MỖI TUẦN 1 GIỜ CHO CHÚA VÀ CHO CHÍNH MÌNH
Một cái nhìn tâm lý đạo đức
Ðối với nhiều Kitô hữu, Thiên Chúa là một người cha khó tính, và không mấy dễ ưa. Vì hễ cái gì con cái thích thì hầu như Ngài cấm đoán, răn đe. Ngược lại, những gì chúng không thích thì lại khuyến khích hoặc bắt buộc. Thí dụ, mỗi tuần lễ phải tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật một lần: “Thứ Ba giữ ngày Chúa Nhật”.
Nhưng có thật sự mỗi tuần lễ dành cho Chúa 1 giờ vào ngày Chúa Nhật là một sự lãng phí và vô ích không? Thiên Chúa có quá khe khắt khi đòi hỏi điều này không?
Thực tế không phải vậy. Mỗi ngày có 24 giờ và mỗi tuần có 168 giờ, dành cho Chúa 1 giờ thì không phải là quá đáng. Lại nữa, một giờ cho Chúa vào Chúa Nhật chính là một thời khắc tuyệt vời, trong đó người ta có cơ hội gặp gỡ Thiên Chúa là Cha, gặp gỡ anh chị em trong cùng một gia đình giáo xứ, và nhất là cùng nhau “ăn một bữa cơm gia đình” tức là tham dự một Thánh Lễ.
Phương diện tâm lý:
Những người thân hoặc những kẻ yêu nhau sau một tuần xa cách, nếu có cơ hội gần nhau thì họ làm gì? “Nhất nhật bất kiến như tam thu hề”. Ðó là tâm trạng của những kẻ yêu nhau mà phải xa nhau và mong gặp mặt nhau. Ðó cũng là tâm tình của những người con hiếu thảo khi phải ở xa cha mẹ mình. Ngoài ra, nó còn phản ảnh một hình thức tâm lý cộng đồng cần thiết cho cuộc sống chung hữu ích.
Với cái nhìn tâm lý trị liệu, thì những cuộc gặp gỡ như thế có sức phục hồi, hóa giải những va chạm, xích mích của đời sống chung. Nó tăng phấn khởi và củng cố niềm tin của nhau, giúp nhau vượt qua được những khó khăn của thực tại. Ý nghĩa family support, group support quả là đúng khi chúng ta đến với nhau trong Thánh Lễ Chúa Nhật.
Phương diện tâm linh:
Nhưng quan trọng nhất là trong lần gặp gỡ này, tất cả được “Cha” thiết đãi một bữa ăn mang trọn vẹn ý nghĩa gia đình. Cha mẹ, con cháu, anh chị em trong cùng một nhà ngồi lại với nhau quanh bàn tiệc mà 2 món chính là Lời Chúa và Thánh Thể.
Lời Chúa: Lời Chúa là lời hằng sống, lời ban sự sống đời đời. Thánh Phêrô trước cám dỗ bỏ Thầy, được Chúa Cha mặc khải đã thưa với Chúa Giêsu: “Lạy Thầy, bỏ Thầy chúng tôi theo ai? Thầy có lời ban sự sống đời đời” (Gioan 6:68). Phần Chúa Giêsu thì quả quyết sự sống con người không hoàn toàn lệ thuộc vào cơm bánh, “nhưng còn do mọi Lời từ miệng Thiên Chúa phán ra.” (Mátthêu 4:4)
Thật vậy, lời Chúa không chỉ là lời ban sự sống đời đời theo ý nghĩa siêu nhiên, mà còn là lời chữa lành theo ý nghĩa tự nhiên nữa. Một hôm người nhà của một bệnh nhân kia thấy cuốn Thánh Kinh trên bàn làm việc của vị Bác Sĩ Tâm Thần nên đã hỏi vị bác sĩ này:
- Ông mà cũng đọc sách này sao?
- Vâng! Người bác sĩ ôn tồn trả lời: “Tôi nghĩ nếu mọi người ai cũng đọc sách này thì những bác sĩ như chúng tôi sẽ thất nghiệp!”
Vị bác sĩ này không nêu lý do tại sao nếu mọi người đọc Thánh Kinh thì những bác sĩ như ông sẽ bị thất nghiệp. Nhưng những khảo cứu gần đây đã trả lời thay ông. Theo đó, những ai có niềm tin và có lòng thành tín phó thác nơi Thượng Ðế thì ít bệnh tật hơn, và nếu có bệnh, họ cũng dễ dàng chấp nhận hơn. Các bác sĩ, y tá săn sóc họ sẽ cảm thấy dễ chịu hơn. Và kỳ lạ là họ dễ dàng, mau chóng bình phục hơn. Ngược lại, những kẻ vô thần, những kẻ không có niềm tin tôn giáo thì dễ bị bệnh, mà khi bị bệnh thì khó tính, đòi hỏi, sợ hãi. Các bác sĩ, y tá cảm thấy khó chịu, vất vả hơn khi phải săn sóc họ. Bệnh tình họ lâu bình phục hơn. “Ðức tin con chữa con khỏi” (Mátthêu 9:22). Ðó là một trong những điều mà khoa học đã có thể giải thích được qua niềm tin, bằng sức mạnh tâm lý và tâm linh dựa trên ý nghĩa và giá trị Lời Chúa.
Tuy nhiên, món ăn Lời Chúa này nhiều khi gặp phải những lần không được nấu nướng kỹ lưỡng nên khó ăn và khó nuốt. Ðó là khi phải nghe những bài giảng thuyết rườm rà, rông rài, rỗng tuếch mà cả người giảng lẫn người ngồi nghe chẳng ai hiểu gì. Những trường hợp như vậy, Lời Chúa thật là khó nuốt trôi. Những trường hợp như vậy, ta nên yên ủi mình rằng, chất lượng thực phẩm là ngon, bổ dưỡng, và quí, mà không nên căn cứ vào cách nấu nướng của người này, người khác.
Thánh Thể: Thánh Thể là món ăn của những người con cái Chúa, là bánh từ Trời ban xuống. Chính Chúa Giêsu đã khẳng định: “Ta là bánh hằng sống” (Gioan 6:35). Bánh này có sức ban sự sống và vực lại sự sống đã mất: “Ta là bánh từ trời xuống: Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời” (Gioan 6:51).
Ðể hiểu hơn về sự cần thiết và tầm quan trọng của thứ Bánh này, chúng ta hãy tìm về ý nghĩa của nó qua hình ảnh tượng trưng của Êlia trên đường lên núi Hôrép. Ðường dài, đói khát và thất vọng, người của Chúa chỉ mong được chết, và ông đã lịm ngủ đi dưới một tàn cây. Nhưng ông đã được thiên sứ đánh thức dậy, được cho ăn bánh và uống nước: “Hãy dậy mà ăn đi, vì đường còn xa” (1 Các Vua 19:7). Và người của Chúa đã có đủ sức mạnh để đi tiếp “40 đêm ngày lên đêãn núi Hôrép là núi của Thiên Chúa” (1 Các Vua 17:8). Hành trình đức tin, hành trình cuộc sống mỗi người dài hay ngắn, xa hay gần là thuộc về Thiên Chúa. Nhưng việc ăn uống để có sức mà đi là phần của con người. Ðiều may mắn ở đây là con người được nuôi dưỡng và tăng cường sức lực ấy bằng Thánh Thể.
Phương diện thể lý:
Về thể lý, ít nhất bạn cũng được một giờ thoải mái và nhàn hạ. Bạn hãy tưởng tượng trong lúc bạn đang ung dung, nhàn hạ ngồi trong thánh đường thì đâu đó có biết bao người đang phải vất vả với những công việc nặng nhọc. Bao bệnh nhân đang hoi hóp, đau đớn trên giường bệnh. Bao tội nhân, hay nạn nhân đang bị tra tấn và chà đạp nhân phẩm, thể xác tại các khám đường, trong các trại tập trung hoặc những hang động tội lỗi.
Như vậy, một giờ của bạn ở thánh đường chính là một giờ hồng ân mà Chúa đã ban cho bạn để thư dãn, nghỉ ngơi một cách đúng nghĩa của một phần đòi hỏi của Ngài là “không làm việc xác ngày Chúa Nhật.” Ngài muốn con cái mình nghỉ ngơi để không chỉ có thời giờ dành cho Ngài, mà còn dành cho chính mình, để tự mình hiểu được Thiên Chúa yêu thương, săn sóc, và quan tâm đến mình như thế nào.
Kết luận:
Tóm lại, từ thể lý, tâm lý, và tâm linh bạn đều được thư thái, thỏa mãn, và hạnh phúc.
Khi bạn và tôi đến với Chúa vào mỗi Chúa Nhật, chúng ta hãy đến với tâm tình vui tươi, cởi mở, và hạnh phúc. Ðến với bộ mặt tươi tỉnh và bằng một tấm lòng biết ơn. Chính Thiên Chúa đang chờ đón chúng ta, và việc chúng ta còn mạnh khỏe, an toàn và có cơ hội đến với Ngài cũng đã là một ơn huệ lớn lao do lòng thương yêu vô bờ của Ngài ban tặng.
Trần Mỹ Duyệt