìm đến đền thờ Ðức Mẹ, và bạn đi viếng, đi kiệu Ðức Mẹ với một lòng bồi hồi cảm động như thế? Tại sao bạn vui sướng khi đọc kinh Mân Côi và bạn ham thích lần hạt trên những quãng đường vắng, miệng đọc đi đọc lại một lời kinh không bao giờ chán: "Kính Mừng Maria"? Và không phải chỉ mình bạn cảm thấy sức quyến dũ ấy: Những người cùng tuổi bạn cũng đã hồi hộp cảm động như bạn, và cũng như bạn, đã kín đáo quỳ gối trước những tượng ảnh Ðức Nữ Ðồng Trinh, tỏ bày cùng Người tấm lòng kính yêu, và cầu nguyện Người trong cơn thiếu thốn, mỗi người lại tưởng rằng mình kính mến Mẹ trên trời của mình cách riêng, và Ðức Mẹ đã đáp lại mối tình của mỗi người như chỉ yêu riêng một mình người ấy.
Thời gian cũng chẳng làm cho lòng mộ mến kia nhạt vẻ xuân tươi. Người đứng tuổi, đã từng dầy dạn với phong sương, có đi ngang qua một pho tượng Ðức Nữ Ðồng Trinh và cúi đầu chào, vẫn cảm thấy một tình âu yếm trông cậy, như đã cảm thấy trong những năm thơ trẻ.
Cả những người già nua, cô lập trên cõi thế, chán nản với tình đời, mà lòng vẫn hồi hộp khi nghĩ đến Mẹ Maria, đến ngày sắp gặp Mẹ trên trời và được Mẹ ban cho thỏa mãn mọi điều ước vọng.
Bạn đừng tưởng rằng chỉ có dân này hay nước nọ mới có lòng thảo kính mến yêu Ðức Mẹ. Không ai bảo ai, dân tộc nào cũng kính tôn cầu khẩn Người, cũng nghĩ ra những phương thế cảm động để tỏ lòng yêu mến Người, cũng xây những đền thờ nguy nga dâng kính Người, cũng dựng bên đường qua lại những nhà nguyện nhỏ có ảnh tượng Người, cũng tổ chức những cuộc đi viếng đền Người linh đình, náo nức. Rồi mỗi dân tộc lại tưởng mình kính mến Ðức Nữ Ðồng Trinh hơn hết mọi dân tộc trên hoàn cầu.
Những người lạc đạo và người vô thần khi đã được Ơn Trên soi sáng và trở lại Công giáo, liền đổi lòng lãnh đạm hiềm khích xưa thành lòng tin cậy mến yêu đối với Mẹ Maria. Trước kia họ công kích giáo hữu tôn sùng Ðức Mẹ quá đáng, bây giờ họ không tìm được đủ lời để ca tụng Nữ Vương của lòng họ.
Cả đến những người dã man mọi rợ cũng không thoát khỏi quyền lực của tình yêu mến Ðức Mẹ. Vừa được nghe nói đến những đặc ân, những vinh quang của Ðức Mẹ Chúa Trời, và được nhận vào hàng con cái Hội Thánh, họ liền say mê tôn sùng và kính mến Ðức Mẹ, họ cầu nguyện Ðức Mẹ với một lòng thảo kính và tin cậy không khác gì những tín hữu sinh ra giữa nước Công giáo.
Lòng ngưỡng mộ chung của toàn thể giáo hữu đối với Ðức Nữ Ðồng Trinh, phát sinh từ buổi sơ khai đạo Chúa, đến nay vẫn y nguyên không thay đổi, mặc dầu những kẻ vô tín ngưỡng không ngừng công kích tính thờ ơ và óc hoài nghi của người đời đã lay chuyển bao tín ngưỡng, làm nhụt bao nhuệ khí, mà cũng phải hàng phục lòng ngưỡng mộ ấy.
Mối tình xưa kia đã kết hiệp những tín hữu đầu tiên với Mẹ Thiên Chúa đằm thắm thế nào thì bây giờ cũng kết hiệp những tín hữu thời nay với Ðức Mẹ như vậy.
Sự hoan hỉ nồng nhiệt của dân thành Êphêsô hồi thế kỷ thứ IV khi nghe Công Ðồng tuyên bố Ðức Bà Maria là Mẹ Ðức Chúa Trời, cũng không hơn sự hoan hỉ của dân thành Rôma và toàn thể giáo hữu hoàn cầu trong thế kỷ XIX, khi Ðức Giáo Hoàng Piô IX công bố tín điều: Ðức Bà Maria là Ðấng Vô Nhiễm Nguyên Tội.
Mối tình đại đồng ấy, Giáo Hội chỉ dùng quyền giảng dạy để khuyến khích và quy định, chứ không phải Giáo Hội đã tạo nên. Chính con cái Giáo Hội thúc giục Giáo Hội hơn là Giáo Hội thúc giục con cái. Thấy lòng tín hữu nô nức kính mến Ðức Mẹ như thế, Hội Thánh đã đặt thêm nhiều lễ kính Ðức Mẹ, khuyếch trương việc tôn sùng Người, công bố những đặc ân của Người và ban muôn vàn ân xá cho những ai làm việc tôn kính Người. Rồi trong những giờ phút nghiêm trọng của lịch sử, các Ðức Giáo Hoàng đã lên tiếng hiệu triệu tín hữu quy hướng lòng trí về Mẹ trên trời và hợp nhau cầu khẩn Người.
Tự đâu có mối tình phổ biến như vậy, mối tình vượt cả thời gian, mối tình làm say sưa toàn dân Công Giáo, mối tình không bao giờ phai lạt, mặc dầu những dị đồng về tuổi tác không gian và thời gian?
Một mối tình như thế không thể có một nguyên ủy ở loài người. Nó không hề phụ thuộc những thăng trầm của thế sự, hay những hoàn cảnh riêng biệt. Nó bắt nguồn tự Trời. Chính Chúa Thánh Thần đã đổ đầy tình ấy trong linh hồn tín hữu khi Người cải hóa tín hữu nên con Ðức Chúa Trời, khi Người thông ban cho tín hữu sự sống của Chúa Giêsu và khi Người phó thác tín hữu cho Mẹ Maria săn sóc. Cùng với phẩm giá làm con Ðức Mẹ trên trời, Chúa Giêsu đã phú cho linh hồn tín hữu một tình yêu mến tha thiết đối với Ðức Mẹ, một lòng con thảo cậy tin mà không sức gì có thể giập tắt được, dù tuổi già sức yếu, dù cuộc thế phù trầm, hay truy?lạc sa ngã.
Nữ Trinh Maria là Mẹ ta, một người Mẹ nhân từ và hiền hậu tuyệt vời. Chúa đã ghi chép chân lý ấy ở ngay trang đầu cuốn sử Cứu thế. Người cũng đã in khắc chân lý ấy vào thâm tâm ta sau cùng Người còn biểu lộ chân lý ấy trong cảnh thiên nhiên hữu hình.
Ta thấy rõ ràng trong vũ trụ này hễ có một mầm sống xuất hiện là Chúa quan phòng phải ủy một người mẹ để che chở, lẽ nào Người có thể quên không đặt một người mẹ để giữ gìn nguyên vẹn trong linh hồn ta cái mầm bí nhiệm sự sống siêu nhiên, là được tham gia vào chính sự sống của Chúa?
Bạn hãy quan sát một cái búp non hay cái nụ nhỏ vừa chớm mọc trên cành, bạn thấy nó được đùm bọc cẩn thận biết bao, để khỏi tiết đông giá lạnh và côn trùng đến cắn. Phải đợi bao ngày tháng lâu dài, bao sửa soạn tỉ mỉ, rồi thiên nhiên, bà mẹ của cái mầm sống ấy, mới cho phép lá kia nảy ra khỏi màng bọc và hoa nọ mở đài xuất hiện. Lúc ấy, khí trời đã phải sạch trong sau một mùa giá lạnh lâu dài, thời tiết đã phải điều hòa, lại thêm ánh xuân sưởi ấm, mưa xuân đượm nhuần.
Vậy ấy là gì? Chẳng qua chỉ là một búp cây bé nhỏ, nhưng búp cây ấy là một vật sống, hình ảnh Ðấng Hằng Sống tối cao, và là một phần tham dự vào sự sống của Chúa, tuy còn vô cùng cách biệt nhưng đã thiết thực rồi.
Loài thảo mộc mà Chúa còn săn sóc tỉ mỉ như vậy, huống chi Chúa dựng nên một vật trọng hơn, chẳng hạn một con sâu có cảm giác và hoạt động, thì sẽ thế nào? Ôi! Những điều dự phòng, săn sóc còn tăng gấp bội. Con bướm kia chỉ đẻ trứng nơi nào con nó nở ra liền kiếm được của ăn sẵn sàng, và đến lúc biến hình, con sâu sẽ tự mình nhả ra một chất làm thành cái vỏ xinh xắn nằm yên nghỉ trong đó.
Tại sao phải cần bao nhiêu diệu kỳ để bảo toàn sự sống một con sâu hèn hạ, một con bướm chóng qua? Vì đó là những vật sống. Chúng có một đấng Tạo Hóa trên trời yêu chúng, vì chúng mô phỏng và phát họa sự sống của Người.
Mầm sống càng quan hệ, càng hoàn toàn lại càng được Chúa Quan Phòng lưu tâm săn sóc. Bên cạnh mỗi con vật, Chúa đặt một con mẹ có sẵn những năng tính lạ lùng để đoán biết những nhu cầu của con vật sơ sinh, lại có đủ sức lực hay khôn khéo để bênh vực con khi bị hăm dọa. Những giống vật mà ta gọi là ác thú cũng phải dịu lòng và tỏ ra âu yếm đối với đàn con.
Ta nói sao xiết lòng ân cần săn sóc của đấng Tạo Hóa, khi Người dựng nên một linh hồn bất tử và phú linh hồn ấy vào một thể xác loài người. Chúa Quan Phòng đã phải dự bị kỹ lưỡng bao nhiêu ngày tháng trước để cho mầm sống dầu bé nhỏ kia, nhưng đã có một linh hồn giống hình ảnh Chúa, tìm được nơi nương náu thuận tiện và yên tĩnh để dần dần lớn lên mà không một ngoại lực nào cản trở, mưu hại.
Ðến khi đã mạnh sức đủ để sống một mình, cái thai ra đời, sẽ được thấy bên nôi, một người mẹ vô cùng âu yếm, vô cùng nhẫn nại quên mọi vui sướng trừ một nỗi vui sướng trông nom con và cho con bú mớm.
Bạn đã cảm thấy chưa, tại sao trên trời bạn có một người Mẹ, và bạn đã hiểu chưa, người Mẹ ấy đối với bạn như thế nào?
Ðời sống vật chất có là gì sánh với đời sống thiêng liêng trong thánh sủng Chúa? Cõi phù thế ngắn ngủi có là gì sánh với cuộc trường sinh vô tận? Sự sống nhân tính có là gì sánh với sự sống thiên tính do thánh sủng Chúa thông cho? Chẳng qua chỉ là một nét phác họa, một việc làm thử của đấng Hóa Công mà thôi. Sự sống thật, sự sống hoàn toàn, chính là sự sóong siêu nhiên và đấy mới là công cuộc tuyệt diệu của Tạo Hóa.
Ôi! Lạy Mẹ Ðồng Trinh, con hiểu rồi, con hiểu tại sao Mẹ đã cúi nhìn con ngay những năm con còn thơ dại, con hiểu tại sao ngay khi còn bé, mỗi lúc gặp sự buồn phiền, con đã hồn nhiên kêu gọi Mẹ cứu giúp, con hiểu tạo sao trong khi nguy biến con đã mau mắn chạy đến ẩn náu dưới tà áo Mẹ. Phải, Người là Mẹ tôi, Người đã sinh ra tôi trong sự sống ơn nghĩa Chúa, và lòng từ mẫu Người đã luôn luôn săn sóc tôi. Ðấy không phải là một điều dự phỏng, cũng không phải một điều hy vọng suông hay một sự mơ ước thơ ngây. Không, Người yêu tôi thật; tôi, đứa con bé mọn của Người, như người mẹ thế gian yêu con mình, và còn hơn thế nhiều.
Người thích gọi cho tôi vỗ về Người; Người mỉm cười với tôi, áp tôi vào lòng Người, nỉ non cùng tôi và ẵm bồng tôi. Ôi, ai nói được niềm hoan lạc vui thỏa của bà mẹ lúc nhìn con! Bà sung sướng biết bao khi đứa con nhỏ nhoẻn miệng cười tươi mà đáp lại vẻ âu yếm của bà. Hai mẹ con chơi đùa với nhau, quyến luyến nhau hàng giờ không chán. Lòng bà yêu con đằm thắm và trí bà chỉ nghĩ một điều làm cho con sung sướng, đến nỗ bà quên hết mọi sự chung quanh, quên cả mọi nỗi ưu phiền.
Lạy Mẹ phúc hậu mến yêu! đấy chẳng phải là cách Mẹ đối xử cùng con ư? Ôi, con thật muốn đáp lại tấm tình yêu dấu của Mẹ, con muốn yêu mến Mẹ, muốn nhờ Mẹ mà yêu mến Chúa Giêsu, con muốn để mặc cho Mẹ yêu mến con, để mặc cho Mẹ bao bọc con bằng tình yêu dấu của Mẹ và che phủ con bằng các công ơn Mẹ.
Xin Mẹ hãy năng nói cùng con rằng: Mẹ yêu con nhất là những lúc con đãng trí hay phiền lòng, Mẹ càng nên nhắc con điều ấy, để không bao giờ con quên rằng đời sống thiêng liêng con đang hòa trong linh hồn đầy ơn phúc Mẹ.
Dịch giả: Phạm Ðình Khiêm
Posting Permissions
- You may not post new threads
- You may not post replies
- You may not post attachments
- You may not edit your posts
Forum Rules