CHÚA NHẬT 2 MÙA CHAY A

Chúa biến hình
(Mt 17,1-9).


Thưa quí vị,

Năm mới nào cũng vậy, cứ vào thời gian ngay sau tết âm lịch, núi Bà Đen, Tây Ninh, nhộn nhịp hẳn lên vì khách hành hương từ các tỉnh tuôn đến xin xâm, bói quẻ ở chùa Bà, chùa Hang. Hai ngôi chùa ở lưng chừng núi, cách nhau hơn vài trăm mét. Nhưng tới được chúng quả là một hành trình vất vả, phải mất đến cả tiếng đồng hồ, leo các bậc thang bằng những viên đá đủ kích cở. Vậy mà hàng ngày có đến hàng ngàn hàng vạn khách đi xe đến viếng thăm. Những thanh niên khỏe mạnh có thể leo tới đỉnh núi, cao chừng hơn ba trăm mét. Nhưng tới được đỉnh thì quả là một phần thưởng: Không khí trong lành, mát mẻ, quang cảnh chung quanh bao la bát ngát, tầm mắt có thể phóng tới chân trời. Bên dưới là một bức tranh toàn cảnh đầy màu sắc: ruộng vườn, làng mạc, sông lạch, rừng rậm, cây cối xanh tươi, trâu bò làm đồng, người cầy cấy coi như con kiến. Quả là một bồng lai tiên cảnh. Thiết nghĩ đây là điểm du lịch hấp dẩn ngoài việc tín ngưởng, tâm linh.

Xin nhập đề như vậy để quí vị có thể tưởng tượng được nội dung biến cố Chúa biến hình trên núi Tabor hôm nay, Phúc âm không định vị rỏ ở đâu. Thánh Matthêu chỉ viết: ”Sáu ngày sau, Đức Giêsu đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông Giacôbê đi theo mình. Người đưa các ông ra riêng một chổ, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông”. Theo Luca thì việc này xẩy ra khi Chúa còn đang rao giảng ở Galilêa (Lc 9,28). Mathêu cũng đồng ý với Luca:” Từ lúc đó, Đức Giêsu bắt đầu tỏ cho các môn đệ: Người phải đi Giêrusalem, phải chịu đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết”(Mt 16,21). Truyền thuyết cho rằng ngọn núi đó là núi Tabor, ở giửa cánh đồng, gần Nazareth, cao chừng 750 mét, đúng như vị trí của núi Bà Đen, nhưng cao gấp đôi, vì Bà Đen chỉ hơn 300 mét cũng ở giửa đồng bằng chung quanh là làng mạc, sông ngò và rừng rậm. Ngày nay Tabor có đường xe hơi lên tận đỉnh núi. Thời Chúa Giêsu làm chi đã có, nên phải leo bộ, chúng ta cùng leo núi với Chúa.

Chiều cao này có ý nghĩa biểu tượng và khi lên được tới đỉnh, người ta cũng ở trong tiên cảnh bồng lai. Thánh Phêrô sau này hồi nhớ lại nên bảo Marcô viết: “Thưa Thầy chúng con ở đây thật là hay”, nghĩa là các ông cũng giống chúng ta ở đỉnh núi Bà Đen, nhưng theo nghĩa thiêng liêng, tức là các ông đang ở trong toàn cảnh thánh thiện trước mặt Đấng là sự thánh thiện tuyệt đỉnh. Ai có thể không có ý nghĩ như vậy?

Nhưng leo lên được đỉnh núi với Chúa không phải là chuyện dể dàng. Các ông phải lao động vất vả cả về nghĩa vật chất lẩn tinh thần. Những ai muốn thử kinh nghiệm xin đi Tây Ninh và leo lên đỉnh Bà Đen. Bảo đảm nhiều người sẽ chào thua mà trở về chân núi. Leo núi thánh thiện với Chúa cũng vậy, nếu không có ơn Chúa trợ giúp, chứ không phải như thiên hạ tưởng tượng.

Chắc chắn chúng ta phải leo cực nhọc, bước những bước khốn khổ trượt ngả trên đường đi đầy sỏi đá lởm chởm mới tới được ngọn núi thánh thiện. Rồi phải liên lỉ cầu xin ơn trợ giúp như Luca kể: ”Đang lúc Người cầu nguyện, thì dung mạo bổng đổi khác”(ibi). Cho nên người ta phải vất vả leo núi Tabor thiêng liêng cùng với Chúa và ba môn đệ Phêrô, Giacôbê, Gioan.

Vậy thánh thiện là gì, làm thế nào tới được bậc đó? Hôm qua thứ bẩy, Chúa nói:” Anh em hảy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”(Mt 5,48). Như thế Đức Giêsu định nghĩa thánh thiện là chính Đức Chúa Trời. Chúng ta phải rập theo khuôn mẩu đó mà sống. Cụ thể lối sống của Đức Giêsu khi còn ở trần gian. Chiều chuộng xác thịt, ăn cắp ăn trộm, lừa đảo, giả hình chắc chắn không phải là cuộc sống mà Đức Kito muốn. Chúng ta thường lấy mình ra làm “thước đo” mọi sự.

Thiên Chúa đã chỉ định cho ông Môsê ban lề luật cho tuyển dân mù quáng để họ biết đường hoàn thiện và thờ phụng Thiên Chúa cho phải đạo. Vì chính Thiên Chúa mới là ”thước đo” và mẩu mực cho nhân loại. Bây giờ Môsê cũng ở trên đỉnh núi với Đức Giêsu trong cương vị ban lề luật để trao quyền lại cho Chúa mà ông đã hằng tiên tri từ lâu trước. Lúc này Đức Giêsu vừa là người trao ban lề luật vừa là luật pháp cho nhân loại. Chúng ta vâng phục lời Ngài ra sao? Thật là khó, vì Ngài là Thiên Chúa vô cùng thánh thiện, làm sao loài người theo cho nổi?

Vì vậy Ngài phải “thích nghi” với điều kiện nhân loại trong biến cố nhập thể và Đức Chúa Cha đã phán: ”Này là con ta yêu dấu, đẹp lòng ta mọi đàng. Các ngươi hảy vâng nghe lời Ngài”. Như thế Đức Giêsu là lời giải thích, là lề luật cho mọi hành động của con người. Nhân loại phải suy tư về Ngài, học hỏi và bắt chước Ngài để nên trọn lành đích thực, chứ không giả hình lừa dối. Chính Ngài tự xưng là đường là sự thật, sự sống để chúng ta đi về với Thiên Chúa.

Việc thay hình đổi dạng khởi sự khi mổi linh hồn lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Lúc ấy chúng ta chết đi cho xác thịt để sống với Đức Kitô. Đời sống này không phải là tương lai, nhưng là hiện tại ngay lúc lãnh nhận thanh tẩy và là những nội dung chúng ta phải sống hàng ngày. Những ai suy nghĩ đời sống thánh thiện thuộc tương lai, thì hoàn toàn sai lầm và sai lầm thì phải trả giá. Chúa Giêsu không hề tuyên bố đời sống trọn lành thuộc về tương lai mà thôi. Ngài nhiều lần nhấn mạnh nó là cuộc sống hiện tại:” Xưa ta đói các ngươi không cho ăn, ta tù đày các ngươi đâu có viếng thăm ta?”. Cho nên vật lộn để sống đẹp lòng Thiên Chúa như Đức Kitô dạy là cấp thiết. Sự thực thánh thiện và cuộc sống vĩnh cửu đã ở nơi chúng ta ngay trong Bí tích Thánh Tẩy. Chúng ta phải phát triển nó từ tấm bé cho đến tuổi già. Giả dụ Thiên Chúa muốn chúng ta phải sáng tỏ sự thánh thiện của mình như Chúa Giêsu hôm nay trên núi Tabor, thì chúng ta cư xử ra sao và tiếng từ trời cũng phán: ông A, chị B, em C là những con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng, liệu mấy ai khoe mình được như vậy? Hay chỉ bằng môi miệng, lừa dối thiên hạ.

Nói như vậy không phải là ngoa, nếu nghĩ đến mỗi lần rước lễ xong. Bí tich Thánh Thể là chính sự hoàn thiện đang ngự trong mỗi linh hồn tín hữu, linh mục, tu, sĩ. Nó phải được chiếu sáng ra nếu các dục vọng của mỗi người không ngăn cản, phủ lấp đi. Mỗi khi chúng ta tham dự thánh lễ, làm việc bác ái, lãnh nhận các bí tích là tăng cường vẻ sáng ngời thánh thiện của tín hữu cho thiên hạ chiêm ngưỡng như một biến cố biến hình vậy. Nếu chúng ta trung thành với ơn gọi bằng suy nghĩ, lời nói, việc làm là lớn lên trong cuộc sống thiêng liêng. Mỗi khi cố gắng chu toàn bổn phận là leo núi Tabor.

Và con đường là thánh giá. Môsê và Êlia hiện diện trên núi thánh bàn bạc với Đức Kitô về cuộc khổ nạn của Ngài? Làm sao chúng ta tránh khỏi? Liệu chúng ta được phép xưng mình là môn đệ Chúa mà không phải vác lấy thập tự hàng ngày? Thánh Phaolô khuyên Timôteô:”Hãy chịu đựng gian khổ mà Phúc âm đòi hỏi”. Qúi vị nghĩ sao? Tận hưởng cuộc đời dễ dãi đầy tiện nghi và vẫn coi mình là môn đệ Chúa rồi hùng hồn rao giảng thập giá Đức Kitô! Trớ trêu quá.

Thôi, xin bỏ ngọn núi vật chất để nói đến quả núi thánh thiện mà Đức Kitô đã leo trong suốt cuộc sống của Ngài. Quả núi ấy là gì? Chẳng phải là xe hơi nhà lầu, kẻ sai người bảo mà là yêu thương phục vụ theo ý Đức Chúa Cha cho đến chết, và chết trên thập tự, chứ không êm ái trên giường bệnh hay nhà thương sang trọng, đắt tiền. Chết nhục nhã, chịu lăng nhục chửi bới chứ không điếu văn, diễn từ ca tụng. Đó là con đường người môn đệ Chúa phải nương theo trong cuộc sống để chu toàn theo thánh ý Thiên Chúa. Cụ tổ Abraham của bài đọc 1, đã 75 tuổi lìa bỏ tất cả, quê hương, tài sản di theo tiếng gọi vô hình của Đức Chúa Trời, lang thang thiếu thốn nơi đất khách quê người, không quản ngại điều chi trước tôn nhan Đức Chúa mà ông hết lòng kính sợ. Chúa Kitô phải chịu đựng nhiều hơn khi chu toàn mệnh lệnh của Đức Chúa Cha. Ngài ở giữa một đám đông thù nghịch, phản đối, chê cười, hận thù và giết chết. Hai mẫu gương cho nhân loại noi theo mà nên thánh thiện, chứ không phải chăn ấm nệm yên, ngày ngày yến tiệc linh đình. Đây là mẫu mực để chúng ta tuân giữ mùa chay và con đường hoàn thiện. Đức Giêsu cầu nguyện, ăn chay, chống trả cám dỗ, sống trong cô tịch, phục vụ người nghèo khó bệnh tật, yêu thương, đau khổ và chết, là khuôn mẫu mùa chay của các tín hữu, xin đừng cắt nghĩa kiểu khác để trốn tránh con đường thiêng liêng. Đó là bí quyết duy nhất để leo núi Tabor của chúa. Đường lên núi thánh không đi được bằng xe hơi, ngủ trong quán trọ nhà lầu, ăn cao lương mỹ vị như thiên hạ ngày nay biện minh. Con đường của họ chỉ có thể đưa xuống hố sâu của những người mù, như Đức Kitô đã cảnh cáo.

Cho nên khuôn mẫu để sống đẹp lòng Đức Chúa Cha không bao giờ thay đổi, từ ông Abraham, các tổ phụ, các tiên tri cho đến Chúa Giêsu. Bao lâu còn có tội lỗi trên thế gian, thì bấy lâu kẻ theo con đường thánh thiện của Thiên Chúa còn phải gánh chịu khổ nạn, tử đạo, chối bỏ từ tay thế gian ngay cả từ tay bạn hữu, người thân như Chúa Giêsu đã phải gánh chịu.

Đức Giêsu tóm gọn các giới răn, bát phúc, và các tiêu chuẩn thánh thiện vào cuộc sống yêu thương và phục vụ. Liệu chúng ta được phép đi con đường khác mà vẫn nên thánh? Quả là hoang tưởng khi người ta từ bỏ ăn chay, hảm mình, làm phúc bố thí, bác ái, đau khổ và cái chết nhục nhả để giữ các hình thức khác trong mùa hồng phúc!

Đến đây chúng ta đụng đến vấn đề cốt lõi: Bí quyết để nên trọn lành. Các vĩ nhân đều có bí quyết để thành công. Thí dụ: Thương gia, buôn bán phát tài. Không có luật trừ cho việc nên thánh. Những thiên tài này đều có một cảm tính đặc biệt để thành công, nằm sâu trong trái tim họ. Riêng trong lãnh vực tôn giáo chúng ta gọi các chuyên viên này là các thánh và họ đả kín múc cảm tính của mình trong Thiên Chúa nhập thể. Vậy muốn nên trọn lành như họ, chúng ta phải noi gương họ: Học hỏi, yêu mến Chúa Giêsu. Con đường ngắn nhất để được gọi là con yêu dấu của Thiên Chúa Cha đẹp lòng Ngài mọi đàng. Ước chi mùa chay này mọi tín hữu tìm được bí quyết và con đường ấy. Amen.

Tu viện Martinô, Hố Nai.
Lm Thomas Túy OP