Cuộc tông du Đất Thánh (9)


Hòa bình, hy vọng chung

“Chúng tôi mong đợi Đức Giáo Hoàng như con cái mong đợi người cha”, lời phát biểu của Eli Hajjar quả đã tóm lược được hết cảm thức mong chờ của Kitô hữu đối với chuyến tông du Đất Thánh của Đức Thánh Cha.

Ngài đã tới Do Thái vào ngày hôm nay, 11 tháng Năm, sau khi lưu lại Giođăng ba ngày và chỉ trở lại Rôma vào Thứ Sáu này. Theo chương trình, ngài sẽ đọc 29 bài diễn văn trong suốt cuộc hành trình này.

Hajjar, một sinh viên 21 tuổi của Đại Học Bêlem, người dạy giáo lý cho trẻ em và làm nhiều việc xã hội giúp đỡ người cao niên, mong rằng cuộc tông du của Đức Giáo Hoàng sẽ diễn tiến thanh thản. Theo anh, “Ngày nay, Kitô hữu, và nhất là người Công Giáo rất hy vọng Đức Giáo Hoàng sẽ mang lại hòa bình cho cuộc sống của chúng tôi. Người Do Thái Giáo và người Hồi Giáo cũng hy vọng được biết con người vĩ đại vốn là người kế vị Thánh Phêrô này một cách tốt hơn”

Bêlem

Bêlem cũng đang đầy hy vọng chờ đợi Đức Giáo Hoàng. Vicenzo Bellomo, một giáo dân Ý thuộc phong trào Fidei Donum (Ơn Phúc Đức Tin), từng ở Trung Đông ba năm nay, và hiện làm việc với cơ quan trông coi Đất Thánh của dòng Phanxicô, tại vùng Bêlem, nhận xét rằng: “Cuộc thăm viếng Bêlem là một cuộc thăm viếng lãnh thổ hiện đang bị vây kín chung quanh. Muốn ra khỏi đây, bạn cần có giấy phép. Gần giống như đến thăm người tù vậy, mặc dù đây là một địa điểm hết sức đặc biệt”.

Đức Giáo Hoàng sẽ cử hành một Thnáh Lễ tại đây vào hôm Thứ Tư. Bellomo cho hay: người ta đặt “niềm hy vọng tươi đẹp, đầy hứng khởi và tin tưởng sâu sắc vào vị Giáo Hoàng này. Họ hy vọng ngài sẽ có những lời nói lên sự thật về Gaza và về tình huống các Kitô hữu tại đây”.

Nadarét

Thánh lễ lớn sau cùng của Đức Thánh Cha trong chuyến tông du Đất Thánh lần này sẽ diễn ra tại Nadarét vào hôm Thứ Năm. Nhiều người đang mong chờ cho ngày ấy mau đến. Cha Renato Rosso, Dòng Cát Minh Không Giầy, đang tổ chức các chuyến xe buýt cho giáo dân thuộc giáo xứ Thánh Giuse, là giáo sứ theo nghi lễ Latinh duy nhất tại Haifa, trong đó có khoảng 100 thanh niên Công Giáo Tiến Hành. Cha bảo: “Đối với phần đông những người này, đây là lần đầu không những được thấy Đức Giáo Hoàng mà còn được tiếp xúc với anh chị em Kitô hữu từ khắp nơi trên thế giới”. Hòa bình cũng là niềm hy vọng chính của các Kitô hữu này: “Người Do Thái Giáo và người Hồi Giáo coi chuyến tông du này như dấu chỉ tái khẳng định ý chí hướng tới hòa bình và tìm ra giải pháp cho các vấn đề lớn lao của cộng đồng Palestine”.

Kêu gọi một quê hương an ổn cho mọi người

Ngày 11 tháng Năm, vừa từ Giođăng đặt chân tới phi trường quốc tế Tel Aviv của Do Thái, Đức Giáo Hoàng đã nhấn mạnh tới nhu cầu phải chấm dứt các tranh chấp tại Đất Thánh để tìm ra một giải pháp hòa bình và công chính đảm bảo một quê hương an ổn cho mọi người.

Trước sự hiện diện của Tổng Thống Simon Peres, Thủ Tướng Benjamin Netanyahu, và nhiều chức trách dân sự và nhiều vị giám mục tại Đất Thánh, Đức Giáo Hoàng khẳng định rằng ba tôn giáo độc thần vĩ đại là Kitô Giáo, Do Thái Giáo và Hồi Giáo có chung “một niềm tôn kính đặc biết” đối với Giêrusalem. Ngài hết sức hy vọng “mọi khách hành hương thăm các nơi thánh sẽ được thăm những nơi này một cách tự do, không bị một hạn chế nào, ngõ hầu có thể tham dự các nghi lễ tôn giáo và cổ vũ việc duy trì xứng đáng các nơi thờ phượng tại các địa điểm thánh thiêng ấy”.

Ngài buồn rầu nhận định rằng: “Dù tên Giêrusalem có nghĩa là thành phố hòa bình, nhưng suốt nhiều thập niên qua, điều hiển nhiên là hòa bình vẫn xa vời một cách thảm thương đối với cư dân của mảnh đất thánh thiêng này”.

Ngài bảo “Con mắt thế giới đang nhìn về phía các dân tộc của vùng này trong khi các dân tộc này đang cố gắng thực hiện cho bằng được một giải pháp công lý và bền vững cho các cuộc tranh chấp từng đem lại xiết bao đau thương… Niềm hy vọng của không biết bao nhiêu người đàn ông, đàn bà và trẻ em vào một tương lai an toàn và ổn định hơn tùy thuộc kết quả các cuộc thương thảo hòa bình giữa người Do Thái và người Palestine”.

Ngài nói tiếp: “Hiệp ý với người thiện chí ở khắp nơi, tôi khẩn khoản xin mọi người có trách nhiệm hãy thăm dò mọi ngả đường có thể để tìm ra một giải pháp công bình cho các khó khăn nổi bật hiện nay, ngõ hầu cả hai dân tộc được sống hòa bình trên mảnh đất quê hương riêng của họ, bên trong các biên giới an toàn và được quốc tế công nhận. Về phương diện này, tôi hy vọng và cầu xin để một bầu không khí tin cậy hơn không bao lâu nữa sẽ được tạo ra, giúp các bên có khả năng thực hiện được tiến bộ thực sự trên con đường hòa bình và ổn định”.

Về phần các cộng đồng Kitô Giáo tại Đất Thánh, Đức Thánh Cha thúc giục họ “Bằng chứng tá cầu nguyện của các con đối với Đấng từng rao giảng sự tha thứ và hòa giải, bằng việc dấn thân của các con trong việc duy trì tính thánh thiêng của sự sống nhân bản, các con có thể góp phần một cách đặc thù vào việc chấm dứt các mối thù địch từng giáng họa bao lâu nay trên mảnh đất này”.

Về phần Tổng Thống Peres, khi lên tiếng chào mừng Đức Thánh Cha, Ông gọi cuộc tông du này là một “sứ mệnh hòa bình”. Ông nói: “Chúng tôi từng thực hiện hòa bình với Ai Cập và Giođăng, và hiện chúng tôi đang có những cuộc thương thảo tạo hòa bình với người Palestine, và đã tiến tới một nền hòa bình tổng thể cho từng khu vực”. Ông cho rằng cuộc tông du của Đức Thánh Cha “đem tới một cái hiểu đầy phúc đức giữa các tôn giáo và gieo rắc hòa bình khắp mọi nơi”

Đối thoại liên tín ngưỡng, đường dẫn tới hòa bình

Trong bài diễn văn công khai lần thứ hai tại Do Thái, Đức GH Bênêđíctô XVI nhấn mạnh đến tầm quan trọng của cuộc đối thoại liên tôn trong việc mưu cầu hòa bình, khi được Tổng Thống Peres nghênh đón tại dinh tổng thống ở Giêrusalem vào ngày hôm nay, 11 tháng Năm.

Tại dinh này, Đức GH đã trồng tượng trưng một cây ở vườn của dinh trước mặt nhiều yếu nhân chính trị và tôn giáo. Sau đó, là cuộc trao đổi đầy cởi mở giữa nhà lãnh đạo Do Thái và Đức Thánh Cha. Sau đó, Đức Thánh Cha nói truyện với mọi người hiện diện. Theo ngài, hoà bình trước hết là hồng ân của Thiên Chúa, một hồng ân ta chỉ có thể nhận được khi ta chịu đi tìm Thiên Chúa “bằng trọn trái tim mình”. Ngài nhấn mạnh: “Đóng góp đặc thù của tôn giáo vào việc mưu cầu hòa bình chủ yếu hệ ở việc tìm kiếm Chúa hết lòng hết dạ và đầy hợp nhất… Chính sự hiện diện đầy năng động của Thiên Chúa đã lôi kéo các trái tim lại với nhau và bảo đảm sự hợp nhất”.

Theo Đức Giáo Hoàng, an ninh “phát sinh từ sự tin tưởng [lẫn nhau] và không phải chỉ là việc không có đe dọa nhưng còn là việc cảm nhận được sự thanh bình và tự tin. Trong kế sách của Thiên Chúa dành cho thế giới, an ninh, chính trực, công lý và hòa bình, là những điều không thể tách biệt được với nhau. Không một cá nhân, một gia đình, một cộng đồng hay một quốc gia nào được miễn chước khỏi nhiệm vụ phải sống trong công lý và làm việc cho hòa bình”.

Để kết luận, Đức Thánh Cha cho mọi người hay: “tôi vốn nghe được tiếng kêu của những người đang sống tại mảnh đất này. Tiếng kêu này đòi công lý, hòa bình, và sự tôn trọng phẩm giá họ, đòi một nền an ninh bền vững, đòi một cuộc sống hàng ngày không phải sợ sệt vì bị đe dọa từ bên ngoài và những bạo lực vô nghĩa. Và tôi cũng biết rằng vô số đàn ông, đàn bà và người trẻ đang cố gắng làm việc cho hòa bình và tình liên đới qua nhiều chương trình văn hóa và qua nhiều sáng kiến nhằm nới rộng vòng tay cảm thương và thực tiễn; khiêm hạ đủ để tha thứ, những con người này đã can đảm nắm lấy giấc mơ vốn là quyền lợi của họ”.

Vị Giáo Hoàng người Đức tại đài kỷ niệm Diệt Chủng

Linh mục Caesar Atuire, quản trị viên đặc nhiệm của Opera Romana Pellegrinaggi, một định chế của Vatican nhằm phúc âm hóa bằng du lịch, người tháp tùng Đức Bênêđíctô XVI trong chuyến tông du lần này, nhận xét rằng việc đức Thánh Cha tới viếng đài kỷ niệm Diệt Chủng Yad Vashem tại Giêrusalem là một sứ điệp rất mạnh cho toàn thể Giáo Hội.

Cha cho rằng việc chọn Yad Vashem như là một trong các điểm đến thăm đầu tiên ở Do Thái là một động thái can đảm. Trong một bài diễn văn cảm động tập chú vào tầm quan trọng của một cái tên, Đức Thánh Cha nói tại đài tưởng niệm này như sau: “Nhìn các khuôn mặt phản chiếu trong hồ nước đang êm đềm tĩnh lặng tọa lạc trong khuôn viên đài tưởng niệm này, người ta không khỏi nhớ tới việc mỗi người trong số họ đều mang một cái tên. Tôi chỉ có thể tưởng tượng ra nỗi chờ mong đầy hân hoan của cha mẹ họ lúc các ngài lo lắng chờ đợi con cái mình sinh ra. Mình sẽ cho đứa con này cái tên nào đây? Nó sẽ ra sao ngày sau? Không ai có thể tưởng tượng được chuyện chúng lại bị kết tội phải chịu một số mạng đáng trách đến thế!”

Cha Atuire nghĩ rằng lời lẽ của Đức Thánh Cha không phải chỉ là những suy tư cá nhân của ngài mà là những lời của người đứng đầu Giáo Hội. “Giáo Hội Công Giáo bác bỏ tất cả những gì là bạo lực và tôi nghĩ rằng: vào thời điểm Đức Giáo Hoàng thăm viếng xứ sở này, quả là thích hợp để khẳng định rằng tất cả chúng ta đều có sứ mệnh được Đức Thánh Cha trình bày trong bài diễn văn của ngài, là làm việc để những thảm kịch này không xẩy ra nữa trong lịch sử nhân loại”.

Mặt khác, theo cha Atuire, “Đức Giáo Hoàng là người Đức, một quốc gia mà người tổ chức ra Nạn Diệt Chủng, tức nhóm Quốc Xã, vốn thuộc về”. Điều này càng làm tăng ‘trọng lượng’ cho sứ điệp của ngài cũng như cuộc hành hương của ngài tới Đất Thánh.

Lời lẽ của ngài càng hùng hồn hơn khi ngài cho biết: “chúng ta không muốn những việc này được lặp lại, và khi đã giáp mặt với tính hãi hùng của những gì xẩy ra, chúng ta cần phải học cách làm mọi sự có thể làm được để thế giới này trở thành một thế giới tốt hơn”.

Tôn giáo không thể là nguồn gây chia rẽ

Trong buổi gặp gỡ đại diện các tổ chức đối thoại liên tôn tại Đất Thánh vào hôm nay, 11 tháng Năm, Đức Giáo Hoàng khẳng định rằng cần phải tôn trọng các dị biệt tôn giáo và cổ vũ những gì kết hợp chúng ta.

Cuộc gặp gỡ trên diễn ra tại hội trường Trung Tâm Viện Giáo Hoàng Đức Bà Giêrusalem do Đức GH Gioan Phaoloô II thiết lập, dành cho các chương trình tôn giáo, văn hóa, bác ái và giáo dục. Trước các đại diện Kitô Giáo, Do Thái Giáo, Hồi Giáo, Druze và Samaria, Đức Giáo Hoàng đọc một bài diễn văn bằng tiếng Anh và ghi nhận rằng: “một số người khiến chúng ta tin rằng các dị biệt của chúng ta tất yếu là nguyên nhân gây chia rẽ và do đó cùng lắm chỉ nên khoan dung”.

Ngài nói tiếp: “Một ít người còn chủ trương rằng tiếng nói của chúng ta cần bị giập tắt. Nhưng chúng ta biết rằng các dị biệt của chúng ta không bao giờ được trình bày sai lạc như là nguyên nhân tất yếu của va chạm hay căng thẳng giữa chúng ta cũng như trong xã hội nói chung”. “Đúng hơn, các dị biệt ấy phải đem lại cơ hội tốt đẹp để người của các tôn giáo khác nhau có thể sống với nhau trong sự tôn trọng, qúi mến và đánh giá lẫn nhau một cách sâu sắc, khích lệ lẫn nhau trong đường lối Thiên Chúa”.

Đức GH khuyến khích các người tham dự cuộc gặp gỡ “hãy can đảm tiến lên, tôn trọng mọi điều dị biệt chúng ta và cổ vũ mọi điều kết hợp chúng ta trong tư cách các tạo vật được chúc phúc bằng ý nguyện đem hòa bình lại cho các cộng đồng của chúng ta và cho toàn hế giới”.

Biến cố không hay

Sau bài diễn văn của Đức Giáo Hoàng, Giáo Sĩ Hồi Giáo Taysir Tamimi, thẩm phán tối cao của Các Tòa Án Hồi Giáo tại Giêrusalem, đăng đàn diễn thuyết mặc dù ông không có trong chương trình chính thức, và phát động một cuốc tấn công bằng lời chống Do Thái bằng tiếng Ả Rập.

Trong khi ông đang nói, giữa sự ngỡ ngàng của mọi người, thì hai người theo Do Thái Giáo rời ghế ngồi của mình. Đức Thượng Phụ Latinh của Giêrusalem là Tổng Giám Mục Fouad Twal, tiến lên để ngăn cản vị giáo sĩ Hồi Giáo trên. Đức Giáo Hoàng, vì không hiểu tiếng Ả Rập, nên không rõ điều vị giáo sĩ này phát biểu.

Sau biến cố này, Cha Federico Lombardi, giám đốc báo chí của Tòa Thánh, đã phân phối một bản tuyên bố cho rằng lời phát biểu của vị giáo sĩ Hồi Giáo kia “không được các nhà tổ chức cuộc gặp gỡ dự trù”. Cha cho hay: “Trong một cuộc gặp gỡ dành cho việc đối thoại, việc can thiệp như thế quả đã trực tiếp bác bỏ nội dung phải có của đối thoại. Chúng tôi hy vọng rằng một biến cố như thế sẽ không phá hoại được sứ mệnh của Đức Giáo Hoàng nhằm cổ vũ hòa bình và cả đối thoại liên tôn, như ngài đã khẳng định rõ ràng nhiều lần trong chuyến hành hương lần này”. Cha hy vọng: biến cố trên sẽ không làm trở ngại cuộc đối thoại liên tôn tại Đất Thánh.

Nhận định trên Bản Tin CBS

Linh mục Thomas D. Williams, thuộc Đạo Binh Chúa Kitô (www.thomasdwilliams.com), một nhà thần học Mỹ sống tại Rôma, có cung cấp một bài bình luận về chuyến đi của Đức Giáo Hoàng tới Đất Thánh, trên bản tin CBS.

Theo Cha, trong những ngày qua, nhiều người chỉ lưu ý tới điều Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI nói hay viết khi một ngôn từ hay một hành động nào đó của ngài khiến người ta không hài lòng hay khiến giới truyền thống tò mò chú ý. Dĩ nhiên, thái độ ấy dẫn tới lối nhìn một chiều và đầy tiêu cực về đường lối của Đức Bênêđíctô trong ngôi vị Giáo Hoàng. Bởi thế, hầu như mọi người chỉ biết câu ngài trích dẫn năm 2006 trong bài diễn văn tại Regensburg, Đức Quốc, đã làm phật lòng người Hồi Giáo, và việc ngài tha vạ tuyệt thông cho bốn vị giám mục lạc giáo, mà một trong số họ đã bác bỏ Nạn Diệt Chủng, chứ ít ai chịu đọc các thông điệp của ngài về tình yêu và lòng hy vọng, hay nghe bài diễn văn của ngài về Thánh Phaolô và các giáo phụ đầu hết của Giáo Hội.

Cha Williams nói rằng: “Hôm qua, Đức Bênêđíctô cử hành Thánh Lễ ngoài trời tại Vận Động Trường Quốc Tế tại Amman. Tại nơi đó, một viên kim cương như thế lại đã không được giới truyền thông lưu ý. Tại một xứ sở đại đa số theo Hồi Giáo, Đức Bênêđíctô đã chọn để đưa ra một suy tư khá dài về phẩm giá người phụ nữ, bằng cách nhắc tới “đặc sủng tiên tri” của họ và đề cao họ là “người ấp ủ lòng yêu thương, thày dạy lòng nhân từ và là người kiến tạo hòa bình”. Theo ngài, nhờ làm chứng công khai cho việc tôn trọng phụ nữ, Giáo Hội tại Đất Thánh sẽ đóng góp đáng kể vào việc thăng tiến nền văn hóa có nhân tính thực sự và xây dựng được nền văn minh tình yêu.

Rồi vừa tới Do Thái vào sáng hôm nay, 11 tháng Năm, Đức GH không để mất thời gian, đã phá tan ngay dư vị hoài nghi cuối cùng đối với chủ trương của ngài về nạn Diệt Chủng. Thực thế, ngay tại phi trường Tel Aviv, ngài đã nói như sau: “Trong thời gian tôi lưu lại Do Thái, thật là đúng đắn và thích hợp khi được dịp vinh danh ký ức về sáu triệu nạn nhân Do Thái trong biến cố Diệt Chủng, và để cầu xin cho thế giới khỏi phải chứng kiến một lần nữa cái tội ác lớn lao cỡ ấy. Buồn thay, chủ nghĩa bài Do Thái vẫn tiếp tục ngoi cái đầu xấu xa lên ở nhiều nơi trên thế giới. Điều ấy hoàn toàn không thể chấp nhận được. Mọi cố gắng phải được đưa ra để đánh bại chủ nghĩa bài Do Thái ở bất cứ nơi nào nó hiện diện, và để cổ vũ lòng kính trọng và quí mến đối với thành viên mọi dân tộc, mọi bộ tộc, mọi ngôn ngữ và mọi quốc gia khắp mặt địa cầu”.

Cha Williams hy vọng rằng thiện chí hiển nhiên của Đức Giáo Hoàng trong mặt trận chống trả chủ nghĩa bài Do Thái sẽ nhận được thiện chí hỗ tương từ những người nghe ngài. Việc ngài sau đó tới thăm đài tưởng niệm Yad Vashem lại là một minh xác khác cho thấy cam kết của ngài đối với việc đẩy mạnh các mối liên hệ Do Thái và Kitô Giáo, cũng như một chủ trương thống nhất nhằm bảo vệ nhân quyền.

Sau hai biến cố trên, Cha Williams cho hay: ngài có nói truyện với một số người Do Thái ở ngoài phố, đại đa số hài lòng với chủ trương và đường lối của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô. Duy có một người cho cha hay: Đức Giáo Hoàng nên dùng từ “sát nhân” chứ không phải chỉ là “giết” để nói về trường hợp 6 triệu nạn nhân Diệt Chủng nói trên.

Theo cha Williams, cho đến nay, Đức Giáo Hoàng không những không tránh né vấn đề nào trong các sinh hoạt của ngài tại Đất Thánh; trái lại còn tích cực theo đuổi một con đường cao hơn, tức thách thức các thính giả của mình bước vào hòa bình, công lý, đối thoại và tôn trọng lẫn nhau.

Lời đầu tiên trên đất Do Thái là lên án chủ nghĩa bài Do Thái

Việc Thủ Tướng Benjamin Netanyahu cũng có mặt trong buổi nghênh đón Đức Giáo Hoàng tại phi trường Tel Aviv là một dấu chỉ có ý nghĩa cho thấy lòng kính trọng của ông đối với Đức Giáo Hoàng, vì việc nghênh đón này, theo truyền thống, chỉ cần có vị nguyên thủ quốc gia là Tổng Thống Simon Peres.

Đức Giáo Hoàng được hàng danh dự quân sự dàn chào trong khi quốc ca của Vatican và Do Thái được cử vang. Trong bài diễn văn bằng tiếng Anh, Đức Thánh Cha nói rằng: “Tòa Thánh và quốc gia Do Thái có chung nhiều giá trị, mà trên hết là cam kết dành cho tôn giáo chỗ đứng đúng đắn trong đời sống xã hội”.

Ngài nói tiếp: “Việc sắp xếp đúng đắn các liên hệ xã hội giả thiết và đòi phải có sự tôn trọng tự do và phẩm giá của mọi hữu thể nhân bản, những người mà người Kitô Giáo, người Hồi Giáo và người Do Thái Giáo đều tin là đã được Thiên Chúa đầy yêu thương tác tạo nên và dự tính cho hưởng cuộc sống vĩnh cửu. Khi chiều kích tôn giáo của con người nhân bản bị bác khước hay bị đẩy ra bên lề, thì chính nền tảng để hiểu đúng đắn các nhân quyền bất khả nhượng sẽ bị đặt vào thế lâm nguy. Thảm họa thay, dân tộc Do Thái đã phải kinh qua các hậu quả khủng khiếp của các ý thức hệ vốn bác khước chính phẩm giá nền tảng của mọi con người nhân bản”.

Sau khi vinh danh 6 triệu nạn nhân Do Thái của nạn Diệt Chủng, Đức Giáo Hoàng nói thêm: “Ước chi các lời sau đây của tiên tri Isaia nên trọn: nhiều dân tộc sẽ xuôi về núi thánh nhà Chúa, để Người dạy dỗ họ đường lối của Người, để họ đi trong đường lối của Người, đường lối hòa bình và công lý, đường lối dẫn tới hòa giải và hoà hợp”

Sứ mệnh hoà bình

Trong bài diễn văn nghênh đón Đức GH tại Phi Trường Tel Aviv, sau khi gọi chuyến đi của ngài là “sứ mệnh hòa bình”, Tổng Thống Do Thái, Simon Peres, đã nói như sau: “Tôi đánh giá cao các chủ trương và hành động của ngài trong việc hạ bệ mức độ bạo lực và hận thù trên thế giới. Tôi chắc chắn rằng điều ấy sẽ được tiếp tục trong cuộc đối thoại giữa Do Thái Giáo và Kitô Giáo trong tinh thần tiên tri. Tôi vinh danh các cố gắng của ngài trong việc nuôi sống người đói ăn và giải cơn khát của con người đối với niềm tin vào con người và vào Đấng Tạo Hóa của vũ trụ”.

Ông nói thêm: “Xứ sở chúng tôi nghèo tài nguyên, nhưng giầu đức tin. Xứ sở chúng tôi nửa là hoang địa, nhưng đã xây dựng được một nền thương mại phồn thịnh nhờ sức mạnh của vốn liếng nhân bản, và một xã hội biết tìm công lý cho mọi trẻ em sinh ra”. Ông thưa với Đức GH rằng: “Cuộc viếng thăm của ngài tại đây đem đến một hiểu biết đầy phúc đức giữa các tôn giáo và gieo rắc hòa bình khắp nơi nơi. Do Thái lịch sử và Do Thái canh tân thẩy đều cùng nhau chào mừng việc ngài tới đây như là để dọn con đường vĩ đại dẫn tới hòa bình từ thành phố này tới thành phố nọ”.

Tại Đài Tưởng Niệm Nạn Nhân Diệt Chủng

Từ phi trường Tel Aviv, Đức GH dùng trực thăng bay tới Giêrusalem, nơi ngài được thị trưởng Nir Barkat nghênh đón. Sau đó, ngài về tòa Đại Diện Tòa Thánh để dùng bữa trưa, rồi tới Yad Vashem, đài tưởng niệm các nạn nhân của Diệt Chủng, đốt lên ngọn lửa tưởng niệm và đặt vòng hoa vàng trắng tại đó.

Ngài vinh danh các nạn nhân, và cho hay: họ sẽ được tưởng nhớ bởi “mọi người nhất quyết không bao giờ cho phép một sự tàn bạo như thế làm ô nhục một lần nữa toàn bộ nhân loại”. Đức GH, sau đó, gặp gỡ một số người sống sót của nạn Diệt Chủng trong một buổi lễ long trọng có sự tham dự của Tổng Thống Peres và chủ tịch quốc hội Reuven Rivlin. Đức Giáo Hoàng phát biểu tại buổi lễ này rằng: “Ước chi nỗi thống khổ của họ không bao giờ bị bác khước, hạ giá hay lãng quên! Và ước chi mọi người thiện chí tỉnh táo trong việc nhổ tận gốc khỏi trái tim con người bất cứ điều gì có thể dẫn tới những thảm kịch như thế này”.

Giáo Hội chống lại sự thống trị của hận thù

Cũng tại Yad Vashem, Đức GH nói rằng “Họ (các nạn nhân) mất mạng sống, nhưng không bao giờ mất tên: tên tuổi họ được khắc ghi mãi mãi trong trái tim người thân yêu, các bạn đồng tù sống sót, và mọi người nhất quyết không bao giờ để cho một tàn bạo như thế này làm ô nhục nhân loại một lần nữa. Trên hết, tên tuổi họ đời đời được định vị trong trí nhớ Thiên Chúa Toàn Năng”.

Trong nghi lễ sau đó với các người sống sót nạn Diệt Chủng, Đức Giáo Hoàng nói rằng: Giáo Hội cảm thương sâu xa đối với các nạn nhân được tưởng nhớ tại đây. Và Giáo hội cũng xích lại thật gần tất cả những ai ngày nay đang chịu bách hại vì nòi giống, mầu da, điều kiện sống hay tôn giáo. Thống khổ của họ là thống khổ của Giáo Hội, và thống khổ của Giáo Hội là hy vọng công lý của họ. “Trong tư cách Giám Mục Rôma và là người kế nhiệm Tông Đồ Phêrô, giống các vị tiền nhiệm của mình, tôi xin tái khẳng định rằng Giáo Hội cam kết dấn thân vào việc cầu nguyện và không mệt mỏi làm việc để bảo đảm rằng hận thù sẽ không còn thống trị trong trái tim con người nữa. Vì Thiên Chúa của Abraham, của Isaac và của Jacob vốn là Thiên Chúa của hòa bình”.


Vũ Văn An