Giăng Câu Thả Lưới


Hôm trước trong buổi chia sẻ giáo lý-Kinh Thánh với cộng đoàn St. Nicholas, có một cô trung niên hỏi tôi:
- Thưa Cha, làm việc bác ái và làm việc tông đồ giống nhau hay khác nhau?

Tôi mới hỏi ngược lại cô ấy về công việc bác ái:
- Một người không Công Giáo có làm việc bác ái được không?
Cả nhà thờ trả lời:
- CÓ!.
- Vậy thì một người có đạo khác làm việc bác ái được không?
Cả nhà thờ lại đồng thanh:
- CÓ!!
- Và một người vô thần không hề biết Chúa hay tin Chúa có làm việc bác ái được không?
Lại một tiếng hô to:
- CÓ!!!

Vậy thì làm sao phân biệt được giữa một việc bác ái bình thường và một việc tông đồ/bác ái Kitô Giáo?

Động lực làm việc bác ái của người Công Giáo chúng ta là gì? Có phải là để cho chúng ta:

· Cảm thấy thoả mãn vì đã làm được việc tốt, cho dù niềm hạnh phúc ấy là hoa quả của việc tốt chúng ta làm?
· Hay chúng ta mong đợi “bánh ít đi, thì bánh qui lại”—tôi làm việc tốt hy vọng người khác cũng làm việc tốt lại cho tôi, “ở hiền, gặp lành”?
· Hay vì sức ép tâm lý gia đình hay xã hội: thấy nhiều người xung quanh làm thì tôi cũng nên làm, như việc giúp cho các nạn nhân thiên tai ở Haiti hay Việtnam chẳng hạn?
· Hay vì muốn tạo uy tín, ảnh hưởng, hoặc chơi một con bài chính trị giữa nước giàu và nước nghèo, “thả con tép, bắt con tôm”?

Cả ba bài đọc Chúa Nhật 5C đều cho chúng ta thấy một chiều kích độc đáo của bác ái Kitô Giáo là một phần của việc tông đồ của mọi người Kitô hữu chứ không riêng gì của các giám mục, linh mục và các nhà tu!

Ông Isaiah diện kiến trước nhan Chúa, lắng nghe được lời chúa gọi để làm tiên tri cho dân Chúa, nhưng vì nhát đảm sợ sệt nên ông chối từ và thưa rằng: “Lạy Chúa con, con chỉ là một người tầm thường với miệng lưỡi ô uế, dơ bẩn, làm sao con xứng đáng nói tiên tri cho Chúa?” Nhưng trong thị kiến ông thấy Chúa sai thiên thần của Ngài lấy than hồng mà “thanh tẩy” miệng lưỡi ông, để từ đó trở đi, ông sẽ trở thành một tiên tri hăng say, can đảm để nói lên: “Lạy Chúa, này con đây, xin hãy sai con đi!” Và ông đã phục vụ vô cùng đắc lực cho Dân của Chúa. Một “thợ chài lưới người” thời Cựu Ước. Hình ảnh than hồng và thiên thần như là một dấu chỉ hướng về “lễ Hiện Xuống của Tân Ước” trong đời ông.

Trong bài đọc hai, ông Phaolô đã nhận rằng: “Tôi là một tông đồ sinh sau đẻ muộn, nhỏ bé, thấp kém nhất; thực ra tôi không xứng đáng được gọi là tông đồ, vì tôi đã bách hại Giáo Hội Chúa. Nhưng nhờ hồng ân Chúa, tôi đã trở thành tôi của ngày hôm nay, và tôi đã không lãng phí hồng ân Chúa dành cho tôi!” Và ông đã trở thành một tông đồ nhiệt thành nhất từ xưa tới nay, đến nỗi nhiều người dám quả quyết rằng: mặc dù chưa được gặp Chúa Giêsu bằng xương bằng thịt bao giờ, ông Phaolô đã biến đổi từ một người bách hại dân Chúa một cách cuồng tín, trở thành một người rao giảng lời Chúa một cách cuồng nhiệt và có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất trong lịch sử truyền bá Đạo Chúa Kitô. Giờ thì quí vị đã biết tại sao anh em linh mục thiện chí như chúng tôi—Lm. Danh & Thái & Thịnh—đã hình thành mục vụ rao giảng lấy tên là “Phaolô Mới”! Chúng tôi muốn noi gương thánh Phaolô để trở thành những “thợ chài lưới người” nhiệt thành để thu phục nhiều “Cá linh hồn” về cho Chúa.

Trong bài Phúc Âm Luca, chúng ta nghe Chúa rao giảng cho đám đông dân chúng một cách say sưa và hấp dẫn. Dân chúng đông đến nỗi Ngài phải từ trên bờ xuống thuyền mà giảng. Hấp dẫn đến nỗi tôm cá cũng kéo nhau đến hàng hàng lớp lớp mà nghe Lời Chúa! Để rồi sau khi nghe giảng thì chính những chú cá kia lại “chịu hy sinh” chui vào lưới để giúp Phêrô và các tông đồ một mẻ cá lớn chưa từng thấy. Nhưng sau đó Phêrô lại thấy tội lỗi và không xứng đáng để hưởng ơn lộc của Chúa. Chắc ông cũng nghĩ rằng mình cũng không xứng đáng để đi theo Chúa Giêsu để mở mang nước Chúa. Kỳ diệu thay, Chúa đã biến Phêrô thành vị Thủ Lãnh của công cuộc “Chài Lưới Người” vào trong Giáo Hội của Chúa. Và sau hơn 2,000 năm toàn thể nhân loại đã có hơn 2 tỉ người tin vào Chúa Giêsu, trong đó có hơn 1,2 tỉ tín hữu Công Giáo trên con thuyền của những đấng kế vị Thuyền Trưởng Phêrô! Một mẻ cá khổng lồ, ngoài sức tưởng tượng của con người. Thử hỏi trên trần gian này có thứ lưới nào chứa đựng được mẻ cá ấy mà không rách!

Thật là một đặc ân, một niềm tự hào và cũng là một nhiệm vụ cao cả của tất cả những người theo Chúa! Chúng ta được Chúa hấp dẫn đến cuồng nhiệt để làm việc tông đồ “chài lưới người” về cho Chúa trên con thuyền của Giáo Hội. Mỗi người Chúa giao cho một khả năng, một dụng cụ, một nghề nghiệp để chúng ta cùng lao vào một cuộc thi đua, một chuyến đi giăng câu, thả lưới, đánh bắt ngày càng nhiều “cá người” cho Chúa ở bất cứ nơi nào chúng ta đi tới. Và đó chính là sự khác biệt giữa công việc bác ái của con người và công việc tông đồ theo Chúa. Chúng ta đang được tham dự vào công việc của Chúa chứ không phải công việc của con người, công việc cứu độ nhân loại chứ không phải công việc nay còn mai mất, một công việc mang tính trường cửu đời đời chứ không phải công việc tạm bợ chóng qua! Thử hỏi, khi nhìn công cuộc rao giảng Tin Mừng dưới lăng kính đó, ai trong chúng ta còn ngần ngại theo Chúa đi “Giăng Câu, Thả Lưới”? Xin mời các bạn hãy lên đường ra khơi với chúng tôi để đi bắt “cá người” với Chúa Giêsu!



St. Nicholas Church, Laguna Woods, California

Tác giả bài giảng: Lm. Trịnh Minh Thái