GIÁO PHẬN BÙI CHU KHAI MẠC NĂM THÁNH



Hôm thứ sáu 07.12.2007, Bùi Chu khai mạc Năm Thánh kỷ niệm 150 năm dâng hiến Giáo phận cho Đức Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội tại Đền Thánh Phú Nhai – Nơi năm 1533 đã có giáo sĩ Inêkhu đến rao giảng Tin mừng, nơi có thánh đường được phong làm Đền Thánh sớm nhất Việt Nam (08.12.1866) cũng là nơi hiện có ngôi thánh đường đồ sộ và rộng lớn nhất Việt Nam.

Chúng tôi đến tới Phú Nhai khoảng 16 giờ chiều. Các con đường đổ về Đền Thánh cờ biển rợp trời, âm thanh tưng bừng rộn rã. Người xe nườm nượp, chen chúc. Đầu vào khu vực giáo xứ chúng tôi thấy mấy anh cảnh sát giao thông đang chỉ đường cho người ở xa về và dọn đường cho xe chở giáo dân về dự lễ.

Sáng nay Đức cha Giuse Hoàng Văn Tiệm đã chủ sự thánh lễ khánh thành Trung tâm Mục vụ của Đền Thánh Phú Nhai. Đây là một tòa nhà to đẹp và hiện đại nằm song song với Đền Thánh và mặt tiền hướng ra Đền Thánh.

Buổi chiều, khoảng 17 h 30, Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ, Giám mục Phụ tá, đã chủ sự thánh lễ khai mạc Năm Thánh. Có khoảng hơn 70 chục linh mục trong ngoài giáo phận đã đồng tế trong thánh lễ này mà một số đấng bậc đã về từ nước ngoài, từ Sài Gòn và Hà Nội.

Đền Thánh Phú Nhại hôm nay là nơi hội ngộ của nhiều người trong ngoài Giáo Phận, đặc biệt là những người quê Bùi Chu. Chúng tôi gặp rất nhiều người Bùi Chu làm nghề mua bán phế liệu, chạy xe ôm và lái taxi ở Hà Nội đều đã về quê và hôm nay cũng đang có mặt ở Đền Thánh này.

Trước thánh lễ là cuộc kiệu hoành tráng của giới trẻ và giáo lý viên kéo dài khoảng một tiếng rưỡi đi quanh Đền Thánh. Các ban trống, kèn, trắc, kiệu tham gia đoàn kiệu ăn mặc cực kỳ lạ mắt và biểu diễn những giai điệu và vũ điệu cực kỳ ấn tượng. Ai chưa xem rước kiệu ở Giáo phận Bùi Chu, cụ thể là ở Đền Thánh Phú Nhai này, kể như chưa biết đến một mảng văn hóa Công giáo rất độc đáo của vùng đất vốn là một trong những cái nôi đầu tiên của Công giáo Việt Nam này.

Thánh lễ diễn ra hết sức trọng thể. Trong bài giảng, Đức cha Phụ tá nhấn mạnh đến sự hy sinh vì niềm tin của các đấng tử đạo. Ngài cũng kêu gọi giới trẻ hãy học hỏi giáo lý sâu rộng để đạt đến một niềm tin vững chắc, một xác tín thiết thân, hầu vượt qua lối sống đạo theo thói quen trong khung cảnh truyền thống và đủ sức đứng vững khi ra thành phố sinh sống trong thời mở cửa và hội nhập này. Kết thúc thánh lễ Đức Cha đã cử hành nghi thức sai đi cho các anh chị giáo lý viên mà theo con số thống kê vừa tạc bia đá ở Trung tâm Mục vụ có đến 3885 người

Thánh lễ khai mạc diễn ra thật tốt đẹp. Trình độ tổ chức đại lễ ở Phú Nhai khó có nơi nào trong đạo ngoài đời sánh nổi: Các khâu trật tự, âm thanh, ánh sánh đều tuyệt vời. Dù điện công cộng bị cúp, nhưng bảo hệ thống máy phát điện riêng vẫn bảo đảm ánh sang rực rỡ, chan hòa cho toàn bộ khu Đền Thánh. Các chương trình trong thánh lễ, từng phần và toàn bộ các phần của từng hội đoàn, từng khu vực liên kết và phối hợp với nhau thật logic và hài hòa. Ca đoàn hát hết sức sốt sắng. Hiếm khi nào chúng tôi được nghe một ca đoàn hát hay và đạt các yêu cầu của phụng vụ như vậy.

Sau thánh lễ là chương trình văn nghệ mừng Năm Thánh. Như thường lệ, chúng tôi thấy các dòng nữ ở Bùi Chu đóng vai trò chủ lực. Các màn múa hát rực rỡ, hấp dẫn, các tiết mục diễn nguyện quy mô, sâu lắng và cảm động. Riêng hai nữ tu làm MC của chương trình văn nghệ -một của Dòng Mân Côi và một của Dòng Thăm Viếng- có trình độ chuyên môn khá cao. Lời dẫn và cử chỉ khiến cho những người khó tính nhất cũng cảm thấy hài lòng và bị thuyết phục. Ngay trong buổi văn nghệ, có một thùng đặt ở sân khấu cho giáo dân lên đóp góp giúp đồng bào bị lũ lụt Miền Trung.

Trong những năm qua, đông đảo các linh mục, chủng sinh, tu sĩ trẻ của Bùi Chu đi học ở nhiều nơi: Học Nam Định. Học Sài Gòn. Học Đà Lạt. Học Hà Nội. Học Nha Trang. Học ngoại quốc. Hình như hơn những vùng đất khác, người Bùi Chu vừa gìn giữ và phát huy được truyền thống của mình, vừa tiếp thu được nhiều cái tinh hoa của thiên hạ để làm phong phú cho mình?

Khoảng 10 h 30, chương trình văn nghệ kết thúc. Chúng tôi thấy giáo dân nằm ngủ la liêt trong thánh đường và khu vực nhà xứ. Nhiều tốp thanh niên đang ngồi vui chơi trên sân Đền Thánh. Có các em thiếu niên đá cầu hay đuổi bắt nhau dưới ánh đền cao áp. Người xe ra vào khu vực Đền Thánh vẫn nườm nượp. Hàng quán đủ loại đầy hai bên đường vẫn chen chúc người mua bán. Một người hành khất đang ngồi kiểm lại những gì bố thí. Duy nhất có một ông già đặt bảng xem tướng số và xem tay khoa học, nhưng ế khách-khác cảnh chen chúc xem tử vi ở Phủ Tây Hồ mùa lễ hội. Vùng đất có niềm tin tinh tuyền có khác. Lễ hội của người có niềm tin Công giáo có khác…

Trung Linh 07.12.2007
LM. Nguyễn Văn Khải, DCCT.