GIỚI TRẺ ĐANG RA ĐI HAY QUAY VỀ?
Nếu phải đoán xem các bạn trẻ, nhất là giới sinh viên học sinh trao đổi nội dung gì qua tin nhắn điện thoại, Yahoo Messenger, mạng xã hội Facebook hay những giờ la cà nơi này nơi nọ, thì chắc người ta cho rằng đa phần là giải trí, thời trang, phim ảnh và shopping.
Vâng, có lẽ như thế thật. Nhưng có bất ngờ cho người ta không, khi mà vẫn có rất nhiều những cuộc họp mặt, những trao đổi, những tin gửi cho nhau có nội dung về một con người, bạn của giới trẻ, đẹp về dung mạo, cao cả về sứ mạng và tối cao nhờ Thiên tính. Đó là Giêsu, tiếng nói cho một thế giới vẫn còn nhiều hy vọng.
Bạn chưa tin ư? Hãy nhìn vào những trang Facebook mà avatar là Thánh Giá hay gương mặt của Đức Giêsu, là hình ảnh của Mẹ Maria, các thánh hay hình ảnh cao đẹp khác. Tôi hỏi một bạn sinh viên Công giáo: “Em có sinh hoạt giáo lý hay ca đoàn không?” Em trả lời là không vì Chúa Nhật phải đi học thêm ngoại ngữ, chỉ còn đủ giờ đi lễ. Tôi đang suy nghĩ thì em cho biết là hàng tuần vẫn dành giờ để sinh hoạt đội quân áo xanh trong buổi cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa. Thật đáng quí.
Hãy nhìn những buổi họp mặt sáng Chúa Nhật hay một buổi tối rảnh rỗi nào đó, những con người thiện chí ngồi lại, và nói về Giêsu về đời sống chứng nhân, tuy âm thầm nhưng mãnh liệt.
Có một buổi trưa, vài ba anh chị em quây quần với nhau, chia sẻ về giáo huấn của Hội Thánh. Họ được đánh động bởi lời trích dẫn từ thư Thánh Phaolô: “Thật vậy, sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của mình mà kiếm hết thầy này đến thầy nọ, bởi ngứa tai muốn nghe. Họ sẽ ngoảnh tai đi không nghe chân lý, nhưng hướng về những chuyện hoang đường. Phần anh, hãy thận trọng trong mọi sự, hãy chịu đựng đau khổ, làm công việc của người loan báo Tin Mừng và chu toàn chức vụ của anh” (2 Tm 4,2-5).
Thánh Phaolô đã tiên đoán được một xã hội mà trong đó nhiều người muốn loại trừ Thiên Chúa, mọi thế lực đều cố tập trung để giành giật con người về phía thế gian. Chính trong viễn tượng không đẹp ấy, người ta nghe vọng lại giáo lý Công Giáo: “khi Giáo Hội “chu toàn sứ mạng công bố Tin Mừng là Giáo Hội làm chứng cho con người, nhân danh Đức Kitô: làm chứng cho phẩm giá của con người, cho ơn gọi sống hiệp thông giữa mọi người với nhau. Giáo Hội dạy cho con người biết các đòi hỏi của công lý và hoà bình phù hợp với sự khôn ngoan của Thiên Chúa”
Như vậy, rõ ràng sứ mạng công bố Tin Mừng hoàn toàn ngược lại với thực hành của thế gian là rêu rao những chuyện hoang đường. Những ngày này người ta hoang mang vì đủ loại tin tức khắp nơi, những chuyện mà các cụ hay bảo là “chẳng ra làm sao cả”. Bất công. Phi lý. Câm lặng. Hài hước nhất là có những người lấy danh nghĩa là bảo vệ những hình ảnh cao đẹp, lại lên tiếng mắng nhiếc kết án người khác, kể cả kết án các linh mục cao niên đáng kính.
Nhưng chính lúc ấy, người trẻ thấy gắn bó hơn với Hội Thánh, bởi lẽ khi họ thấy mọi thứ dần lộ vẻ “hoang đường”, họ hiểu ngay rằng họ không thể gắn bó đời mình với những điều phù phiếm, dù chúng được bọc trong lớp vỏ nào đi nữa. Và họ nhận ra rằng các giá trị tâm linh, điều mà có người gán cho là thuốc phiện mê dân, hóa ra lại là linh dược chữa lành mọi bệnh tật của tâm hồn con người.
Có điều thú vị là khi giới trẻ nhận ra thế gian không đáp ứng được những khát vọng cao quý của mình, họ dần dần hiểu được đâu là ánh sáng thật cho cuộc đời. Và còn gì an ủi hơn cho con người thời đại khi họ nhận ra rằng sứ mạng của Hội Thánh là “làm chứng cho phẩm giá của con người”.
Khi Giáo Hội làm chứng cho phẩm giá con người, Giáo Hội cũng bảo vệ những thuộc tính của phẩm giá ấy, bao gồm tất cả những gì liên quan đến phận người. Và do vậy, mọi thành phân dân Chúa có trách nhiệm trình bày cho giới trẻ, tương lai của Giáo Hội, sự thật đúng như bản chất của nó, không dùng những cách lý giải biện minh. Chẳng hạn bây giờ có những nỗ lực định nghĩa lại về công lý, về nhân phẩm, về sứ mạng v.v… Rất không nên làm cho giới trẻ có cảm tưởng một số người nào đó đang lẩn tránh đối diện với sự thật.
Chúng ta không nên nghĩ đơn giản là tuổi mới lớn không biết gì để rồi chỉ lo khuyên họ đi lễ đầy đủ là xong. Chính trong sự gắn bó với đời sống Hội Thánh mà giới trẻ yêu mến Đức Kytô, vị Phu quân chí thánh và là Đầu của nhiệm thể Hội Thánh. Cũng đừng dùng thư rơi, spam mail gửi cho giới trẻ mà chê trách Hội Thánh, các chủ chăn hay giáo dân thiện chí.
Giáo Hội Việt Nam chưa có quyền tham gia vào giáo dục. Chính vì thế mà trách nhiệm của các nhà giáo Công giáo và của các giáo lý viên, nhất là của các chủ chăn thêm nặng nề. Chúng ta vui mừng và hy vọng vào một lớp trẻ, lớp tuổi teen năng động, nhiệt thành, có thiện chí và yêu mến Giêsu, thần tượng của giới trẻ mọi thời. Trong niềm vui và hy vọng ấy, chúng ta cần thêm sáng kiến để có cơ hội giới thiệu gương mặt Đức Kytô, một người trẻ hôm qua và hôm nay và mãi mãi, cho giới trẻ hôm nay.
Tác giả: Lê Quang Vinh