VƯỜN NHO & DÂN TỘC MỚI





Trong một cuộc thăm dò ý kiến dân chúng ở Hoa Kỳ về vấn đề tôn giáo vào năm 2003, công ty Opinion Dynamics Corporation nói rằng hầu hết người dân ở Hoa Kỳ tin có Thiên Chúa – con số này lên đến 92% trong tổng số người được thăm dò -- đây là điểm vui mừng, nhưng điều đáng buồn là phần đông số người này cho rằng tôn giáo đóng một vai trò rất nhỏ trong đời sống của họ.1 Số người này chiếm đến 69%, con số này có lẽ phản ảnh quan điểm chung của loài người về Thượng Đế được nhận thấy trong các tôn giáo ở ngoài Kitô Giáo.

Nói chung, các tôn giáo này là sản phẩm của con người nên hầu hết sự tin tưởng của họ phản ánh những sự suy nghĩ của con người. Thí dụ, sinh hoạt xã hội của loài người thì dựa trên sức mạnh – mạnh được yếu thua, cá lớn nuốt cá bé – do đó, đối với họ, Thượng Đế phải là người biểu dương sức mạnh bằng những trận động đất, núi lửa, mưa bão, v.v. Họ cho rằng thiên tai là sự trừng phạt để chứng tỏ Thượng Đế mạnh hơn con người.

Để tránh cơn thịnh nộ của Thượng Đế, phản ứng của loài người cũng phản ảnh sự suy nghĩ thông thường của một người khi muốn lấy lòng người khác, đó là tâng bốc và tặng quà; đối với Thượng Đế đó là hình thức cúng tế các lễ vật, từ hoa quả đến thú vật. Tương tự như vậy, khi muốn xin xỏ Thượng Đế điều gì thì cũng phải “hối lộ” bằng các lễ vật để có được điều mình mong muốn. Đối với họ, hình ảnh Thượng Đế giống như một bạo chúa ở các quốc gia lạc hậu, nắm toàn quyền sinh sát trong tay mà dân chúng phải thần phục trong sự lo sợ, và dĩ nhiên họ không muốn đến gần, nếu có đến với Thượng Đế, đó là khi họ ở vào thế đường cùng, cần xin xỏ một ơn huệ gì đó.

Từ quan niệm “mạnh được yếu thua” dẫn đến một quan niệm nguy hiểm khác, đó là loài người không có một giá trị nào đáng kể đối với Thượng Đế. Sinh mạng con người bị coi quá rẻ đến độ người ta có thể nhân danh Thượng Đế để giết người khác; hoặc họ tin rằng có sự đầu thai từ kiếp người sang kiếp khác, kể cả kiếp của thú vật, và cây cỏ. Khi cho rằng con người không có giá trị, người ta đã quên đi một sự thật hiển nhiên, đó là, con người là sinh vật thượng đẳng trong các tạo vật bởi vì con người có lý trí để hướng dẫn hành động của mình, và chỉ có con người mới có thể làm chủ hành động của mình chứ con người không phải chiều theo bản năng sinh tồn giống như loài vật.

Quan niệm nói trên về Thượng Đế hầu như trái ngược với hình ảnh về Thiên Chúa theo Kitô Giáo. Thiên Chúa Giáo là tôn giáo được mặc khải. Thiên Chúa Giáo không phải là một sản phẩm do con người suy nghĩ hay tưởng tượng ra, nhưng Thiên Chúa Giáo được hình thành nhờ những tiết lộ của chính Thiên Chúa, lúc đầu qua các ngôn sứ người Do Thái, và sau cùng qua chính Thiên Chúa Nhập Thể là Chúa Giêsu Kitô.

Những giảng dậy của Chúa Giêsu được ghi nhận trong các phúc âm cho thấy Thiên Chúa đầy quyền năng nhưng cũng vô cùng nhân hậu. Loài người được Thiên Chúa dựng nên để vui hưởng tạo vật và để thờ phượng Thiên Chúa, nhưng tương quan giữa Thiên Chúa và loài người không phải là tương quan giữa chủ nhân và đầy tớ, mà là tương quan giữa cha mẹ và con cái. Đây là điểm cách mạng vô cùng khác biệt với hình ảnh Thượng Đế của loài người, và cũng vô cùng có lợi cho loài người chúng ta, nhưng tiếc thay, rất nhiều người không muốn chấp nhận hình ảnh Thiên Chúa là Cha mà họ chỉ muốn sống với thân phận tôi tớ, sợ hãi và xa cách Thiên Chúa.

Đối với Thiên Chúa, thế giới là mái nhà của đại gia đình mà công việc quản lý trái đất này được giao cho loài người. Dù da trắng hay da mầu, dù thông minh hay ngu dốt, tất cả mọi dân tộc đều có một bổn phận chung là cùng nhau chăm sóc, xây dựng một thế giới an bình.

Khi Thiên Chúa là Cha chung của nhân loại, loài người có một giá trị bất ngờ, đó là chúng ta được thừa hưởng những đặc tính của Thiên Chúa, là Cha chúng ta, trong đó có hai điểm quan trọng là sự tự do và tình yêu. Chính vì hai đặc tính này, tự do và tình yêu, Thiên Chúa không ép buộc loài người phải thi hành những điều Người mong muốn. Loài người có thể chọn vâng phục hoặc ngay cả từ chối Thiên Chúa. Đây là điểm được thấy trong bài phúc âm hôm nay.

Vườn nho mà chủ nhân giao cho các tá điền canh tác cũng có thể được hiểu theo nghĩa rộng là toàn thể trái đất mà Thiên Chúa giao cho loài người chăm sóc. Nhưng các tá điền trong bài phúc âm không muốn nộp hoa lợi cho ông chủ bởi vì họ tự coi mình là chủ, do đó, họ giết những người được Thiên Chúa sai đến.

Tương tự như vậy, con người ngày nay cũng không muốn trở nên những quản lý trung tín của Thiên Chúa – biết sử dụng tài nguyên thiên nhiên để đem lại sự sống, đem lại lợi ích cho mọi người trong đại gia đình nhân loại – mà họ đã chiếm quyền sở hữu, thao túng tài nguyên thiên nhiên một cách ích kỷ, đưa đến sự huỷ diệt chính mình.

Thí dụ điển hình là số thai nhi bị giết lên đến hàng triệu sinh linh chỉ vì nhiều người cho rằng họ làm chủ sự sống, và đối với họ, thai nhi là một ký sinh trùng sẽ cản trở sự tự do và lối sống phóng túng của họ.
Những việc khai thác tài nguyên trong lòng đất một cách tham lam của các chính phủ cũng đã gây nên nhiều thiệt hại cho môi sinh mà chính loài người chúng ta phải gánh chịu hậu quả.

Các cuộc chiến tranh trong lịch sử nhân loại đã giết chết hàng triệu người cũng là một hình thức tranh giành, phô trương sức mạnh giữa các quốc gia, dân tộc, khi con người cho rằng họ làm chủ đất đai và các tài nguyên thiên nhiên.

Đứng trước tội ác ghê tởm đó Thiên Chúa vẫn không trừng phạt như nhiều người tiên đoán, mà Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn sai đến các ngôn sứ để thay mặt cho Thiên Chúa cảnh tỉnh nhân loại. Và sau cùng Thiên Chúa đã đích thân đến với loài người và nói với loài người bằng ngôn ngữ của con người. Nhưng chính Thiên Chúa cũng đã bị loài người đóng đinh trên thập giá cách đây trên 2,000 năm về phương diện lịch sử, nhưng về phương diện tôn giáo, ngày nay con người vẫn tiếp tục đóng đinh Thiên Chúa qua những hành động tội lỗi khi họ chối bỏ Thiên Chúa.

Tương tự như “viên đá người thợ xây loại bỏ đã trở thành viên đá nền”, cái chết nhục nhã của Chúa Giêsu không phải là vô ích, nhưng qua cái chết đó Chúa Giêsu đã minh chứng cho loài người thấy rằng tội lỗi sẽ đưa đến sự chết, và chỉ có tình yêu mới đem lại sự sống.

Nếu bản tính của loài người là tranh giành, tham lam, và ích kỷ thì con đường Giêsu là chia sẻ cho tha nhân, sống thanh bạch, và biết nghĩ đến người khác. Nếu kiểu cách loài người là “mạnh được yếu thua, cá lớn nuốt cá bé” sẽ đưa đến sự chết, thì kiểu cách Giêsu là bác ái, hy sinh, giúp đỡ lẫn nhau sẽ đưa đến sự sống.

Chúa Giêsu chịu chết, với thân xác nằm trong huyệt mộ, là để loài người thấy rằng những gì ở đời này sẽ đi vào hư không – tất cả quyền lực, danh vọng, giầu sang cũng như sự nghèo nàn và đau khổ sẽ chấm dứt – nhưng sự chết không phải là tận cùng của đời người để rồi chúng ta phải tuyệt vọng. Thiên Chúa đã dựng nên con người mà Người tiền định cho một tương lai rực rỡ và huy hoàng, đó là được trường sinh bất tử với Thiên Chúa trong một thân xác lạ lùng giống như thân xác phục sinh của Chúa Giêsu – đó là ơn cứu độ, đó là mục đích sau cùng mà loài người chúng ta phải nhắm đến.

Trở về bài phúc âm hôm nay, qua câu hỏi của Chúa Giêsu với các thượng tế và kỳ mục Do Thái, chúng ta thấy đường lối của Thiên Chúa thì khác với sự suy nghĩ của loài người. Khi đứng trước các hành động ngạo ngược, hung bạo của các tá điền vì họ không nộp hoa lợi cho chủ nhân mà còn giết cả con trai của ông chủ, phản ứng của loài người là “ác giả ác báo”, nhưng đó không phải là câu trả lời của Chúa Giêsu.

Sau khi trình bày dụ ngôn các tá điền độc ác, Chúa Giêsu hỏi các thượng tế và kỳ mục, “Ông chủ vườn nho sẽ làm gì với những tá điền ấy khi đích thân ông đến?” Họ trả lời, “Ông ta sẽ bắt những tên độc ác ấy phải chết một cách khốn khổ, và giao vườn nho cho các tá điền khác thuê, để họ nộp hoa lợi cho ông khi đến mùa” (c. 40, 41).

Chính các thượng tế và kỳ mục là người kết án cái chết thảm khốc cho những tá điền độc ác. Và đó cũng là lời kết án cho chính họ, bởi vì, đời sống của họ đã không sinh hoa kết quả như Thiên Chúa mong muốn khi Người giao dân tộc Israel cho họ chăm sóc.

Thiên Chúa không muốn con người phải chết nhưng chính loài người gây ra đau khổ cho nhau. Sự kiện này được thấy trong thế giới hôm nay, loài người đang phải gánh chịu những hậu quả đau khổ do chính con người gây nên khi các quốc gia gây chiến với nhau vì tham lam tranh giành, khi các chính phủ ban hành những đạo luật không phù hợp với luân lý, khi con người chiều theo bản tính yếu hèn của mình để sống dễ dãi về tình dục, đưa đến những đổ vỡ trong hôn nhân và đời sống gia đình. Con người phải lãnh nhận hậu quả do chính mình gây nên.

Khi đứng trước cảnh tang thương của loài người, Thiên Chúa không bỏ cuộc. Người không bỏ rơi “vườn nho” của mình trong cảnh hoang tàn nhưng Thiên Chúa đã “trao cho một dân tộc mà họ biết làm cho nó sinh hoa lợi.”

Việc xây dựng Nước Trời giờ đây được trao lại cho những người theo Chúa Kitô – một dân tộc mới theo Tân Ước – họ được nuôi dưỡng bằng chính Mình và Máu của Chúa Kitô để có được sức mạnh và can đảm đi theo con đường Giêsu trái với đường lối thế gian, lấy bác ái làm nền tảng chứ không phải bạo lực, lấy bình an tâm hồn là phần thưởng chứ không phải của cải hay danh vọng.

Xây dựng luôn luôn là một công việc khó khăn và mất nhiều công sức. Nhưng xây dựng Nước Trời là một vinh dự mà Chúa Giêsu đã mở đầu cho những ai thấy được ý nghĩa mới của sự hy sinh.

Hy sinh không phải là khiếp nhược, không phải là yếu đuối, không phải là an phận, nhưng hy sinh là kết quả của một đời sống tích cực chiến đấu với bản thân để thắng được bản tính tự nhiên của con người là tham lam, hung bạo và ích kỷ.

Hy sinh là sống đúng với phẩm giá con người, là con cái của Cha chúng ta trên trời. Hy sinh là biết nghĩ đến và dám sống cho người khác như Chúa Giêsu – là người sẽ xét xử lối sống của chúng ta vào ngày chết – và cũng chính Chúa Giêsu là người nói với chúng ta rằng, khi chúng ta giúp đỡ người khác, dù chỉ là một ly nước được cho đi với lòng bác ái, nghĩa cử đó cũng có giá trị cứu độ (x. Mt 25:31-46).

Xin Chúa Thánh Thần ban ơn phù trợ để giúp chúng ta, những người theo Chúa Kitô, có thể chu toàn công việc “vườn nho” một cách tốt đẹp.


Pt Giuse Trần Văn Nhật

1. http://www.foxnews.com/story/0,2933,99945,00.html