Suy niệm Chúa Nhật XXVII thường niên - Năm A

LỜI CẢNH CÁO CỦA TIN MỪNG


Thưa quí vị,

Bài đọc I và III hôm nay rõ ràng là hai biểu tượng song song về vườn nho Thiên Chúa. Đọc cả hai một trật tôi tự nhiên bị cuốn hút về bài của tiên tri Isaia. Nhiều quí vị có lẽ ngược lại, tức bị bài Tin Mừng quyến rũ. Đó là khuynh hướng chung. nhưng cả hai đều có những đặc tính giống nhau. Vườn nho được Thiên Chúa thiết lập, ưu ái vun trồng, bảo vệ cẩn mật, xây dựng hàng rào, tháp canh, bồn đạp nho, thuê tá điền trông coi rồi chẩy đi phương xa, những mong vườn nho sinh trái tốt. Trong dụ ngôn của Isaia, chính vườn nho là nỗi thất vọng cho ông chủ. Nó sản xuất toàn nho xấu: dại và chua! Từ đâu ra? Bởi ông đã trồng toàn giống nho tuyệt hảo và không tiếc công săn sóc! Vậy thì chính vườn nho đã cư xử như vậy. Nó đã là một vườn nho cứng đầu và phản lọan. Lỗi là về phần nó, không phải về phần người vun trồng.
Nếu quí vị là một người Do Thái, khi nghe dụ ngôn này, quí vị liên tưởng ngay về nhà Israel, bởi dụ ngôn thường được hiểu theo nghĩa đó. Dân tộc Do- thái được Thiên Chúa tuyển chọn, vun trồng, săn sóc và canh chừng ngay từ thời tổ phụ Abraham. Cho nên tiên tri Isaia đã mời gọi: " Vậy bây giờ, dân Giêrusalem và người Giuđa xin hãy phân xử đôi đàng giữa tôi với vườn nho. Có làm gì hơn được cho vườn nho của tôi mà tôi đã chẳng làm? Tôi những mong trái tốt, sao nó lại sinh nho dại?" (Is 5, 3-4). Thất bại như vậy là về dân tộc Israel, bởi Thiên Chúa đã cư xử hết lòng với dân Ngài, không bủn xỉn, không buông lỏng. Tiên tri kêu mời mọi người hồi tâm suy nghĩ, đưa ra lời kết án và áp dụng cho chính bản thân mình.

Những cư dân thành thị có lẽ không cảm thấy thấm thía do hình ảnh tiên tri Isaia nêu ra, nhưng những nông dân hay người canh tác vườn tược, nông trại, thì quá rõ. Ruộng đồng thường xuyên "nổi loạn" do thời tiết xấu hay sâu rầy phá hoại. Người ta thường nói: làm nông như thể đánh bại với trời đất. Một năm mất mùa, ba năm nhịn đói. Đó là nguyên do chính gây ra đói khổ ở các miền quê, đồng khô cỏ cháy. Nếu như mưa thuận, gió hòa đều đều thì đời sống nông thôn đỡ khổ, nhưng ít khi được như vậy, thường xuyên là một cái may chín cái họa. Gieo trồng nhiều khi mất trắng. Nhìn cánh đồng mất mùa, người vô tâm lắm cũng phải xót xa, rơi lệ. Tôi đã nhiều lần ngồi với nông dân để bàn tính vay vốn làm vụ tiếp, có người mếu máo nói như khóc, thốt chẳng ra lời. Đó là hình ảnh có thật trên các ruộng đồng thế giới. Riêng từng quốc gia, hoàn cảnh có lẽ còn thê thảm hơn nhiều. Nó được vị tiên tri vĩ đại của người Do thái vay mượn để mô tả tính phản loạn luân lí của loài người trước tôn nhan Thượng Đế!

Bởi lẽ đó, ông nội tôi rất sợ đói. Ông di cư từ Âu châu sang Mỹ. Trong mảnh vườn sau nhà chúng tôi ông trồng toàn rau xanh ăn được, không một bông hoa, không một cây vô ích. Xuân chớm sang ông đã ươm hạt cà chua vào các khay nhựa, giấu trong phòng ấm để cho nó nảy mầm. Hai tháng sau, ông chuyển xuống luống, đất mầu và phân tro được vun xới đều tay. Ông còn tham lam trồng chung vào luống một số cây thu hoạch sớm. Sau đó, ông tưới nước, làm cỏ, tỉa cành, làm hình nộm đuổi chim suốt cả những tháng mùa hè. Chẳng ngày nào mà ông không lao động giữa những luống rau yêu quí: quan sát, ngắm nhìn, lục lọi và chờ đợi. Rồi đến những ngày thu hoạch: mận, đào, bắp cải, hồ tiêu, tía tô, mùi tàu… đủ mọi thứ hoa màu. Cả nhà vui lây cái vui của ông nội. Được vài vụ, mảnh đất trở nên bạc màu, ông cố gắng bón thêm phân tro, nhưng chẳng đủ những chất mà rau cỏ của ông đã lấy đi. Ông lao động cực nhọc, năng suất vẫn kém. Ông nói mảnh vườn đang trở nên phản loạn, giống như vườn nho trong dụ ngôn hôm nay. Thế là ông mua xi măng về tráng hết làm sân chơi cho con cháu.

Trong phần đầu của bài đọc 1, người kể chuyện nói ông có người bạn thiết lập vườn nho, nhưng ở phần hai ông chuyển vai trò người bạn đó thành Đức Chúa của Israel. Thiên Chúa nói với dân Ngài. Ngài đe dọa phá bỏ hàng rào bảo vệ vườn nho. Chặt phá và làm tan hoang những chi Ngài đã trồng. Mặc cho trâu bò và các thú vật khác vào phá phách, không tỉa cành, không nhổ cỏ, không mưa, không nước tưới. Hoang tàn và đổ nát. Cảnh tượng đó chính là hình ảnh Israel hiện thời. Thật khó chấp nhận cho dân cư Giêrusalem! Cuộc đời của tuyển dân sẽ ra thế nào khi Thiên Chúa không chăm sóc họ nữa! Thiên Chúa đã không trồng cây nho dại. Ngài đã không hề thiết lập một dân để nổi loạn. Nhưng tất cả đã xảy ra ngoài ý muốn của ông chủ vườn nho. Đây là cơ hội để mọi người hồi tỉnh, suy nghĩ thấu đáo về Thiên Chúa công chính, đầy lòng xót thương và khoan dung: " Làm chi hơn được cho vườn nho của tôi mà tôi không làm?" Lời tiên báo của tiên tri Isaia đã có những ứng nghiệm ghê gớm trong lịch sử. Trước nhất, phần đất Samaria đã bị quan quân Assyria phá hủy bình địa năm 721 trước công nguyên. Rồi đến Giêrusalem bị vua chúa Babylon vây hảm và triệt hạ năm 587 trước Chúa Giêsu. Gần đây nhất là đất nước Do thái bị người Roma phá sạch năm 70 sau công nguyên. Cho đến ngày hôm nay dân tộc Do thái vẫn chưa hồi phục hoàn toàn. Người ta tự hỏi, từng Giáo hội địa phương có chịu chung số phận, nếu họ không ngoan ngoãn vâng lời Thiên Chúa?

Nhưng trước mắt có những ứng dụng rõ ràng. Thiên Chúa giống như những bậc làm cha mẹ, sau bao nhiêu năm tháng sinh thành và giáo dục con cái, "còn cái chi tốt mà cha mẹ đang tâm từ chối chúng nó?", thế mà có những đứa nổi lọan, kéo bè, kéo đảng phạm tội xã hội đen, trộm cắp, giết người, cướp của, xì ke, ma túy. Đúng như tiên tri phàn nàn về nhà Israel. Thiên Chúa tìm kiếm họ sống công bình, thì này chỉ thấy đổ máu, đợi chờ họ làm điều chính trực, mà chỉ nghe vẳng tiếng khóc than. Sau hết mọi ơn lành Chúa rộng rãi ban cho chúng ta, Ngài chẳng khát khao gì hơn một nếp sống ngay chính, hòa hợp, thương yêu, lương thiện, hạnh phúc. Người quyền thế không áp bức kẻ yếu hèn, người giàu có không khinh thường kẻ nghèo khó.Tất cả đều sống bình an "dưới cánh tay Thiên Chúa".

Mấy tháng trước của năm 2002, chúng ta đã họp hội nghị để bàn về từ ngữ này: dưới cánh tay Thiên Chúa( under God). Và đã nhất trí xác định ý nghĩa của nó như một đặc tính của nước Mỹ giàu có, vĩ đại và đầy uy quyền. Nhưng xin hãy phân tích kỹ lưỡng xem thực tế có đúng như thế không? Vĩ đại thì có, quyền uy cũng có, giàu sang cũng có, nhưng công lý thì sao? Có được như cái nhìn của vị ngôn sứ không? Mọi người có được bình đẳng trước pháp luật? Có nhóm người nào bị tách riêng ra và trở thành nạn nhân vì kì thị tín ngưỡng, màu da, giới tính, văn hóa, kinh tế? Nếu vậy thì chúng ta phải làm gì trong tình thế hiện tại? Chúng ta phải sản xuất những hoa quả nào, to hoặc nhỏ cho đẹp lòng chủ nhân ông vườn nho? Và ý nghĩa của câu xác định trên mới có tính thuyết phục quốc gia.

Còn về Giáo hội Hoa Kỳ, dân riêng của Đức Chúa Trời, vườn nho ngọt ngào của Thiên Chúa các đạo binh (the vineyard of the Lord of hosts) dụ ngôn của tiên tri Isaia càng làm cho chúng ta nhức nhối. Chúng ta hãnh diện vì đức tin của mình bắt nguồn từ chính Thiên Chúa. Tay Ngài đã gieo trồng hình ảnh Đức Kitô trong linh hồn chúng ta. Nuôi dưỡng bằng bánh Thánh và Lời hằng sống, gửi đến hằng hà sa số các vị truyền giáo, thầy dạy đức tin, gương sáng, chứng tá Phúc âm. Nhưng những bằng chứng cụ thể không chối cãi được vừa qua đã nói lên điều gì? Hãnh diện hay xấu hổ? Tốt lành hay sa đọa? Chúng ta đã hối cải, đền bù thỏa đáng những thiệt hại vật chất và khôi phục dần tinh thần. Nhưng bài học cay đắng vẫn còn nguyên vẹn ở đó. Xin Ngài canh tân khi chúng ta lạnh nhạt, dẫn dắt về khi chúng ta đi lạc, bảo vệ khi chúng ta gặp thử thách gian nan. Cho nên, điều trước nhất trong mỗi thánh lễ, mỗi giờ kinh phụng vụ, chúng ta hãy dâng lên Thiên Chúa lời cảm tạ tri ân về tất cả những chi Ngài đã làm cho Giáo hội Hoa Kỳ xét như toàn thể, từng cộng đoàn hay từng cá nhân.

Sau đó, luôn luôn cảnh giác trước những cám dỗ, dùng các câu chất vấn của vị tiên tri mà răn dạy mình: Thiên Chúa đã làm cho chúng ta tất cả mọi sự ấy, vậy hoa quả đúng mùa của chúng ta ở đâu? Ngài kiếm tìm công bình thì chỉ thấy toàn đổ máu, chờ đợi điều chính trực mà chỉ nghe vẳng tiếng khóc than. Chúng ta đã ưu tiên cho người nghèo khổ chưa? Bênh vực kẻ yếu thế cô thân chưa? Nuôi dưỡng cô nhi quả phụ thế nào? Mở mắt cho người mù. Đưa ra khỏi tù những kẻ bị giam cầm? Và còn nhiều câu hỏi khác tương tự, khó lòng mà trả lời thỏa đáng. Chúng ta cần nhiều lòng thương xót của Thiên Chúa để mở rộng linh hồn đón nhận anh chị em mình, thỏa mãn những yêu sách căn bản của vị ngôn sứ.

Lúc ấy, tương lai Giáo hội chúng ta mới còn hy vọng, hàng ngàn nhà truyền giáo của chúng ta ở hải ngoại mới đủ can đảm ngẩng đầu nhìn về quê hương, giới trẻ trong nước mới hồ hởi xây dựng Hội thánh công bằng và bác ái. Xin đừng bao giờ để lời cảnh cáo của Tin Mừng hôm nay biến thành hiện thực: "Bởi đó tôi nói cho các ông hay Nước Thiên Chúa sẽ bị lấy đi mà ban cho dân tộc khác biết làm cho nó sinh hoa kết trái." (Mt 21, 43). Amen.

(Thọ Mai chuyển ngử)

Lm Jude Siciliano, OP.