Ngày 09 tháng 10 năm 1958, cả thế giới bàng hoàng khi nghe tin vị Giáo Hoàng thứ 260 của Giáo Hội Công Giáo, Đức Piô XII qua đời. Vốn dòng dõi qúi tộc, thông minh xuất chúng, Ngài được bầu chọn làm người lãnh đạo dân Chúa khi Chiến Tranh Thế Giới lần II vừa bùng nổ (1939). Sự ra đi bất ngờ của Vị Cha Chung để lại bao niềm thương tiếc trong lòng các tín hữu khắp nơi.
Khoảng ba tuần sau đó, ngày 28/10/1958, Cơ Mật Viện Hồng Y Đoàn lại chọn được Đấng Kế Vị Thánh Phêrô mới: Đức Hồng Y người Ý tên Giuseppe Roncalli, 77 tuổi đắc cử làm Giáo Hoàng thứ 261 với thánh hiệu Gioan XXIII. Xuất thân từ gia đình nông dân, sống đời giản dị chất phác, nhiều người tỏ vẻ hoài nghi về vị Giáo Hoàng già nua này. Lắm kẻ bình phẩm tiên đoán: với tuổi đời cao niên như thế, triều đại Giáo Hoàng của Ngài sẽ ngắn ngủi, không có gì nổi bật, chỉ có thể là thời kỳ chuyển tiếp của Giáo Hội chờ đợi vị Giáo Hoàng mới sau này. Chính ĐGH Gioan XXIII cũng khiêm tốn xác nhận: “78 tuổi mới làm Giáo Chủ, thật chẳng có gì lớn” rồi ngẫm nghĩ một lúc, Ngài tiếp: “nhưng tin tưởng vào Chúa, sẽ không có gì trở ngại”.
Quả thật, không đầy ba tháng sau lễ đăng quang Giáo Hoàng, ngày 25/01/1959, vị Cha Chung già nua ấy tuyên bố cho mọi người biết: Ngài quyết định khai mở Công Đồng Chung Vatican II, một bước ngoặt mới trong sinh hoạt Giáo Hội. Đây sẽ là một Công Đồng tiến đến hiệp nhất, cố gắng chấm dứt mọi bất hoà giữa các anh em Kitô Giáo. Ý nghĩ triệu tập Công Đồng nảy sinh do ơn Chúa Thánh Thần linh ứng đặc biệt cho ĐGH, chứ không do đề nghị của bất cứ người nào trong Toà Thánh. Theo dòng thời gian trải dài suốt 50 năm qua, ta thấy những thành quả tích cực mà Công Đồng Vatican II đề ra, vẫn không ngừng tốt đẹp liên tục cho đến hôm nay.
Một vị Giáo Hoàng được thế giới cho là quê mùa, bình thường khi mới lên ngôi, có ai ngờ là vị Giáo Hoàng vĩ đại của thế kỷ XX, với những quyết định táo bạo, sẵn sàng đi tiên phong trong việc canh tân Phụng Vụ, cải tổ Giáo Luật, chú trọng đến vai trò Giáo Dân trong sinh hoạt Giáo Hội. Trước đó nhiều phỏng đoán nặng óc thành kiến: xem mặt, bắt hình dong, thấy Ngài già nua giản dị, dễ tầm thường hoá triều đại của Ngài. Thế nhưng, vì cái nhìn chủ quan, xét theo dáng vẻ bên ngoài ấy, mà dư luận đều sai lầm. Chỉ nơi Thiên Chúa, Đấng thấu hiểu mọi tâm can, Ngài xác định giá trị thực hư từng tâm hồn.
Nhìn vào bài Phúc Âm hôm nay cũng thế: Chúa Giêsu với đời sống ẩn dật 30 năm âm thầm ở miền Galilêa, đồng hương Nazareth xem ra có vẻ coi thường, khinh thị gia thế Ngài. Vào hội đường nghe Chúa đọc sách Thánh và giảng lời oai nghiêm, họ không thể nhận ra tính cách khác lạ nơi Chúa. Nghe kẻ khác đồn thổi về tài chữa bệnh của Ngài, họ không thể hiểu được “con bác thợ mộc Giuse” lại làm được những việc phi thường như thế ư? Chính những định kiến hẹp hòi, những lượng giá quen quá hoá nhàm ấy, dân làng Nazareth vô tình đã hụt hẫng “một thiên tài ngay tại quê hương mình”.
A. Nguy hiểm của Thành Kiến, Định Kiến: dễ sai sót, lầm lẫn.
1. Thế nào là Thành Kiến, Định Kiến, Tiên Kiến? Thưa là những ý nghĩ mình có sẵn, mình hay yên trí về một điều gì đó, về một việc hay một người nào đó. Thí dụ: Chuyện xảy ra ở VN.
* thời Pháp thuộc: áp dụng chính sách chia để trị, Chính Quyền Bảo Hộ thường phân rẽ người Việt, gieo tư tưởng kỳ thị nhau: Bắc Kỳ tiết kiệm quá mức, Trung Kỳ keo kiệt hết cỡ, Nam Kỳ hoang phí lung tung...
* quan niệm xưa: làm nghệ sĩ, dễ bị ấn tượng xấu “xướng ca vô loài”.
* thời gian 1975-1990:: khai lý lịch Thiên Chúa Giáo, bị ghét bỏ không được thi Đại Học.
2. Nguyên nhân khiến con người dễ có Thành Kiến, nuôi dưỡng Định Kiến, Tiên Kiến:
· mang kính mầu: nhìn mọi sự chung quanh không được trong sáng nên giác quan dễ sai lầm, ảnh hưởng nhận định cá nhân. Thí dụ: Chúa Giêsu ăn uống với người thu thuế Lêvi, bị hiểu lầm là Ngài giao tiếp với phường tội lỗi.
· do hiểu biết giới hạn thiếu học hỏi, phán đoán khó chính xác. Thí dụ: Nhiều người Việt trong nước chưa sang Mỹ bao giờ thường quan niệm Mỹ Quốc là “thiên đàng tại thế”, “nơi ăn chơi tội lỗi quá cỡ”…
· bị tuyên truyền rỉ tai, người khác dễ xuyên tạc làm lung lay tư tưởng. Thí dụ: Con cái lập gia đình với người Công Giáo, nếu theo đạo nhà chồng, phải bỏ việc tôn kính ông bà cha mẹ, không được lập bàn thờ tổ tiên?
· đầu óc hẹp hòi, thiển cận, suy nghĩ một chiều, không hơp lý. Thí dụ: Nhiều người xưa nay vẫn cho rằng: cha mẹ cho con đi Tu là tuyệt tự? Kẻ sống bậc tu trì là người ăn xổi ở thì, trốn nợ trần gian?
· óc tự cao tự mãn, thường rập khuôn theo dư luận chung.. Thí dụ: Để được tiếng là dân chịu chơi, quần áo phải mặc đồ hiệu Polo, CK…phải chạy xe hơi loại sang trọng Mercedes, Lexus…phải dùng Cell phone đa năng thứ thiệt, đắt tiền…
Nói chung, vì đã có sẵn thành kiến, định kiến trong đầu, đôi khi con người thường lầm lẫn trong suy nghĩ và quyết định.
· Thế kỷ XIX, Vua Tự Đức bác bỏ nhiều đề nghị canh tân của chí sĩ Nguyễn Trường Tộ, khiến Việt Nam thời bấy giờ không theo kịp đà tiến văn minh của Nhật Bản được đổi mới dưới tài lãnh đạo script> của Minh Trị Thiên Hoàng (1868).
· Vua Lê Nhân Tôn vì nghe lời xua nịnh, đã kết án oan ức bậc trung thần Nguyễn Trải, làm thiệt mất một nhân tài của đất nước.
B. Thành kiến sai lầm, đầu óc khinh thị của dân làng Nazareth.
Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa nhập thể làm người, đã sinh trưởng và lớn lên trong thôn nghèo Nazareth. Tài năng Ngài được tỏ lộ, nhiều đặc nét nơi Chúa bổng toả sáng trước đồng hương. Muôn người khắp nơi đều ca tụng, ngưỡng mộ, tìm mọi cách đến cùng Ngài. Song le, cũng không tránh khỏi thực trạng: có vài đối tưọng khinh thị Chúa, coi nhẹ quyền năng thiên tính của Ngài.
1. Ma Qủy: Chúng là những thần phản nghịch, không vâng lệnh phục tùng Chúa. Chúng qui tụ thành cơ binh chống lại mọi kế hoạch cứu độ con người. Khi trứ Qủy ra khỏi người bị Nó ám, Qủy tỏ vẻ khinh thị Chúa: “Hỡi ông Giêsu Nazareth, chuyện chúng tôi can gì đến ông? Tôi biết ông là ai rồi?” (Mc 1:21-28; 5:1-20).
2. Luật Sĩ, Biệt Phái: Họ là những người đêm ngày học biết Kinh Thánh, thông suốt luật Maisen, nghe nhiều những lời tiên tri nói về Đấng Messia sẽ đến. Ấy thế mà, do định kiến hẹp hòi ích kỷ, họ đã luôn miệng mỉa mai việc Chúa làm, thậm chí còn tìm mọi cách triệt hạ Ngài: “Ông này trừ được qủy chỉ là nhờ dựa thế qủy vương Bêelzêbuth mà trừ”(Mt 12:24) “Chúng tôi có Luật và chiếu theo Luật thì ông ấy phải chết vì dám ngạo mạn xưng mình là Con Thiên Chúa” (Ga 19:7)
;3. Đồng hương Nazareth: Họ là người cùng thôn xóm, biết rõ gia đình Chúa nghèo, đ ời sống đạm bạc, anh em Ngài không ai có học vị cao, lý lịch Ngài chẳng có gì đáng để ý. Họ không biết “một tiên tri cao cả xuất hiện giữa họ”, do
cái nhìn khinh thị, họ chỉ thấy “anh em Ngài là làng xóm với mình”cơ mà.
C. Thành kiến thời đại hôm nay: thích mẫu mã đẹp mắt, quên mất giá trị chất lượng thực sự.
1. Đời sống kinh tế thị trường, con người dễ chạy đua theo hình thức, thích những hào nhoáng phù phiếm bên ngoài, bỏ xa những giá trị thực hữu bên trong.
· thích nghe nhạc giật gân, ham vui chơi party mỗi tuần, quên dự lễ Chúa Nhật, thờ ơ kín múc Lời Chúa, Giáo Lý sống đạo… dễ dàng sa sút Đức Tin, bỏ Đạo như chơi.
· sinh viên quen lối sống hưởng thụ, thích góp gạo thổi cơm chung, thoải mái tình cảm trai gái…coi thường giá trị luân lý truyền thống tốt đẹp của Hôn Nhân.
· nhiều phụ nữ ham giàu, cần tiền, sẵn sàng bán rẻ đức hạnh nhân phẩm, đánh mất mọi sự không tiếc nuối.
· nhiều bạn trẻ ra trường có Job thơm, lương cao, thích đua đòi mua sắm đủ thứ, ra oai với đời, enjoy cá nhân thoả thích… không thèm bỏ một xu cứu trợ nạn lụt miền Trung Vietnam, không quan tâm đóng góp giúp đỡ nạn nhân động đất Haiti.
2. Những đánh giá bên ngoài theo định kiến, dễ làm hụt hẫng nhiều cơ may qúy giá.
Đại thi hào Tagore, Ấn Độ có thân phụ làm ngành báo chí, in ấn văn hoá phẩm. Một hôm ông làm thơ, ghi tên thật của mình, gửi Cha hiền đăng báo: ông bố coi thường, khinh thị xé bài thơ bỏ vào sọt rác. Sau đó, Tagore âm thầm sáng tác bài thơ khác,ký tên với bút hiệu, rồi gửi đến toà soạn của thân phụ xin đăng báo. Bố ông cùng Ban Biên Tập duyệt bài, đọc thơ thấy hay, liền đăng báo ngay, trả nhuận bút cao.
Ngày xưa, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đắc cử, 77 tuổi, khá cao niên, ai cũng nghĩ Ngài là vị Giáo Hoàng chuyển tiếp, không mong làm được chuyện rạng rỡ nào. Thế mà cả Giáo Hội đều nể phục tri ân Ngài vì sự thành công vượt bực của CĐ Vatican II. Ngày nay, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI khi đắc cử, 78 tuổi, cũng già nua. Song cả thế giới không ai dám chê trách sự thông minh xuất chúng tuyệt vời của Ngài.
Thiên Chúa bao giờ cũng vẽ đường thẳng đi qua những đường cong. Chương trình của Ngài thật diệu kỳ. Con người quen đánh giá sự vật theo một nhãn giới hời hợt bên ngoài nhưng Thiên Chúa, Ngài nhìn thấu chúng ta tận cõi lòng. Ngài đã phán qua miệng tiên tri Isaia:
“Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta. Như trời cao hơn đất thế nào, đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi và tư tưởng Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi thế ấy” (Is 55:8-9).
D. Lời Nguyện kết.
Lạy Chúa! Bình thường, chúng con ưa coi nhẹ “Bụt nhà không thiêng”.Đôi khi chúng con lại sai lầm “quen quá hoá nhàm”,”xem mặt, bắt hình dong”. Xin giúp con biết mở rộng Đôi Mắt để quen có cái nhìn sâu thẳm, kỷ lưỡng, biết khai quang Trí Óc để quen nhận thức được những chân giá trị đích thực luôn tiềm ẩn trong Anh Chị Em xung quanh con. AMEN.