AI CẦN ÔNG GIÀ NOEL?



Chủ đề: Chuẩn bị Mừng lễ Giáng Sinh là chuẩn bị đón mừng sự hiện diện của Chúa giữa dân Ngài

Trong tác phẩm nhan đề Beyond East and West (Vượt khỏi Ðông và Tây), John Wu có một đoạn mô tả rất hay, tôi xin đọc cho anh chị em nghe:

"Trước đám cưới vợ tôi và tôi chả bao giờ thấy mặt nhau. Cả hai chúng tôi đều được giáo dục theo đường lối cổ xưa của người Trung Hoa. Bố mẹ đã đính hôn chúng tôi với nhau khi chúng tôi mới có 6 tuổi đầu: đến năm mười mấy tuổi tôi mới bắt đầu biết được nhà nàng ở đâu. Tôi rất khao khát được thoáng nhìn nàng thử xem, nên thỉnh thoảng tan học về tôi thường đi một vòng ngang qua cửa nhà nàng... thế mà chả bao giờ tôi được may mắn nhìn thấy nàng".

Tác giả nhận thấy hệ thống hôn nhân Trung Quốc thời xưa quả không thể tin nổi dưới cái nhìn của độc giả phương Tây. Thoạt tiên, một số bạn bè phương Tây của ông hầu như chả tin nổi điều ấy. Ông rất ngạc nhiên khi thấy bè bạn mình cho rằng hệ thống hôn nhân như thế không thể nào tin được. Ông bèn hỏi đám bạn là họ có lựa chọn bố mẹ, anh chị em của họ không. Và có phải vì không được lựa chọn mà họ đã yêu thương bố mẹ anh chị em mình ít đi không?

Ðoạn văn của John Wu giúp chúng ta đánh giá rõ hơn mối tương giao giữa thánh Giuse và Ðức Maria trước lúc Chúa Giêsu chào đời. Theo tập tục Do Thái mỗi cuộc hôn nhân được trải qua ba giai đoạn:

Giai đoạn đầu là đính hôn. Việc này thường do bố mẹ hay do một người mai mối Do Thái. Ðôi bạn trẻ thường chẳng hề biết nhau trước cuộc đính hôn. Bài hát "Match-maker" (người mai mối) trong phim Fiddler on the roof (đàn ca trên mái nhà) dùng để chúc mừng lễ đính hôn này.

Giai đoạn hai là lễ hứa hôn. Giai đoạn này kéo dài một năm để đôi bạn có dịp quen biết nhau. Khi đã có lễ hứa hôn thì mọi người đều xem đôi bạn như là vợ chồng dù họ chưa thực sự sống với nhau như vợ chồng. Lễ hứa hôn này rất long trọng nên chỉ có sự ly dị mới xoá bỏ nó được.

Giai đoạn ba là lễ kết hôn theo đúng nghĩa.

Thánh Giuse hay tin Ðức Maria có thai khi hai người ở trong giai đoạn hai của truyền thống Do Thái và kết hôn này (tức sau khi đã hứa hôn).

Tuy nhiên, trong các bài đọc hôm nay còn có một điểm khác đáng được chúng ta chú ý hơn nữa. Ðó là việc Thánh sử Matthêu ám chỉ về lời tiên tri "Chúa ở cùng chúng ta" của Isaia. Tôi xin đọc lại lời ám chỉ này:

"Tất cả sự việc này xảy ra để lời Thiên Chúa qua miệng vị tiên tri được nên trọn: 'Một Trinh Nữ sẽ mang thai và hạ sinh một con trai mà họ sẽ gọi là Emmanuel, nghĩa là: 'Thiên Chúa ở cùng chúng ta'".

Việc ám chỉ lời tiên tri "Chúa ở cùng chúng ta" của Isaia tìm được trọn vẹn ý nghĩa khi chúng ta ghi nhận thánh sử Matthêu đã kết thúc Phúc Âm của ngài với lời hứa của Chúa Giêsu: "Ta sẽ ở cùng các ngươi". Chúng ta hãy nhắc lại thời điểm ấy: ngay trước khi về cùng Cha mình, Chúa Giêsu tụ họp các môn đệ lại và phán với họ: "Anh em hãy đi khắp muôn dân... Dạy dỗ họ vâng giữ mọi điều Thầy truyền cho anh em. Và Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28: 19-20).

Qua cách khởi đầu và kết thúc Phúc Âm với chủ đề: "Chúa ở cùng chúng ta", thánh sử Matthêu, muốn nêu bật một chủ điểm quan trọng đó là: qua việc Chúa Giêsu giáng sinh, Thiên Chúa trở nên hiện diện với dân Ngài một cách mới mẻ đặc biệt. Ðể đánh giá được tính cách hiện diện mới mẻ này, chúng ta cần nhắc lại ba cách Chúa dùng để hiện diện với chúng ta.

Trước hết, Thiên Chúa hiện diện với chúng ta trong tạo vật của Người, nhất là bởi quyền năng duy trì của Người. Thiên Chúa không chỉ tạo dựng mọi sự nhưng còn duy trì tạo vật hiện hữu.

Sự hiện diện của Thiên Chúa trong tạo vật có thể so sánh như máy chiếu phim phóng hình ảnh lên tấm màn. Máy chiếu phim phóng hình ảnh lên tấm màn. Và hình ảnh ở trên tấm màn chỉ khi nào máy chiếu phim còn hoạt động.

Với Thiên Chúa cũng như vậy. Thiên Chúa có trách nhiệm đưa tạo vật vào sự hiện hữu. Và tạo vật hiện hữu chỉ khi nào Thiên Chúa còn giữ nó trong tình trạng đó.

Thứ hai, Thiên Chúa hiện diện trong lời của Người trong Kinh Thánh.

Có người diễn tả Kinh Thánh như một lá thư đầy thương yêu của người Cha gửi cho các con. Cũng giống như một người cha tỏ lộ ý nghĩ của mình cho con cái trong một lá thư thì Thiên Chúa cũng tỏ lộ tư tưởng của Người cho chúng ta trong Kinh Thánh.

Do đó, trong một ý nghĩa đích thực, Kinh Thánh giúp tâm trí của Thiên Chúa hiện diện với chúng ta trong một phương cách thực tế và hiển nhiên.

Sau cùng, Thiên Chúa hiện diện trong Con của Người là Đức Giêsu. Với sự giáng trần của Đức Giêsu, sự hiện diện của Thiên Chúa giữa chúng ta vươn lên một bước lớn lao.

Thiên Chúa hiện diện giữa chúng ta không chỉ qua tạo vật, qua lời trong Kinh Thánh nhưng còn qua con người.

Sự giáng sinh của Đức Giêsu giúp Thiên Chúa hiện diện với chúng ta trong một phương cách mà chúng ta có thể trông thấy, có thể chạm đến và có thể nghe được.

Đây là điều chúng ta đang chuẩn bị để mừng lễ Giáng Sinh: Thiên Chúa hiện diện giữa chúng ta trong thân xác của Đức Giêsu.

Một vài năm trước đây, khoảng thời gian Giáng Sinh, có xuất hiện một tranh hài Peanuts. Trong đó, chú bé Charlie Brown đọc cho cô bé Linus nghe về câu chuyện giáng sinh của Đức Giêsu.

Khi chú chấm dứt, Linus quay sang Charlie Brown và nói, Đó mới là ý nghĩa Giáng Sinh phải không Charlie? Và chú nói thêm, Vậy thì có ai cần đến ông già Noen?

Chúng ta hãy chấm dứt bằng im lặng suy nghĩ về đoạn mở đầu thư thứ nhất của Thánh Gioan.

Chúng tôi viết cho anh chị em về Lời sự sống,
mà Lời ấy đã có ngay từ khởi đầu.
Chúng tôi đã từng nghe, và chúng tôi đã từng thấy tận mắt,
phải, chúng tôi đã từng thấy, và tay chúng tôi đã từng chạm đến...

Những gì chúng tôi từng nhìn thấy và nghe biết, chúng tôi cũng loan báo cho anh chị em, để anh chị em sẽ cùng hiệp thông với chúng tôi như chúng tôi đã được hiệp thông với Chúa Cha và với Con của Người là Đức Giêsu Kitô.


Chúng tôi viết ra điều này để niềm vui của chúng ta được nên trọn vẹn. Gioan 1:1-4


Cha Mark Link S.J.