Thư thánh Phaolô gửi giáo đoàn Co-rin-tô


1. Giáo đoàn Co-rin-tô

Thánh Phao-lô đã rao giảng Tin Mừng ở Co-rin-tô 18 tháng từ năm 50-52 (Cv 18,1-11). Co-rin-tô bấy giờ có chừng hơn nửa triệu dân mà hai phần ba là nô lệ. Năm 146 trước Công nguyên, thành phố đã bị phá hủy, nhưng một trăm năm sau, Xê-da (César) đã xây dựng lại. Đó là một thành phố mới rất mực thịnh vượng nhờ ở vị trí địa dư và hai hải cảng: Xăng-cơ-rê (Cenchrée) nằm trên biển Ê-đê (Édée) và Lê-sê (Léchée) nằm trên biển A-ri-a-tích (Adriatique).

Co-rin-tô có đủ mọi đặc tính của các hải cảng lớn ở mọi thời: dân cư thuộc đủ màu da và tôn giáo, thủy thủ dễ sống bừa bãi và sa đọa, thích tìm lạc thú sau những ngày lênh đênh trên mặt biển. Vị thần được tôn thờ nhiều nhất ở Co-rin-tô bấy giờ là nữ thần Áp-rô-đi-tê (Aprodithée) giống như thần Vê-nút (Vénus) ở Rô-ma. Ngay từ thời thi sĩ A-rít-tô-phan (Aristophane) thế kỷ V, kiểu nói “sống theo lối Co-rin-tô” đã muốn nói gì rồi. Kết quả dĩ nhiên là chỉ có một thiểu số giầu có, còn đa số là nghèo khổ. Cuối cùng, tưởng cũng nên biết thêm là thành phố tứ chiếng ấy cũng là một trung tâm trí thức, mọi môn phái triết học đều có mặt ở đó. Ngay từ thế kỷ II, một nhà hùng biện đã ca ngợi Co-rin-tô là có đông đảo các môn phái, các triết gia và các văn sĩ. Ở bất cứ góc đường nào cũng có họ. Co-rin-tô còn là một trung tâm tôn giáo. Tại đây, các thứ tôn giáo huyền bí phát xuất từ Đông Phương lôi cuốn được nhiều người.

Giáo đoàn mà thánh Phao-lô đã thiết lập ở Co-rin-tô phản ánh trung thực bộ mặt của thành phố này: giầu có, nghèo có, nhưng người giầu chỉ là thiểu số, còn đa phần thuộc hạng bình dân và nô lệ, tức những thành phần không đáng kể.

Giáo đoàn Co-rin-tô sống động và sốt sắng, nhưng ở trong một tình trạng rất nguy hiểm cho đời sống đạo đức: luân lý suy đồi (6,12-20), cãi cọ, tranh chấp nội bộ (1,11-12; 6,1-11) bị cám dỗ chạy theo những triết thuyết đời có mầu sắc Ki-tô giáo (1,19-2,10) nhưng thực ra những thuyết này làm đảo lộn hẳn mọi nền tảng chắc chắn về đức tin (chương 15). Các tôn giáo huyền bí cũng tỏ ra rất hấp dẫn, khiến cho ngay trong các buổi cử hành phụng vụ của cộng đoàn cũng nảy ra những cuộc phát biểu bừa bãi (14, 26-38). Thân cây đức tin lành mạnh và cứng cát đấy, nhưng rễ của nó lại nằm trong một thứ đất ít thích hợp. Trong tình cảnh bất thường này, Thánh Thần đã tiếp sức, ban cho giáo đoàn nhiều ân sủng đặc biệt (12-14). Thánh Phao-lô cũng đã dùng thư từ để sửa sai, giúp cho thân cây non có đuợc một thứ đất Ki-tô giáo thích hợp hơn.

Đó là đặc tính của bức thư này. Nó cho ta thấy các vấn đề cụ thể mà đức tin Ki-tô giáo gặp phải, khi đi vào một môi trường ngoại giáo và cho thấy tác giả đã dùng những phương pháp nào để giải quyết các vấn đề kia.

2. Hoàn cảnh xui khiến có bức thư này

Sau đây là những biến cố xảy ra từ ngày thánh Phao-lô đến giảng đạo ở Co-rin-tô cho tới khi gửi bức thư này. Từ biệt Co-rin-tô nhưng ngài vẫn giữ liên lạc với giáo đoàn mới thành lập. Đoạn 5,9-13 cho thấy trước khi viết 1 Cr, thánh Phao-lô đã viết một thư khác. Thư này bị thất lạc không còn nũa. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng 2 Cr 6,14-7,1 là một đoạn của thư này, trong đó giao tiếp với hạng chơi bời là một trong các đề tài được bàn tới. Trong đọan thư, tác giả có ý trả lời về một vấn nạn của giáo đoàn Co-rin-tô.

Đàng khác, theo sách Công Vụ Tông Đồ (18,24-28) thì giáo đoàn Co-rin-tô đã được hân hạnh đón tiếp một nhà giảng thuyết Tin Mừng lỗi lạc là ông A-pô-lô, một người Do thái sinh trưởng tại A-lê-xan-ri-a (Alexandria). Ông này đã theo đạo qua trung gian của ông A-qui-la (Aquilla) và bà Pơ-rít-si-la (Priscilla). Hai ông bà này viết thư giới thiệu ông A-pô-lô với giáo đoàn Co-rin-tô. Sách Công Vụ còn cho biết thêm chi tiết là ông A-pô-lô rất lợi khẩu và thông thạo Kinh thánh. Ở Co-rin-tô ông đã giúp giáo đoàn rất nhiều, đặc biệt trong việc tranh luận với người Do thái. Có lẽ ông xuất sắc hơn cả thánh Phao-lô, vì thánh Phao-lô không mấy lợi khẩu (2 Cr 10,10. Vì thế mới có nhóm theo A-po-lô, nhóm theo Phao-lô. Chắc chắn ông A-po-lô không tán thành những nhóm như thế. Khi thánh Phao-lô viết thư này, ông A-pô-lô đang ở Ê-phê-xô và mặc dù thánh Phao-lô khuyên mời, nhưng ông vẫn nhất quyết không trở lại Co-rin-tô. Đối lập với phe A-pô-lô, có phe Phao-lô, phe Kê-pha, phe Ki-tô. Phe Phao-lô (có lẽ gồm những người ca tụng thánh nhân cách quá đáng). Phe Kê-pha thành hình, sau khi có người tự xưng là môn đệ của Tông đồ Phê-rô, đến Co-rin-tô. Có lẽ chính Phê-rô cũng đã đến Co-rin-tô, vì theo 1 Cr 9,5 ở Co-rin-tô người ta biết Phê-rô nhiều. Còn về phe Ki-tô thì có nhiều ý kiến khác nhau: người thì bảo đó là những người công nhận Đức Giê-su chỉ là Đấng Mê-si-a theo nghĩa Do thái giáo; người khác lại nghĩ đó là một nhóm theo thuyết Ngộ đạo chủ trương răng họ chỉ lệ thuộc vào Thần Khí của Đức Ki-tô và phủ nhận mọi tổ chức, mọi giáo đoàn. Cũng có thể chẳng có phe Ki-tô nào cả và câu “còn tôi, tôi thuộc về Đức Ki-tô” (1,12) chỉ là lời một người chép sách về sau đã thêm vào, hay là lời của thánh Phao-lô nói ra để chống lại phe nhóm kia. Họ chia rẽ như vậy có thể là vì Co-rin-tô bấy giờ có một thứ triết học thần bí đang thu hút nhiều người, khiến cho thánh Phao-lô gắn liền hai vấn đề chia rẽ nội bộ và triết học hão huyền với nhau. Thánh nhân đem cả hai đối chiếu với giáo thuyết khôn ngoan của Đức Ki-tô là sự khôn ngoan phát xuất từ Thánh giá.

Tình thế nguy ngập ở Co-rin-tô lot đến tai thánh Phao-lô khi ngài đang ở Ê-phê-xô trong cuộc hành trình truyền giáo lần thứ ba (19). Trước hết, chính A-pô-lô báo tin, rồi người nhà của bà Cơ-lô-ê (Cloé) (1,11). Qua những nguời này, thánh Phao-lô còn nhận được nhiều tin đáng ngại khác: nào là chuyện loạn luân (5,1-13), nào là chuyện tín hữu kiện nhau ở tòa đời (6,1-11), chuyện dâm đãng (6,12-20), chuyện lộn xộn khi cử hành Thánh Thể (11,2-34) và nhiều điều sai lầm về việc kẻ chết sống lại (15). Đàng khác, chính tín hữu Co-rin-tô cũng gủi thư hỏi thánh Phao-lô về một số các vần đề. Chắc hẳn họ đã hỏi về vấn đề đồng trinh và hôn nhân (7,1). Họ cũng đã hỏi về vấn đề thịt cúng, được ăn hay không được ăn (8,1) hoặc về các ân huệ thần thiêng, phẩm trật thế nào, sử dụng ra sao. Bằng ấy yếu tố đã cung cấp cho thánh Phao-lô những dữ liêu để thảo ra bức thư này. Thánh nhân muốn sửa sai các lạm dụng, tái lập bình an và trật tự trong cộng đoàn, giải đáp những vấn nạn trong cuộc sống hàng ngày người Ki-tô hữu gặp phải ở Co-rin-tô

3. Những vấn đề chính được đề cập trong thư

Mọi vấn đề thánh Phao-lô đề cập trong thư đều phát xuất từ một nhận định căn bản này là Hội thánh phải giải quyết những chuyện nói trên ở mọi thời, đặc biệt trong sinh họat truyền giáo. Ngày nay vấn đề lại còn được đặt ra cách bức thiết hơn bao giờ hết. Đó là sự khác biệt về văn hóa và sự cần thiết phải du nhập nền văn hóa Ki-tô giáo vào một nền văn hóa khác và làm cho nó ăn sâu mọc rễ trong nền văn hóa ấy. Ở thời thánh Phao-lô, Ki-tô giáo phải chuyển từ văn hóa Do thái sang văn hóa Hy lạp vốn là văn hóa ngoại giáo. Nền văn hóa này có những động lực và cơ cấu khác hẳn, đến nỗi không những có thể làm sai lạc “sứ điệp” Tin Mừng mà sâu xa hơn nữa, còn có thể đồng hóa “sứ điệp” ấy với văn hóa Hy lạp, nên người ta dễ có khuynh hướng chỉ lựa chọn trong Ki-tô giáo những yếu tố phù hợp với mình và loại bỏ mọi yếu tố khác. Hiện tượng đó đã thường xảy ra, đặc biệt trong nhiều thuyết Ngộ đạo ở thế kỷ II và trải qua các thời đại, ở những xứ được truyền giáo cách vội vã, có đông người vào đạo mà tinh thần ngoại giáo vẫn tồn tại. Đứng trước vấn đề này, thánh Phao-lô tỏ ra vừa cương quyết lại vừa uyển chuyển: cương quyết đòi phải loại bỏ và lên án gắt gao các thái độ và lập trường không thể dung hòa được với Tin Mừng. Nhưng khi không có sự bất dung hòa ấy thì thánh nhân lại cởi mở. Trong viễn tượng ấy, xin lược qua các vấn đề chính được đề cập đến trong bức thư này.

3,1 Vấn đề chia rẽ và sự khôn ngoan

Về vấn đề chia rẽ trong cộng đoàn và sự khôn ngoan thật cũng như khôn ngoan giả, thì vì sống trong bầu không khí tôn giáo của nền văn minh Hy lạp, nên giáo dân Co-rin-tô hầu như không thể nào không bị cám dỗ muốn quan niệm dức tin của mình theo triết thuyết thời đó. Vì thế, người ta say mê các nhà giảng thuyết tầm cỡ như A-pô-lô, một người ăn nói hùng biện, xuất sắc như các`bậc thầy lỗi lạc thời đó. Và do đấy xẩy ra nhiều chia rẽ, người thì chạy theo thầy này, kẻ thì chạy theo thày kia. Phao-lô đã phản ứng mãnh liệt. Ngài cực lực phản đối tình trạng đó, vì ngài cho như vậy là muốn coi đức tin Ki-tô giáo cũng chỉ như một triết thuyết khiến cho có phe kia nhóm nọ.

3,2 Những vấn đề luân lý về sắc dục

Những vấn đề luân lý về sắc dục cũng đã được đặt ra, vì sự gặp gỡ giữa Ki-tô giáo và mội trường văn hóa ở đây. Môi trường này bị ảnh hưởng bởi hai phong trào: một phong trào buông thả muốn thỏa mãn mọi thú vui xác thịt, một phong trào nhiệm nhặt coi khinh thân xác, như nhiều phong trào triết học hồi đó chủ trương và cho việc không lập gia đình là một lý tưởng tuyệt đối. Thánh Phao-lô muốn trình bày đường lối chân chính, chống lại các chủ trương quá khích kia. Ngài lên án nghiêm khắc mọi hình thức bừa bãi về sắc dục, đề cao tính hợp pháp và giá trị của hôn nhân và ca tụng đức trinh khiết. Nguyên tắc hướng dẫn các phán quyết này được nêu rõ ở 6,12 và lặp lại trong 10,23: “Được phép làm mọi sự, nhưng không phải mọi sự đều có ích”, “được phép làm mọi sự nhưng không phải mọi sự đều có tính xây dựng”. Người tín hữu đã được giải thoát khỏi mọi kìm kẹp bên ngoài, ngay cả trong phạm vi luân lý, nhưng phải sử dụng sự tự do ấy để luôn luôn tìm kiếm những gì ích lợi nhất cho đời sống thiêng liêng.

Nguyên tắc vừa nêu cũng sẽ soi sáng cho vấn đề sau là vấn đề thịt cúng. Ở đây đức tin cũng phải lựa chọn thái độ hoặc bênh, hoặc chống chủ trương của nền văn hóa ngoại đạo. Một lần nữa, tín hữu lại phải áp dụng những nguyên tắc trên đây: tuyệt đối cấm những gì nghịch với đức tin, như tham dự các bữa ăn cúng thần (10,14-22). Nhưng đưa đồ đã cúng về nhà mà ăn hay ăn ở nhà người khác thì không sao (8,7-8). Tuy vậy, phải cẩn thận đừng làm cớ vấp phạm cho những người yếu kém lòng tin (8,9-13).

Những sự lộn xộn trong các buổi họp tôn giáo chứng tỏ Ki-tô giáo còn bị ảnh hưởng bởi các phong tục ngoại giáo, như cách cử hành tiệc Thánh Thể có những lệch lạc do ảnh hưởng của những bữa ăn cúng thần. Ngoài ra, còn có những yếu tố xuất thần giống như những buổi họp của các người ngoại giáo. Về những điểm này, lời dạy của thánh Phao-lô vẫn là không để cho phụng vụ nhiễm phải các lề thói ngoại giáo, nhưng phải phản ánh được mầu nhiệm cử hành là mầu nhiệm hợp nhất trong Đúc Ki-tô. Do đó phải giữ những luật căn bản nhằm lợi ích chung cho mọi người và xây dựng cộng đoàn (14,1-9) và nhất là bác ái (13,1-13).

3,3 Sự va chạm giữa “sứ điệp” Ki-tô giáo và não trạng ngoại giáo

Sau cùng, chương 15 còn cho thấy rõ hơn nữa sự va chạm giữa “sứ điệp” Ki-tô giáo và não trạng ngoại giáo. Người Do thái dễ tin việc kẻ chết sống lại, vì họ quen quan niệm con người như một thực tại duy nhất. Nhưng điều này lại không thích hợp trong môi trường Hy lạp, do ảnh hưởng của các triết thuyết nhị nguyên. Thánh Phao-lô có thể chịu thua trước thứ tâm lý đó, như tác giả sách Khôn ngoan đã làm trong những trường hợp tương tự, đó là cố tránh nói đến khía cạnh khó chấp nhận này và chỉ nhấn mạnh đến sự bất tử của linh hồn. Nhưng thánh Phao-lô đã mạnh mẽ khẳng định rằng kẻ chết sẽ sống lại. Ngài không tìm cách chứng minh bằng triết học mà chỉ quả quyết rằng nếu kẻ chết không sống lại thì Đức Ki-tô cũng đã không sống lại (15,13.16) và như vậy đức tin của Ki-tô hữu là viển vông (15,14)

Kết luận

Có thể nói thư 1Cr là một bản mẫu về tình trạng phân hóa phức tạp của các tín hữu đến từ nhiều nguốc gốc, khác nhau về chủng tộc, văn hóa trong một hoàn cảnh xã hội đổi thay mới cũ, tốt xấu lẫn lộn. Sống trong một mội trường và hoàn cảnh như thế, thánh Phao-lô đã phải hết sức khó nhọc vừa đương đầu với các trao lưu không thuận hợp với Tin Mừng, vừa phải giáo dục, uốn nắn sửa chữa các lệch lạc về đức tin của các tín hữu. Phải là một người cao tay như ngài mới vượt qua sóng gió và ổn định đuợc tình thế. Tất cả sức mạnh đó, ngài đã kín múc được từ nơi nguồn ân sủng là Chúa Giê-su Ki-tô. Hoàn cảnh giảng đạo và sống đạo ngày nay ở nhiều nơi chắc cũng gặp phải nhiều nỗi éo le như thế. Điều ấy có thể khiến cho lòng nhiều người hoang mang lo lắng, và có khi không còn tin ở sức họat động âm thầm và mầu nhiệm của ơn thánh nữa. Vậy đây thiết tưởng là một dịp tốt để đọc lại thư 1 Cr cho hiểu và thấy được sức mạnh của ơn Chúa.


(viết dựa theo TOB ấn bản 1994, Cerf-Paris)
L.m. An-rê Đỗ xuân Quế, o.p.