TOÀ ÁN LƯƠNG TÂM

Ai đã từng sống vùng biển sẽ cảm thấy khó chịu của buổi trưa nóng bức như thế nào. Cái nóng ấy càng tăng nhiệt khi đương đầu với chuyện phân định đất đai. Vào cái buổi trưa nóng bức của Chúa nhật IV mùa Chay sau thánh lễ, sau mục vụ giáo lý lẽ ra được nghỉ ngơi nhưng các cha và một số giáo dân lại phải “dính” vào phần đất đang bị lấn chiếm trước nhà thờ.

Để đưa ra lời chứng cho phần đất đang bị lấn đấy Cha đặc trách đã mời người đứng ra mua đất cho nhà thờ về. Người lấn đất thì lại theo cái lý của mình rằng là đất của tôi mua thế nào tôi xây thế ấy ! Theo lẽ thường, ai cũng muốn công bằng, ai cũng muốn chân lý nhưng sự thật nó đâu có như người ta muốn.

Sau một hồi nghe người đại diện của mình nói và nghe người đang lấn đất nói, bỗng nhiên Cha đặc trách “phán” một câu : “Thôi ! Tuỳ chị ! Cứ theo lương tâm mà chị làm !”. Sau câu nói ấy, Ngài trở về với căn phòng nhỏ trong Giáo điểm của mình.

Vâng ! Cha đặc trách có lối nhìn, lối suy nghĩ và có cái lập trường của Ngài. Đất đai đang bị lấn chiếm ấy không phải của Ngài cũng chẳng phải của tôi hay là của một ai đó nhưng là tài sản của Giáo Hội. Chẳng cần phải giải thích nhiều. Tài sản của Giáo hội dùng để phục vụ cho các công việc mục vụ, phục vụ cho mục đích rao giảng Tin mừng, phục vụ cho ơn cứu độ của Chúa. Và bất cứ ai lấn chiếm hay cướp đất ấy thì chẳng có toà án nào khác ngoài toà án lương tâm mới phán quyết được hành vi của người lấn chiếm.

Biết bao nhiêu vụ án người ta đã tráo trở, đã thay trắng đổi đen, người ta đã gian xảo cạo sửa giấy tờ để giành phần thắng cho mình. Phải đau lòng để mà nói rằng có tiền, có quyền là có tất cả trong những xã hội không có công lý, không có sự thật.

Lật lại lịch sử mà xem, ai ai cũng thấy rõ thực chất “vụ án Giêsu” là gì ? Là công lý, là sự thật, là lương tâm bị bóp méo. Nếu con người ta sống đúng sự thật, sống đúng công lý và Philatô ngày xưa có một chút lương tâm trong sáng thì sẽ không có bản an cho Giêsu thành Nagiaret xưa. Những người cầm quyền trị nước thời Chúa Giêsu đã không còn lương tâm hay tiếng nói lương tâm trong lòng họ đã tắt để rồi một con người vô tội như Giêsu ấy đã phải chết và chết một cách nhục hình.

Gần hơn một chút, nhớ lại một phiên toà tại Napôli vào thế kỷ 19, một Anphongsô với đầy đủ lý chứng trong tay, sự thật và với tài năng của mình nhưng cuối cùng Anphongsô đã thua cuộc. Không thể tin vào toà án của con người, không tin vào con người gian dối nữa Anphongsô bèn chạy đến với Đức Mẹ Chuộc Kẻ Làm Tôi để dâng thanh gươm của nghề luật sư của mình. Bi đát với sự giả trá của con người, sự vô lương của con người, Anphongsô phải thốt lên một câu : “Thế gian ơi ! Ta biết mi rồi !”

Cuối cùng, Anphongsô đã bỏ cái nghề bênh vực cho công lý, cho sự thật để đi theo Đấng Chân Thật thật sự. Theo con người mãi cũng mệt vì con người cư xử với nhau không còn chút lương tâm của con người. Thôi thì theo Chúa cho ăn chắc. Cuối cùng, phần thưởng của Đấng Chân Thật dành cho Anphongsô thật mỹ mãn.

Ngay trong hiện tại, ngày 27 tháng 3 năm 2009, toà án phúc thẩm xét xử 8 bị cáo gọi là “gây rối trật tự xã hội” một lần nữa sẽ ra hầu toà. Chưa biết kết cục ra sao nhưng ngay từ ban đầu, những người có thẩm quyền trong vụ xét xử cư xử làm sao ấy. Luật sư bào chữa cho các bị cáo và thậm chí gia đình của luật sư cũng bị quấy nhiễu. 8 bị cáo cũng như gia đình của 8 bị cáo cũng chẳng được yên thân. Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp mà 8 bị cáo hay lui tới hay các mục tử phụ trách ở đó có được yên thân đâu, cứ đến Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp và gia đình của 8 bị cáo thực hư sẽ rõ. Nói chung là tất cả những ai liên can đến “vụ án giáo xứ Thái Hà” đều được “chăm sóc một cách đặc biệt”.

Nếu thật sự người ta sống theo sự thật, sống theo lương tâm thì chắc chắn những chuyện đàn áp, những chuyện giam giữ, những chuyện khủng bố sẽ không có.

Phiên toà hôm nay xét xử, dù người ta có lập luận như thế nào đi chăng nữa nhưng nếu người ta không dùng tiếng nói lương tâm của mình ra xét xử thì cũng như không.

Nhớ lại cách đây ít năm. Một người ăn cắp 2 con vịt ở An Khánh - Quận 2, bị xử phạt 5 năm tù giam, còn một người khác “vô ý gây thiệt hại tài sản Nhà Nước” hết 5 tỷ mà bị xử phạt 2 năm tù treo. Sự mâu thuẫn này đã được báo chí kêu rêu nhưng cuối cùng người thấp cổ bé họng vẫn chịu thiệt.

Toà gì thì toà không bằng toà lương tâm. Đáng tiếc thay tiếng nói lương tâm nó nằm trong đáy lòng của con người mà nó nằm trong đáy lòng để rồi người ta hay quên hay là giấu thật kỹ khi xét xử anh chị em đồng loại. Khi con người đánh mất lương tâm thì chẳng còn gì để mà bàn, để mà nói nữa.

Sách Giáo lý Công Giáo số 1776 dạy rằng : “Con người khám phá ra tận đáy lương tâm một lề luật mà chính con người không đặt ra cho mình, nhưng vẫn phải tuân theo. Tiếng nói của lương tâm luôn luôn kêu gọi con người phải yêu mến và thi hành điều thiện cũng như tránh điều ác. Tiếng nói ấy âm vang đúng lúc trong tâm hồn của chính con người... Quả thật, con người có một lề luật được Thiên Chúa khắc ghi trong tâm hồn. Tuân theo lề luật ấy chính là phẩm giá của con người... lương tâm là tâm điểm sâu lắng nhất và là cung thánh của con người; nơi đây con người hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Người vang dội trong thâm tâm họ”

Và Giáo lý Công Giáo số 1777, 1778 dạy thêm :

Lương tâm hiện diện trong lòng người và ra lệnh (x. Rm 2, 14-16 ) đúng lúc cho con người làm lành lánh dữ. Lương tâm phán đoán các lựa chọn cụ thể bằng cách tán thành lựa chọn tốt, tố giác lựa chọn xấu (x. Rm 1, 32 ). Lương tâm chứng nhận thế giá của chân lý bằng cách quy chiếu về Thiên Chúa là sự thiện tối thượng, Đấng thu hút và ban mệnh lệnh cho con người. Khi nghe theo tiếng lương tâm, người khôn ngoan có thể cảm nhận được Thiên Chúa đang nói với mình. (1777)

Lương tâm là một phán quyết của lý trí; nhờ đó, con người nhận biết một hành vi cụ thể mình định làm, đang làm hay đã làm, là tốt hay xấu. Trong lời nói và hành động, con người phải trung thành tuân theo điều mình biết là chính đáng và ngay lành. Nhờ phán quyết của lương tâm, con người ý thức và nhận ra những quy định của luật Thiên Chúa.

“Lương tâm là một lề luật của tinh thần con người, nhưng vượt trên con người. Lương tâm ra lệnh, nêu lên trách nhiệm và bổn phận, điều chúng ta phải sợ và điều có thể hy vọng ... Lương tâm là sứ giả của Đấng nói với chúng ta sau một bức màn, dạy dỗ và hướng dẫn chúng ta, trong thế giới tự nhiên cũng như trong thế giới ân sủng. Lương tâm là vị đại diện thứ nhất trong các đại diện của Đức Ki-tô” (Newman, thư gởi quận công Norfolk ) (1778)

Để kết thúc phần lương tâm, Giáo hội mời gọi mỗi người : Mỗi người phải quay về với nội tâm, để có thể nghe được và tuân theo tiếng lương tâm. Ngày nay, việc quay về với nội tâm càng cần thiết hơn bao giờ hết, vì nếp sống hiện đại thường làm chúng ta trốn tránh suy nghĩ, kiểm điểm hay phản tỉnh : “Anh em hãy quay về tự vấn lương tâm ... Hãy quay về với nội tâm. Trong mọi sự anh em làm, hãy nhìn lên Thiên Chúa, Người chứng giám cho anh em”. (T. Âu-tinh, thư Gio-an 8,9)

Tự muôn đời, người theo Chúa – theo Chân Lý – theo Ánh Sáng – theo Sự Thật – theo Lương tâm luôn bị xử ép, luôn bị chà đạp và thậm chí bị giết như Thầy Chí Thánh. Thế nhưng, như Chúa Giêsu đã nói : “Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác, nhưng không thể giết được linh hồn : Các con hãy sợ Ðấng có thể ném cả xác lẫn hồn xuống địa ngục” (Mt 10, 28). Những môn đệ theo Chúa thật sự thì chẳng sợ kẻ giết thân xác như Thầy Chí Thánh đã nói.


Anmai, CSsR