NHỮNG NGƯỜI MẶC ÁO TRẰNG


Hôm nay Giáo hội mừng đại lễ các thánh. Với thời gian, Giáo hội nhận ra đời sống thánh thiện của một số các tín hữu và ban tặng cho các ngài danh hiệu là thánh. Có những vị thánh đã một thời sống đời tội lỗi trước khi làm quyết định tuân giữ giới răn Chúa và sống theo đường lối Phúc âm. Và như vậy thì có vô số các vị thánh không tên tuổi ở trên trời, suốt đời tại trần thế, không làm gì đặc biệt, ngoại trừ những việc thông thường hằng ngày với tình yêu mến Chúa.

Như trong bài trích sách Khải huyền hôm nay ghi lại, thánh Gioan trong một thị kiến, nghe nói đến con số một trăm bốn mươi bốn ngàn người được đóng ấn (Kh 7:4), nghĩa là những người được bận áo trắng (Kh 7:13-14), nghĩa là những người được làm thánh. Tuy nhiên nếu quả thật con số chỉ có thế thôi, thì quả là một điều đáng lo sợ cho người tín hữu, bởi vì người tín hữu như ta đâu có hi vọng được vào sổ những người đó? Vậy con số đó là thế nào? Số một trăm bốn mươi bốn ngàn là con số biểu tượng cao đầy đủ, chỉ những người được cứu rỗi. Theo hệ thống đếm của người Do thái, một người có thể đếm cao tới mười hai ngàn. Mười hai ngàn nhân với mười hai, thành một trăm bốn mươi bốn ngàn, một con số cao trọn vẹn tuyệt đối, chứ không phải chỉ theo nghĩa đen là một trăm bốn mươi bốn ngàn mà thôi.

Thánh Gioan đã nhìn thấy: Một đoàn người thật đông, không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ (Kh 7:9). Họ thuộc đủ mọi thành phần và mọi tầng lớp trong xã hội. Ðó là lí do tại sao hôm nay Giáo hội thiết lập ngày lễ Các Thánh, để mừng kính chung các thánh gồm cả các thánh không tên tuổi, trong đó phải có tổ tiên, họ hàng gần xa của mỗi người.

Phụng vụ lời Chúa trong thánh lễ Các Thánh nam nữ nhắc nhở cho ta rằng mỗi người tín hữu tại thế đều phải đương đầu với những thử thách và cám dỗ. Và mỗi người đều muốn được hạnh phúc. Hạnh phúc là điều mà loài người đều ước muốn và tìm kiếm. Tuy nhiên người ta sẽ phải ngạc nhiên và sửng sốt, khi nghe những người được chúc phúc trong Tám mối Phúc thật (Mt 5:1-12) lại là những người mà người đời coi là khờ dại, bất hạnh và đáng thương hại. Họ là những người sống tinh thần nghèo khó, mặc dù họ giàu sang, có tiền của. Sống tinh thần nghèo khó là không cậy dựa vào tiền cùa, nhưng phó thác vào quyền năng của Chúa. Họ còn là những người hiền lành, những người đau khổ, những người đói khát sự công chính, những người hay thương xót người, những người có lòng trong sạch, những người ăn ở thuận hoà và những người bị bách hại vì lẽ công chính. Sống tám mối Phúc thật là được trở nên trọn lành, trở nên thánh và được hạnh phúc thật..

Có những vị thánh là những nhân vật đặc biệt, tách biệt ra khỏi tầng lớp đa số quần chúng vì các ngài có tiểu sử và sự nghiệp để lại. Còn nhiều vị thánh cũng là người như ta, cũng mang trong mình những yếu đuối, ham muốn về đàng trái, và những thất bại. Nhưng họ cố gắng tuân giữ giới răn Chúa, sống theo đường lối Phúc âm và Tám mối Phúc thật.

Ðời sống các thánh là những mẫu gương nhân đức để chỉ cho ta thấy đâu là đường đạo hạnh và công chính, đâu là cùng đích của đời sống. Người công giáo cần những mẫu gương nhân đức để noi theo bắt chước. Ðó cũng là lí do tại sao Giáo hội phong thánh. Giáo hội không phong thánh thì họ cũng vẫn làm thánh rồi. Tuy nhiên bằng việc phong thánh, Giáo hội muốn chỉ cho ta thấy đây là những tấm gương nhân đức để ta noi theo.

Không may, trong thời đại và trong xã hội ta đang sống, người ta thấy thiếu những mẫu gương nhân đức. Người ta không thấy mấy ai dám đi ngược lại trào lưu của đời. Trào lưu đời là tự do cá nhân, muốn hưởng thụ, không muốn bị ràng buộc với gia đình và tôn giáo. Người ta còn sợ làm điều tốt lành và phải lẽ theo tiếng gọi của lương tâm, theo sự xác tín về tôn giáo vì sợ mất bạn bè, mất việc làm. Do đó mà ngay cả ông bà cũng có thể không muốn nhắc bảo cho con cháu về điều ngay lẽ phải vì sợ con cháu cho là cổ hủ hay bố mẹ chúng không hài lòng.

Một trong những lí do khiến thanh thiếu niên đời nay dễ bị sa đoạ và phạm pháp là vì không tìm thấy những người mẫu, người lí tưởng và người đạo hạnh trong họ hàng, khu xóm, xứ đạo và trong xã hội để nhìn lên mà noi gương bắt chước. Trái lại, khi thanh thiếu niên thấy những người có thế giá trong làng xóm, có điạ vị trong xã hội và đạo giáo mà cũng hút xách, xì ke, ma tuý, lại còn sa đoạ thì làm sao người trẻ muốn gồng mình vươn lên? Cha mẹ cứ thử vào phòng con cái mà xem chúng treo những hình ảnh gì trên tường? Thần tượng của con cái là những nhân vật nào? Có phải hình ảnh các thánh trẻ như Gioan Boscô, Bernadette, Maria Goretti, Têrêsa Hài Ðồng Giêsu, Phaolô Bột, Anrê Phú Yên, Phanxicô Martô, Jacinta Martô, thầy Marcel Văn, hay những mẫu người tài tử màn ảnh, thể thao, võ sĩ, âm nhạc đi hoang đàng, vào sa đoạ? Thần tượng của con cái mà là những mẫu người hư đốn như vậy thì quả là điều đáng quan ngại cho phụ huynh. Như vậy trong gia đình hay cộng đoàn cần có những người đứng ra làm cột trụ cho người khác dựa vào để có thể giữ vững đức tin cho gia đình và cộng đoàn. Vậy ai dám đứng lên làm chuyện đó?

Nếu làm thánh mà chỉ cần sống theo lối sống của thánh nữ Têrêsa hài đồng Giêsu thì ai cũng có thể theo được. Chuyện kể rằng khi đang ngồi giặt quần áo, có chị dòng kia vì ghen tuông cứ làm bắn bọt sà bông vào quần áo chị Têrêsa. Chị Têrêsa không phản đối, nhưng coi đó như những cánh hoa hồng thiêng dâng lên Chúa để cầu cho kẻ có tội ăn năn trở lại. Chị Têrêsa chỉ học hết trình độ tám năm tiểu học. Thế mà năm 1998, Ðức Giáo hoàng Gioan Phaolô đã phong làm tiến sĩ Hội thánh. Tại sao lại có chuyện ngược đời như vậy? Thưa rằng Têrêsa đã dạy nhân loại: tu cũng như không tu, học cao hay ít học, đường lối sống đạo và đường lối nên thánh bằng cách sống kết hợp với Chúa. Chị Têrêsa không thể viết sách hệ thống hoá nền thần học kết hợp, nhưng đã sống nền thần học đó trong đời sống. Các thanh thiếu niên nam nữ, các ông chồng, bà vợ, các cụ già, ai cũng có thể làm những việc thường ngày của mình trong gia đình, trong sở làm vì yêu mến Chúa, kết hợp với Chúa, để làm sáng danh Chúa. Ai cũng có thể dâng lên Chúa những thánh giá của bệnh tật và đau khổ về thể xác cũng như tinh thần vì yêu mến Chúa để làm giá đền tội cho mình và cho thế gian..

Hôm nay ta cầu xin các thánh nhất là vị thánh ta tôn kính đặc biệt phù hộ và bầu cử cho ta trước toà Chúa. Khi sùng kính các thánh là ta ca tụng Thiên Chúa vì quyền năng và ân sủng của Chúa đã làm những việc lạ lùng nơi các thánh. Nhờ lời cầu bầu và công nghiệp của các thánh, ta nguyện xin Chúa tác động tâm hồn người tín hữu và xin quyền năng Chúa biến đổi đời sống mỗi người.

Lời cầu nguyện xin cho được xếp vào sổ những người mặc áo trắng (Kh 7:13):

Lạy Chúa, Chúa là vinh quang của các thánh
và là hi vọng của người tín hữu.

Xin cho chúng con được nhận thức rằng
hạnh phúc của người tín hữu không hệ tại ở đời này
nhưng được tim thấy ở đời sau.

Xin dạy con biết tích trữ những kho tàng trên trời.
Và xin Chúa là nguồn hi vọng của con ở đời này
và là vinh quang của con ở đời sau. Amen.


Lm Trần Bình Trọng